Chúa Nhật V Mùa Chay - Năm A
LAZARÔ SỐNG LẠI
Chú giải của Fiches Dominicales

VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI:

1. Từ Bêtania của sự sống đến Bêtania của sự chết.

Cũng như cuộc gặp gỡ giữa Đức Giêsu với người phụ nữ xứ Samaria, bên bờ giếng Giacob, như bước chân của người mù bẩm sinh tiến về ánh sáng, Phúc âm về sự Lazarô là một trong những bản văn quan thuộc truyền thống Gioan mà Giáo Hội, ngay từ hai thế kỷ đầu tiên, đã dùng vào việc khai tâm cho tân tòng.

Đi liến với trình thuật về quyết định của Hội đường - dẫn đến việc kết án Đức Giêsu - trình thuật về sự phục sinh Lazarô là một văn bản bản lề trong Phúc âm Gioan.

Trình thuật này hoàn tất phần một, với dấu chỉ thứ 7 (số 7 là số hoàn hảo) và cũng là dấu chỉ cuối cùng của Đức Giêsu.

Trình thuật này cũng khởi đầu phần hai vì sắp đề cập đến cái chết của Đức Giêsu khi nói với giới lãnh đạo Do Thái rằng đã đến lúc kết thúc với Người.

Trình thuật này dẫn ta từ một Bêtania này đến một Bêtania khác. Bắt đầu ở Bêtania bên kia sông Giođan, "nơi Gioan làm phép rửa" (1,28). Đức Giêsu đã tĩnh tâm ở đó sau một cuộc tranh luận vào dịp lễ Cung hiến Đền thờ và người Do Thái đã muốn ném đá Người (1,39 và 11,8). Trình thuật kết thúc ở Bêtania gần Giêrusalem nơi Matta và Maria đã phát ra thông tin báo động: "Thưa Thầy, người Thầy yêu mến đang bệnh nặng".

A. Marchadour nhận xét: Như thế có hai Bêtania cách nhau bởi con sông Giođan, xa nhau bằng một khoảng cách không chỉ đơn thuần là địa lý: Bêtania của yên tĩnh, của sự sống, của đức tin và Bêtania của lo âu, của cái chết. Sự chậm trễ của Đức Giêsu sẽ là nguyên nhân cho truyện kể - cho Người có cơ hội giải thích trước rằng cơn bệnh của Lazarô không nguy đến tính mạng, nhưng chỉ để làm vinh danh Thiên Chúa và Con Người. nếu Đức Giêsu nói về cái chết của bạn Người là một “giấc ngủ” chính là để ta hiểu rằng ông có thể thức dậy nếu ông nghe tiếng Người.

Trình thuật này là truyện kể về sự trở lại đời sống hơn là về sự phục sinh theo đúng nghĩa. X. Leon Dufour viết: "Thực vậy, từ ngữ "phục sinh" thường được dùng trong phép lạ này là không chính xác, vì, theo dữ kiện Kinh Thánh, từ ngữ ấy được dành riêng để chỉ sự vượt qua từ cái chết đến sự sống vĩnh viễn; nó không được dùng để chỉ cuộc trở lại với đời sống ở trần gian này: Để nói về sự phục hồi sự sống gian trần, ta có thể dùng từ ngữ hồi sinh, nhưng từ ngữ này có tính chất y học được dùng. Vậy ta nên dùng kiểu nói "trở lại đời sống” để chỉ sự kiện này".

2. Một hành trình của nhận thức.

Một lần nữa Gioan lại đưa ta vào một hành trình nhận thức.

Một lần nữa, ta có thể quan sát những chuyển dịch có ý nghĩa biểu tượng rất cao của các nhân vật trong trình thuật. X. Leon Dufour ghi nhận: "Mọi người đều rời nơi mình ở. Mọi người đều ra đi. Đức Giêsu và các môn đệ từ bên kia sông Giođan; những người Do thái từ Giêrusalem, Matta từ ngôi làng, Maria với những người Do Thái từ nhà nàng trong làng; Lazarô từ nấm mộ. Nếu Đức Giêsu ngừng chân, khi đến Bêtania và không vào nhà hiếu, chính là để lại lên đường cùng với cả nhóm, tiến tới nơi Người phá tan sự chết, trong khi chuyển động của các nhân vật khác, kể cả Lazarô, đều hướng tới gặp gỡ Ngài".

Một lần nữa, ta có thể nhận ra những bí quyết luôn làm cho truyện kể thêm sinh động:

Sự khinh thường của các môn đệ về giấc ngủ cái chết của Lazarô. Sự khinh thường của Matta vế vấn đề thời điểm phục sinh: ngày sau hết, ngay bây giờ.

Phải đi xa hơn nữa để vượt qua mức độ đầu tiên của ý nghĩa:

Về ánh sáng: ta sẽ được mời, cùng với các chứng từ? vượt qua "ánh sáng của trần gian này đến với Đấng là Anh sáng soi trần gian" (câu 9-10).

Về ơn cứu độ: ta sẽ được mời, cùng với các chứng từ vượt qua thứ chữa khỏi bệnh một cách quá giản đơn, cả cuộc hồi phục sự sống về phương diện sinh lý, đến sự tiếp nhận ơn cứu dộ của Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô.

3. Lên đến tuyệt đỉnh trong lời tuyên xưng đức tin của Matta.

Tới Bêtania trong xứ Giuđêa này, Đức Giêsu phải đối diện ngay với nỗi đau khổ của hai chị em của Lazarô. Trước hết dó là cuộc gặp gỡ với Matta. Bà bỏ nhà ra đón Đức Giêsu. "Khi Matta hay tin Đức Giêsu đến, bà chạy ra gặp Ngài, trong khi Maria ở lại nhà" A. Marchadour cảm nhận: Matta rời bỏ nhóm đám tang gồm Maria và các người Do Thái để đi gặp Đức Giêsu. Sự ra đi này đặt Matta vào một mối tương quan tin tưởng đặc biệt, trước mặt Đức Giêsu. "Nếu Thầy có ở đây, em con đã không chết" bà nói với Đức Giêsu như thế, vì biết Người có một sức mạnh rất hiệu lực để chống lại cái chết và sự hiện diện của Người có thể cứu Lazarô thoát chết. Bà cũng nhận biết Người có uy tín với Thiên Chúa nên lời cầu của Người sẽ tác dụng? "Nhưng con biết rằng, ngay cả bây giờ, Chúa sẽ ban cho Thầy bất cứ điều gì Thầy xin".

“Em con sẽ sống lại" Đức Giêsu trả lời, bầng cách nhắc lại cho bà niềm tin của người Do Thái vào sự sống lại ngày sau hết. Matta không ngần ngại phụ hoạ vào niềm tin Irael ấy: "Con biết ngày tận thế em con sẽ sống lại”.

Ở đây Đức Giêsu lại vượt qua một ngưỡng cửa mới. Ngưỡng cửa ấy là thuộc tính của Thiên Chúa: làm cho sống và làm cho chết. Đức Giêsu tự nhận. Ngài long trọng tuyên bố: "Ta là Sự Sống lại và là sự sống". Không cần phải đợi đến ngày tận thế. Cuộc sống mới là một thực tại hiện diện nơi Người ngay lúc này. Sự sống ấy được ban tặng cho ai tin vào lời Người. "Ai tin Ta, dù có chết, cũng sẽ sống. Và bất cứ ai sống mà tin Ta, sẽ không chết đời đời. "Con có tin không. Matta trả lời: Vâng thưa Thầy, con tin Thầy là Đấng Messia, là Con Thiên Chúa đến trong trần gian”. A. Marchadour bình luận "Ở đây Matta là khuôn mặt của kẻ tin nhận biết nơi Đức Giêsu sự xâm nhập của Thiên Chúa của người sống đến giữa con người. Ở đây Đức Giêsu còn hơn Êlia hoặc Êlisêô: Ngài được nhận biết là Đấng làm cho sống, theo hình ảnh của Thiên Chúa. Như thế, nhờ đức tin Matta đã hiểu rằng Đức Giêsu chính là Thiên Chúa đến giữa nhân sinh. Thực là hợp lý khi bà tuyên xưng Đức Giêsu trong căn tính của Người là Messia của Thiên Chúa (điểm tới của Do Thái giáo) và là Con Thiên Chúa. vì thế, bà qui tụ Do Thái giáo (Đức Messia) và Kitô giáo (Con Thiên Chúa).

Rồi, đó là cuộc gặp gỡ với Maria, vẫn còn trong tang chế cả về thái độ lẫn lời lẽ: "Cô là một trong nhóm người Do Thái chịu tang chế". Ngay từ đầu trình thuật, cô vẫn chìm đắm trong tang chế với cái chết, cô tượng trưng cho con người bị sự chia lìa của cái chết đánh gục: Sự buồn bực thái quá đã cả ngăn cô ra đón tiếp Đức Giêsu, mạc khải của Thiên Chúa.

4. Và dấu chỉ hồi sinh của Lazarô.

Xúc động sâu xa khi thấy Maria và những người Do Thái theo cô cũng khóc, Đức Giêsu lại xúc động khi đứng trước mộ của Lazarô bạn Người.

- Dù đã tuyên xưng đức tin mạnh mẽ, Matta vẫn nghi ngại khi phải mở cửa mồ, bà thưa với Đức Giêsu: "Nhưng thưa Thầy, chôn đã 4 ngày rồi. X. leon Dufour lưu ý: khoảng thời gian 4 ngày chẳng phải là một lựa chọn ngẫu nhiên, nó liên hệ đến niềm tin dân giả cho rằng kể từ ngày thứ bốn linh hồn bay lởn vởn quanh xác chết nhưng không thể nhập vào được nữa. Lazarô phải thực sự chết và xác đã bắt đầu có mùi như thế mới biểu lộ được chiến thắng của Đức Kitô. Matta tức khắc ca ngợi vinh quang Thiên Chúa. Đức Giêsu bảo bà: "Thầy đã không nói với con rằng nếu con tin con sẽ thấy vinh quang Thiên Chúa sao?”.

Theo lệnh Người, tảng đá che cửa mộ được mở ra, và lời cầu khẩn của Người quá vững chắc đến độ biến thành lời tạ ơn: Lạy Cha, Con ngợi khen Cha vì Cha đã nhận lời con. Theo lệnh truyền oai quyền của Người: Lazarô, hãy đi ra! Người chết ra khỏi mộ. Thần chết nắm giữ ông trong vòng tay tượng trưng bằng các giải băng, nay không còn chút quyền hành nào trước mặt Đức Giêsu, Người kết luận: Hãy cởi dây và để cho ông đi.

Đức Giêsu đến từ xứ sở sự sống đã ở lại trong nhân tính bi đát nhất của Người, Đấng phá vỡ ranh giới chia Thiên Chúa - con người, sự sống - sự chết. Cái chết của Lazarô mà Maria và các người Do Thái coi như kết thúc ở đây trở thành một thoáng qua; các Kitô hữu đầu tiên, những người tuyên xưng chờ đợi lâu dài của Israel đã hoàn tất nơi Đức Giêsu Đấng được Cha Người phong làm Đức Chúa, đã cảm nghiệm rằng cái chết vẫn còn ảnh hưởng tới các bạn hữu của Đức Giêsu; khi cái chết đe doạ, Đức Giêsu và Người đến quá trễ không ngăn được thân xác huỷ hoại, tang chế và nỗi buồn. Trước những lời chất vấn này, trình thuật đề nghị một lời giải đáp bằng mượn lối văn kể chuyện để chuyển đạt một giáo huấn khá gần với giáo huấn của Phaolô trong thư thứ nhất giở dân thành Thesalonica.

Truyện kể chấm dứt, để lại độc giả - và cả chúng ta hôm nay - đối diện với Lazarô, đang sống, nhưng câm nín không nói gì về những gì ông đã cảm nghiệm, sự im lặng của ông buộc mỗi người chúng ta phải tự xác định mối quan hệ của mình với Đức Giêsu, trọng tâm của câu chuyện đi đến cái chết và sự phục sinh của Người. Còn về những người Do Thái, trong khi có nhiều người trong bọn họ tin vào Người, có vài kẻ đến tìm những người biệt phái và kể cho họ nghe những điều Người đã làm. Tiến trình tiếp diễn, sẽ dẫn đưa Đức Giêsu tới đồi Canvê nơi Người dâng hiến mạng sống để ban sự sống thật cho tất chúng ta là những Lazarô.

BÀI ĐỌC THÊM:

1. Lớn lên trong đức tin (N. Quesson, Les entretiens du dimanche A. Droguet et Ardant).

Trong câu chuyện này, cả Matta lẫn Maria đều được mời gọi tiến triển thêm. Matta đã có đức tin ở một mức độ nào đó, đức tin Do Thái: "Con biết rằng em con sẽ sống lại vào ngày tận thế. Đức Giêsu mời bà tiến thêm một bước: "Ta là sự sống lại và là sự sống. Con có tin điều đó không. Phải tiến từ đức tin vào sự sống lại ngày tận thế đến đức tin vào lời Đức Giêsu Đấng ban sự sống ngay hôm nay cho ai tin vào Người. Đó chính là mục đích của phép lạ này: "Lạy Cha, Con tạ ơn Cha đã nhận lời Con. Con nói ra đây chính là để cho đám đông chung quanh Con đây tin rằng Cha đã sai Con”.

Kết thúc cuộc khám phá về Đức Giêsu, và để chuẩn bị cho việc tuyên xưng đức tin, chúng ta đã cùng Matta và Maria lãnh nhận bài giáo lý cuối cùng. Những người xứ Samaria đã nhận biết Người là Đấng Cứu Độ trần gian... người mù bẩm sinh đã nhận Ngài là Con Người... Matta và Maria đã tuyên xưng Người là Con Thiên Chúa. Đối với nhiều trẻ em, những thanh niên và cả lứa tuổi trường thành, Đức Giêsu trước hết là một người bạn như thuở ban đầu Matta và Maria đã nhận biết. Có phải vào ngày phục sinh, ta sẽ tiến triển trong đức tin khi nói lên, không chỉ bằng môi miệng mà bằng cả một cử hành tạ ơn: "Vâng, lạy Chúa, Người là Đức Kitô, Đấng Messia, Con tin Nguớì là Con Thiên Chúa, Đấng đã đến trong thế gian... Hôm nay, con muốn xin Người đến lấp đầy lổ hổng của hữu thể con bằng Xác Thể hằng sống của Người, lương thực chân thật cho đức tin của con".

2. Từ “Phục Sinh” của Lazarô đến phục sinh của Đức Giêsu (Missel Communautaire).

Phép lạ đặt ngay trước cuộc khổ nạn của Đức Giêsu đã tiên báo cái chết và sự phục sinh của Người. Thực vậy nếu Lazarô rút tay chân bị trói ra khỏi giải băng và khuôn mặt bị che phủ khỏi tấm chăn liệm, điều đó nhắc nhở một cách đầy biểu tượng rằng ông vẫn còn là một người phàm hay chết. Đức Giêsu sẽ thoát ra vào ngày Phục sinh như một người bất tử, được vĩnh viễn giải thoát khỏi sự chết. Nơi Đức Giêsu, sự sống đã khải hoàn.

3. Thiên Chúa của ta là một Thiên Chúa mở cửa mồ

Nhìn thế giới ta sẽ thấy nó thật bệnh hoạn. Sự phát triển của phương Bắc đã bị xét lại về sự coi thường môi trường và những nguy cơ nó gây ra cho tương lai của hành tinh và cho những thế hệ tương lai. Sự phát triển ấy càng bị chống đối khi ta nhìn thấy những người nghèo mới, số những người bị loại trừ chẳng bao giờ có thể tái hội nhập. Sự phát triển ở phía Đông cũng thế, tàng sinh ra sự thù hận chủng tộc, bạo lực và nghèo khổ. Sự phát triển ở các nước thuộc thế giới thứ ba cũng bị công kích, vì nó không nuôi được dân trong vùng một cách đúng đắn, cũng không phân phối các sản phẩm cho công bình.

Đức Kitô đã nói: "Căn bệnh này không đến nỗi chết, nhưng chỉ lành vinh danh Thiên Chúa" (Ga 11,4). Lời lẽ lạ lùng, ngược hẳn với cái nhìn đầu tiên của ta: Hẳn Người đã cảm thấy điều gì... Thực ra đã 4 ngày rồi... (Ga 11,39). Tuy nhiên đó là đức tin, là niềm hy vọng của ta. Thiên Chúa của ta là một Thiên Chúa sự sống. Thiên Chúa của ta là Đấng mở những nấm mồ. Đức Kitô của ta là Đấng, giữa đoạn đường từ làng tới nghĩa trang, đã bảo đảm cho ta vượt qua từ sự chết đến sự sống. Chúa của ta là Đấng kêu lên: Hãy đi ra. Người gọi chúng ta, những kẻ đang bị giam hãm. Người cởi trói và giải thoát ta khỏi mớ quần áo sự chết, khỏi các giải băng sợ hãi. Thế nên chiến đấu cho công lý trở thành có thể được Yêu thương là luôn luôn có thể được" Con người có thể gặp được nhân tính của mình: anh em không còn dưới áp lực của thân xác nhưng của thần linh vì Thánh Thần Thiên Chúa ở trong anh em (Rm 8,9).

Thành viên của CCFD làm chứng về những điếu đó mỗi ngày. Tình liên đới, đắt giá lắm, nhưng là suối nguồn vui tươi. Sự phát triển rất phức tạp nhưng tiến tới là điều có thể được nếu ta biết hợp tác với nhiều người: các quốc gia, các tổ chức phi chính phủ, các xí nghiệp, các trung tâm nghiên cứu, tư nhân, các Giáo Hội. Mỗi người có thể tham gia theo cách của mình. Đối với chúng ta những kẻ tin, thì trong cố gắng của nhân loại ấy có dấu vết của Thiên Chúa trong lịch sử hoạt động: các con sẽ biết rằng Ta là Chúa khi Ta sẽ đem các ngươi ra khỏi mồ (Ez 37,13).

Chính Thánh Thần của Đức Kitô và của Thiên Chúa Cha cho ta đủ năng lực chiến đấu chống lại tất cá sức mạnh của sự chết. Chính Người, một ngày kia, sẽ mở cửa đưa ta vĩnh viễn vào sự sống.