Chúa Nhật II thường niên - Năm A |
CHIÊN THIÊN CHÚA |
Lm. Mark Link S.J. |
Trong sách Samuel quyển hai, tiên tri Nathan có kể cho Vua Ðavit nghe câu chuyện sau: Hai người nọ là công dân trong cùng một thành phố. Một người thì giàu có và thế lực, người kia thì nghèo xơ, cô thân cô thế. Gã giàu nọ có một đàn chiên đông đến nỗi gã đếm không xuể, đang khi anh nghèo nọ chỉ có một chú chiên chỏ xíu. Tuy nhiên, những đứa con của anh nghèo nọ rất thương con chiên ấy và chơi đùa với nó suốt ngày. Chúng mang nó đến cả bàn ăn và chia cho nó phần thức ân ít ỏi của mình. Nathan kể rằng lũ trẻ còn dạy cho con chiên uống nước trong tách nữa và chú chiên ta thật chả khác nào một thành viên trong gia đình. Một ngày nọ, anh chàng giàu phải tiếp đãi một vị khách quan trọng đến thăm hắn. Hắn chẳng muốn giết bất cứ con chiên nào của mình để đãi khách cả. Vì thế hắn truyền cho đám tôi tớ chạy qua nhà anh chàng nghèo nọ, bắt con chiên của anh ta đem giết để đãi khách. Câu chuyện gây xúc động về sự độc ác của gã giàu nọ đó là một trong những hình ảnh của Gioan Tẩy Giả mường tượng trong tâm trí khi ngài đưa ngón tay xương xẩu chỉ vào Chúa Giêsu và nói với các đệ tử của mình: "Ðó là Chiên Thiên Chúa" (Ga 1: 29). Câu chuyện của Nathan về con chiên cưng của anh chàng nghèo nọ chắn chắn thích hợp để áp dụng vào trường hợp Chúa Giêsu. Chúa Giêsu cũng rất được yêu thương. Và Ngài cũng bị đám người độc ác giết chết cách tàn bạo. Tuy nhiên, trong tâm trí thánh Gioan có một hình ảnh khác khi ngài đưa ngón tay chỉ vào Chúa Giêsu và nói: "Ðó là Chiên Thiên Chúa". Hình ảnh đó là hình ảnh những con chiên bị sát tế mỗi ngày trong đền thờ. Thiên Chúa đã phán với Moisê trong sách Xuất Hành như sau: "Suốt thời gian sắp tới, mỗi ngày các ngươi hãy hiến tế trên bàn thờ hai con chiên tuổi được một năm, một con hiến tế vào buổi sáng, con kia vào buổi chiều." (Xh 29: 38-39) Việc hy tế trong đền thánh được thi hành từ năm này qua năm khác, ngay cả trong thời kỳ rất đói kém, là thời thực phẩm rất hiếm hoi và nhiều người dân bị chết đói. Khi chỉ vào Chúa Giêsu và nói: "Kia là Chiên Thiên Chúa, Ðấng xoá tội trần gian", Gioan đang hình dung trong trí mình những con chiên hy tế được dâng lên mỗi sáng, mỗi đêm trong đền thờ để xoá tội cho dân. Thực ra, Gioan đang nói với các đệ tử mình: "Mỗi ngày chúng ta dâng chiên trong đền thờ vì tội lỗi chúng ta, nhưng chỉ có Thiên Chúa mới có thể cứu chúng ta khỏi những tội lỗi này". Trước Gioan Tẩy Giả rất lâu, các tiên tri đã nói về người tôi tớ kỳ nhiệm của Chúa một ngày kia sẽ chịu đau khổ và chết như một con chiên... Isaia đã mô tả cái chết đau thương của người tôi tớ này trong chương 53: 7-8 như sau: "Người đã bị đối xử tàn tệ, nhưng vẫn khiêm tốn chịu đựng, như một con chiên sắp bị đưa tới lò sát sinh, Người không hề thốt ra một lời. Người bị bắt, bị tuyên án và bị dẫn tới chỗ chết... Người đã phải chết vì tội lỗi chúng ta". Những lời của tiên tri Giêrêmia cũng rất phù hợp với con người Chúa Giêsu. Trong chương 11 câu 19, Giêrêmia viết: "Tôi giống như con chiên trung tín bị đem đi giết, và tôi không hề biết họ đang trù tính những điều độc ác chống lại tôi". Vì thế tước hiệu "Chiên Thiên Chúa" gợi lên hai hình ảnh sống động. Thứ nhất là hình ảnh của tình yêu và lòng trìu mến như chúng ta đã thấy trong câu chuyện của Nathan kể về gã giàu có và anh chàng nghèo nọ. Thứ hai là hình ảnh sự đau đớn và hy sinh như chúng ta thấy trong việc sát tế chiên trong đền thờ và trong trường hợp người tôi tớ đau khổ của Thiên Chúa. Tuy nhiên, Chiên Thiên Chúa còn gợi lên một hình ảnh sau cùng. Chúng ta tìm thấy hình ảnh này trong sách Khải Huyền. Tác giả này áp dụng cho Chúa Giêsu tước hiệu "Chiên Thiên Chúa" không dưới hai mươi tám lần. Tác giả vẫn giữ lại những ghi chú về tình yêu, sự trìu mến cùng nỗi đau khổ và hy sinh, nhưng còn thêm vào đó những ghi chú về vinh quang và khải hoàn nữa. Một ví dụ rất hay về điểm này nằm nơi chương 5 của sách trong đó tác giả mô tả thị kíên của mình về con chiên ngự ở trên ngai. Con chiên được muôn dân vây quanh hát ca khen ngợi bằng bài hát sau: "Ngài đã bị giết và nhờ cái chết hy tế của Ngài, Ngài đã mua chuộc họ về cho Thiên Chúa muôn người thuộc mọi bộ lạc, mọi ngôn ngữ, mọi quốc gia và mọi chủng tộc. Ngài đã biến họ thành vương quốc tư tế để phụng sự Thiên Chúa chúng ta" (Kh 5: 9-10) Bấy giờ các thiên sứ cùng hợp với đám người vây quanh ngai. Tác giả sách Khải Huyền viết tiếp: "Tôi lại ngước nhìn và nghe tiếng các thiên thần, số thiên thần lên tới hàng ngàn triệu! Họ đứng chung quanh ngai và hát to lên: "Con Chiên bị giết đáng được lãnh nhận... Danh dự, vinh quang và tán tụng!... Tán tụng và danh dự, vinh quang và quyền năng đều thuộc về Ngài muôn đời muôn kiếp" (Kh 5: 11-13) và tất cả mọi người đứng quanh ngai hô to: "Amen". Tóm lại, tước hiệu "Chiên Thiên Chúa" gợi lên ba hình ảnh sống động: hình ảnh thứ nhất về lòng trìu mến và tình yêu đối với con chiên, hình ảnh thứ hai về nỗi khổ đau và hy sinh mà con chiên gánh chịu, hình ảnh thứ ba là vinh quang và tán tụng dành cho con chiên. Không có gì đáng ngạc nhiên khi Chúa Giêsu có rất nhiều tước hiệu như "Ánh sáng trần gian", "Mục tử nhân lành", "Bánh hằng sống"... mà chỉ có tước hiệu "Chiên Thiên Chúa" là tước hiệu duy nhất được dùng trong Thánh lễ. Chẳng hạn, ngay trước khi rước lễ, chúng ta thường hợp ca bài "Lạy Chiên Thiên Chúa". Giây phút rất đặc biệt ấy trong Thánh lễ tiên báo giây phút chung cục của thời gian, khi tất cả muôn dân hiệp cùng các thiên sứ hát lên khúc hát này dâng lên Chúa Giêsu, là Chiên vĩnh cửu của Thiên Chúa. "Ngài đã bị giết, và nhờ cái chết hy tế của Ngài, Ngài đã chuộc về cho Chúa muôn người thuộc mọi bộ lạc, mọi ngôn ngữ, mọi quốc gia, và mọi chủng tộc. Người đã biến họ thành các vương quốc tư tế để phụng sự Thiên Chúa chúng ta... Con Chiên bị giết đáng được lãnh nhận... danh dự, vinh quang và tán tụng!... Tán tụng và danh dự, vinh quang và quyền năng đều thuộc về Ngài muôn đời muôn kiếp! Amen" |