Chúa Nhật VII thường niên - Năm A |
ĐỪNG XEM NHAU LÀ KẺ THÙ |
17-2-2011 PM. Cao Huy Hoàng |
Đất nước hòa bình, gia đình hạnh phúc, luôn là một khát vọng chính đáng của mỗi chúng ta. Gọi là khát vọng chính đáng, bởi vì vẫn luôn là điều phải vươn tới đỉnh tuyệt hảo, phải nỗ lực tìm kiếm , và phải đánh đổi bằng cái giá hy sinh của mỗi người. Bằng không, có thể là chúng ta đang bằng lòng với một loại hòa bình ảo, hạnh phúc ảo. Hòa bình đất nước theo kiểu “khẩu phật tâm xà” hay “cái bắt tay người nầy là cái tát tai người kia” đang nhan nhản trên trường chính trị, đang là đường lối của những chủ trương mang nhản hiệu “xây dựng hòa bình”, không phải là hòa bình ảo đấy sao? Thời gian hòa bình là thời gian để rút kinh nghiệm, để ngẫm nghĩ, để nghiên cứu và để sản xuất những loại vũ khí tối tân hơn cho công cuộc phòng thủ, hay chuẩn bị cho một kế hoạch mưu hại mới …là thời gian hòa bình đúng nghĩa đấy sao? Sự gian tà giả dối ảnh hưởng không ít đến cách sống hạnh phúc của các gia đình. Thiên đàng tình yêu, thiên đàng hạnh phúc nhường chỗ cho một địa ngục của những oán thù: vợ chồng xem nhau như thù địch, con cái oán trách cha mẹ, cha mẹ tìm cách tẩy chay con cái. Thế mà, người ta vẫn đang ung dung diễn vở kịch hạnh phúc trước mắt mọi người. Để mà chi? Có phải để chứng tỏ rằng gia đình hạnh phúc trong một đất nước hòa bình đấy sao? Mỗi ngày có bao nhiêu tin nóng về những vụ thanh toán nhau vì thù tình, thù nghĩa, thù nợ nần, thù ảnh hưởng, thù danh vọng… và cũng không thiếu những chuyện kinh hoàng hơn: thanh trừng nhau vì tranh nhau miếng ăn, mảnh đất, chiếc ghế, chiếc lọng… Ấy là chuyện đời, sòng phẳng như “mắt đền mắt, răng đền răng” hoặc “ác giả, ác báo”. Có phải vì không mảy may dính bén chút luân thường đạo lý chăng? Hay đã có thấm nhuần, nhưng người đời cố tình gác chuyện đạo đức sang một bên để tính cho được những lợi lộc trần thế? Còn chuyện đạo, thiết tưởng để có những gia đình hạnh phúc, đất nước hòa bình, cần thiết có những tâm hồn bình an đích thực. Và bình an đích thực chỉ có được khi người có cái tâm đạo vừa ngay chính thật thà, lại vừa khoan dung độ lượng. Tất cả đều tóm gọn trong luật yêu thương. Sống trong tình yêu thương, khoan dung, thứ tha là sống trong bình an thật . Các Kitô Hữu Công Giáo dịp đầu xuân Tân Mão năm nay, có món quà thật quý giá của Chúa Giêsu ban tặng, đó là: tám mối dẫn đến phúc thật, dẫn đến Nước Hòa Bình, luật yêu thương tha nhân, luật tôn trọng nhân quyền cho xứng với nhân phẩm đã trải ra mấy tuần liền, như một bữa tiệc Xuân thịnh soạn. Và Chúa nhật hôm nay, bữa tiệc Lời Chúa lại thêm một món ngon lạ lùng: “Anh em hãy yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em, như vậy anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt” (Mt 5,44-45). Như một lời suy niệm nhỏ, như một quyết tâm nhỏ khi tôi nghe các em thiếu nhi hát: “Yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ thù. Ai khinh ghét ta là người ta yêu nhất. Không hận thù mà tìm nhau nên thuận hòa. Luôn tha thứ và yêu người như yêu ta. Trên thập giá, Chúa xin tha cho quân dữ. Trong cuộc đời ta thương tha kẻ thù ta”. Vâng, các em hát mà người lớn giật mình, vì việc yêu nhất, cầu nguyện và làm ơn cho người xúc phạm mình, làm tổn thương mình, bách hại mình là một giáo lý lạ lùng nhất. Chính điều lạ lùng ấy là điều kỳ diệu của bản tính Thiên Chúa Trọn lành, mà Thiên Chúa muốn con cái ngài mặc lấy, nhận lấy như một quà tặng để nên trọn lành. Bởi vậy, kết thúc bữa tiệc Xuân Trên Núi, Chúa Giêsu nói: “Các con hãy nên trọn lành như Cha các con trên trời là Đấng Trọn Lành” ( Mt 5, 48 ). Bữa tiệc Lời Chúa kéo dài mấy tuần liền là quà tặng đầu xuân để mỗi tín hữu chiếm hữu một Mùa Xuân Vĩnh Cửu, một Đất Nước Hòa Bình Thiên Thu Vạn Đại, Nước Thiên Chúa. Khác với cái hòa bình ảo trong một thế giới thực, đời sống các tín hữu phải là một đời sống hòa bình thực trong một thế giới tạm thời, chóng qua, nếu không nói là một thế giới ảo. Hòa bình thật là sự bình an của những người có lòng ngay chính thật thà, có khát vọng vươn tới chân lý, có cố công sống đời sống của một tạo vật thượng đẳng có linh hồn, có trí khôn và có nhân tính mặc lấy lòng nhân hậu của Thiên Chúa. Bình an chỉ có nơi tâm hồn không chấp nhất nhưng cảm thông, không trách cứ nhưng tìm cách điều chỉnh cái xấu cho nên tốt, không giận hờn bỏ mặc nhưng khoan dung tha thứ, không xem ai là kẻ thù nhưng cố công xây dựng bình an trong lòng tha nhân, không mưu hại người mưu hại mình nhưng hy sinh cầu nguyện cho họ bỏ đường gian ác mà quay về chính lộ. Nhìn vào cuộc sống thực tế, và gần hơn, thách thức lớn nhất đối với hành trình đức tin của các tín hữu, công giáo, có thể nói, không phải là Đức Tin mà là nỗi day dứt về đức Ái. Những tưởng, các gia đình công giáo phải thật sự có hạnh phúc nhờ liên kết với nguồn tình yêu hiến thân là Chúa Giêsu Kitô, nhưng tại sao còn có những người xem vợ xem chồng mình như kẻ thù, rồi đối xử với nhau cách không còn tình nghĩa: đánh đập nhau, chửi bới, mắng nhiếc, xua đuổi, cách tàn nhẫn? Tôi còn nhớ câu chuyện vui: “Có đám tang đi qua, một chị kia nói: “thấy chồng người ta chết mà ham, thằng mắc dịch nhà mình nó hổng chết mà còn nhậu dài dài, còn đập vợ đập con nữa chứ”. Lại chuyện ông đánh vợ la toáng lên rằng: “sao tôi lại cưới nhằm mụ vợ rất ngăn nắp ở phòng ngủ, lịch sự ở nhà bếp, và rất là lãng mạn ở phòng khách thế nầy chứ? Tôi hỏi bà có còn xem tôi là gì nữa không?”. Chuyện hàng xóm láng giềng nơi những người công giáo, không lẽ cũng mất lòng nhau, gây gỗ nhau, tranh chấp nhau như cơm bữa được sao? Cũng người nầy kiện tụng người kia, người kia âm mưu hại người nọ được sao? Thế thì làm sao mà “người ta thấy việc các con làm mà ngợi khen Cha các con trên trời được”? Lời Chúa hôm nay xoáy mạnh vào tâm hồn mỗi người, mỗi gia đình chúng ta: “Anh em hãy yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em, như vậy anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt” (Mt 5,44-45). Đời sống hôn nhân và gia đình là cơ hội, là môi trường tốt nhất để con người sống tình yêu thương như Chúa đã yêu, sống lòng khoan dung tha thứ như Chúa đã khoan dung tha thứ. Vì thế, thiết nghĩ, đừng xem nhau như kẻ thù, nhưng hãy giúp nhau tránh lầm đường lạc lối nhờ chân lý, giúp nhau nên hoàn thiện nhờ tình yêu, giúp nhau vượt qua cuộc hành trình dương thế nhờ niềm hy vọng, và giúp nhau sở hữu một bình an đích thực nhờ lòng khoan dung tha thứ… Các Gia đình Công giáo được sống trong Giáo Hội “duy nhất thánh thiện công giáo và tông truyền” còn là niềm hạnh phúc lớn lao, khi mỗi tín hữu được sống trong một mái nhà chung chan chứa bình an thật của Thiên Chúa. Và có thể gọi Giáo Hội, mái nhà chung ấy là Nước Thiên Chúa tại trần gian nầy. Lạy Chúa, xin cho chúng con lòng yêu thương và khoan dung của Chúa, để bắt đầu từ tâm hồn bình an trong Chúa, chúng con xây dựng gia đình hạnh phúc, làng xóm an hòa, giáo xứ hiệp nhất, đất nước yên vui và một thế giới chứa chan tình Chúa tình người: Một Nước Thiên Chúa hiển linh trên trần gian nầy, mọi người ngợi khen Chúa trọn lành, trọn hảo. A men |