Chúa Nhật III thường niên - Năm A
SỐNG ĐỨC TIN
SƯU TẦM

Vị linh mục tuyên úy hỏi người thủy thủ trẻ tuổi: “Ai đã dẫn đưa bạn tới Chúa Giêsu Kitô?” Anh ta chần chừ suy nghĩ, vì nghĩ rằng phải sử dụng tên tuổi của những nhà giảng thuyết trứ danh, bèn hỏi lại vị tuyên úy: “Thưa cha, chắc không cần phải là người giảng thuyết chứ?” Rồi anh nói tiếp: “Đó là sự thực hành của mẹ con”. Hầu hết chúng ta đã đón nhận đức tin từ cha mẹ. Khi lớn lên không bao giờ thắc mắc rằng chúng ta đã không phải là Kitô hữu. Chúng ta giữ đức tin trong khi được dạy cách làm dấu, đọc kinh Lạy Cha, đi nhà thờ dự lễ… học cách thức chào hỏi, lễ phép bởi cha mẹ, thầy cô nơi trường học. Do đấy, tất cả mọi người trong gia đình, cộng đoàn hay xã hội đều được mời gọi đóng góp vào sứ mạng “ngư phủ bắt người”. Bạn có tin được không, ngay cả con chó cũng có thể dẫn đưa một người về với Đức Kitô.

Một ông lão không bao giờ để ý gì tới Thiên Chúa, hay đời sống tinh thần, nhưng vợ ông lại là một Kitô hữu rất đạo đức. Bà đã cầu nguyện cho chồng nhiều năm, nhưng dường như lời cầu xin của bà chưa được đáp trả vì ông không bao giờ chịu đến nhà thờ chung với bà. Người đàn bà đạo hạnh đáng thương này đi lễ hằng tuần với một con chó già. Nó đi theo bà vào nhà thờ, rồi phủ phục nằm im dưới gầm ghế ngồi. Khi người đàn bà chết, con chó có vẻ buồn bã lắm. Một vài lần, lão già chú ý thấy con chó rời nhà vào một giờ nhất định, rồi trở về đúng giờ. Một buổi sáng Chúa nhật, ông lão đi theo con chó xem nó đã đi đến đâu. Con chó dường như có vẻ hứng khởi và vui vẻ khi có người cùng đi với nó dọc theo lối bộ hành cho đến cửa nhà thờ. Ông lão ngừng lại khi thấy nó nhanh nhẹn nhẩy lên những bậc thềm rồi đứng chờ ông ở cửa nhà thờ. Sau khi đứng lại nghỉ ngơi giây lát, chưa quyết định phải làm gì, ông lão tự nhủ: “Vào nhà thờ theo con chó cũng được. Đâu có hại gì!” Ông đã vào nhà thờ, đi theo con chó đến ngay chỗ vợ ông vẫn thường ngồi. Nhớ đến vợ, ông ngồi xuống và lắng nghe. Chúa nhật kế tiếp, ông lão lại đi đến nhà thờ với con chó trung thành của ông. Dần dần, người ta đã thấy ông ở trong nhà thờ ngay chỗ vợ ông vẫn thường ngồi với con chó nằm thinh lặng dưới gầm ghế. Sau cùng ông đã tham gia cộng đoàn và cho phép Tin Mừng thấm nhập vào cuộc đời ông.

Phúc âm hóa là công trình biến đổi con người trở nên giống hình ảnh của Chúa Kitô. Đó là công việc giải thoát con người khỏi tội lỗi. Sách Giáo lý Công giáo số 900 mời gọi chúng ta trong vai trò “ngư phủ bắt người” này như sau: “Cũng như tất cả các tín hữu đều được Thiên Chúa ủy nhiệm cho việc tông đồ, vì đã lãnh nhận phép rửa tội và phép thêm sức, các giáo dân có nghĩa vụ và có quyền lợi làm việc, từng cá nhân hoặc từng nhóm lại thành các hiệp hội, để sứ điệp cứu độ của Thiên Chúa được mọi người trên trái đất biết tới và đón nhận”.