Chúa Nhật V Mùa Chay - Năm A |
PHỤC SINH LAGIARÔ |
Chú giải của Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt |
"Có một người ốm liệt, ông Lagiarô”: Chúng ta chẳng biết nhân vật này ở nơi nào khác nữa, và hình như các độc giả Tin Mừng cũng không, vì ông được gọi như là em của Matta và Maria. Tuy nhiên, ông mang một cái tên tiền định mà trong tiếng Hy bá có nghĩa: "Thiên Chúa đến cứu giúp", và, đàng khác ông là bạn của Chúa Giêsu. "Người Bêtania": Chắc chắn đây là ngôi làng mà ngày nay vẫn còn tồn tại với mỹ danh "El Azarich" (tiếng rút từ chữ Lagiarô), cách Giêrusalem quãng 2km, và là nơi người ta còn thấy ngôi mộ của Lagiarô đục sâu trong đá. "Làng của Maria và Matta chị bà": Vì tác giả không nói gì đặc biệt về hai phụ nữ này, nên phải giả thiết là độc giả đã biết nhiều về họ. Người ta đã sớm đồng hóa họ với hai phụ nữ được nhắc đến trong lúc 10,38-42. Hình như họ có cùng một tính tình: Matta hoạt động, lanh lẹ, chủ gia đình; Maria trái lại trầm tư, chiêm niệm hơn, thường bị chị xỏ mũi. Luca không nói tên nơi xảy ra cảnh đó; cũng có thể là Bêtania lắm, nhưng chẳng có gì cho phép ta đồng hóa một cách chắc chắn nhân vật của hai câu chuyện. "Maria là người đã xức dầu thơm cho Chúa": Hành động này được kể lại ở thì quá khứ, vì tác giả nhìn từ thời gian biên soạn, nên sự kiện này là một sự kiện đã qua. Nhưng ông lại tường thuật việc xức dầu ở chương 12, khi Chúa Giêsu sẽ trở về Bêtania, sau một thời gian rút vào sa mạc Ephraim. Không có gì cho phép quả quyết đây là người đàn bà tội lỗi mà Luca kể lại trong 7, 36tt. "Chúa Giêsu yêu mến Matta cùng em bà và Lagiarô": Câu này đính chính một lối giải thích sai lầm có thể có, dựa trên sự kiện Chúa Giêsu hãy còn nán lại thêm hai ngày nơi Người đang ở, dù đã nghe tin Lagiarô đau liệt. “Ngày không phải có 12 giờ sao": Dù có vẻ tượng hình và hai bí nhiệm, câu trả lời của Chúa Giêsu thật rõ ràng. Bao lâu chưa đến giờ hoàng hôn? bấy lâu chưa có gì phải sợ; người ta có thể an toàn bước đi cho đến hết thời hạn 12 giờ của ngày. Nói cách khác, Người phán cùng các môn đồ vốn đang kinh hãi khi thấy Người lên Giêrusalem đáng sợ trước, chưa đến giờ nguy hiểm đâu!". "Và chúng ta cũng hãy đi qua để chết với Người": Ngược lại với lối giải thích thông thường, hình như chữ với “Người" ám chỉ Lagiarô, vì người ta vừa mới nói trong câu trước đó là Lagiarô đã chết và Chúa Giêsu đã kết luận: chúng ta hãy qua gặp ông ấy. Trong trường hợp này, Tôma nói cách đơn sơ: nếu Người muốn đi bất cứ giá nào, thì chúng ta hãy tháp tùng theo để chung số phận với Lađarô là kẻ đã chết. “Đã được chôn 4 ngày rồi ”: Vì khí hậu ở phương đông, nên người chết được chôn trong cùng ngày chết (Ga 11, 39; Cv 5, 6). Chữ "4 ngày" có một tầm quan trọng trong trình thuật người Do thái thời Chúa Giêsu tin rằng trong 3 ngày đầu tiên, hồn vía hãy còn lảng vảng bên thây ma; chỉ từ ngày thứ tư, lúc thây ma bắt đầu thối rữa, chúng mới bỏ mà di. Ngày thứ 4 là ngày chết thực sự. "Ta là sự sống lại". Mấy chữ "và là sự sống" bị P45 cũng như một số thủ sao của truyền thống latinh và syria-sinai cũ xóa bỏ, cả Origène và Cyprien thỉnh thoảng cũng thế. Nhưng tất cả các thủ sao và các bản dịch khác đều giữ lại. Thành ra không có lý do gì để duy trì lối đọc vắn của BJ. “Hãy cởi ra cho ông ấy". Đối với Lagiarô, phải lăn hòn đá, cởi dải liệm; còn khi Chúa Giêsu phục sinh, các phụ nữ nhận định một sự kiện đã rồi: đá được lăn đi, các cuộn băng nằm dưới đất, còn khăn liệm được xếp lại ở một nơi riêng (20, 1-7). Các thiên sứ chỉ đứng đó để giúp các môn đồ ý thức sự kiện mà thôi. "Nhiều người Do thái...đã tin vào Người”: Gioan không bảo bấy giờ Lagiarô thế nào, cũng chẳng nói đến sự thán phục của các chứng nhân. Ông đưa ta đến điểm cốt yếu: nhiều người đã tin vào Chúa Giêsu. Đó là điều mà tác giả Tin Mừng mời gọi ta. KẾT LUẬN Chúng ta đã ghi nhận việc nhấn mạnh đến đức tin trong Tin Mừng thứ tư, sự căng thẳng tăng dần theo các chương giữa Chúa Giêsu, Đấng tự mặc khải chính mình trong các việc làm, và lòng cứng tin của người Do thái. Giai thoại hôm nay thường xuyên nhắc đến đức tin. Động từ “tin" được dùng 8 lần để chỉ việc con người đáp trả khi thấy vinh quang Thiên Chúa. Lagiarô đã chết và được an táng từ 4 ngày rồi. Người Do thái hình như hoài nghi quyền năng của Chúa Giêsu. Matta và Maria thì nói với Người: “nếu Thầy đã ở đây...". Chứng cớ dứt khoát và không thể chối cãi mà người Do thái đòi hỏi (10, 24) giờ đây được ban cho họ. Ai có quyền trên sự sống, nếu không phải là chỉ mình Thiên Chúa? Chúa Giêsu làm phép lạ "để họ tin" rằng Chúa Cha đã sai Người. Như thế chấm dứt sứ vụ của Chúa Giêsu giữa người Do thái. Dấu chỉ này mặc khải một lần thay cho tất cả Chúa Giêsu là ai. Vì thế người Do thái đã lên án tử hình Người. Đối với Gioan, cuộc Tử nạn bắt đầu ngay sau phép lạ này với cuộc nhóm họp của hội đồng Công tọa và việc xức dầu ở Bêtania, dấu chỉ khâm liệm Chúa Giêsu. Chính phép lạ chuẩn bị điều đó. "Bệnh này... phải được nhằm để tôn vinh Con Thiên Chúa". Việc phục sinh Lagiarô là dấu chỉ của thực tại sẽ diễn ra trong các chương kế tiếp vậy. Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG 1. Trong thời đại chúng ta, nhan nhản những dấu chỉ của sự sống và sự sống lại, chẳng hạn việc hồi sinh con người mà chúng ta đã từng mục kích nhiều lần qua các cuộc chúa bệnh thành công, là những dịp cho thấy cơ thể nhân loại có một sinh lực mãnh liệt chừng nào. Và ta phải nói gì về cuộc chiến thắng lạ lùng của sự sống trên sự chết như là việc sinh sản, rồi việc phát triển con người nên vóc trưởng thành? Trong các thành công về kỹ thuật, nhà bác học đã vượt qua nhiều khó khăn mà trước đây không thể khắc phục. Trong các lựa chọn dứt khoát, mỗi người chúng ta đều đã lướt thắng các cám dỗ bi quan, thất vọng. Tất cả chỉ vì trong con người có một khát vọng sống, có một động lực không ngừng thúc đẩy đi lên. Nhưng đồng thời trong nhân tính chúng ta có một cái gì đó đã bị đổ vỡ. Cái chết bắt chúng ta đương đầu với một giới hạn có thể bẻ gãy chúng ta. Gioan gợi lên nỗi thất vọng, sự ê chề của kinh nghiệm, các giới hạn của con người. Những câu Chúa trả lời: “Hỡi Lagiarô, hãy đi ra" mời gọi tất cả lướt thắng các giới hạn đó. Bằng giáo huấn, cuộc sống, cái chết và sự sống lại của mình, Chúa Giêsu cho thấy Người có thể khơi dậy sinh lực nào trong con người. Nhưng Người chỉ hành động trong những ai, khi đối diện với sự chết, biết để cho sức mạnh Thần khí đến “lay tỉnh" mình dậy. 2. Sự can thiệp của Chúa Giêsu cho thấy Thiên Chúa không phải là một Đấng vô biên xa vời, dửng dưng với tạo vật. Thiên Chúa đã nhập thể trạng một trái tim con người, Ngài cũng muốn có khả năng cảm xúc, bồi hồi, xót dạ? "Chúa Giêsu xao xuyến tâm thần". Ngài cho thấy mình cũng chạnh lòng trước số mệnh thế nhân. Người yêu thương các bạn hữu với tình âu yếm. Bởi đấy Người ra tay uy quyền cho Lagiarô sống lại. 3. Hãy lưu ý đến lời Matta đáp trả câu hỏi của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu hỏi: "Con có tin điều đó không?” nghĩa là có tin rằng kẻ tin vào Ta sẽ sống mãi và không bao giờ chết chăng. Người hỏi Matta về một điều gì có, về niềm xác tín được sống của bà. Matta đã trả lời nhắm vào con người Chúa Giêsu. Bà không đáp: “Vâng, con tin rằng con sẽ không chết, nhưng "Con tin Thầy là Chúa Kitô, Con 'Thiên Chúa". Chắc hẳn vì lời tuyên xưng đức tin đó (mà các môn đồ từng nghe) mà Chúa Giêsu tuyên bố với các sứ đồ của Người, khi đến Bêtania, rằng Người đã vui mừng hoan lạc. Chúa Giêsu đã muốn có giai thoại phục sinh Lagiarô để các chứng nhân tin Người là Đấng được Chúa Cha sai đến. Điều đó cho ta thấy niềm tin của Kitô hữu không phải là niềm tin vào các sự vật, dù là vào một thế giới được tái lập trong sự công chính nguyên thủy, nhưng là niềm tin vào con người Chúa Giêsu Kitô Con Thiên Chúa. Niềm tin vào Chúa Giêsu tuyệt đối ưu tiên, sau mới đến những điều khác. 4. Sở dĩ Chúa Giêsu phục sinh Lagiarô, là vì người là Lời sáng tạo của Thiên chúa Tuy nhiên Người cũng sắp chết. Chúa tể sự sống sắp lụy phục tử thần... và đối thủ của người sẽ không quên nhấn mạnh nét mâu thuẫn đó trong sự nghiệp của Người: “Nó đã cứu được kẻ khác mà không thể cứu nơi chính mình". Nhưng Chúa Kitô đã chẳng muốn cứu lấy một mình mà thôi. Khi mặc lấy thân phận con người chúng ta cho đến cái chết, lời sự sống của Người không còn ở ngoài chúng ta nữa. Người chiến thắng tử thần qua cái chết. Như thế, Người đã cứu rỗi tất cả nhân loại cùng với chính bản thân Người. 5. Hoạt động của con người bị hạn chế và thượng thất bại. Song các giới hạn và thất bại này không thể triệt hạ sự tự do của kẻ tin vào Chúa Kitô. Cái chết đặt một giới hạn rõ rệt cho sự sống của con người, nhưng đức tin của Kitô hữu vượt qua giới hạn đó. Người Kitô hữu đã ở bên kia cái chết. Chắc chắn, sự chiến thắng cái chết mà Chúa Kitô đạt được cho ta không miễn cho ta chết như Người. Kitô hữu không phải là kẻ giảm thiểu hay đánh bóng sự chết. Đối với họ cũng như đối với Lagiarô, cái chết không thơm tho gì. Và chẳng có hương thơm (thánh thiện hay đạo đức nào) có thể ru ngủ sức kháng cự của con người đối với cái chết. tuy nhiên Kitô hữu tin tưởng vào Thiên Chúa như Chúa Kitô đã tin tưởng vào Chúa Cha, vì biết rằng Ngài luôn nhận lời mình xin. Ngài là vị Thiên Chúa hằng yêu con người và muốn con người sống để tôn vinh Ngài. Tin vào tình yêu Thiên Chúa tỏ hiện trong Chúa Kitô tức là đã phục sinh và đã được bảo chứng sẽ sống mãi. |