Thứ Tư lễ tro - Mùa Chay - Năm A |
CHAY SÁM HỐI, CHAY VƯỢT QUA |
sưu tầm |
Mùa Chay mời gọi chúng ta ăn chay chỉ có hai ngày, đó là Thứ Tư Lễ Tro và Thứ Sáu Tuần Thánh, nhưng ý nghĩa thì thật là toàn diện và sâu sắc. Đó chính là sự khởi đầu bằng việc Sám Hối và kết thúc bằng việc đón nhận nước Trời, đón nhận Ơn Cứu Độ để Vượt Qua. Chứ nếu Sám Hối suốt mùa Chay, Sám Hối suốt cuộc đời mà chưa đạt đến nước Trời thì việc chay tịnh không giúp ích gì cho chúng ta một cách trọn vẹn.
- Chay Thứ Tư Lễ Tro là Chay Sám Hối. Sám Hối có nghĩa là dừng lại, xem con đường của mình đi từ trước tới giờ có đúng với đường lối của Chúa hay không. Sám Hối có nghĩa là từ bỏ các tà thần để quay trở về với Thiên Chúa. Các Tà thần ngày hôm nay mang tên là tiền bạc, là danh vọng, là quyền lực, là tình dục, là ma túy. Chúng vốn là những phương tiện Chúa ban để chúng ta bước đi trên con đường về nhà Thiên Chúa. Nhưng ngày hôm nay, satan, thần tối tăm, đã làm cho chúng ta lẫn lộn giữa phương tiện và cùng đích. Và một khi phương tiện trở thành cùng đích, trở thành lẽ sống của con người thì những phương tiện đó trở thành các tà thần, nô lệ hóa con người, gây đau khổ và chết chóc cho con người.
- Chay Thứ Sáu Tuần Thánh là Chay Vượt Qua. Vượt qua đau khổ để đến hạnh phúc, vượt qua sự chết để đến sự sống đời đời, vượt qua nước thế gian để đến nước Trời.
Nói nôm na việc “ăn chay” như thế này:
Có người con vào phòng mình nhìn lên cây Thánh Giá mà suy gẫm về mầu nhiệm Thập Giá. Trong đầu người con cứ trăn trở, suy tư với câu hỏi, tại sao tội con đáng chết mà con lại không chết, nhưng Cha lại chết thay cho con. Tội của con đáng lẽ con phải chết rồi, nhưng sao Cha lại chết cho con. Không những chết thay để con khỏi chết, mà còn cứu con khỏi sự chết đời đời. Người con không thể hiểu được, tình yêu đó lớn quá sức tưởng tượng của người con. Người con SÁM HỐI, quyết định làm điều gì đó để đáp lại phần nào hy sinh này của người Cha. Những suy tư cứ bám lấy người con, người con đã ngồi hàng giờ trước Thánh Giá, quên cả ăn uống, đến nỗi người mẹ phải chạy vào phòng, con ơi xuống ăn cơm thôi, từ sáng tới giờ con chưa ăn gì rồi. Người con đáp, dạ con xuống liền. Nhưng những suy tư lại cứ bám lấy người con, làm cho người con quên cả chuyện ăn uống, quên cả chuyện đói bụng. Lúc này ăn uống chỉ là thứ yếu, tạm thời không còn quan trọng nữa, tạm thời không có trong đầu của người con nữa.
Thế rồi, một suy tư nữa ập đến, người Cha đã chết thay cho mình rồi, người Cha đã Vượt Qua sự sống đời này để đến sự sống đời sau rồi, và như vậy chắc chắn Cha cũng sẽ kéo con đi theo Cha. Nghĩ đến đây, một cảm giác Bình An và Hạnh Phúc tràn ngập tâm hồn người con, người con ĐÃ VƯỢT QUA. Người con Vượt Qua không phải bởi sức lực của người con mà là do ơn của Cha, một khi Ta được nâng lên cao thì Ta sẽ kéo các con cùng theo Ta. Người Cha đã Vượt Qua bằng mầu nhiệm Thập Giá để lôi kéo các con cùng hưởng hạnh phúc Nước Trời. Mừng rỡ, người con không thể ngồi yên được nữa mà lao ra khỏi phòng, muốn chia sẻ cái cảm nghiệm đó cho mọi người xung quanh (giống như cái cảm giác mà hai môn đệ đi Emmau, sau khi gặp Chúa Sống Lại, họ không thể ngủ qua đêm tại KS được nữa, mà ngay trong đêm khuya đó, họ nhanh chân chạy về để loan báo Tin Mừng Nước Trời cho mọi người được biết). Người mẹ chỉ còn biết nói vọng theo, tối rồi chưa ăn uống gì hết, còn đi đâu nữa.
Như vậy chúng ta khởi đầu Mùa Chay bằng việc Sám Hối và kết thúc bằng việc Vượt Qua, đón nhận nước Trời thì mới đạt theo ý của Thiên Chúa.
Tại sao chúng ta lại phải Sám Hối và đón nhận Nước Trời.
Chúng ta Sám Hối vì bản chất của tất cả chúng ta hiểu từ gốc là thiên về làm điều xấu hơn làm điều tốt. Rom 7,14-24: … Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm… Tôi thật là một người khốn nạn! Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này?. Đoạn Kinh Thánh này cho chúng ta thấy như thế nào là hậu quả của tội nguyên tổ. Hậu quả của tội nguyên tổ là chúng ta dễ làm điều xấu hơn làm điều tốt, điều thiện tôi biết nhưng tôi không làm, điều tội lỗi tôi biết nhưng tôi cứ làm và Thánh nhân phải rên lên rằng, tôi thật là một người khốn nạn, ai sẽ cứu tôi khỏi thân xác phải chết này.
Chúng ta cần phải đón nhận Chúa Giêsu là nước Trời vì đó chính là ơn Cứu độ. Chúa Giê Su là ơn Cứu độ của Thiên Chúa ban cho con người, con người cần đón nhận ơn Cứu độ. Ơn Cứu độ thì Thiên Chúa đã ban cho chúng ta rồi, và Thiên Chúa sẽ hỏi riêng từng người trong chúng ta, là con có muốn đón nhận Ơn Cứu độ không. Bổn phận của chúng ta là trả lời có hay là không, thể hiện cụ thể qua lời nói và việc làm của mình. Nếu chúng ta trả lời là có thì Ơn Cứu độ mới thành sự trên đời của chúng ta. Còn nếu chúng ta dùng lý trí và tự do Chúa đã ban cho mình, để nói không cho đến hơi thở cuối cùng, thì Ơn Cứu độ vẫn có đó, nhưng không được thành sự trên đời của chúng ta.
Như vậy nếu chúng ta không Sám Hối và không mở lòng ra đón nhận Chúa Giêsu là Nước Trời thì chúng ta là những người khốn nạn. Thánh Phaolô là người thú nhận mình là người khốn nạn trước, rồi đến mỗi người trong chúng ta thú nhận theo.
Trong một thế giới mà người ta không còn biết Sám Hối, không còn biết đón nhận Nước Trời, cụ thể như cái thế giới chúng ta đang sống trong thời điểm này, một thế giới vô thần, vô tín thì tệ nạn XH ngày càng gia tăng về số lượng lẫn chất lượng. Vì giữa điều tốt và điều xấu, bản chất con người ta chỉ có khả năng làm điều xấu thôi, người ta không làm điều tốt được.
Ai trong chúng ta cũng có thể cảm nghiệm được điều này qua thực tế cuộc sống, đó là không cần cái trường nào mở ra để dạy tham nhũng, hối lộ, buôn bán ma túy, ăn gian, nói dối cả, nhưng khi làm mấy cái điều xấu như trên thì người ta có sáng kiến và phát huy rất nhanh. Bởi vì tôi biết mấy cái thứ này là điều ác, là điều xấu, nhưng tôi lại cứ làm. Bản chất con người chúng ta là vậy mà. Còn để làm một điều tốt, để sống cho ra một con người thì phải có ơn của Chúa trước rồi sau đó mới đến nỗ lực của bản thân, thì ta mới làm được.
Chúng ta sáng đi lễ, chiều đi nhà thờ, vẫn rước lễ đều đều, nhưng mà lòng chúng ta không có Nước Trời, không có Chúa thì cũng vô ích thôi. Không có Nước Trời trong lòng thì bản chất thiên về làm điều xấu của chúng ta sẽ làm chủ con người chúng ta thôi. Do đó chúng ta cũng ăn gian, nói dối, mánh mung như người ngoài. Khi cần phá thai là phá thai, cần ly dị là ly dị.
Do đó chúng ta cần phải Sám Hối và đón nhận Chúa Giêsu thôi, thì chúng ta mới làm chủ được cái bản thân yếu hèn của mình, sống cho ra một con người và hơn nữa là cho ra một người con của Thiên Chúa, còn bằng không thì không biết ra gì. Thánh Phaolô tự nhận mình là người khốn nạn, cái con người của tôi kỳ cục quá, tôi có sống cho lắm rồi cuối cùng tôi chỉ làm được điều xấu thôi chứ không làm điều tốt được.
Điều đầu tiên để Sám Hối và tiến triển trên còn đường nhân đức, đó là phải nhận ra mình là người khốn nạn. Bởi vậy ta mới cần Chúa cứu, chứ nếu ta ngon thì Chúa đâu xuống cứu ta làm gì. Nếu không nhận ra mình là người khốn nạn thì chúng ta còn xa sự thật lắm, suốt đời chỉ sống trong ảo tưởng.
Rồi sau đó, chúng ta phải nhận ra mình là con người tội lỗi. Trong Kinh Thánh có đoạn, Thánh Phêrô nói với Chúa, chúng con đánh cá vất vả suốt đêm mà vẫn chưa được mẻ cá nào, nhưng vì nghe lời Thầy, chúng con sẽ thả mẻ lưới vào bên phải tàu và cuối cùng họ được một mẻ cá lớn, được hai thuyền đầy. Khi kéo được hai thuyền đầy cá lên bờ rồi. Ông Phêrô đến quỳ xuống trước mặt Chúa mà nói rằng, lạy Thầy xin hãy tránh xa tôi vì tôi là người tội lỗi. Ông biết rằng, ông đã vất vả đánh cá suốt đêm mà chẳng được con nào, ông biết bản thân ông là ai, ông biết được sức riêng của ông là thế nào và ông biết rằng người đã giúp ông được một mẻ cá lớn là ai, ông nhận biết được quyền năng của Chúa là như thế nào. Do đó ông Sám Hối, nhận mình là kẻ tội lỗi.
Chúng ta thấy rằng, Thánh Phaolô và Thánh Phêrô là hai trụ cột của Giáo hội, một ông tự nhận mình là người khốn nạn, một ông tự nhận mình là người tội lỗi. Còn bây giờ nếu ai thấy mình ngon lành quá, thấy toàn là anh hùng này, anh hùng nọ, toàn là tiên tiến … thì còn xa sự thật lắm. Cho nên chúng ta phải mở lòng ra để Sám Hối và đón nhận Thánh Thần, để Thánh Thần dẫn đưa chúng ta vào trong sự thật, để chúng ta nhận biết bản chất con người của mình là gì, và biết được quyền năng của Thiên Chúa là thế nào. Không có Thánh Thần thì chịu, suốt đời ta chỉ sống trong ảo tưởng, ta chỉ là người có đạo chứ không có Chúa.
Nói về người có đạo nhưng trong lòng không có Chúa thì từ thời xưa, chúng ta thấy trong cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu, một đặc điểm dễ nhận thấy là toàn dân có đạo giết Chúa không, dân Ngoại có giết Chúa đâu. Đại diện cho dân Ngoại là quan tổng trấn Philatô xin một chậu nước, rửa tay và nói: ta vô can về máu người này. Những người mà đưa nắm đấm lên, đồng thanh hô to, đóng đinh nó đi, giết nó đi, toàn là dân đạo gốc thôi. Chúng ta có thấy mình là một trong những người trong đó không. Nhiều khi đạo gốc có cái nguy hiểm như vậy. Họ cứ tưởng mình là chính thống lắm, mình là nguồn gốc lắm nên khó lãnh hội quan điểm của Chúa Giêsu. Người ta nói, nếu Đức Giêsu có cái khôn ngoan tự nhiên của con người, thì Ngài sẽ không chết trên thập giá như vậy. Nếu ngài dừng lại, Ngài lùi đi một bước, thì đâu có sao. Nhưng đứng trước một bề dày, một truyền thống như thế, một bức tường vững chắc như thế, Ngài tông một phát và nó bể luôn rồi Ngài cũng tiêu luôn. Vậy Ngài mới bị đóng đinh trên thập giá, chứ nếu Ngài lùi một bước thì Ngài đâu có chết. Cái vấn đề của người đạo gốc có khó khăn như vậy. Họ coi vấn đề sống đạo, nếp đạo của mình từ nhỏ tới giờ là tuyệt đối đúng rồi, là hay rồi, không cần phải Sám Hối. Thấy người nào mà nói khác đi thì họ không chịu. Bây giờ Chúa Giêsu đến, Ngài nói khác, tinh thần của Chúa Giêsu khác với tinh thần của họ. Thành ra chúng ta thử nghĩ xem, toàn dân có đạo giết Chúa Giêsu không. Thế nên ta cần mở lòng ra để đón nhận Chúa Giêsu thôi.
Rồi về ngày nay thì sao. Chúng ta cũng thấy người có đạo thì nhiều nhưng trong lòng có Nước Trời, trong lòng có Chúa thì lại ít. Để kiểm chứng điều này thì không khó. Nếu trong lòng chúng ta có Nước Trời, tức là sức sống Thần Linh của Thiên Chúa, một sức sống nội tại sung mãn của Thiên Chúa thì chúng ta có khả năng yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ bách hại mình. Thế giới hiện nay là một thế giới đầy hận thù, hận thù từ trong gia đình, hận thù trong các sắc tộc, hận thù giữa các chế độ, các nước với nhau. Thế giới hiện nay là một thế giới bạo lực, chém giết lẫn nhau … tất cả đã minh chứng cho việc chúng ta chỉ là người có đạo nhưng mà lòng thì không có Chúa.
Do đó Mùa Chay này, mời gọi chúng ta nhìn lại mình. Mở lòng ra để đón nhận ơn Sám Hối, biết mình là ai và Thiên Chúa là ai. Để rồi cuối cùng mở lòng ra đón nhận cùng đích của đời mình đó là Nước Trời, là Chúa Giêsu. Hoàn tất cuộc Vượt Qua mà Chúa muốn mỗi người chúng ta thực hiện, khởi đầu bằng Chay Sám Hối – Thư tư Lễ Tro và kết thúc bằng Chay Vượt Qua – Thứ Sáu Tuần Thánh. Khi chúng ta chưa đạt đến nước Trời thì mới ăn chay còn khi đã Vượt Qua rồi, khi đã đạt đến nước Trời rồi thì không phải ăn Chay nữa. Người ta thấy các môn đệ của ông Gioan Tẩy Giả thì ăn chay, sám hối còn môn đệ của Chúa Giêsu thì không ăn chay. Họ nêu thắc mắc này với Chúa Giêsu thì Chúa đã trả lời, khi nào “chàng rể” còn ở với họ thì họ không phải ăn chay, khi nào “chàng rể” được cất khỏi họ, thì lúc đó, họ mới ăn chay. Ăn chay với mục đích cuối cùng là để đạt đến nước Trời, còn khi đã đạt đến nước Trời là Chúa Giêsu rồi thì không phải đặt vấn đề ăn chay nữa, khi chàng rể là Chúa Giêsu còn đang ở giữa các thực khách tham dự tiệc cưới thì ai lại đặt vấn đề ăn chay trong tiệc cưới.
|