Chúa Nhật Lễ Lá - Năm A
CUỘC KHỔ NẠN
Chú giải của Noel Quession

Trong khi viết câu truyện về Cuộc Khổ Nạn, Matthêu trước hết không thực hiện một bài phóng sự, hay một biên niên xử án, về hai mươi bốn giờ sau cùng của Đức Giêsu. Ông thực hiện một giải thích thần học về một biến cố chính yếu. Khi ông biên soạn, thì ông biết rằng người chịu khổ hình thập giá là người được sống lại. Ông nêu ra, trong truyện kể nhiều trích dẫn Kinh Thánh để chứng minh rằng Thiên Chúa hướng dẫn tất cả lịch sử ông không tìm cách làm cho chúng ta xúc động, nhưng làm cho chúng ta thờ phượng: chịu biết bao tủi hổ Đức Giêsu vẫn là Đức Chúa uy nghi và chủ tể là người làm chủ các biến cố.

Ngày thứ nhất trong Tuần Bánh không men, các môn đệ thưa với Đức Giêsu: 'Thầy muốn chúng con dọn cho Thầy ăn lễ Vượt Qua ở đâu?" Người bảo: "Các anh đi vào thành đến nhà một người kia và nói với ông ấy: Thầy nhắn, thời của Thầy đã gần đến. Thầy sẽ đến nhà ông ấy để ăn mừng Lễ Vượt Qua với các môn đệ của Thầy."

Cuộc giáo đầu thật trang trọng. Sự thấy trước thuộc về Thiên tính của Đức Giêsu được nhấn mạnh: "thời giờ của Thầy đã gần" Người biết rằng điều gì đang đến; đó là Lễ Vượt Qua. Cuộc đi qua.

Tính vô danh của ngôi nhà này, ngôi nhà của một ai đó, mời chúng ta trở nên "người đó". Đức Giêsu ước ao ăn lễ Vượt Qua với các môn đệ của Người.

“Thầy bảo thật anh em, một người trong anh em sẽ nộp Thầy" "Có phải con không, Thưa Thầy?" "Chính anh là người đã nói điều đó."

Đức Giêsu không phán đoán, không kết án: Chính anh là người đã nói điều đó. Người có tội tự chỉ mình. Đức Kitô chỉ khiến người ta trở về với lương tâm mình. Hai lần khác chúng ta sẽ nghe từ miệng Chúa nói ra câu này: Chính anh là nói đã nói điêu ấy; về chuyện thượng tế (Mt 26,64), và về Philatô (Mt 27,11). Mỗi người phải nhận lấy trách nhiệm của mình. Bạn phải thấy, bạn phải nhận lấy trách nhiệm của mình. Bạn phải thấy, bạn phải quyết định! Điều đó được nhắc lại cho chúng ta.

Trong bữa ăn, Đức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho môn đệ và nói: ‘Anh em hãy cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy’. Rồi Người lấy chén, dâng lời tạ ơn trao cho môn đệ và nói: ‘Tất cả anh em hãy uống chén này, vì đây là máu Thầy, máu Giao ước, đổ ra cho muôn người được tha tội’. Thầy bảo cho anh em biết: từ nay Thầy không còn uống thứ sản phẩm này của cây nho, cho đến ngày Thầy cùng anh em uống thứ rượu mới trong Nước của Cha Thầy.

Đức Giêsu hoàn toàn biết Người sắp chết: đó là bữa ăn cuối cùng của Người; ly rượu tình bạn hữu cuối cùng, Người nói: Thầy không còn uống thứ sản phẩm của cây nho này nữa. Thế mà cái chết gần kề này lại không gây nên nơi Người một tình cảm hồi hộp hay sợ hãi nào; Người chúc tụng Cha, cảm tạ. Người “cử hành lễ Thánh Thể", Người cám ơn Cha. Tại sao? Trong khoảnh khắc này, nội dung của lời cảm tạ này là gì? Những tiếng được nhấn mạnh trong câu Đức Giêsu thốt ra cho chúng ta đối tượng của lời khen ngợi này, lời được phát ra từ cõi lòng Người vào giờ phút cô đọng ngoại lệ này, và cũng chính là lời, trong các nghi thức Thánh Thể Chúa nhật, mãi mãi được thực hiện. Đức Giêsu cảm tạ vì Giao ước kỳ diệu giữa Thiên Chúa và loài người; vì sự phong nhiêu trong cái chết của Người sẽ cứu giải nhiều người; vì sự tha tội mà thập giá của người tác động; vì sự hoàn tất của Nước Chúa, một ngày kia, trong ánh sáng của Thiên Chúa, khi sẽ không còn nước mắt, kêu khóc và tang chế.

Tiệc Thánh Thể, chính là bữa ăn của những người tội lỗi, chính là sự thứ tha được dành cho mọi người. Đức Giêsu biết rằng tất cả mọi người đều là những tội nhân (tất cả họ sắp bỏ Người trong ít phút nữa, ngay sau lễ hiệp thông đầu tiên của họ). Đức Giêsu biết rằng cộng đoàn Giáo Hội của Người gồm có những đàn ông và đàn bà không trung tín, một tập đoàn những tội nhâ, thực như thế. Các Kitô hữu không phải là những người tốt hơn những người khác, họ chỉ có một cơ may duy nhất, là đến dùng bữa ăn và lễ hiến tế được dâng lên để tha tội, để tha thứ tội lỗi của họ.

Hát Thánh Vịnh xong, Đức Giêsu và các môn đệ ra đi lên núi Ôliu.

Bằng tình yêu có lẽ chúng ta phải hát Thánh Vịnh, những bài Thánh ca được linh ứng mà chính Đức Giêsu đã hát: chiều tối hôm ấy, tôi nghe thấy tiếng thật hay của Người đang hát; và tôi ngâm nga lập lại những tiếng Ngài đã hát. Giờ lệnh Thánh Vịnh, chính là lời cầu nguyện của Đức Giêsu.

Đức Giêsu nói với các ông: “Đêm nay tất cả anh em sẽ vấp ngã vì Thầy... Nội đêm nay, gà chưa gáy, thì anh đã chối Thầy ba lần."

Tất cả những ai theo Đức Giêsu đều được thử thách. Thử thách đặc biệt của các môn đệ Đức Giêsu, chính là thử thách về Đức Tin ngã xuống, vấp té trên những đau khổ của Đức Kitô. Chính ông Phêrô, cho dù vai trò của ông và sự vững vàng của ông, không thoát khỏi thử thách này.

Đức Giêsu đi cùng với các ông một thửa đất tên là Ghết-sê-ma-ni. Người nói với các môn đệ: “Anh em ngồi lại đây, Thầy đến đàng kia cầu nguyện". Rồi Người đưa ông Phêrô và hai người con ông Zêbêđê đi theo. Người cảm thấy buồn rầu xao xuyến. Bấy giờ Người nói với các ông: "Tâm hồn Thầy buồn đến chết được. Anh em ở lại đây mà canh thức với Thầy " Người đi xa hơn một chút, sấp mặt xuống đất mà cầu nguyện rằng: "Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha."

Cơn hấp hối của Đức Giêsu tại Vườn Ôliu chỉ là lời nguyện lâu dài; theo Thánh Matthêu. Năm lần, người nói lên tiếng: cầu nguyện. Đức Giêsu hấp hối đang lúc cầu nguyện. Đức Giêsu hấp hối trong lúc sống kết hợp mãnh liệt với Cha Người. Nhưng vì thế, Đức Giêsu cũng sống cơn hấp hối với những thân thuộc của Người: ba lần Người trở lại với họ để mời họ cùng cầu nguyện với Người, canh thức với Người (Mt 26,36; 88,40).

Khi đó Giuđa, một người trong Nhóm Mười Hai đã đến… cùng với đám đông người mang theo gươm giáo gậy gộc... "Này bạn, bạn đến đây làm gì thì cứ làm đi"... Anh tưởng là Thầy không thể kêu cứu với Cha sao? Người sẽ cấp ngay cho Thầy hơn mười hai đạo binh thiên thần. Nhưng như thế thì lời Kinh Thánh ứng nghiệm sao được? Vì theo đó mọi sự phải xảy ra như vậy."

Và Matthêu đã đan dệt chuyện ông kể bằng những đoạn trưng dẫn Kinh Thánh. Không, cuộc Khổ Nạn của Đức Giêsu không phải là một tai nạn lịch sử bất hạnh. Đó là hoàn tất một dự tính huyền nhiệm của Thiên Chúa, đã được tiên liệu và lưu ý từ lâu. Thiên Chúa không bị bất ngờ bởi thập giá. Chính Người đã muốn và đã quyết định như thế. Người sẽ không phái các cơ binh thiên thần đi, người cũng không cần đến phép lạ. Như thế, làm sao chúng ta có thể nghĩ rằng tất cả mọi chuyện có thể phải diễn ra một cách khác trong cuộc đời chúng ta. Lạy Chúa, xin giúp chúng con sống những thử thách của chúng con, những bó buộc chúng con, ngõ hầu chúng con tuân phục một cách tự do ý chí nhiệm mầu của Chúa Cha. Đấng không ngừng yêu thương chúng con; không ngừng yêu mến Con của Người trên thập giá; Đấng chịu đau khổ với Người, Đấng Cứu Độ cùng với Người.

Bấy giờ các môn đệ bỏ Người mà trốn đi hết. Họ bắt Đức Giêsu rồi điệu đến thượng tế Caipha. Các kinh sư và kỳ mục tề tựu sẵn ở đó.

Phêrô theo xa xa, và bước vào trong sàn để xem sự việc kết thúc thế nào. Những nhân chứng gian trá cáo giác Đức Giêsu đã nói rằng Người có thể phá huỷ Đền Thờ và xây lại trong ba ngày.

Nhưng Đức Giê sư vẫn làm thinh. Vị thượng tế nói với Người: "Nhân danh Thiên Chúa hằng sống, tôi truyền cho ông phải nói cho chúng tôi biết ông có phải là Đức Kitô Con Thiên Chúa không?” Đức Giêsu trả lời: "Chính Ngài vừa nói. Hơn nữa tôi nói cho các ông hay: từ nay, ông sẽ thấy Con Người ngự bên hữu Đấng Toàn Năng và ngự giá mây trời mà đến..”

Vâng đấy vẫn là một câu trích dẫn Kinh Thánh. Người ta trịnh trọng khẩn khoản xin Người đừng nhận căn tính của mình, Đức Giêsu đã dùng một câu trích từ ngôn sứ Đanien (7,13) để trả lời. Người nhận mình là Đấng Mêsia được người ta trông đợi, nhưng Người cũng làm cho người ta cảm thấy rằng Người không phải là Mêsia theo các chuẩn mực của các phán quan về Người: chính trong tư thế của người bị cáo tử hình, mà Người dám tuyên bố rằng từ nay trở đi sự hiện tỏ của người, sự Quang lâm của Người gần đến. Chính khi đó xảy đến việc Phêrô chối Chúa và ông đã sám hối. Rồi đến việc Giua tuyệt vọng; sắp tự treo cổ vì lòng hối hận khi thấy Đức Giêsu bị kết án, và anh thú nhận: "Tôi đã phạm tội giao nộp một người vô tội cho cái chết." Giuđa thật đáng thương! Đức Giêsu có lẽ đã quá tốt với anh, nếu anh đã biết khóc lóc thảm thiết, như Phêrô đáng thương. Huyền nhiệm tự do của con người, có thể tự nhận mình có tội, và đó là một điều trọng đại khi nói được tôi đã phạm tội; nhưng cũng có thể tuyệt vọng, nghĩa là không tin vào lòng thương xót của Thiên Chúa.

Sau vụ kiện thứ nhất về tôn giáo, trước thượng tế Caipha và Thượng Hội Đồng. Bây giờ là vụ kiện thứ hai, về dân sự, trước viên tổng trấn Roma là Philatô. Khác với các nhà chức trách Do Thái, viên chức ngoại giáo này, đã làm mọi cách để cứu Đức Giêsu: ông ta cố thả Đức Giêsu bằng cách đánh đổi một tù nhân khác, là Baraba.

Người vợ của Philatô đến biện hộ với chồng bà để ông ta không nhúng tay vào cái chết này.

Sau cùng, Philatô rửa tay, để có ý nói rằng ông ta không chịu trách nhiệm về tội ác (của giới lãnh đạo tôn giáo).

Thực sự trong chính cơn tuyệt vọng không làm cho Đức Giêsu miễn tố mà viên tổng trấn cuối cùng phải thuận theo những tiếng kêu gào của đám đông. Trong cuộc Khổ Nạn, chính Đức Giêsu là trung tâm điểm. Dầu vậy cũng cần phải lưu ý về những danh hiệu được người ta đặt cho Người. Bốn mươi lần, người đã được gọi tên Giêsu. Như muốn nói cho chúng ta, vào thời điểm đặc biệt này, ý nghĩa theo nguyên tự của tiếng này (Yeshoua, tiếng Do Thái) và đó cũng là tên mà các thiên thần đã đặt ngay từ đầu: Thiên Chúa Cứu Độ (Mt 1,23). Và về sau, người ta cũng đặt tên Người bằng danh hiệu Con Thiên Chúa (Mt 26,63; 27,40-43.54) và hai tiếng “Cha Tôi" có tác dụng nhấn mạnh đến sự hiệp thông trọn vẹn với ý muốn của Thiên Chúa, tức là tập trung ý nghĩa vào Cuộc Thụ Nạn.

Sau hết, nạn nhân bị nhạo báng bởi con người lại được chào bằng "Đức Chúa" (Mt 26,22). Và Đức Giêsu, thực sự, không ngừng hành xử theo phẩm giá thần thánh này. Người biết, Người ra lệnh, Người thống trị hoàn toàn các biến cố (Mt 26,10.19.25.50.52.54). Matthêu, muốn gợi cho chúng ta thấy sự vĩ đại khôn tả của Đấng chịu đau khổ và chết, đã khiến xảy ra một hiện tượng địa chấn, cuộc động đất, và nhấn mạnh đến chiều kích vũ trụ của sự cố diễn ra (Mt 27,51-54). Ba lần khác, ông xử dụng từ địa chấn này (Mt 8,24; 21,10; 28,2). Khi nghe đọc về cuộc khổ nạn khi suy niệm một cách cá nhân, ta đừng nên chỉ dừng lại mức độ nhạy cảm và đau khổ của con người mà thôi. Ta hãy để cho tâm tình thờ phượng và cảm tạ hồng ân cuốn hút chính ta đi nữa!