Chúa Nhật III thường niên - Năm A |
ĐẤNG CỨU ĐỘ CHÚNG CON |
Suy niệm của André Sève |
ĐỨC KITÔ Ở NƠI NÀO MÀ KHÔNG CÓ AI BỊ LOẠI TRỪ CẢ Matthêu thích tạo nên những toàn thể. Trước khi cống hiến cho chúng ta Bài Giảng Trên Núi đầy ấn tượng, ngài tổng hợp công việc truyền giáo của Chúa Giêsu trong cái bước đầu nhiều sóng gió, trong đó cái nhìn khám phá ra những chân trời càng ngày càng rộng lớn hơn. (Tôi đọc đến đoạn 23 bởi vì cắt đứt một bố cục hoàn toàn như vậy là điều đáng tiếc). Động thái thứ nhất: Chúa Giêsu lui về Galilê, rời Nagiarét để lấy Caphanaum làm cơ sở hoạt động và bắt đầu giảng dạy. Động thái thứ hai: Chúa Giêsu đi trên bờ hồ và nói với bốn người: “Hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho các con trở thành những kẻ đánh lưới người. Từ bỏ tất cả, họ theo Ngài”. Thế là khai sinh một Giáo Hội có bản chất truyền giáo. Động thái thứ ba: Ngài rảo “khắp” miền Galilê. “Khắp” là từ mấu chốt. “Danh tiếng của Chúa Giêsu đồn ra khắp miền Syri; người ta đem đến cho Ngài tất cả những ai đau ốm; rất nhiều người theo Ngài”. Tầm nhìn không ngừng mở rộng ra và lời trích dẫn tiên tri Isaia rất có ý nghĩa: “Galilê của các dân tộc!”. Galilê là ngã ba đường nơi có nhiều người qua lại, người ngoại giáo sống lẫn lộn với người Do Thái. Trong khi xác định rằng Chúa Giêsu chọn Galilê để truyền giáo, Matthêu muốn lưu ý ngay tầm vóc của sự cứu độ của Đấng Cứu Thế. Trước tiên được dành riêng cho người Do thái, sự cứu độ sẽ lan tỏa tới tất cả mọi người. “Ánh sáng đã xuất hiện trên những người ngồi trong bóng tối và sự chết”. Trước khi lắng nghe chi tiết những lời nói của Chúa Giêsu trước khi xem Ngài hành động, sự suy niệm của chúng ta cần phải có tầm cỡ cần thiết để không bao giờ thu hẹp bất cứ cái gì thuộc về sự cứu độ. Tôi không biết đã đọc ở đâu: “Chúa Kitô ở nơi nào mà không có gì đóng kín, nơi mà không có người nào bị loại trừ”. Tôi vui mừng, nhưng sau đó cảm thấy nực cười: trong lịch sử, nhân danh chính Chúa Kitô, có biết bao nhiêu là bức tường và biết bao nhiêu sự loại trừ. Những người trẻ tuổi khó mà hiểu được những chia rẽ giữa những người Kitô hữu và những hình thức loại trừ. Ít nhất trên đểm này họ là những người thầy của chúng ta do sự cảm nhận Tin Mừng tế nhị hơn của họ. Biết bao lần tôi đã nghe những người Kitô hữu ở tuổi trưởng thành tỏ ra khinh bỉ một loại người nào đó. Họ nói “Bọn họ!”. Giống như thể có những người được Chúa thương riêng, những người Công Giáo và nhất là những người hành đạo, sau đó là vô số người bị Chúa quên lãng, những người mọi rợ, những quái nhân, những kẻ vô luân, những kẻ không tin có Chúa. Không, “không tin có Chúa” chỉ có nghĩa khi nói về những người từ chối Thiên Chúa (nhưng họ từ chối Thiên Chúa nào?). Trước mặt Chúa, chỉ có những con cái của Ngài mà thôi. Điều này có khó chấp nhận hay không? Do đâu mà có sự loại trừ cuồng nhiệt như thế? Có thể là do quan niệm “dân tộc được chọn” ít được giải thích cho sáng tỏ. Ở đây, tôi sẽ không tránh né một câu hỏi làm tôi luôn bối rối: ‘tại sao có sự chọn lựa của Thiên Chúa’. Tôi thường gặp câu hỏi này trong những bài phỏng vấn tôi, khi thì dưới dạng một sự khắc khoải, khi thì đầy tức giận. Người ta nói với tôi: ‘Bạn được sinh ra trong một gia đình Công Giáo, còn tôi được sinh ra trong một gia đình cộng sản triệt để vô thần. Do đó bạn có đức tin, còn tôi thì không. Tại sao Chúa của bạn cho những người này tất cả còn những người khác thì không cho gì hết?’. Tôi không trả lời được. Tôi không biết tại sao thế giới được chia ra thành người Do Thái, người Kitô hữu, người Hồi Giáo, người Phật Giáo, người theo thuyết không thể biết và người vô thần. Tôi có thể nói lên hai điều. Trước hết khẳng định rằng Chúa ban tất cả hoặc không ban gì hết là sai. Những điều Ngài cho thì khác nhau và Ngài để cho những khác biệt đó hoạt động. Tạo vật của Ngài là một thế giới những sự khác biệt. Những nơi nào có con người hiện hữu thì nơi đó Chúa để mắt nhìn đến người đó. Ngài ban cho người đó những ơn sủng phù hợp với điều người đó làm nhằm hoàn thành nhiệm vụ làm người của họ, cho dù người đó sống vào thời kỳ nào, ở đâu và có nền văn hoá nào. Tiếp đến, tất nhiên đã có một dân tộc được chọn: dân tộc Do Thái. Và một dân tộc thứ hai được chọn, đó là những người Kitô hữu nối tiếp dân tộc Do Thái (Matthêu nhấn mạnh rất nhiều trên sự liên tục này). Chúa Giêsu là Đấng Cứu thế được các sứ ngôn loan báo. Ngài là Môisê mới của một dân tộc không biên giới. Người Kitô hữu chỉ được cứu độ để trở thành những kẻ cứu độ, để trở thành những dấu chỉ của sự cứu độ của Chúa Giêsu Kitô được trao ban và được sống bằng nhiều cách mà không có kẻ nào bị loại trừ cả. Ý tưởng Thiên Chúa là Cha của tất cả mọi người sẽ giúp chúng ta tránh được việc co mình lại cố thủ và loại trừ. Chúng ta chỉ có quyền gọi Chúa Giêsu là “Đấng Cứu độ chúng con” nếu điều đó muốn nói với chúng ta: Đấng Cứu độ mọi người. Trong miền Galilê của các dân tộc đã bắt đầu một sự quy tụ mà không ai có quyền giới hạn cả. |