Chúa Nhật II Phục Sinh
NGƯỜI CHẬM TIN
Suy Niệm của Lm Nguyễn Hữu Lượng

Cuộc khổ nạn của Chúa Kitô làm cho Tôma thất vọng. Đức tin của ngài đã suy yếu đến độ mặc dầu với nhiều chứng tích, mọi người đã tin Chúa sống lại, nhưng ngài vẫn đòi cho bằng được những bằng chứng cụ thể rồi mới tin : "Nếu tôi không thấy các dấu tích nơi tay Ngài, và cho tay tôi vào lỗ đinh cùng cho bàn tay tôi vào cạnh sườn Ngài, tôi sẽ không tin!"

Đã có bằng chứng cụ thể như Tôma đòi thì cần gì phải tin. Bởi vậy tám ngày sau Chúa lại hiện ra với các tông đồ, mục đích để sửa lại lòng tin yếu kém của Tôma : "Bởi thấy Ta, ngươi đã tin. Phúc cho những ai không thấy mà tin."

Tuy nhiên, ta đừng quên rằng biến cố Phục sinh là một biết cố quá phi thường vượt trên sức tưởng tượng của loài người. Không riêng gì Tôma, các tông đồ khác cũng đã không tin khi vừa nghe Chúa sống lại. Chúa biết vậy nên đã đến cứu đức tin của Tôma, và cũng nhờ đó các thế hệ sau nầy có được một công thức tuyên xưng đức tin thật đầy đủ phát ra từ đáy lòng thống hối của thánh Tôma, làm mẫu mực cho chúng ta: "Lạy Chúa tôi và là Thiên Chúa của tôi."

Trong lời nói đột xuất trên kia, thánh Tôma đã gọi Đức Kitô là Chúa, điều đó bao hàm rằng Chúa Kitô có quyền năng của TC. Ngài có quyền lực để tự phục sinh từ cõi chết. Tôma đã xưng tụng Chúa Kitô là TC của ngài vì tin tưởng lòng Chúa bao dung, sẵn sàng tha thứ cho sự chậm tin của ngài.

Đó là một công thức đức tin đầy đủ và gọn gàng mà Phúc Âm ghi lại từ cửa miệng của một kẻ chậm tin như Tôma.

Và cũng để sửa lại sự chậm tin của mình, sau khi Chúa về trời, tông đồ Tôma đã mạnh mẽ tận hiến cả đời mình cho Tin Mừng Phục Sinh, ngài đã chết để làm chứng cho chân lý ngàn đời đó.

Đức Tin là một trong ba nhân đức Đối Thần, giúp ta chấp nhận mọi điều Chúa mặc khải về những mầu nhiệm vượt quá sự kiểm soát của trí khôn loài người, và thánh Phaolô đã cho ta một định nghĩa thực hành của Đức Tin như sau: " Tin là chiếm hữu nhiều điều còn trong hy vọng, là phương thức nhận ra các thực tại người ta không thấy. Vì nhờ đó, tiền nhân đã được Thiên Chúa chứng giám cho." (Dt 11,1-2)

Mỗi ngày Chúa Nhật, đi tham dự thánh lễ là chúng ta có cơ hội diễn lại cuộc tử nạn và phục sinh của Chúa. Ta phải sống niềm tin đó, đem Chúa Phục sinh vào đời, nghĩa là đem niềm tin cho những ai đã mất lòng tin, đem sự vui tươi, niềm hy vọng sống lại cho những người ưu sầu vì tang tóc. Và chính chúng ta hãy thể hiện trên nét mặt và môi miệng niềm vui đó.