Chúa Nhật VII Phục Sinh - Chúa Thăng Thiên
ANH EM HÃY ĐI THÂU NẠP
MÔN ĐỒ KHẮP MUÔN DÂN

Lm. Phêrô Lê văn Chính

          Cuối những tuần lễ mừng mầu nhiệm Phục sinh, Giáo hội mừng mầu nhiệm Chúa Giêsu thăng thiên. Mầu nhiệm Chúa thăng thiên đánh dấu thời kỳ hoạt động của Giáo hội, tiếp nối công việc cứu thế và làm chứng cho thầy Giêsu. Chúa Giêsu gặp các môn đệ của người ở núi Galilê mà người đã hẹn trước với các ông, cũng là nơi mà người đã khởi đầu sứ vụ cứu thế của mình và long trọng trao cho các ông trách vụ tiếp nối công việc rao giảng của người và làm chứng cho người. Việc ủy thác cho các tông đồ tiếp nối công việc rao giảng của Chúa Giêsu là một việc trọng đại nên Người truyền cho các ông những lời hướng dẫn rất long trọng: “Mọi quyền năng trên trời dưới đất đã được trao cho thầy, anh em hãy đi, thâu nạp môn đệ khắp muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, dạy họ giữ những điều thầy truyền cho anh em, này đây thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”. Để chu toàn sứ vụ cao cả này, Chúa Giêsu trao cho các môn đệ quyền bính của chính mình mà người vốn đã nhận từ Cha để họ ra đi rao giảng Tin mừng cứu độ và làm chứng cho thầy Giêsu. Sứ vụ của họ không chỉ hạn hẹp ở một góc nhỏ bé nào của phần đất do thái, nhưng là bao trùm khắp “muôn dân muôn nước” và kéo dài mãi cho “đến tận thế”. Công việc mà họ thi hành cũng chính là công việc của thầy Giêsu, là thu nạp môn đệ, để làm cho mọi người trở nên môn đệ của thầy Giêsu, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Những lời ủy nhiệm này của thầy Giêsu không chỉ dừng lại ở các tông đồ và môn đệ đầu tiên mà còn hướng đến cả những môn đệ khác nữa qua dòng thời gian mọi thời đại sẽ tin vào thầy Giêsu, những người này cũng được mời gọi cộng tác vào công việc của các tông đồ để làm chứng cho thầy Giesu.

          Việc thăng thiên của Chúa Giêsu không phải là một tấm vé để người vào nước Trời, không phải là phần thưởng cho những gì người đã làm được ở dưới đất này, nhưng việc thăng thiên của người là việc trở về với Chúa Cha, với nơi mà người vốn hằng hiển trị cùng với Chúa Cha từ đời đời vì người vốn là Ngôi Lời Thiên Chúa vĩnh cửu. Vì thế, dù thầy Giêsu không còn hiện diện hữu hình nhưng người vẫn hằng sống hiển trị trong vinh quang Thiên Chúa và hiện diện với các môn đệ một cách khác, theo một đường lối mới trong các môn đệ như lời người xác quyết người vẫn ở với các ông mọi ngày cho đến tận thế. Sự hiện diện mới này hoạt động qua sự hiện diện của Thánh Thần cũng chính là Thần khí của Cha và của Chúa Giêsu, sẽ được ban tặng cho các môn đệ để các môn đệ cũng được hiệp thông sự sống của Thiên Chúa và đón nhận sức mạnh thần linh. Chúa Giêsu cũng biết rằng hoạt động cứu độ mà người ủy thác cho các môn đệ không thể nào được thực hiện bởi sức mạnh thuần túy con người. Với sức riêng,  các môn đệ không thể nào chu toàn được công việc thu nạp muôn dân làm môn đệ cũng như làm chứng thầy Giêsu giữa muôn dân được. Các môn đệ có thể tiếp nối được công việc làm chứng cho người là vì các môn đệ sẽ được lãnh nhận Thánh Thần từ trên, Thánh Thần sẽ ở với các môn đệ, nhắc nhở các ông mọi điều người đã dạy các ông, dẫn các ông đến chân lý toàn vẹn.

          Cho tới giờ phút này khi Chúa Giêsu sắp trao cho các môn đệ quyền và sứ vụ làm chứng cho người, các môn đệ vẫn còn hỏi Chúa Giêsu có phải đây là lúc thầy khôi phục lại nước Israel, một mục tiêu chính trị trần thế mà các môn đệ đang theo đuổi. Và hơn nữa, khi Chúa Giêsu được cất về trời từ giữa họ, họ còn đứng ngẩn ngơ nhìn trời cho đến khi thiên thần đến nhắc nhở: “Hỡi những người Galilê, sao các ông còn đứng nhìn trời”. Lời nhắc nhở của thiên thần kéo các môn đệ trở về với thực tại của đời thường. Giờ đây các môn đệ phải sẵn sàng đón nhận Thánh Thần được ban cho họ để chu toàn công việc làm chứng cho thầy Giêsu. Điều lạ lùng đó là các tông đồ và môn đệ vốn yếu đuối nhưng đã thực sự chu toàn công việc mà Chúa Giêsu trao phó, các ngài đã làm việc thực hiệu quả đến độ cộng đoàn các môn đệ càng lúc càng có nhiều người đón nhận đức tin và lãnh phép rửa. Ngày nay, công việc làm chứng cho thầy Giêsu không dừng lại ở giai đoạn của các tông đồ và các môn đệ đầu tiên. Công việc làm chứng này vẫn còn tiếp diễn và mỗi người tín hữu cũng được mời gọi làm chứng cho thầy Giêsu bằng đời sống của mình, bằng cách giữ những lời dạy của thầy Giêsu, như lời người nhắc nhở các môn đệ: “anh em hãy dạy họ giữ những điều thầy truyền cho anh em”.

Người tín hữu nhiều khi băn khoăn không biết mình phải làm chứng như thế nào, hay nghĩ rằng việc làm chứng cho Đức Giêsu là công việc của những đấng bậc cao cả trong Giáo hội, hay việc làm chứng phải là những bài giảng hùng hồn của những người có quyền thế trong Giáo hội. Thật ra, việc làm chứng hiệu quả nhất vẫn là làm chứng bằng đời sống như lời đức cố giáo hoàng Phaolô VI vẫn nói “thế giới hôm nay cần chứng nhân hơn thầy dạy”. Người tín hữu không làm chứng cho thầy Giêsu bằng việc rao giảng với những lời hoa mỹ, nhưng bằng chứng tá đời sống khiêm nhường phục vụ yêu thương. Chính khi họ sống khiêm nhường phục vụ với công việc âm thầm của mình họ làm chứng cho Chúa. Chính khi họ giữ những lời của thầy Giêsu, họ làm chứng và rao giảng cho mọi người cách hiệu quả, bởi vì việc làm chứng này không dựa trên sự khôn ngoan hay sức mạnh người đời, nhưng là do tác động của Thánh Thần nơi họ, làm cho những công việc phục vụ âm thầm của họ có giá trị chứng tá lớn lao trước mặt mọi người. Bức thư thánh Phaolô gửi cho tín hữu Êphêsô làm cho người tín hữu hiểu hơn về đời sống chứng tá cho Chúa của người môn đệ bằng sức mạnh Thánh Thần. Chính Thánh Thần của Đức Giêsu sẽ ban cho người tín hữu được ơn khôn ngoan để hiểu biết Đức Giêsu, mở mắt tâm hồn của họ để được soi sáng để nhận thức được niềm hy vọng của lời mời gọi theo Đức Giêsu, và mọi sự phong phú vinh quang của gia nghiệp dành cho các thánh nhân là những người tin vào Đức Giêsu. Quả thật, mừng mầu nhiệm Chúa thăng thiên đánh dấu thời gian của Giáo hội và cũng là thời gian của mỗi người tín hữu. Chúng ta được mời gọi đón nhận sức mạnh của Thánh Thần Đấng Phục sinh để làm chứng cho người bằng chính cuộc đời của mình.