Chúa Nhật V thường niên - Năm A
MUỐI
SƯU TẦM

Mahatma Gandhi (1869-1948), vị thánh của những người Ấn giáo, đã đấu tranh giành lại độc lập và tự do cho Ấn Độ bằng đường lối ôn hòa bất bạo động, đã nói: “Nếu tôi đã hân hạnh gặp được một người nào là Kitô hữu chân thực, có lẽ tôi đã trở nên một người Kitô hữu ngay lập tức”. Nếu mẹ Têrêsa đã sống vào thời Gandhi, ông đã trông thấy mẹ ở thành phố Calcutta, và có lẽ ông đã trở thành một người Công giáo. Một vị thánh giống như Mẹ Têrêsa là một người có đời sống làm cho người khác phải tin vào Thiên Chúa. Chính mẹ Têrêsa đã sống và đã định nghĩa: “Kitô hữu là người trao ban chính bản thân mình”.

Hôm nay trong bài Phúc âm, vai trò của người Kitô hữu trên trần thế được Chúa Giêsu định nghĩa bởi hai tiếng: Muối và Ánh sáng. “Các con là muối đất cho đời. Nhưng muối mà nhạt đi, thì lấy gì muối nó cho mặn lại?... Các con là ánh sáng cho trần gian, một thành xây trên núi không tài nào giấu được”.

Theo William Barclay, khi Chúa Giêsu nói: “Các con là muối cho đời”, Ngài đã sử dụng một lối diễn tả đặc biệt bằng cách ca ngợi sự vĩ đại nhất dành cho một con người. Đó là nhấn mạnh đến sự hữu ích và phẩm giá của một người. Thời xưa muối rất có giá trị. Người Hy Lạp coi muối như thần linh. Trong một câu ngạn ngữ bằng tiếng Latinh, người Lamã đã nói: “Nil utilius sole et sale” – “Không có gì hữu ích hơn là mặt trời và muối”. Trong thời Chúa Giêsu, muối được nối kết với ba đức tính cao quí của con người: sự thanh khiết, bảo trì, và khẩu vị.

Người Lamã nghĩ rằng muối là vật thanh khiết vì nó đến từ sự thanh khiết nhất đó là mặt trời và biển cả. Do đó muối là của lễ đầu tiên được dâng cúng cho các thần, và khi kết thúc một ngày, những lễ vật của người Do Thái được dâng lên với muối. Nếu người Kitô hữu là muối, ắt hẳn phải là một gương mẫu của sự thanh khiết.

Thời cổ xưa, muối là một phương tiện phổ thông nhất để giữ cho đồ ăn khỏi bị hư thối. Plutarch đã dùng một lối diễn tả lạ lùng khi nói rằng thịt là một xác chết. Xác chết đó sẽ thối, nếu để nó y như vậy. Nhưng muối bảo trì và giữ nó tươi. Do đó muối giống như một linh hồn mới được đưa vào trong một thân xác đã chết. Muối giữ cho thịt khỏi bị mục rữa. Nếu người Kitô hữu là muối, ắt hẳn phải có một ảnh hưởng chống lại những điều độc hại giống như vi trùng trong cuộc sống.

Nhưng đặc tính vĩ đại và hiển nhiên nhất của muối là làm cho món ăn đậm đà và ngon miệng. Đồ ăn thiếu muối sẽ trở nên nhạt nhẽo. Giống như muối làm cho lương thực trở nên ngon, người Kitô hữu cũng tạo nên khẩu vị thơm ngon cho cuộc đời.

Thế nhưng điều trái ngược đã xảy ra trong lịch sử. Người ta đã đổ lỗi cho Kitô giáo đã làm mất hương vị của cuộc sống. Ngay sau khi hoàng đế Constantine trở lại đạo và biến Kitô giáo thành tôn giáo của đế quốc Lamã, đến thời hoàng đế Julian lên ngôi, ông lại muốn đưa các thần linh xưa kia trở lại, và phàn nàn rằng: “Các bạn có nhìn kỹ vào những người Kitô hữu này chưa? Con mắt lõm sâu, đôi má tái mét nhợt nhạt, bộ ngực xẹp lép; chúng ủ ê một cuộc sống vô hồn, chẳng ồn ào tham vọng: mặt trời chiếu rọi cho họ, nhưng họ không nhìn thấy; trái đất cống hiến đầy đủ cho họ, nhưng họ chẳng ước muốn gì; tất cả những điều mong muốn của họ là từ bỏ mọi sự và chấp nhận đau khổ cho đến chết”.

Thực ra không phải vì Kitô giáo đã trở nên bi quan yếm thế, làm mất đi sự sinh động của cuộc đời, nhưng bởi hoàng đế Julian quá dính bén với cuộc sống trần thế vật chất này và đã trở nên sa đọa!

Theo các nhà chú giải Thánh Kinh, người Do Thái dùng muối được lấy ra từ hai nguồn cung cấp. Một là từ các bờ biển sản xuất muối có chất lượng cao cho việc nấu nướng đồ ăn, gọi là muối biển. Người đầu bếp chỉ việc ném cục muối to vào nồi đồ ăn, rồi nếm thử, nếu đã vừa miệng thì lấy cục muối ra. Nó có thể được sử dụng vài lần, từ từ sẽ trở nên lạt, và giảm dần sự mặn mà.

Nguồn cung cấp muối thứ hai đến từ Biển Chết – biển mặn nhất trên trái đất. Nhưng muối lấy từ Biển Chết có pha trộn nhiều khoáng chất hỗn hợp khác. Khi phần muối đã tan ra, nó không còn là cục muối nữa, mà chỉ là một cục khoáng chất vô dụng. Sau cùng chỉ ném ra ngoài đường “cho người ta chà đạp dưới chân”.