Chúa Nhật V Mùa Chay - Năm A |
CHÚA GIÊSU LÀM CHO ANH LAGIARÔ SỐNG LẠI |
Chú giải của Alain Marchabour |
Dấu lạ thứ bảy theo Tin Mừng Gioan là dấu lạ vĩ đại nhất, đến nỗi có vài nhà chú giải xem dấu lạ này như là sự biểu hiệu trước cuộc Thương Khó và sự Phục Sinh của Chúa Giêsu hơn là đoạn kết phần thứ nhất của Tin Mừng. Luôn luôn như thế trong Tin Mừng Gioan, đây là một bài trần thuật tập trung vào Chúa Giêsu. Cả bài đều được sắp đặt chung quanh Chúa Giêsu; chính trong tương quan với Người mà mọi nhân vật được mời gọi thực hiện việc lựa chọn. Cảnh tượng xảy ra ở hai nơi. Ở bên kia sông Giođan (10,40-11,16) nơi Chúa Giêsu ở ẩn cùng các môn đệ và tại Bêtania (11,16-45) nơi ở của Lagiarô và hai chị. Theo Ga 1,28 thành phố bên kia sông Giođan cũng gọi là Bêtania. Như vậy, có hai “Bêtania”, ngăn cách bởi dòng sông Giođan, nơi này cách xa nơi kia trước tiên không phải về địa lý: có một Bêtania tĩnh lặng, đầy sức sống và lòng tin và một Bêtania náo loạn, đầy chết chóc. Bêtania, gần Giêrusalem, là nơi cư ngụ của Lagiarô, Matta và Maria, được giới thiệu ở đây như ba chị em. Lagiarô –có nghĩa là “Éléazar” (Thiên Chúa đoái thương) theo dạng thức Hy Bá- không được nhắc đến ở nơi nào khác. Cũng danh xưng này còn gặp thấy trong dụ ngôn về anh Lagiarô và ông nhà giàu (Lc 16) trong một tình huống không liên quan gì đến đoạn sách của chúng ta. Maria và Matta cũng không xuất hiện nào khác ngoài Lc 10,38-42. Phần Dẫn: 1-6 Bài trần thuật mở đề như một truyện ngắn: “Có một người đau nặng”. Lagiarô được đề cập đến trong tương quan với hai cô chị Maria và Matta. Chị Maria được đánh giá dựa vào việc xức dầu thơm cho Chúa Giêsu. Bởi vì cô chị này được đặt quan hệ với “ngày mai táng” của Chúa Giêsu, ta có thể hiểu điểm giải thích này như cách hướng dẫn để suy ngắm: Maria được đặt liền bên cạnh sự tang tóc và sự chết. Ở điểm này, hai chị em đều không khác nhau. Cô này cũng như cô kia đều được Chúa Giêsu thương mến, cả hai cô đều cho người đến báo cho Chúa Giêsu hay Lagiarô đau nặng. Có hai ghi chú khiến bài trần thuật trở nên bi thảm: Chúa Giêsu thương mến, thế nhưng Người còn lưu lại thêm hai ngày nữa! Điều trái nghịch này có thể là quan trọng. Nó còn lặp lại trong 11,36-37 dưới dạng thức lời xác quyết của người Do Thái: Kìa xem ông ta thương anh Lagiarô biết mấy!... Ông ta lại không thể làm cho anh ấy khỏi chết ư! Phần dẫn nhập này tạo cho Chúa Giêsu một tư thế duy nhất bởi lẽ người báo trước biến cố này như một căn bệnh không phải đưa đến sự chết mà là tỏ hiện vinh quang của Thiên Chúa và của Chúa Con. Chúa Giêsu Và Các Môn Đệ: 7-16 Cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu với các môn đệ tạo nên một sự toàn nhất. Hơn nữa sự thống nhất của bài trần thuật được đánh dấu bằng sự bao hàm: Người nói với các môn đệ (c.7) Nào chúng ta cùng trở lại miền Giuđê người Do Thái tìm cách ném đá Thầy (c.8) nào chúng ta đến với anh ấy (c. 15) Tôma nói với các bạn đồng môn (c.16) chúng ta cùng đi và cùng chết với Thầy. Trong phần này, các môn đệ hành xử như thế theo hai thái độ. Trước tiên, các ông là đối tượng để Thầy dạy bảo. Quả thực, đứng trước cái chết của anh Lagiarô và những lời Chúa Giêsu nói, các ông tỏ ra không hiểu gì hết và cần lời giảng dạy của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu chứng tỏ mình thông hiểu và mời gọi các môn đệ cùng chia sẻ: đối với Chúa Giêsu, cái chết của anh Lagiarô là một giấc ngủ: điều đó khiến hiểu rằng Người có thể “đánh thức” nếu anh ta nghe tiếng của Chúa Giêsu. Sau nữa, các ông đi theo Người và sau khi phản đối, cuối cùng các ông cùng tham gia vào chương trình của Người: “Nào chúng ta cùng đi và cùng chết với Thầy”. Thực tế, các ông chứng tỏ thế nào là môn đệ: lắng nghe Thầy và tiếp bước theo Thầy cho đến chết (các Tin Mừng Nhất Lãm sẽ đề cập đến “vác lấy thập giá của mình”). Người kể chuyện khéo léo đưa vào một tựa đề thích hợp cho mỗi độc giả (mỗi người phải là môn đệ) và một sự quy chiếu vào biến cố đặc biệt bằng cách nêu tên ông Tôma và nhờ vậy tạo nên một căn cứ lịch sử cho bài trần thuật. Như vậy bài trần thuật vừa có tính lịch sử vừa có tính tượng trưng. Chúa Giêsu Và Cô Matta: 17-27 Bài trần thuật chuyển ngay sang bên kia sông Giođan nơi diễn biến cuộc đối thoại với các môn đệ, tại Bêtania gần Giêrusalem. Tác giả tự do tóm tắt trì hoãn để đạt đến các mục tiêu của mình. Kể từ câu 20, tác giả dùng bài trần thuật ngay tại cổng làng Bêtania để khai triển hai cảnh song song trong đó mỗi chị em đều có một vai trò khác biệt nhau. Cô Matta bỏ đám đông đang buồn thảm gồm cô Maria và nhiều người Do Thái để đi đón Chúa Giêsu. Việc đi đón này đặt cô Matta vào trong mối liên hệ đặc biệt tin tưởng khi đối diện với Chúa Giêsu. Có Chúa Giêsu hiện diện, sự chết không thể lấn lướt được Người. Niềm xác tín này của cô Matta được diễn đạt bằng ba dụng ngữ. Trước nhất cô xác tin rằng Chúa Giêsu có quyền trên sự chết. Sự hiện diện của Chúa Giêsu là cơ hội để cô tuyên xưng đức tin của mình vào Chúa Giêsu: “Con biết bất cứ điều gì Thầy xin cùng Thiên Chúa, Người cũng sẽ ban cho Thầy”. Lời quả quyết giống như một lời cầu xin (như trong 2,3). Về điểm này, cô nhận biết Chúa Giêsu là người của Thiên Chúa, theo cung cách của Êlia và Êlisê, những vị mà Thiên Chúa ban cho quyền làm cho kẻ chết sống lại (1V 17,17-24; 2V 4,18-37). Thế nhưng đối với một tín hữu Do Thái, rõ ràng chỉ có Thiên Chúa mới có thể ban sự sống, như lời của một kinh sư Do Thái minh chứng: “Ôi lạy Chúa, Chúa nắm trong tay ba bí quyết: quyền năng làm mưa gió, làm thụ thai trong lòng người nữ và làm cho kẻ chết sống lại”. Khi Chúa Giêsu ẩn mình đi để nhắc cho Matta niềm tin của người Do Thái vào việc làm cho kẻ chết sống lại (Ga 11,23), cô liền tiếp theo Người để tin vào tín điều của dân Israel: “Con biết em con sẽ sống lại trong ngày sau hết”. Nhất là khi Chúa Giêsu tỏ hiện như là sự sống lại và là sự sống, cô Matta liền vượt qua sự hiểu biết để tin: “Thưa Thầy, con vẫn tin Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa” (11,27). Ở đây cô là dung mạo của người nữ tín hữu nhận biết nơi Chúa Giêsu sự xâm nhập của Thiên Chúa kẻ sống vào giữa loài người. Ở đây Chúa Giêsu trổi vượt các ngôn sứ Êlia và Êlisê: Người được nhận biết như Đấng ban sự sống, theo mẫu hình của Thiên Chúa. Quả vậy, nhờ đức tin cô Matta đã hiểu rằng nơi Chúa Giêsu, chính Thiên Chúa ngự đến giữa loài người. Thật hoàn toàn hợp lý để cô Matta tuyên xưng Chúa Giêsu trong căn tính đích thực của mình, Đấng Mêsia của Thiên Chúa (cùng đích của Do Thái giáo) và Con Thiên Chúa. Như thế, cô tổng hợp Do Thái giáo (Đấng Mêsia) và sự mới lạ của Kitô giáo (Con Thiên Chúa). Tiểu đoạn này đã đạt đến đích điểm khiến cho việc anh Lazarô ra khỏi mồ sau này trở nên tương đối, bởi vì vận may đặc biệt của anh đã trở nên thứ yếu: “Ở đây điều hệ trọng là “ai sống và tin vào Chúa Giêsu” (11,25). Chúa Giêsu Và Cô Maria: 28-37 Người kể chuyện muốn nhấn mạnh đến sự tương đồng giữa hai chị em: họ gặp Chúa Giêsu tại cùng một địa điểm và thưa với Chúa Giêsu những lời như nhau. Thế nhưng lời đầu tiên của cô Maria chỉ lặp lại phần tiêu cực của điều cô em đã nói –“Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây”- còn thiếu phần tuyên xưng đức tin. Trong hành động và trong lời nói, cô Maria vẫn còn chìm đắm trong tang chế: cô đang ở với người Do Thái đến chia buồn (cc. 31.33). Cô đang khóc lóc thảm thiết. Có một niềm tin quá mức nơi cô Matta và một sự buồn thảm nơi cô Maria, ta có thể nói như vậy chăng? Các bản văn đều phóng khoáng và cô Matta người phụ nữ đầy lòng tin lại xuất hiện ở câu 11,39 với những dấu hiệu của sự thiếu tin tưởng. Thế nhưng, theo cách thức của nhà mô phạm, Gioan đã đánh dấu hai thái độ trước sự chết; cô Maria, được đề cập đến ngay từ phần đầu của bài trần thuật với vẻ tang tóc và chết chóc (c.2), tiêu biểu cho con người thất vọng vì sự từ biệt: sự buồn thảm thái quá khiến cô không thể đón nhận nơi Chúa Giêsu Đấng mặc khải của Thiên Chúa. Chúa Giêsu Đứng Trước Anh Lagiarô: 38-45 Cuộc hội ngộ với anh Lagiarô được đặt liền sau đoạn đau thương khóc lóc và phiền muộn. Chúa Giêsu lặp lại địa vị Chúa Tể của mình và tỏ bày bằng ba cách: a. Bằng lời nguyện xin cùng Chúa Cha qua đó biểu hiện sự kết hợp giữa Người với Chúa Cha và niềm xác tín được lắng nghe: “Con biết Cha hằng nhậm lời con”. b. Bằng quyền năng của Người nơi các nhân chứng. Người ra lệnh hai lần: “Đem phiến đá này đi”. Cô Matta còn do dự được hướng dẫn đến vinh quan của Thiên Chúa như Chúa Giêsu đã loan báo cho các môn đệ (11,4). “Cởi khăn và vải cho anh ấy, rồi để anh ấy đi”. Như thế đó, Chúa Giêsu không những giải thoát anh Lagiarô khỏi xiềng xích sự chết, mà còn không ràng buộc con người vừa mới được cứu thoát phải lệ thuộc vào mình. Người gởi trả anh Lagiarô về với sự sống. c. Bằng sự can thiệp ngắn gọn nhưng hiện hữu của Người: “Người kêu lớn tiếng: “Anh Lagiarô, hãy ra khỏi mồ!”. Tiếng kêu này có tác dụng tạo được cho dấu lạ tính cách công khai không? Tiếng kêu có nêu lên được ý nghĩa tiếng nói của Người có thể vang đến xứ sở kẻ chết chăng? Cả hai ý nghĩa đều có thể, cùng với khả năng hướng đến tiếng kêu thảm thiết của Con Người vào thời cuối cùng lôi kéo kẻ chết ra khỏi mồ. Anh Lagiarô Khác hẳn với các nhân vật khác, nhân vật Lagiarô khá dài dòng: anh xuất hiện xuyên suốt bài trần thuật: anh là nguyên nhân làm phát sinh câu chuyện; anh là một câu chuyện của mỗi người và tạo cho tất cả các nhân vật khác khả năng làm cho sự chết một ý nghĩa. Anh xuất hiện với dáng vẻ thụ động, im lặng, một sự im lặng phong phú khiến cho mỗi nhân vật của bài trần thuật, và qua đó mỗi độc giả, đều có thể lên tiếng. Anh là người mặc khải cho mỗi người. Thoạt đầu, không có một yêu cầu nào đặc biệt: chính hai cô chị cho người đến nói với Chúa Giêsu: Thưa Thầy, người Thầy thương mến đang bị đau nặng. Sống lại ra khỏi mồ, anh Lagiarô tiếp tục im lặng và rút lui theo lời nói bí ẩn của Chúa Giêsu: “Cởi khăn và vải cho anh ấy, rồi để anh ấy đi”. Người kể chuyện quan tâm đến “phần để trắng” trong tiến trình của anh Lagiarô: bốn ngày anh ở trong mồ có ý nghĩa gì? Sau khi sống lại ra khỏi mồ, anh làm gì? Bài trần thuật đạt đến tột đỉnh cùng với việc tuyên xưng đức tin của cô Matta. Anh Lagiarô đã được “đánh thức” bởi vì anh đã nghe lời của Chúa Giêsu. Đấy là chỗ duy nhất trong bài trần thuật: “Anh Lagiarô, hãy ra khỏi mồ!”. Tuy nhiên, về cuộc hành trình cá nhân của anh Lagiarô, không có một dấu vết nào được thuật lại cho chúng ta ngoài sự kiện anh Lagiarô một trong những người đồng bàn cùng với Chúa Giêsu trong 12,2: Orgiène đã nói: “Anh Lagiarô đã trải qua một quãng đường dài, bởi vì anh đã đi từ ngôi mộ đến bàn tiệc của Chúa”. Anh biến khỏi bài trần thuật khi mà thánh sử thông báo rằng các vị thượng tế quyết định giết cả anh Lagiarô nữa (12,11): lời nói có hiệu quả đáng kinh ngạc. Chúng ta sẽ không còn biết gì về anh nữa, ngoài những tục truyền. Thánh sử đã đề cập khá đầy đủ về anh: từ nay cần phải nhường chỗ lại cho Chúa Giêsu, Người mà anh có nhiệm vụ chuẩn bị sự chết và sự vinh quang. Chúa Giêsu Được Tỏ Hiện Trọn bài trần thuật đều tập trung vào Chúa Giêsu. Trong mỗi phân đoạn, Người đều là biểu tượng chính yếu và lần lượt tỏ lộ một khía cạnh nhỏ về căn tính của Người, như được chứng mình khi ta nhìn thoáng qua các phần khác nhau của bài trần thuật. |