Chúa Nhật XXXII thường niên, Cung Hiến Thánh Đường Latêranô |
HÃY
TRỞ NÊN ĐỀN THỜ SỐNG ĐỘNG CỦA THIÊN CHÚA |
Lm. Phêrô Lê văn Chính |
Lễ cung hiến đền thờ Latêranô thành đền thờ của Kitô giáo diễn ra
lần đầu tiên vào ngày 9 thánh 11 năm 324, khi Đức giáo hoàng Sylvester
thánh hiến đại giáo đường được xây dựng trên nền móng cung điện
Latêranô. Theo lịch sử, khi hoàng đế Constantinô trở lại, ông đã dâng
tặng cung điện này cho Giáo hoàng và truyền xây dựng toà cung điện này
được tặng cho giáo hoàng làm nơi ở riêng và một thánh đường được xây
dựng tại đây đặt tên Thánh đường Chúa Cứu thế. Chẳng bao lâu sau, đại
giáo đường này trở nên Mẹ của các nhà thờ ở Rôma và Phương Tây Kitô
giáo. Ban đầu khi thánh hiến, thánh đường được đặt tên là Đại giáo đường
Đấng cứu thế của chúng ta, nhưng vào thế kỷ thứ 12 được đổi tên lại là
đại giáo đường Gioan latêranô. Nhà thờ chính toà của Rôma này mau chóng
trở nên nơi họp của nhiều công đồng và bởi vì là nhà thờ chính toà của
Rôma và là giáo phận mẹ, nên những người Kitô hữu mặc dù ở bên ngoài
Rôma cũng được vui mừng vì đặc ân của các bí tích là nguồn ân sủng từ
ngôi nhà thờ chính toà này.
Câu chuyện Tin mừng mô tả Đức Giêsu, vì lòng nhiệt thành nhà Chúa
thiêu đốt, đã hành động quyết liệt, đánh đuổi những người buôn bán ra
khỏi đền thờ: “lòng nhiệt thành nhà Chúa thiêu đốt tôi”. Lòng nhiệt
thành này không chỉ là để thanh tẩy đền thờ vật chất, tức là đuổi những
người buôn bán ra khỏi đền thờ, mà còn là nhằm cho dân chúng biết sống
trung tín với giao ước với Thiên Chúa. Đối với những người do thái, đền
thờ có giá trị lớn lao, đền thờ là nơi để dâng lễ tế lên Thiên Chúa, là
nơi Thiên Chúa ngự trị hiện diện với dân Chúa, dấu chỉ hợp nhất của toàn
dân. Vì thế Chúa Giêsu muốn những người do thái phải nhận thức giá trị
cao cả của Đền thờ để đừng tục hóa và làm mất ý nghĩa thiêng thánh liên
hệ quyết định tới mỗi người trong họ. Trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa
Giêsu còn hướng đến một ý nghĩa trọn vẹn và quyết định hơn, người ngụ ý
chính đền thờ thân thể người sẽ trở nên đền thờ mới quyết định, thay thế
đền thờ bằng gổ đá mà con người làm ra. Người nói rằng chính người sẽ là
Đền thờ mới, hiến lễ mới, dấu chỉ mới của việc Thiên Chúa hiện diện giữa
dân người, dấu chỉ mới của sự hợp nhất của Dân Chúa, nơi mà Thiên Chúa
tuôn tràn mọi nguồn ơn cứu độ.
Lòng nhiệt thành của người sau cùng dẫn tới chỗ người phải chịu
chết trên thập giá, đón nhận cái chết thập giá, một cái chết tủi nhục vì
đòn vọt tra tấn nhưng có sức mạnh biến đổi chính con người của người
thành Đền thờ đích thực. Ý nghĩa của điều Chúa Giêsu ám chỉ là điều lớn
lao mà chúng ta cần nhận thức rõ. Chúa Giêsu ám chỉ thân mình người là
đền thờ mới. Đây không chỉ là điều ngạo ngược, nhưng là một thực tại mới
mẻ trọn vẹn. Làm sao để thực tại trọn vẹn này được thực hiện nơi chính
thân mình của người gồm thân xác và linh hồn. Người nghĩ không phải đền
thờ gổ đá mà chính thân mình của người trọn vẹn gồm có thể xác và linh
hồn mới là đền thờ đích thực, tức là nơi Thiên Chúa hiện diện đích thực,
đầy tràn ân sủng và Thánh Thần. Chỉ có đón nhận cái chết hiến tế trên
thập giá, cái chết hạ mình và đầy tình yêu đối với Cha và mọi người thì
người mới thực sự trở nên đền thờ đích thực của Thiên Chúa. Qua cái chết
hiến tế thập giá này, thân xác và linh hồn của người được biến đổi để
trở nên Đền thờ đích thực bởi vì chính thân xác và linh hồn của người
được Chúa Cha đón nhận, biến đổi và phục sinh vào ngày thứ ba để đưa vào
sự sống mới và trở nên nguồn ân sủng cứu độ thực sự.
Những bài đọc và ý nghĩa của lễ này nhắc nhở chúng ta là chúng ta không
chỉ cử hành một tòa nhà, nhưng là cử hành thực tại sống động mà toà nhà
tượng trưng là chính thân mình của Chúa Giêsu là Đền thờ đích thực. Cũng
như đền thờ ở Giêrusalem đã là biểu tượng của căn tính của Israel, thì
đền thờ mới này là biểu tượng
của căn tính của Giáo hội, là thân mình của Chúa Giêsu nơi có sự sống
sung mãn của Thiên Chúa luôn tuôn trào để nuôi dưỡng đời sống của chúng
ta. Giáo hội là thân mình sống động của Chúa Giêsu, thực tại toàn vẹn
của sự hiện diện của Thiên Chúa giữa dân người, là nơi qui tụ mọi người
nên một trong Thiên Chúa.
Lễ Cung hiến đền thờ Latêranô ở Rôma quả thực là lễ của Sự sống.
Đền thờ Giêrusalem đã là chỗ trung tâm trong đời sống tôn giáo của
Israel, nhưng Đức Giêsu loan báo một Sự sống mới còn dồi dào phong phú
hơn nữa, chính thân mình của người là đền thờ đích thực sẽ được trỗi dậy
sau ba ngày bị mai táng trong mồ. Thân mình của Đức Giêsu là đền thờ
đích thực, nơi thực sự của mọi nguồn ân sủng mà Thiên Chúa ban tặng cho
con người. Tiên tri Êzêkien cũng hình dung Sự sống này, một sự sống dồi
dào, tuôn trào từ chính đền thờ. Ngài hình dung một dòng nước chảy ra từ
bên phải đền thờ, và dòng nước này chảy đến đâu thì mang lại sự sống ở
đó: nhiều loại cá sinh sống trong dòng nước chảy này, và hai bên bờ sẽ
có nhiều loại cây trái mà lá và trái của nó sẽ không bao giờ cạn. Đây là
những hình ảnh cụ thể để nói đến sự sống dồi dào sung mãn được ban tặng
từ chính Đền thờ đích thực là thân mình của Chúa Giêsu. Thánh Phaolô
cũng nói tới thực tại của người tín hữu. Họ là đền thờ của Thiên Chúa và
có Thánh Thần ngự trị. Họ phải sống xứng đáng với thực tại cao cả mà họ
được ban tặng và kêu gọi. Họ là đền thờ được xây dựng trên nền móng là
Đức Giêsu Kitô, nên họ không có quyền để cho đền thờ Thiên Chúa nơi họ
ra hư hoại. Theo ý nghĩa này, lễ này là cử hành của chính sự sống của
chúng ta và sự sống mà chúng ta nhận từ Thiên Chúa qua Giáo hội. Lễ này
của Mẹ Giáo hội nhắc nhở chúng ta lòng nhiệt thành sẽ thiêu đốt chúng ta
khi chúng ta dâng hiến cuộc đời mình như Đức Giêsu đã làm và sống Sự
sống mới được ban tặng cho chúng ta bởi Chúa Cha qua người Con một Thiên
Chúa chịu hiến tế thập giá, sự sống này giờ đây cũng biến đổi chính con
người chúng ta, làm cho trọn vẹn con người của chúng ta là thể xác và
linh hồn cũng được biến đổi để được tham dự vào đền thờ đích thực là
thân mình của Chúa Giêsu và thực sự trở nên đền thờ của Thánh Thần.
Chúng ta thường nghĩ tới những nhà thờ lớn như là những cấu trúc
bền vững, phải có những biến cố lớn của thiên nhiên (như hỏa hoạn hay
động đất) hay một hành động cố ý của con người (như bỏ bom) mới tiêu hủy
những đền thờ này. Nhưng đã đến lúc chúng ta cần nghĩ đến Đền thờ đích
thực là thân mình của Chúa Giêsu, và mỗi người chúng ta cũng được mời
gọi trở nên đền thờ đích thực nhờ đón nhận sự sống của Chúa Giêsu. Chính
sự sống tuôn trào này sẽ lần hồi biến đổi con người của chúng ta, gồm cả
thể xác và linh hồn để cũng trở nên đền thờ của Thiên Chúa. Nếu chính
chúng ta là đền thờ của Thánh Thần, thì trọn vẹn con người của chúng ta
là thân xác và tinh thần tượng trưng cho sự hiện diện của Thiên Chúa ở
trong Giáo hội và giữa thế giới, và đức tin của chúng ta phải mạnh mẽ để
gìn giữ Đền thờ này là thân mình của chúng ta chống lại mọi tấn công.
Điều này không có nghĩa chúng ta phải xây dựng những tường thành kiên cố
vĩ đại chung quanh mình để bảo vệ. Mà ngược lại, chính chúng ta phải đón
nhận sự sống từ chính Chúa Giêsu trong Giáo hội để làm cho chính thân
mình chúng ta trở thành đền thờ sống động của Thiên Chúa như chính Chúa
Giêsu đã làm cho thân xác của người trở thành Đền thờ đích thực. Chúa
Thánh Thần ngự trong lòng chúng ta thúc đẩy trong chúng ta lòng nhiệt
thành, làm cho chúng ta trung tín không để cho đền thờ Thiên Chúa trong
mình bị tiêu hủy và làm cho
chúng ta nên thánh thiện. Thánh Thần Thiên Chúa bảo đảm cho chúng ta dựa
trên Đức Giêsu như là nền tảng của chúng ta. Lễ này mời gọi chúng ta có
được lòng nhiệt thành vì Đức Giêsu, vì Giáo hội, vì đức tin như là thân
mình của Chúa Kitô. |