Chúa Nhật II thường niên - Năm A
CHIÊN THIÊN CHÚA
Chú giải của Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt

CHÚ GIẢI CHI TIẾT

"Này là Chiên của Thiên Chúa": Người ta bảo rằng cái lập luận vững vàng bênh vực lập trường "Con chiên Vượt Qua tiên trưng con Chiên mà Gioan Tẩy Giả làm chứng ở đây" phát xuất từ chính thánh sử, từ chính trình thuật Tử nạn (19, 36-37). Vì theo thời biểu của Gioan, Chúa Giêsu chết vào chính lúc hoàn tất nghi thức sát tế chiên dành cho bữa ăn Vượt qua trong Đền Thờ. Người ta lại còn phỏng đoán Gioan đã thay đổi thời biểu với chủ ý ngầm bảo độc giả rằng Chúa Kitô chịu sát tế thay thế chiên Vượt Qua của Cựu Ước.

Từ ngày khám phá các thủ bản ở Biển Chết, vấn đề thời biểu trên lại được tranh luận hơn nữa. Nhưng hình như có thể bỏ qua. Thật vậy, lời giải thích mà chính thánh sử đưa ra về các hoàn cảnh của cái chết Chúa Giêsu tự nó đã dứt khoát. Đặc biệt ông thấy việc không bẻ gẫy xương (Ga 19,36b) và nhát lưỡi đòng (Ga 19, 37b) là dấu hoàn thành một sấm ngôn Cựu Ước. Người ta bảo bản văn đầu đưa ta về lại một chi tiết đặc biệt trong pháp chế liên hệ đến chiên Vượt Qua trong Xh 12, 46 và Ds 9, 12. Nhưng ta cũng có thể thấy đó là một câu trích dẫn Thánh Vịnh 34, 2. Thật vậy, bản văn Gioan tương hợp với bản văn Thánh vịnh hơn nhiều. Lại nữa, ngoại trừ câu 19,37 (= Dcr 12, 10), 6 câu trích dẫn khác trong phần 2 của Gioan đều xuất phát từ sách Thánh Vịnh. Nhận xét này cho ta một dấu hiệu đáng lưu tâm. Ngoài ra, ý tưởng được trình bày trong Thánh Vịnh đặc biệt ăn khớp với bản văn ta đang nghiên cứu và với toàn thể thần học Gioan. Thật vậy, Thánh Vịnh quả quyết Giavê sẽ bảo vệ người công chính bị bách hại, đến nỗi chẳng một xương nào của ông bị dập gãy. Trong Ga 19, Chúa Cha không để cho thân xác Chúa Giêsu ra hư hoại do việc đánh gãy xương, vì nó cần phải nguyên vẹn để được phục sinh. Vào giờ chết, trong lúc Chúa Giêsu xem ra hoàn toàn bị ruồng rẫy, thì Chúa Cha không bỏ rơi Người: Gioan thích diễn đạt tư tưởng ấy (8,29; 16,32). Cái ý tưởng sự chết dẫn đến chiến thắng đó cũng nằm trong câu trích dẫn Dcr 12,10. Bản văn Hy Bá nguyên thủy kém sáng sủa, nhưng câu trích dẫn trong Gioan không có gì mơ hồ. Các kẻ đâm Chúa Giêsu sẽ phải nhìn lên Người, như nhìn một vị chiến thắng, để đón nhận từ Người, từ cạnh sườn họ đã đâm thâu, ơn cứu độ nhờ nước và máu, biểu tượng của phép Thanh Tẩy và Thánh Thể.

Thành thử hai câu trích dẫn của Ga 19, 36-37, điều hợp với nhau, hình như không đưa ta đến sự song đối kiểu mẫu với con chiên Vượt Qua; trái lại chúng ám chỉ tới khuôn mặt người Tôi tớ đau khổ và được tôn vinh nhờ nỗi khổ đau của mình.

"Đấng khử trừ": Động từ Hy Lạp airoin có nghĩa là nâng lên và do đó có nghĩa là mang lấy, gánh lấy trên mình hoặc mang đi, cất đi, làm biến đi. Ga thường sử dụng động từ theo nghĩa sau cùng (x. 2, 16; 5, 8- 12; 10, 18; 1 Ga 3, 5).

"Tội thế gian": Kiểu nói số ít này nhắm toàn thể các tội lỗi của thế gian trong trương độ và hàm súc của chúng.

KẾT LUẬN

Cho đám đông tội lỗi mà ông đã dẫn đến chỗ ý thức các tội phạm của mình cùng ao ước một sự thanh tẩy đích thực mà phép rửa bằng nước của ông không thực hiện được, Gioan giới thiệu Chúa Giêsu như kẻ được chỉ định để ban ơn cứu độ thiêng liêng đích thực bằng cách thực hiện các sấm ngôn về người Tôi tớ khổ đau: "Đây là Chiên Thiên Chúa, Đấng khử trừ tội thế gian” hay nói cách khác: đây là người Tôi tớ thời danh của Thiên Chúa, Đấng sẽ chấp nhận từ bàn tay Thiên Chúa, cách ngoan ngoãn và vô tội như một con chiên, mọi thử thách cần thiết để cứu rỗi các tội nhân.

Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG

1. Gioan Tẩy Giả nói đến một người tên là Giêsu. Đấy chẳng có gì lạ lùng, mặc dù đức tin của ta vào Chúa Kitô thường hay bỏ quên mầu nhiệm nhập thể. Khi nghĩ tới Người, ta dễ hình dung ra một loại nhân vật thần thoại, không phải người cũng chẳng phải Thiên Chúa, hoàn toàn đứng riêng ra, thoát khỏi sự truyền nhiễm của tội ác, là do đấy được ưu đãi đến độ không còn gì chung với chúng ta nữa. Thế mà, khởi điểm của chứng tá ta nghe hôm nay chính là: con người Giêsu ấy đã được sinh ra từ một người nữ như bao kẻ khác, "đã được Thiên Chúa nắn đúc từ lòng mẹ” như Isaia xác định (49,5), vì sự che chở đặc biệt không bớt đi tí gì thực tại nhân loại của Người. Nhưng con người ấy có một định mệnh đặc biệt: Isaia sẽ gọi Người là "Tôi tớ". Gioan Tẩy Giả còn cho Người tước hiệu lạ kỳ hơn: "Chiên Thiên Chúa". Và ông làm điều ấy một cách cụ thể, rõ ràng: khi Chúa Giêsu đi qua, Gioan Tẩy Giả chỉ Người mà bảo: "Đây là Chiên Thiên Chúa".

2. Hai thành ngữ "Tôi tớ" và "Chiên Thiên Chúa", dù trông khác nhau, đều nói lên rằng Chúa Giêsu sẽ vừa là Đấng vô tội vừa bị con người trừng phạt như một tội nhân. Khi gọi Người như vậy, Isaia và Gioan Tẩy Giả muốn công bố sự công chính, đức vâng phục lệnh Thiên Chúa và định mệnh hy lễ cứu chuộc của Người. Trong thư của ông, Phêrô sẽ nói "máu của Người châu báu như máu con chiên vô tật vô tì" (1Pr 1,19). Chúa Giêsu là người công chính sẽ trả nợ cho nhân loại, sẽ bị vây bắt, hành hạ và giết chết bởi những kẻ Người đến cứu vớt. Khi gọi Người như Con Chiên và Tôi tớ của Thiên Chúa, hai vị ngôn sứ đều muốn bảo Người là kẻ thừa kế, là kẻ thực hiện mọi lời Thiên Chúa đã hứa với các tổ phụ.

3. Đó là điều Gioan Tẩy Giả khám phá lúc bấy giờ khi giải thích cho ta hay làm sao ông đã "nhận biết" Chúa Giêsu. Dù là anh em họ, ông đã không biết Người trong chính thực thể của Người. Nhưng Chúa Thiên Chúa đã cho ông một dấu hiệu: "Ngươi thấy Thần khí đáp xuống và lưu lại trên ai, thì chính Người...". Và Gioan đã tuyên bố: tôi đã thấy Thần khí, như một chim câu, từ trời đáp xuống và lưu lại trên Người. Rồi tiếp đó ông thản nhiên bảo: tôi đã thấy và xin đoan chứng: chính người là “Tuyển nhân của Thiên Chúa". Việc mô tả Chúa Giêsu dần dà trở nên rõ hơn dưới sự linh ứng của Thiên Chúa: "Chúa Giêsu là Tuyển nhân của Thiên Chúa". Về sau thánh Phaolô sẽ gọi Người là "Chúa chúng ta, Chúa của họ cũng như của chúng ta" (1Cr 1,2). Kể từ lời khẳng quyết này, các từ ngữ không thể đi xa hơn nữa và trí óc của ta chỉ còn có thể tìm những tiếng tương đồng, những thành ngữ cắt nghĩa được nhiều hay ít những gì vừa nói mà thôi.

4. Chúa Giêsu là một con người, một ngươi công chính bị hiểu lầm, bị khai trừ và sau cùng bị giết bỏ; và Đấng công chính ấy là Chúa của nhân loại. Đó là lời khẳng định chính yếu ban bố cho ta hôm nay, một lời khẳng định dị thường đến nỗi khó tưởng tượng rằng có một ai khác đã sáng tác ra, trừ phi được chính Thiên Chúa soi sáng.

5. Gioan Tẩy Giả lại giải thích điều ấy trong một ngôn ngữ khá lạ lùng. Ông nói đến Đấng tới sau ông. Đó là Chúa Giêsu, trẻ hơn ông một chút, nhưng chưa ai biết tên tuổi, trong lúc ông, Gioan, đã nổi tiếng như cồn khắp xứ Palestine và đã thành công rực rỡ. Đấng ấy vượt lên trước ông, vì Người ngày càng trở nên quan trọng trong lúc ông, với nhiệm vụ giới thiệu Người, sắp dần dần lui vào bóng tối. Phải như vậy "vì Người đã có trước tôi". Thành ra không phải nhờ nhân đức, quyền năng chữa bệnh hay tài hùng biện của Người, nhưng là nhân bản tính của Người vậy. Mặc dầu sinh sau Gioan, Chúa Giêsu đã hiện hữu trước ông. Gioan biết điều đó nhờ một ơn soi sáng đặc biệt và ông đã nói ra cho mọi người.

6. Gioan Tẩy Giả dùng hai thành ngữ khác nhau để nói về sứ mệnh của Chúa Giêsu: "Người khử trừ tội thế gian" và "Người thanh tẩy trong Thánh Thần". Người khử trừ, Người cất đi tội lỗi như thể đó là một gánh nặng, một chướng ngại. Ngôn ngữ của vị ngôn sứ này gởi lên hình ảnh Chúa Kitô đến thực hiện một cuộc giải phóng và cho thấy con người như thể bị giới hạn trong tư tưởng hay trong hành động bởi những trở ngại nặng nề cản ngăn họ đi đến cùng đích số mệnh. Vì thế Chúa Kitô đến cất đi các xiềng xích đang trói buộc trái tim con người trong ích kỷ, tham vọng, chai đá, nhục dục, ghen tương, oán hờn, thụ động. rồi "Người thanh tẩy trong Thánh Thần". Chúng ta biết rằng hạn từ "thanh tẩy" có nghĩa là: dìm sâu.

Chúa Kitô sắp tái tạo con người bằng cách dìm nó trong Thần khí Thiên Chúa, bằng cách làm cho nó thấm nhuần Thánh Thần của Ngài. Nhờ vậy, con người sẽ được biến đổi một cách sâu xa; ta có thể bảo rằng sở dĩ nó được cứu, là vì nó đã bị hủy tiêu và thay thế bằng một kẻ khác dầu sao vẫn tốt hơn chính nó.

7. "Phần tôi, tôi đã không biết Người". Câu này giúp ta nhìn sâu vào định mệnh Gioan Tẩy Giả. Vị Tiền hô đã làm việc, đã rao giảng một thời gian lâu dài, trong ý thức đơn sơ là vâng theo một sứ mạng, thế mà chẳng biết Đấng mình loan báo. Phải chăng đó là một trong những nét của ơn gọi đích thực? Ai có sứ mệnh dọn đường cho Chúa Kitô đến trong một tâm hồn, trong một môi trường, trong thế giới, đừng tưởng rằng mình sẽ biết chắc Chúa Kitô đứng đấy. Không! Phải nhẫn nại làm việc trong đức tin và để mặc Chúa chọn thời cơ thuận tiện để biểu lộ dấu chỉ của việc Thần khí đáp xuống. Nếu lòng trung thành nhẫn nại của Gioan Tẩy Giả sau cùng đã được ân thưởng bằng thị kiến ở sông Giođan, thì lòng trung tín của ta cũng sẽ được ân thưởng bằng một sự hiểu biết ngày càng sống thực hơn về Chúa, và sau cùng bằng thị kiến diện đối diện với Đấng mà chúng ta vẫn hằng mong gặp.