Chúa Nhật VII Phục Sinh - Chúa Thăng Thiên
TẦM NHÌN
SƯU TẦM

Người ta trình bày Đức Giêsu từ đỉnh núi Ô-Liu mà lên trời. Ngọn núi là một nơi chốn của tầm nhìn. Trên đỉnh núi, bằng cách này hay bằng cách khác, chúng ta cảm thấy gần gũi hơn với Thiên Chúa. Thật vậy, chúng ta cảm thấy mình đang ở trong sự hiện diện của Thiên Chúa.

Người ta kể một câu chuyện về người đàn ông đã sống trọn cuộc sống của mình trong khu rừng thưa. Khoảng rừng thưa đó chỉ rộng độ 100 mét Anh, và được bao bọc bằng nhiều cây cối. Thế giới của người đàn ông đó cực kỳ khép kín. Ông có rất ít khái niệm về không gian hoặc khoảng cách. Trong một thế giới như vậy, ngay cả những đối tượng tương đối nhỏ bé, vẫn có vẻ rộng lớn hơn cả cuộc sống, bởi vì sự gần gũi của con người đối với chúng.

Ngày kia, có một người khai thác rừng đưa người đàn ông đó ra khỏi khu rừng, và dẫn ông ta đi lên đỉnh núi. Người đó có thể quan sát hết tất cả khoảng không gian rộng mở tồn tại bên ngoài khu rừng, sự mênh mông của bầu trời, và sự rộng lớn của đường chân trời. Ông ta kinh ngạc khi phát hiện ra có một thế giới tồn tại ở một nơi không hề có cây cối và có rất ít thực vật như vậy. Ông ta giống như một đứa trẻ lúc đang được phấn khích vậy. Ông quá đỗi vui mừng, đến nỗi chỉ mong muốn được ở lại đó mà thôi.

Nhưng tất nhiên là ông ta phải trở về với cái thế giới nhỏ bé, khép kín, chật hẹp của mình. Tuy nhiên, không bao giờ ông quên được cuộc thăm viếng của mình tại đỉnh núi. Điều này để lại cho ông một hiệu quả tuyệt vời, giúp cho ông có được một tầm nhìn rộng rãi hơn về cuộc sống, đặc biệt khi các sự việc trở nên quá nhiều đối với ông, và thế giới đang khép lại trên ông ta.

Khi đến lúc sắp rời khỏi thế gian này, thì Đức Giêsu dẫn các tông đồ lên đỉnh núi Ô-liu. Người đang trở lại với Cha của Người. Người đang đi đến vinh quang. Trong khi lên trời, Người ngước mắt lên, hướng về nơi mà Người đang đi tới.

Nhưng Người cũng hướng cặp mắt của Người ra bên ngoài. Người chỉ cho các tông đồ rằng có một thế giới vĩ đại đang chờ đợi được lắng nghe Tin Mừng. Người giao phó cho họ công việc đem Tin Mừng đến với thế giới rộng lớn đó, và hứa gửi Chúa Thánh Thần đến hỗ trợ cho họ trong công việc này.

Các tông đồ quá thích thú phong cảnh trên núi, đến nỗi họ chỉ muốn được ở lại đó. Nhưng có một giọng nói kêu gọi họ trở về với thực tại “Hỡi người Galilê, tại sao các ngươi còn đứng đây nhìn lên trời ?”. Mặc dù phải trở lại với thế giới thật, thì cuộc sống của họ sẽ không bao giờ như cũ nữa.

Ngày lễ này nói nhiều về Đức Giêsu. Sự lên trời của Người chứng tỏ cho chúng ta thấy được mục đích của cuộc hành trình dương thế của chúng ta ở đâu. Đây là một mục đích mà một số phận, thậm chí lại còn thách đố cả óc tưởng tượng của chúng ta nữa. Điều này đem đến cho chúng ta một tầm nhìn mới mẻ và rộng rãi hơn, thúc đẩy những chân trời của chúng ta vượt ra ngoài các biên giới của thế giới này, mang lại một chiều kích vĩnh cửu cho cuộc sống của chúng ta.

Đức Giêsu trở lại với nguồn gốc, Alpha và Omêga. Đây là ý nghĩa Sự Lên Trời của Người. Đây không phải là một cuộc hành trình đi vào không gian, mà là một cuộc hành trình trở về nhà Cha. Sự lên trời của Người không nói lên việc Người rời khỏi mặt đất, nhưng lại chứng tỏ sự hiện diện liên lỉ của Người ở bất cứ nơi đâu trên trái đất này. Trong suốt sứ vụ tại thế của Đức Giêsu, trong một thời điểm, Người chỉ có thể ở tại một nơi mà thôi. Nhưng bây giờ, do đã được kết hợp với Thiên Chúa, Người có thể hiện diện tại bất cứ nơi đâu có Thiên Chúa hiện diện, nghĩa là ở tất cả mọi nơi.

Chúng ta sống trong hy vọng rằng những lời nói của Đức Giêsu sẽ trở thành hiện thực đối với chúng ta: “Thầy ở đâu, anh em cũng sẽ được ở đó”. Trong khi chờ đợi, chúng ta có một công việc phải thực hiện: rao giảng Tin Mừng và làm chứng cho Người trong thế giới này.