Chúa Nhật II thường niên - Năm A
CHIÊN THIÊN CHÚA
SƯU TẦM

Ngọn núi Mount Rushmore, tọa lạc trên những rặng đồi Black Hills của tiểu bang South Dakota, nổi tiếng vì có những bức điêu khắc khổng lồ khuôn mặt của bốn vị tổng thống Hoa Kỳ: George Washington, Thomas Jeffrson, Abraham Lincoln và Theodore Roosevelt. Mỗi bức tượng đầu người có chiều cao khoảng 18 mét, và toàn thể cấu trúc cao tới 1945 mét, trên mặt đất. Phải mất 14 năm để thực hiện công trình này. Khi được hỏi ông đã thực hiện công trình này như thế nào, điêu khắc gia Gutzon Borglum trả lời với một ánh mắt sáng ngời: “Ôi, những bức hình đó đã ở đấy 40 triệu năm nay rồi. Tất cả những điều tôi phải làm là cho nổ mìn 400.000 tấn đá để mọi người nhìn thấy chúng mà thôi”.

Chúng ta, là những người con cái của Thiên Chúa cũng đã hiện diện trong tâm trí Ngài từ ngàn đời. Từ đời đời, Ngài đã tạo nên chúng ta và cứu chuộc chúng ta qua Đức Giêsu Kitô.

William Barlay, nhà chú giải Thánh Kinh rất được ưa thích hiện nay, có lần đã nói rằng có hai ngày quan trọng nhất trong đời người: “Ngày chúng ta được sinh ra và ngày chúng ta khám phá ra tại sao chúng ta đã được sinh ra”.

Trong bài Phúc âm hôm nay, Gioan Tẩy Giả nói về ngày ông đã biết tại sao mình được sinh ra. Đó là khi: “Tôi đã nhìn thấy Thánh Thần như chim bồ câu từ trời đáp xuống và ngự trên Người… Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần”. Lý do Gioan được sinh ra là để loan báo và sửa soạn cho dân chúng đón nhận “Chiên con của Thiên Chúa xóa tội lỗi trần gian”.

“Như thế Gioan tỏ cho thấy Chúa Giêsu vừa là người Đầy Tớ Đau Khổ, im lặng, để người ta dẫn tới lò sát sinh gánh tội lỗi của nhiều người, vừa là chiên con của lễ Vượt Qua, biểu tượng của sự cứu chuộc của Israel… Tất cả cuộc đời của Chúa Kitô nói lên sứ mạng của Ngài: “Phục vụ và thí mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người”.

Con chiên là một con vật hiền lành được nuôi ở nông trại để xén lông làm áo len. Thịt nó rất thơm ngon. Con trừu khi còn nhỏ gọi là con chiên (lamb), lớn lên gọi là trừu hay cừu (sheep).

Con chiên, ngoài đặc tính cụ thể là cho len và thịt, nó còn tượng trưng cho sự hiền lành, thanh khiết và vô tội. Có lẽ vì những đặc tính này, qua một hình thức có tính cách biểu tượng, người ta đã đặt tội lỗi lên con chiên để hiến dâng cho Thiên Chúa như một lễ vật. Vào ngày lễ Vượt Qua, người Do Thái đã chọn một con chiên đực mang đi giết, ăn thịt chiên quay để tưởng nhớ cuộc giải phóng khỏi tình trạng nô lệ bên Ai Cập xưa kia.

Tại Werden nước Đức, có một con chiên bằng đá được đặt ngay trên nóc nhà thờ. Câu chuyện kể lại rằng, xưa kia có một ông thợ đang sửa lại mái nhà thờ. Thình lình sợi dây đai an toàn bị đứt, ông bị rơi ngã xuống đất. Khu vực phía dưới xung quanh nhà thờ chất đầy gạch đá. Nhưng may mắn cho ông, có một con chiên đi ăn cỏ, lạc vào khu vực nhà thờ. Ông đã rơi xuống ngay trên mình con chiên. Con chiên bị chết ngay tại chỗ, nhưng ông thợ đã sống sót. Sau đó người thợ này đã tạc một con chiên bằng đá, đặt trên mái nhà thờ để nhớ ơn con chiên đã cứu mạng sống của mình.

Giống như con chiên không những hiền lành, lại còn cung cấp món ăn ngon, Chúa Giêsu đã mang lấy tội lỗi của nhân loại, Ngài còn trở nên lương thực nuôi dưỡng linh hồn chúng ta qua bàn tiệc Thánh Thể.

Trích lại lời của Công đồng Vatican, sách Giáo lý Công giáo số 1323 nói rằng: “Trong bữa tiệc sau hết, đêm bị nộp, Đấng Cứu Chuộc chúng ta đã thiết lập Hy Tế Tạ Ơn bằng Mình Máu Người, để nhờ đó Hy Tế Khổ Giá kéo dài qua các thời đại cho tới khi Người lại đến, và cũng để ủy thác cho Hiền Thê yêu quý của Người là Giáo Hội việc tưởng nhớ cái chết và sự sống lại của Người: đây là bí tích tình yêu, dấu chỉ hiệp nhất, mối dây bác ái, bữa tiệc Vượt qua “trong đó khi lãnh nhận Chúa Kitô, tinh thần ta được tràn đầy ân sủng, và bảo chứng cho ta, một vinh quang tương lai”.

Sách Khải Huyền của thánh Gioan còn diễn tả sự cử hành phụng vụ ở trên trời với một vị ngự trên ngai. Đó là Đức Chúa Trời. Rồi người ta thấy Chiên Con bị sát tế đứng đó: Đó là Chúa Kitô chịu đóng đinh trên thập giá và đã phục sinh. Ngài vừa là Đấng tế lễ, và bị hiến tế, là Đấng ban và được ban phát.

Mang hình ảnh của con chiên hiến tế, Chúa Giêsu Đấng được chỉ định phải đến để xóa tội trần gian và mang lại sự sống cho chúng ta trong Bí tích Thánh Thể. Vậy thái độ đáp trả của chúng ta là gì?

Con Chiên Thiên Chúa mang tội lỗi của chúng ta đi, với điều kiện chúng ta phải sẵn sàng từ bỏ tội lỗi của mình ra để cho Ngài mang đi. Chiếc xe hốt rác sẽ không giúp ích gì được cho dân chúng nếu họ không chịu đem rác ra để ở nơi đã chỉ định. Đôi khi lấy tội lỗi ra khỏi chúng ta cũng giống như lấy đồ chơi ra khỏi trẻ con. Trẻ em thường không muốn vứt bỏ đồ chơi đi, nếu chưa chán. Nếu chúng ta đã quen vui vẻ thoải mái với tội lỗi đến nỗi nghĩ rằng mình không thể sống mà không có nó, cũng như trẻ con không thể sống mà không có đồ chơi, thì Đức Giêsu cũng không thể nào lấy tội lỗi đi cho chúng ta được! Chính chúng ta phải từ bỏ trước.

Các nhà đạo đức thường ví tình trạng tội lỗi như một vũng bùn sình lầy đen đũi, thối tha và dơ bẩn. Nhưng những con trâu lại thích đằm mình vào đó trong những buổi trưa hè nóng nực. Bởi nó mang lại sự mát mẻ và thoải mái. Sống trong tình trạng tội lỗi cũng như thế, chúng ta không muốn đứng lên từ bỏ vũng bùn tội lỗi mà cất bước ra đi, chỉ vì sợ mất khoái cảm thoải mái, cho dù biết rằng nó xấu xa tội lỗi. Bước khởi sự cho việc từ bỏ đàng tội lỗi là lòng ăn năn sám hối với sự hoán cải và đổi mới đời sống.