Chúa Nhật VII Phục Sinh - Chúa Thăng Thiên
“VÀ ĐÂY, THẦY Ở CÙNG ANH EM
MỌI NGÀY CHO ĐẾN TẬN THẾ”
Chú giải của Fiches Dominicales

VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI

1. Kết thúc mà lại khởi đầu

Phụng vụ bài đọc năm A về lễ Thăng Thiên mời gọi ta suy niệm những câu cuối cùng của Phúc Âm thứ nhất. Đoạn văn kết thúc Phúc Âm Matthêu này đặc biệt gợi nhớ đến hai chương đầu của Phúc Âm.

- Thực vậy, khi viết “Phúc Âm về thời niên thiếu”, thánh Matthêu muốn mời gọi ta coi việc Đức Giêsu giáng sinh tại Belem, thành vua Đavít là ứng nghiệm lời tiên tri về một Đấng “Emmanuel": Đấng “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta” (Is 7), còn các Đạo sĩ đến từ phương Đông tiêu biểu cho những người tiên phong của Dân Ngoại đang đi đến niềm tin vào Đức Kitô: “Họ THẤY Hài Nhi với thân mẫu là bà Maria, liền SẤP MÌNH THỜ LẠY NGƯỜI”.

- Ở đoạn kết thúc, rõ ràng là thánh sử, đã lấy lại cũng những lời lẽ trên để thuật lại cuộc gặp gỡ lần cuối cùng của Đấng Phục Sinh với các môn đệ của Người ở Galilê: “Khi THẤY Người, các ông SẤP MÌNH THỜ LẠY Người”. Rồi Đức Giêsu trao cho các ông sứ mệnh đến với “MUÔN DÂN” và long trọng tuyên bố rằng: “THẦY Ở CÙNG CÁC CON” mọi ngày cho đến tận thế”.

J. Radermakers chú giải: “Ở đây chúng ta thấy con người Đức Giêsu dầu mang dấu vết của một con người được sinh ra ở một thời điểm và sinh sống ở một nơi chốn nhất định, vẫn có cả một sự bao trùm lớn lao, trải rộng đến mọi chiều kích của toàn thể lịch sử nhân loại” ("Au fie de l'Evangile selon saint Mathieu, Viện Nghiên cứu Thần học, Bruxelles, 1974, trang 362).

2. Khi hồi kết thúc loan báo một khởi sự mới

Sau Phục sinh, Đức Giêsu hẹn gặp lại các môn đệ Người, không phải ở Giêrusalem, thủ đô và là thành thánh như trong Phúc Âm Luca, mà là ở “Galilê” miền đất vẫn bị mọi người nhìn bằng nửa con mắt, là “nơi qui tụ dân” là biểu tượng của thế giới ngoại giáo (Mt 4,12-23).

Giáo Hội... phải rời bỏ Giêrusalem mà về mặt địa lý cho tới lúc ấy vẫn được coi là trung tâm đức tin, nơi có Thiên Chúa hiện diện, để đi tới miền vốn được coi là “Galilê của dân ngoại”. Một Giáo Hội được định nghĩa ngay là một “Giáo Hội vì mọi người": đó chính là sứ mệnh của Giáo Hội, điều mà không bao lâu sau Đức Giêsu sẽ nói rõ ràng” (Cahiers - Evangiles” số 9, trang 6).

Nơi Đức Giêsu truyền cho các môn đệ đi tới, là một “ngọn núi” vốn là nơi rất thích hợp cho việc Chúa mạc khải. Một lần nữa ở dân cũng như trải dài suốt Phúc Âm của Ngài, thánh Matthêu đều trình bày Đức Giêsu như một Môsê mới ban Luật của Người cho dân tộc mới của Thiên Chúa.

Cl. Tassin chú giải: “Như trong một cuốn phim, người ta lần lượt thấy xuất hiện những ngọn núi: núi quỷ cám dỗ khi chỉ cho Đức Giêsu xem thấy các nước trần gian, núi Bát Phúc, nơi Thầy công bố hiến chương Nước Trời, và Núi Hiển Dung nơi vinh quang Con Người được tỏ hiện; nổi bật hơn cả vẫn là cảnh âm u tịch mịch của núi Nê-bô, nơi Môsê phải nói lời giã biệt trước khi dân tiến vào Đất Hứa” ("Phúc Âm thánh Matthêu, NXB. Centurion, trang 303).

- Khi thấy Đức Giêsu, các môn đệ liền “sấp mình thờ lạy Người” trong một cử chỉ vừa tôn kính theo đạo giáo, mà cũng có tính cách phụng thờ, y như các đạo sĩ đã làm khi thấy hài nhi với thân mẫu là bà Maria (2,2.8.11); cũng như các môn đệ đã bày tỏ khi ở trong thuyền lúc sóng to gió cả, và đó cũng là cử chỉ của người phụ nữ xứ Canaan vậy (15,25).

Nhưng lòng tôn thờ của các ông còn vương vấn “sự hoài nghi”, mối hoài nghi này, theo như J. Radermakers nhận xét chí lý, chính là người bạn đồng hành không thể tách biệt của một lòng tin đang lần bước”.

- Đấng tỏ mình ra cho các môn đệ ("Đức Giêsu đến gần"), Đấng mà các ông sấp mình thờ lạy ấy, chính là Đức Chúa hiển vinh. Một khi đã được vinh thăng, được trao ban quyền tối cao xét xử toàn cầu ("Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất") thì giờ đây Người có lý khi sai các môn đệ của mình đi khắp thế giới để làm cho vương quyền ấy được thực hiện.

Những lời Người ban bố cho họ đánh dấu sự khai trương một giai đoạn mới trong sứ mệnh của Người, sứ mệnh mà từ này trở đi Người sẽ vẫn tiếp tục nhờ Giáo Hội.

+ “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ”. Suốt thời gian thừa hành sứ vụ công khai, Đức Giêsu đã phải tự ý giới hạn hoạt động của Người đối với “các chiên lạc của nhà Israel”. Từ nay những biên giới ngăn cách do không gian và thời gian đều bị bãi bỏ vì Người có thể thực thi trọn vẹn sứ mệnh Người Tôi Tớ của Thiên Chúa đúng như Matthêu đã loan báo, khi mượn lời sấm của Isaia 42,1-4: “Và môn dân sẽ đặt niềm hy vọng nơi danh Người” (Mt 12,18-21). Dân ngoại có mặt ngay từ buổi đầu của Phúc Âm thì cuối cùng vẫn thấy mình là những con người được Tin Mừng nhắm tới. Đức Giêsu trao phó cho Giáo Hội Người sứ mệnh truyền giáo khắp hoàn cầu này.

Cl. Tassin còn muốn lưu ý ta rằng: “Điểm nhấn mạnh không ở tại động từ “Đi” hay ở tại sứ mệnh chinh phục địa lý, mà cốt ở việc mở ra cho hết mọi nhóm người không phân biệt một ai. Bởi lẽ Đức Giêsu đã được “trao toàn quyền” thì mọi người đều phải thần phục quyền bính của Người. Đối với Matthêu, truyền giáo là gì? Thưa là: những môn đệ làm cho những người khác trở thành môn đệ; là những người nam cũng như nữ cảm nghiệm sâu sắc rằng giáo huấn của Đức Giêsu biến đổi chính cuộc đời của họ, họ chia sẻ kinh nghiệm này với các người khác, dạy bảo cho những người ấy tuân giữ mọi giới luật của Đức Giêsu mà thực ra chỉ tóm gọn lại trong một luật là tình yêu” (O.C., trang 304).

+ “Làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”. Truyền giáo không phải là tuyên truyền một ý thức hệ, dù là cao siêu tuyệt vời, mà là chủ trương không ngừng xây dựng một cộng đồng: cộng đồng của những con người nhờ chịu phép rửa mà muốn sống gắn bó mật thiết với nhau bởi cùng thuộc về một Thiên Chúa là “Cha, Con và Thánh Thần”.

+ “Dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho anh em”. Truyền giáo không thể chỉ thu gọn lại trong việc kêu gọi người ta trở lại rồi bỏ mặc đấy. Giáo Hội sẽ phải giúp đỡ những tân tòng ngày qua ngày sống hoà nhập với cuộc đời mới mà họ đã bước vào.

J. Radermakers đưa ra nhận xét sau: “Chính Phúc Âm nhìn toàn bộ là một giáo huấn về cuộc sống, được hiểu như dấu chỉ của bí tích trong phép rửa tội và được triển khai cách hài hoà trong cuộc sống đời thường; đời sống luân lý trong cộng đồng Kitô hữu chẳng qua là sống Tin Mừng bằng việc làm cụ thể” (O.C., trang 365).

+ “Và đây Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”. Đây là lời tuyên bố cuối cùng và cũng là điểm cao nhất của lời Chúa phán vì là lời hứa bảo đảm một sự hiện diện tích cực và hữu hiệu vô bờ bến. Cuối Phúc Âm của mình, thánh Matthêu mới cao rao rằng lời thiên thần hứa với Giuse đã hoàn toàn ứng nghiệm nơi Đức Giêsu: “Người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta”.

J. Potin kết luận: “Đức Giêsu không xa lìa Giáo Hội của Người. Mặc dầu ta không trông thấy Người, Người vẫn hiện diện ở mọi nơi mà Giáo Hội sẽ lan rộng tới, cho đến tận thế. Theo thánh Matthêu, Đức Giêsu không biến mất lên trời. Nhưng lời nói cuối cùng của Người cũng là câu sau chót của Phúc Âm, hứa rằng: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”. Vả lại trước đây há chăng Người đã chẳng tuyên bố: “Ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ” (Mt 18,20). Đấng Phục Sinh không ở lại trên núi Galilê, Người đi theo các tông đồ của Người trên mọi nẻo đường trần gian” ("Jésus, l'histoire vraie” NXB Centurion, 1994, trang 516).

BÀI ĐỌC THÊM:

1. “Bài kết thúc Phúc Âm thánh Matthêu thực ra là một sự khởi đầu, một sự khai mở (Đức Cha L. Daloz, trong “Le Règne de Dieu s'est approché”).

“Bài kết thúc Phúc Âm thánh Matthêu thực ra là một sự khởi đầu, một màn khai mở: đó là khai trương công cuộc truyền giáo toàn cầu. Phải suy niệm, và nhìn ngắm mới thấy rõ việc truyền giáo là con tim đang đập trong lồng ngực Giáo Hội có tác dụng kích thích Giáo Hội. Nhờ việc sai đi và uỷ quyền cho các tông đồ, và qua các ông, cho chung tất cả mọi môn đệ, Đức Giêsu thành người sống đương thời với chúng ta: Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế... Việc gặp gỡ Mười Một Tông đồ là điều có liên hệ chặt chẽ với mầu nhiệm Phục sinh. Trước khi đi vào cuộc khổ nạn Người đã báo trước: Sau khi sống lại, Thầy sẽ đến Galilê trước anh em. Sau khi Phục sinh, Người nói lại sứ điệp ấy với các phụ nữ đứng bên mồ và triệu tập các môn đệ: “Các bà hãy về báo cho anh em Thầy để họ đến Galilê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó”. Vì nhờ mầu nhiệm Phục sinh của Đức Kitô, sự phục sinh nhân loại mới có thể được thực hiện. Khi sai các môn đệ... Đức Giêsu phục sinh là cội nguồn của việc truyền giáo. Quyền năng Thiên Chúa đã cho Người sống lại trở nên quyền năng cứu độ cho mọi dân tộc. Chúng ta nhận biết quyền năng ấy, và chỉ có lòng tin mới tiếp nhận được thôi (cũng như 11 tông đồ) các ông gặp Đức Giêsu trên núi, là nơi vốn xảy ra những cuộc hiển linh của Chúa, như ở núi Sinai hay ở núi Hiển Dung. Thái độ của các tông đồ lúc ấy diễn tả lòng tin của ta: tôn thờ mà lại do dự: khi thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi. Cảnh tượng thật long trọng, giống như một cuộc hành lễ, chứ không còn là buổi gặp gỡ thân tình như những lần hiện ra trước đây. Là vì lần gặp gỡ này xác định nền tảng, hình thức và chân trời cho sứ mệnh truyền giáo vậy.

Nền tảng ấy là quyền hành mà Đức Giêsu nhận được: Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Không phải là quyền của kẻ có sức mạnh trong tay và thống trị, mà là ách êm ái và gánh nhẹ nhàng. Không phải là quyền chiếm đoạt như Tên Cám dỗ đã đề nghị cho Người. Nhưng là quyền của tình yêu không để bị khuất phục. Đó là sức mạnh của sự phục sinh được khơi nguồn trong Đức Giêsu và nhờ Người sức mạnh ấy làm thay đổi cả thế giới. Những nỗ lực truyền giáo, tinh thần can đảm để không ngừng thực thi sứ mệnh, tất cả đều nhờ sức mạnh ấy mà tìm được chỗ dựa bảo đảm. Sức mạnh này không phải do ta khôn ngoan, tài khéo, tận tuỵ mà có được... anh em hãy đi! Đó là một lệnh truyền. Từ buổi đầu cho đến nay, lệnh sai đi này vẫn vang lên không ngừng, vẫn luôn luôn gợi ra những sáng kiến mới lạ, những cuộc lên đường mới, một đà tiến mới tới miền xa xăm hay rất gần mà chúng ta đều mắt thấy tai nghe qua suốt dòng lịch sử.

Bởi lẽ chân trời truyền giáo là tất cả mọi quốc gia, và hạn kỳ là cho đến tận thế. Việc truyền giáo chẳng bao giờ cùng về mặt địa lý cũng như về lịch sử. Ta tham gia vào công việc này ngay ở nơi ta đang ở và thời đại ta đang sống. Mỗi người lãnh phần trách nhiệm của mình, nhưng mỗi người không phải chịu trách nhiệm về tất cả. Quan tâm thôi, không đủ; mà phải hành động. Mỗi người chúng ta được sai đến ở nơi mình đang ở; ta không thể chỉ là người hưởng ơn cứu độ, mà cũng còn là dụng cụ Chúa dùng để ơn cứu độ của Đức Giêsu Kitô đạt tới những kẻ khác, những người ta đang sống với, những người ta được sai đến với họ ở cận kề bên ta hay ở xa ta. Nhiệt tình do Đức Giêsu phục sinh ban cho vẫn có trong con tim của mọi cuộc đời Kitô hữu. Đời sống này trở nên suy nhược khi bóp nghẹt nhiệt tình này bằng lối sống vị kỷ, khép kín. Cần phải biết sống chia sẻ để khởi xơ cứng và chết. Cũng vậy, Giáo Hội không thể ở thể tĩnh. Giáo Hội được sai đi...

Hình thức việc truyền giáo cũng được chỉ rõ ràng: Làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ, nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, và dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho anh em. Chúng ta nhận thấy có ba mặt: loan báo Tin Mừng để khơi dậy được những con người môn đệ, tham dự vào mầu nhiệm Phục sinh bằng việc lãnh nhận phép Rửa và các bí tích, sống đời sống mới bằng cách thi hành các điều Chúa truyền. Truyền giáo là tất cả như thế đó. Không có ba yếu tố này, công việc ấy không đầy đủ, và chẳng một yếu tố nào trong ba làm nên được công chuyện bởi lẽ “một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Quả thực, đây là một thách đố đặt ra cho Giáo Hội, vì rằng mọi dân tộc đều có quyền chia sẻ mầu nhiệm Phục sinh, đón nhận ơn cứu độ của Đức Giêsu để được biến đổi và trở nên mới. Như thế các dân tộc ấy cũng hội nhập vào mầu nhiệm sự sống Thiên Chúa: “Nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”. Qua việc truyền giáo của các tông đồ, Đức Giêsu vẫn theo đuổi công việc Người đã khởi sự trong mầu nhiệm Phục sinh của Người; Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế. Ta còn sợ hãi gì nữa, một khi có Đức Giêsu phục sinh đang ở cùng chúng ta.

2. “Là dịp để ta canh tân lại quyết định làm môn đệ trung thành của Đức Kitô” “Célébrer” (Nguyện san của Trung tâm Quốc gia về Mục vụ Phụng vụ) số 258 trang 42.

“Thiên Chúa vẫn luôn luôn là Emmanuel”, vẫn là “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta”.Việc Người-lên-trời không hẳn là một sự lìa bỏ. Phải học hỏi để nhận ra điều này dầu không trông thấy Người như các môn đệ đã thấy xưa. Chúa lên trời nhắc nhở ta sống thân phận của một người tin và yêu: tin rằng Người vẫn đang có mặt, và thực hành yêu thương để làm cho Người được hiện diện. Lễ này phải là dịp để ta canh tân lại quyết định trở thành những môn đệ trung tín của Đức Kitô: những môn đệ vững tâm vì Người vẫn có mặt bên ta “mọi ngày”, những môn đệ sẵn sàng đáp lại tiếng gọi sai đi truyền giáo cho “muôn dân” của thời đại hôm nay”.

3. “Emmanuel, Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta” J.Rader-makers chú giải thêm cho bài viết ở trên.

Đức Giêsu Nagiarét xuất thân.

Từ miền Galilê của chư dân,

Đất thuộc Zabulon và Néptali

Người là ánh sáng bừng lên

Soi cho dân ngồi trong tăm tối;

Người là Quý Tử chí ái

Của Ngôi Thánh Phụ muôn đời quang vinh.

Để tha tội lỗi môn dân

Người đành hiến máu để làm Giao ước;

Người đã chỗi dậy ngày thứ ba

Làm cho muôn dân trở thành môn đệ.

Người là Emmanuel vẫn luôn có mặt,

Người còn đi trước các anh em

Đến những Galilê của mọi miền trái đất.