Chúa Nhật VI thường niên - Năm A
YÊU MẾN VÀ GIỮ LỜI CHÚA
Lm Giuse Đinh lập Liễm

A. DẪN NHẬP.

 

          Thi sĩ Xuân Diệu nói :”Đố ai định nghĩa được tình yêu”. Đúng thế, cho đến nay chúng ta chưa có được một câu định nghĩa nào về tình yêu khả dĩ có thể bao hàm được mọi khía cạnh của tình yêu.  Thi sĩ Hồ Dzếnh cũng chỉ nói được như thế :”Yêu là khó nói cho xuôi, bởi ai hiểu được sao trời lại xanh”.  Thánh Gioan cũng chỉ có thể nói :”Căn cứ vào điều này, chúng ta biết tình yêu là gì : đó là Đức Kitô đã phó mạng vì chúng ta”(1Ga 13,7). Đức Giêsu chỉ khuyên người ta yêu nhau mà không hề định nghĩa tình yêu là gì, vì Ngài không muốn dùng đến những từ ngữ hay những tư tưởng trừu tượng mà chỉ khuyên người ta thực hành tình yêu thôi.

 

          Với những lời tạ từ trong bữa Tiệc ly, Đức Giêsu chỉ dùng những lời thân tình mà khuyên các môn đệ :”Nếu các con yêu mến Thầy, các con hãy giữ các điều răn của Thầy”(Ga 14,15). Nói như thế, Đức Giêsu không chấp nhận một thứ tình yêu trừu tượng, mông lung, hoa mỹ hoặc văn vẻ như trong tiểu thuyết, thi ca hay trong các nghệ thuật thứ bảy. Ngài muốn một tình yêu sinh động và cụ thể đối với Ngài và đối với nhau. Theo đó, tình yêu của chúng ta đối với Ngài là vâng phục theo đường lối của Chúa, tức là tuân giữ các điều răn Ngài truyền, vì chính Ngài đã yêu mến Chúa Cha bằng cách vâng phục và thi hành mệnh lệnh của Cha Ngài (Ga 15,10).

 

          Kitô hữu đích thực là dồn tất cả tham vọng của mình vào việc mô phỏng theo Đức Kitô. Người ta thường nói :”Kitô hữu, đó là Đức Kitô khác : “Alter Christus”. Không có định nghĩa nào chính xác và hay đẹp hơn. Khi đã theo Đức Kitô thì phải đi theo con đường khổ giá mà Ngài đã đi. Tuân theo thánh ý Chúa và giữ các điều răn của Đức Kitô là đang đi trên con đường khổ giá và con đường này sẽ dẫn chúng ta đến vinh quang.

         

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA.

 

          Bài đọc 1 : Cv 8,5-8.14-17.

 

          Các tín hữu của cộng đoàn Giêrusalem bị các người Do thái bách hại đã lánh sang vùng Samaria của dân ngoại. Thầy phó tế Philipphê được sai đến rao giảng Tin Mừng. Dân chúng hoan hỉ đón nhận Tin Mừng này, và tiếng tăm đã đồn đến tai các tông đồ.  Các ngài liền cử ông Phêrô và Gioan  đến đặt tay ban Thánh Thần cho họ  vì họ mới chỉ được chịu phép rửa nhân danh Chúa Giêsu.

 

          Bài đọc 2 : 1Pr 3,15-18.

 

          Thánh Phêrô gửi thư cho các tín hữu đang bị bách hại vì đạo Chúa để chỉ dạy cho họ cách thức thể hiện niềm tin và hy vọng của mình trước mặt lương dân.  Người ta sẽ chất vấn về niềm tin của họ, thì phải trả lời cho họ bằng hai cách sau đây :

          a) Hãy trả lời cho họ bằng những lời lẽ ôn hòa và trong sự kính trọng.

          b) Hãy ăn ở công minh chính trực khiến cho những kẻ bách hại phải xấu hổ vì đã bách hại.

 

          Bài Tin Mừng : Ga 14,15-21.

 

          Đức Giêsu biết trước việc Ngài ra đi sẽ làm cho các môn đệ xao xuyến nên trước khi đi vào cuộc tử nạn, đã yên ủi các ông một cách chân tình. Ngài khuyên các ông hãy yên tâm vì Ngài không để các ông sống chơ vơ như những đứa con mồ côi đâu, Ngài sẽ sai Đấng Phù trợ khác đến ở với họ luôn mãi. Đấng Phù trợ khác mà Chúa Cha sẽ ban cho  đây, chính là Chúa Thánh Thần mà các ông sẽ được lãnh nhận vào dịp lễ Ngũ tuần. Chúa Thánh Thần sẽ làm cho các tông đồâ yêu mến Chúa và thi hành lời Ngài dạy.

 

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA.


                     Yêu nhau trăm sự chẳng nề
 

I NHỮNG LỜI NHẮN NHỦ THÂN TÌNH.

 

          Trong bữa Tiệc ly, sau khi truyền cho các môn đệ phải yêu mến nhau và đặt việc yêu mến nhau  như là dấu chỉ để mọi người nhận ra họ là môn đệ đối với Ngài. Mở đầu đọan trích Tin mừng hôm nay theo thánh Gioan, Đức Giêsu nói :”Nếu các con yêu mến Thầy thì các con sẽ tuân giữ mệnh lệnh Thầy”(Ga 14,15).

 

          Việc yêu mến đó được Đức Giêsu liên kết với việc tuân giữ và thực hành Lời Chúa. Những ai yêu mến Đức Giêsu và giữ Lời Ngài sẽ được ở trong cộng đồng tình yêu của Thiên Chúa :”Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy. Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy và sẽ tỏ ra cho người ấy biết Thầy”(Ga 14,21).

 

          Ở đây cho thấy Đức Giêsu không chấp nhận một thứ tình yêu trừu tượng, chỉ bằng tình cảm mông lung, Ngài chủ trương một thứ tình yêu sống động và được biểu lộ trong sự tuân phục theo đường lối của Chúa, tức là tuân giữ các giới răn Ngài truyền. Chính Đức Giêsu cũng đã yêu mến Chúa Cha  bằng cách giữ các lệnh truyền của Chúa Cha (Ga 15,10).

 

          Lúc này, chắc các môn đệ đã cảm nhận được những việc sắp xẩy ra. Họ hẳn đã cảm nhận được chuyện bi thảm đang tới gần. Nhưng Đức Giêsu đã yên ủi họ :”Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho các con một Đấng bầu chữa khác đến với các con luôn mãi… Thầy không để cho các con mồ côi đâu”(Ga 14, 16.18). Từ ngữ “Mồ côi” dùng ở đây có nghĩa là không có cha, từ ngữ này cũng được dùng để chỉ đám môn sinh, đám học trò mất thầy, mất đi những lời dạy bảo của thầy thân yêu. Lúc Socrate chết, Platon nói về các môn sinh của Socrate rằng :” Họ nghĩ họ sẽ phải sống mồ côi suốt quãng đời còn lại như những đứa con mất cha, và họ sẽ chẳng biết phải làm gì”.

 

          Nhưng Đức Giêsu bảo các môn đệ rằng, trường hợp của họ thì không như thế. Ngài phán : Thầy sẽ trở lại”.  Ngài có ý nói về sự phục sinh và việc Ngài luôn có mặt bên họ sau khi phục sinh. Nhưng sự hiện diện của Ngài không thể dùng giác quan mà thấy nhưng phải dùng con maắt đức tin bởi vì Ngài hiện diện một cách vô hình.

 

          Sau cùng, Đức Giêsu kết luận :”Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới lả kẻ yêu mên thầy… và sẽ được Cha Thầy yêu mến”(Ga 1421). Đây là một mạc khải của Đức Kitô về tình yêu của Chúa Cha.  Mạc khải này cũng hé mở cho ta hiểu thêm  về tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa thật thâm sâu, mật thiết trên mọi bình diện (Ga 4,34; 6,38).
 

II. YÊU NHAU SINH TỬ CŨNG LIỀU.

 

          1. Yêu mến và hành động.

 

          Đức Giêsu luôn yêu thương các môn đệ của Ngài cả khi Ngài vắng mặt. Ngài hứa không để cho các ông sống vất vưởng như những đứa con mồ côi, nhưng sẽ sai Đấng Phù trợ đến ở với các ông để yên ủi, soi sáng, khích lệ và nâng đỡ các ông. Đáp lại, Đức Giêsu cũng đòi buộc các ông phải yêu Ngài. Tình yêu đối với Ngài không phải chỉ là những tình cảm hay một cảm xúc bồng bột nhất thời, nhưng tình yêu này phải được xây dựng trên ý chí,  nghĩa là phải vâng theo lời Ngài, phải thực hiện lời Ngài trong cuộc sống vì ngài đã nói rõ :”Nếu ai yêu mến Thầy thì sẽ vâng giữ lời Thầy” (Ga 14,23).

 

          Chữ “nếu” đây không phải là một việc làm tùy nghi nhưng là một điều kiện thiết yếu, một điều kiện mà tiếng La tinh gọi là “conditio sine qua non”, không có không được. Từ ngữ “nếu” đây liên kết hai vế của “yêu Chúa” và “giữ lời Ngài”, hễ không có vế này thì không có vế kia.  Giữ lời hay giữ giới răn không phải là một loạt những điều tùy nghi trong nhiệt tình tình yêu của chúng ta hướng về Chúa Kitô. Đây thậm chí không phải là một điều logic : nếu tôi yêu mến Chúa Kitô, tôi phải giữ các giới răn của Ngài. Tiếng “nếu” liên kết chặt chẽ hơn lòng chúng ta yêu mến Chúa Giêsu với cách ăn ở của chúng ta trong cuộc sống : tôi chỉ yêu thương khi tôi vâng lời Ngài bởi vì tình yêu thực sự, cụ thể của tôi chính là đều mà tôi làm. Nhưng thất bại của chúng ta có nguồn gốc tại đây : từ chối hiểu rằng tình yêu không phải là một từ, một giấc mơ, cũng như một nhịp đập của tim, mà là một cách cư xử (André Sève,  Tin Mừng Chúa nhật, năm A, tr 164).

 

          Tình yêu phải thể hiện ra bằng việc làm cụ thể, chính việc làm ấy mới bảo đảm cho tình  yêu thật.  Nếu yêu mà không thể hiện bằng hành động thì tình yêu chỉ ở trên đầu môi chóp lưỡi, hay chỉ là một cảm xúc nhất thời. Hành động đó phải được thể hiện ra trước mặt người yêu để người ấy vui lòng, và hành động theo ý người mình yêu ngay cả khi người ấy không có mặt.  Nếu không người ta sẽ nói :
 

Thương thương nhớ nhớ thương thương,

Nước kia muốn chảy mà mương chẳng đào.

                                                      (Ca dao)

 

          Trong cuốn sách The Living Stone có một câu truyện như sau : Jonathan làm được những việc phi thường, phần lớn vì hấp thụ được từ vị thầy khả kính. Ngày vị thầy này sắp lìa trần, ông cho gọi Jonathan trở về để gặp thầy lần cuối. Jonathan hy vọng thầy sẽ truyền cho bí quyết đặc biệt mà suốt đời thầy còn cất giữ.  Nhưng lời trăn trối cuối cùng của ông chỉ vỏn vẹn mấy chữ :”Hãy hành động vì lòng mến”.

 

          Trong Tin Mừng mà Giáo hội cho chúng ta lắng nghe hôm nay, Đức Giêsu trước khi giã biệt các môn đệ, Ngài cũng nhắn nhủ các ông về điều căn bản của lòng mến :”Ai nghe và vâng giữ giới răn của Thầy, người ấy là kẻ yêu mến Thầy”. Đức Giêsu không đòi những kẻ yêu mến Ngài phải có những rung động thuộc cảm tính, dù rằng đó cũng là điều qúi gía cho phép chúng ta tin tưởng rằng chúng ta đang yêu mến Chúa. Tuy nhiên một tình yêu đúng nghĩa là luôn  tìm cách  làm đẹp lòng người yêu, sẵn sàng cho đi tất cả, chứ không dừng lại ở những rung cảm của thân xác phần nào nói lên tính vị kỷ của mình (Mỗi ngày một tin vui,  Phục sinh, tr 253).

 

          Với thánh Gioan, chỉ có một cách để trắc nghiệm tình yêu thương là sự vâng lời. Đức  Giêsu đã chứùng minh Ngài yêu Chúa Cha bằng sự vâng lời.  Ông  Barett nói :”Thánh Gioan chẳng bao giờ cho phép biến tình yêu thành một thứ cảm xúc. Tình yêu được bộc lộ dưới tính cách đạo đức, bầy tỏ ra bằng sự vâng lời”.

 

          Chúng ta biết nhiều người chỉ yêu thương qua đầu môi chót lưỡi, đồng thời lại làm cho những người họ yêu phải đau đớn, khổ tâm. Có những thanh thiếu niên bảo chúng yêu thương cha mẹ, nhưng lại gây buồn khổ, lo âu cho cha mẹ. Có những ông chồng bảo yêu vợ, có những bà vợ bảo yêu chồng, nhưng lại hay cộc cằn, gắt gỏng, thô lỗ, nhỏ nhen, vô tâm vô tính, làm cho chồng hay vợ mình phải đau khổ.  Vớùi Đức Giêsu, tình yêu thương chân thật không phải là điều dễ dàng, tình yêu chân thật chỉ có thể chứng minh bằng “sự vâng lời chân thật”.

 

          2. Hành động như thế nào.

 

          Một người nọ đã từng trông thấy một thiên thần đi bộ xuống phố, tay cầm bó đuốc, tay kia cầm xô nước. Người ấy liền hỏi :”Ngài làm gì với bó đuốc và xô nước vậïy” ? Vị thiên thần đột ngột đứng lại nhìn vào người ấy nói :”Ta sẽ thiêu rụi các tòa nhà trên trời bằng bó đuốc và sẽ dập tắt lửa hoả ngục bằng xô nước. Lúc đó chúng ta sẽ thấy được ai là kẻ thực sự yêu mến Thiên Chúa”.  Chủ ý của vị thiên thần muốn nói là nhiều người vâng theo lệnh Chúa là vì sợ hỏa ngục hoặc vì hy vọng phần thưởng Nước Trời. Họ không giữ huấn lệnh ấy vì yêu thương như Đức Giêsu đã nêu ra trong  Tin Mừng hôm nay :”Nếu các con yêu mến Thầy, các con sẽ vâng giữ lời Thầy”.

 

          Có hai loại tình yêu : tình yêu vô vị lợi hay vị tha và tình yêu vị lợi hay vị kỷ.

 

          a) Tình yêu vô vị lợi.

 

          Đây là thứ tình yêu vị tha, một thứ tình yêu chỉ biết cho đi, chỉ lo tìm hạnh phúc cho người yêu, tình yêu không so đo tính toán, tình yêu quảng đại; và tình yêu vị tha lên đến chóp đỉnh là sẵn sàng chết cho người mình yêu như Chúa Giêsu đã nói :”Không có tình yêu nào lớn bằng tình yêu của người chết cho người yêu” (Ga 15,13).  Tình yêu này là tình yêu của Thiên Chúa dành cho loài người và đã được thực hiện nơi đức Giêsu chịu treo trên thập giá.

 

          Người đời cũng nói lên được một phần nào thứ tình yêu vô vị lợi ấy :

 

Yêu anh cốt rũ xương tàn,

Yêu anh đến thác vẫn còn yêu anh.

                   hoặc :

Yêu nhau mỗi thứ mỗi cho,

Ghét nhau thì mảnh quạt mo cũng đòi.

                                               (Ca dao)

 

Truyện : cha Maximilien Kolbe
 

          Cha Maximilien Kolbe làm gương cho chúng ta về cung cách sống của người môn đệ Chúa: Một buổi sáng cuối tháng 7 năm 1941 tại trại tập trung Oswiccim của Đức quốc xã, có một người vượt ngục, 10 người khác bị xử thay vào. Các nạn nhân run rẩy bước ra, đứng không vững, khiếp đảm, không dám kêu la, trừ một người kêu ré lên “Ôi vợ và các con tôi”.

          Hàng trăm dẫy tù nhân xếp hàng dài im thin thít, hú hồn vì chưa phải tên mình, không một ai dám cựa quậy. Bỗng từ dãy tù nhân bên trái, một người gầy guộc rời hàng bước về phía viên trưởng trại. Mọi người nín thở : chuyện chưa từng có ! Viên trưởng trại đặt tay lên súng :

          - Anh muốn gì ?

          - Tôi muốn chết thay một người trong bọn họ.

          Viên trưởng trại sửng sốt. Y tưởng mình nghe lầm. Nhưng không, người kia thực sự xin được chết thay cho người có vợ và các con đang đợi ở nhà.  Sau mấy câu gượng gạo, viên trưởng trại nhượng bộ, chấp nhận lời yêu cầu. Kẻ tình nguyện đó chính là Maximilien Kolbe, một Linh mục công giáo.  Cha đã được Đức thánh Cha Gioan-Phaolô II phong thánh ngày 10.10.1982 tại Roma.

 

          b) Tình yêu vị lợi (vị kỷ).

 

          Đây là thứ tình yêu trá hình, Đối tượng của tình yêu không phải là người được yêu mà là chính mình. Người yêu chỉ lợi dụng người được yêu để tìm lợi ích cho mình, cho hạnh phúc của riêng mình ; còn người được yêu chỉ là phương tiện được dùng để người yêu khai thác. Tình yêu trá hình này đã được nhà thơ ngụ ngôn La Fontaine diễn tả trong câu truyện con thỏ và con cọp.

 

          Câu truyện đó là con cáo không may bị rơi xuống hố sâu, không cách nào lên được. May thay, một con cọp đi qua, con cáo xin cứu đưa lên.  Con cọp tỏ ra thương hại muốn cứu vớt nhưng với điều kiện : khi lên bờ cáo phải chịu cho cọp ăn thịt. Cáo đồng ý. Cọp nhảy xuống hố. Cáo nhảy lên lưng cọp và nhảy ngay lên bờ, biến mất.  Cọp lên bờ buồn rầu than :”Chị đã thương em đến thế mà em không biết ơn”.

 

          Như vậy, cọp đâu có thương con cáo, chỉ biết thương mình thôi, đã thương sao lại còn đòi ăn thịt cáo ?  Con người chúng ta đôi lúc cũng vậy. Nhiều khi việc làm của chúng ta có vẻ lo cho người khác, nhằm ích lợi cho người khác, tạo hạnh phúc cho họ, nhưng trong thực tế, họ chỉ có một tình yêu giả tạo. Tình yêu đó được người ta gói ghém trong câu ca dao :

 

Thương thay những kẻ quạt mồ,

Hại thay những kẻ lấy vồ đập săng.

                                                    (Ca dao)

 

          3. Thái độ của ta đối với Chúa.

 

          Nếu thánh Giacobê nói :”Đức tin không có việc làm là đức tin chết” thì chúng ta cũng có thểû nói được : tình yêu mà không được thể hiện ra bằng hành động cụ thể thì chỉ là thứ tình yêu trên mây gió, một tình yêu èo uột, một tình cảm phớt qua, có khi là một tình yêu trá hình, giả tạo. Tình yêu chân thật đòi hỏi hy sinh như Pierre l’Ermite nói :”nếu biết tình yêu có chân thật hay không, hãy bỏ tình yêu vào máy ép, nếu nó tiết ra chất hy sinh vô vị lợi, đó là tình yêu thật”.

 

          Thánh Gioan tông đồ nói :”Căn cứ vào điều này, chúng ta biết tình yêu là gì : đó là Đức Kitô đã phó mạng vì chúng ta”(1Ga 3,16). Nếu yêu là hy sinh, mà giữ luật Chúa là hy sinh, thì yêu là giữ luật Chúa. Tam đoạn luận này rất chặt chẽ, nó nối kết giữa việc yêu Chúa và giữ luật Chúa lại với nhau. 

 

          Vậy giữ giới răn Chúa là gì ?  Giữ giới răn Chúa, nói nôm na ra là giữ đạo, là sống đạo, sống nhân đức tin mà Chúa ban cho chúng ta ngày chịu phép Rửa tội.  Chúa nhắc lại đến hai lần :”Nếu các con yêu mến Thầy, các con hãy giữ giới răn của Thầy”, và sau đó Ngài thêm :”Các con là bạn hữu của Thầy nếu các con thực hành điều Thầy truyền dạy”.

 

          Qua lời mời của Chúa, chúng ta thấy rằng giữ giới răn, sống đạo, có thể có hai tâm trạng và hai thái độ : một là giữ đạo vì vụ lợi, giữ đạo cho có lệ gọi là có ; hai là giữ đạo vì yêu mến Chúa... Chắc chắn ai cũng giữ đạo vì yêu Chúa, yêu Chúa là chính, còn các mục tiêu khác chỉ là phụ tùy.  Đối với từng người, tình yêu đối với Chúa cũng có cấp độ nên việc giữ giới răn cũng có cấp độ. Ta tạm chia thành ba cấp :

 

          * Một là có đạo : Những người đã được chịu phép rửa tội đều được gọi là có đạo vì họ đã được thanh tẩy, đã được gia nhập Hội thánh Chúa.  Nhưng họ sống hời hợt , chỉ có danh nghĩa là Kitô hữu, còn cuộc sống của họ nhiều khi như người ngoại đạo, thậm chí tệ hơn nữa, họ sống như người vô thần. Có những người chỉ đến nhà thờ 3 lần trong đời họ : ngày chịu phép rửa tội, ngày lễ hôn phối và ngày lễ an táng.

 

          * Hai là giữ đạo : Những người này là những Kitô hữu bình thường, giữ luật Chúa, thi hành các bổn phận của một người Kitô hữu như đọc kinh, xem lề, xưng tội rước lễ, ăn chay kiêng thịt ...không có gì đáng trách trong việc giữ đạo... Nhưng họ chỉ sống theo mức bình thường, mức tối thiểu, chưa vươn lên cao hơn.

 

          * Ba là sống đạo : Những người này là những người sống trọn nhiệm vụ của những người Kitô hữu bình thường, nhưng họ còn vươn lên cao hơn, cuộc sống của họ là chứng nhân, những hiện thân của Chúa Kitô. Họ xứng đáng được gọi là Alter Christus. Cuộc sống của họ đã trở nên muối và ánh sáng cho đời. Họ thực hiện lời Chúa Giêsu đã phán :”Sự sáng của các con phải chiếu tỏa ra chung quanh để người ta trong việc lành các con làm mà phải ngượi khen Cha các con ở trên trời”.