Chúa Nhật II Phục Sinh |
HẠNH PHÚC TỰ TẠI |
Suy Niệm của JKN |
Câu hỏi gợi ý: 1. Người cứng tin như Tôma có gì hay hơn kẻ dễ tin không ? 2. Người thời đại có dễ tin như những người thời đại trước không ? Người thời đại sau thì sao ? Tại sao lại như vậy ? 3. Có cần phải thay đổi phong cách rao giảng Tin Mừng cho những thế hệ con cháu chúng ta không ? Tại sao ? Một cách thực tế phải thay đổi thế nào ? 1. Tôma là một mẫu người có tính thực nghiệm. Khi chưa đích thực gặp lại thân xác đã sống lại của Đức Giêsu, thì ngoài Tôma ra, các tông đồ khác dường như không cảm thấy có vấn đề gì trong việc tin Ngài đã sống lại. Các ông đã tỏ ra tương đối dễ tin. Nhưng riêng Tôma, ông không tin dễ dàng như thế, vì từ xưa đến nay, ông chưa hề nghe nói có một ai tự mình sống lại từ cõi chết bao giờ. Cứ bình thường mà xét, phải nói rằng Tôma khôn ngoan và thận trọng hơn các tông đồ khác. Đối với người như Tôma, Đức Giêsu đã không phiền trách gì về sự cứng lòng tin của ông. Ngài chỉ nói một câu rất nhẹ nhàng để bổ túc cho sự cứng tin hợp lý ấy : "Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin !" Và Đức Giêsu đã cho phép Tôma được xỏ tay vào lỗ đinh ở tay và lỗ đòng đâm ở cạnh sườn Ngài. Nhưng có lẽ chính nhờ như thế mà Tôma sẽ tin chắc vào sự sống lại của Ngài hơn ai hết. Người cứng tin mà đã tin thì sẽ tin rất vững. Còn kẻ quá dễ tin thì cũng sẽ dễ dàng mất niềm tin, hoặc cũng sẽ dễ dàng tin những điều khác dù chưa đủ nền tảng để tin. 2. Con người thời nay và nhất là những thế hệ sau sẽ càng ngày càng có tính thực nghiệm giống như Tôma. Ngày nay, con người đã bước vào kỷ nguyên của khoa học kỹ thuật, nên con người chịu ảnh hưởng của tinh thần khoa học thực nghiệm rất nhiều. Tinh thần khoa học thực nghiệm chính là tinh thần của Descartes (1596-1650) : "Chỉ tin sau khi đã chứng minh". Và tinh thần ấy được thể hiện thành chủ trương "nghi ngờ có phương pháp và phổ quát" (doute méthodique et universel) của ông. Nghi ngờ để tìm tòi hầu đi đến kết luận chắc chắn. Tinh thần khoa học thực nghiệm ấy đòi hỏi con người trước khi đi đến một kết luận, cần phải trải qua ba giai đoạn : nhận xét, đưa ra giả thuyết, và thí nghiệm kiểm chứng như đòi hỏi của Claude Bernard (1813-1873). Tinh thần ấy chính là tinh thần của Tôma, chính vì thế, các nhà khoa học Công giáo đã nhận thánh Tôma làm bổn mạng của các nhà khoa học. Riêng bản thân tôi, người viết bài này, cũng rất thích sự cứng tin của Tôma, và coi đó như một đức tính rất cần thiết để sự phán đoán và lời nói của mình có giá trị, đáng tin. Sự đáng tin không chỉ đòi hỏi đức tính chân thật, mà còn đòi hỏi sự phán đoán chính xác và chắc chắn. Một người hết sức thật thà không bao giờ muốn lừa dối ai, nhưng lại dễ tin và hay bị lường gạt, thì phán đoán và lời nói của người ấy không còn đáng tin nữa. Thiết tưởng những người rao giảng chân lý, ngoài đức tính chân thật, cần phải có sự chững chạc trong cách phán đoán để trở nên đáng tin trước mặt mọi người. 3. Đối tượng phúc âm hóa trong tương lai là những thế hệ có đầu óc khoa học thực nghiệm như Tôma. Những nhà truyền giáo hiện nay tại Việt Nam thường thuộc lứa tuổi giao thời giữa hai thời đại : thời khoa học chưa ảnh hưởng mạnh và thời khoa học ảnh hưởng rất mạnh trên lề lối suy nghĩ của con người. Thời trước, người ta dễ tin những ai có uy tín (như giám mục, linh mục, tu sĩ, hoặc ông bà cha mẹ, cô dì chú bác). Trẻ con dễ tin vào những điều người lớn nói, không đặt vấn đề điều đó đáng tin tới mức nào. Nhưng thời nay và nhất là những thế hệ mai sau, người ta không dễ tin như thế nữa. Họ thường đòi hỏi "nói có sách, mách có chứng". Muốn họ tin thì phải có bằng chứng. Nếu không chứng minh bằng sự kiện thì ít nhất phải chứng minh được sự khả tín của điều mình nói. Ngoài ra, lập luận phải vững chắc, trình bày rõ ràng. Vì thế, việc rao giảng Tin Mừng hay sứ điệp Kitô giáo không thể theo phương cách cũ mang nặng tính giáo điều được. Ngày xưa, tại Việt Nam, trình độ văn hóa giữa linh mục và giáo dân có sự chênh lệch rất cao. Ngày nay, sự chênh lệch ấy giảm đi rất nhiều, thậm chí không còn nữa. Rất nhiều giáo dân có trình độ văn hóa cao hơn những linh mục. Tuy nhiên các linh mục vẫn thường hơn giáo dân trong những kiến thức về thần học, giáo lý… vì người giáo dân hiện nay chưa được quan tâm đào tạo về mặt này, hoặc không có điều kiện để quan tâm. Vì thế, các linh mục thường đảm trách việc loan báo và rao giảng Tin Mừng cho giáo dân và người ngoại. Nhưng vì trình độ văn hóa của người bình thường ngày càng cao hơn, nên việc rao giảng Tin Mừng không còn dễ dàng như ngày xưa. Điều ấy đòi hỏi những người rao giảng Tin Mừng cũng phải có một tinh thần khoa học thực nghiệm trong cách rao giảng, cần chú trọng đến những bằng chứng xác thực, những lý luận chặt chẽ, cho dù đức tin không phải đến từ những thứ ấy. Nhưng nếu không chú trọng đến những thứ ấy, lời rao giảng sẽ bị từ chối ngay từ đầu. 4. Hội nhập văn hóa theo chiều dọc. Tại châu Á, Giáo Hội đã thành công rất khiêm nhường trong việc truyền giáo, không thành công rực rỡ như ở châu Âu. Một phần khá lớn là do thiếu hội nhập văn hóa, vì trước đây, có sự khác biệt về văn hóa giữa dân tộc truyền giáo với dân tộc được truyền giáo. Ngày nay, với việc toàn cầu hóa, sự khác biệt về văn hóa giữa các dân tộc bị giảm thiểu rất nhiều, nên việc hội nhập văn hóa theo chiều ngang không còn cần thiết và quan trọng như xưa. Trái lại, sự khác biệt về văn hóa giữa thế hệ trước với thế hệ sau ngày càng gia tăng. Lề lối suy nghĩ của các thế hệ sau càng ngày càng thấm nhuần tinh thần khoa học thực nghiệm hơn. Vì thế, nếu không có sự thích ứng khôn ngoan của thế hệ phúc âm hóa (thế hệ trước) với thế hệ được phúc âm hóa (thế hệ sau) trong việc diễn tả sứ điệp, chắc chắn việc phúc âm hóa sẽ thất bại. Do đó, hiện nay việc hội nhập văn hóa theo chiều dọc cần được Giáo Hội quan tâm và thực hiện nhiều hơn là hội nhập văn hóa theo chiều ngang. 5. Rao giảng bằng việc làm đi đôi với rao giảng bằng lời nói . Tinh thần khoa học thực nghiệm của con người thời đại đòi hỏi những dấu chứng cụ thể mới tin được. Do đó, những xác quyết trong rao giảng cần được chứng tỏ bằng thực tế đời sống. Thật vậy, ai mà tin được cái Tin mà chúng ta rao giảng là Tin Mừng khi chúng ta rao giảng nó với bộ mặt buồn so, ảo não ? Ai mà tin được Tin Mừng này là Tin Mừng Giải Phóng khi mà người rao giảng nó vẫn sẵn sàng khom lưng làm nô lệ cho người, cho vật, cho sự này sự khác, hoặc cho chính bản thân ? Ai mà tin được Tin Mừng này là Tin Mừng Cứu Độ khi mà nó không làm cho người người rao giảng nó hoặc theo nó sống tốt hơn, có tình có nghĩa hơn, và hạnh phúc hơn những người bình thường khác ? Thiết tưởng đã tới lúc chúng ta - những ai còn tha thiết với tiền đồ của Ki-tô giáo - cần đặt lại vấn đề sống đạo một cách nghiêm túc hơn và hãy thành thật với chính lòng mình. Nếu ta cảm thấy Ki-tô giáo trong thực tế đã không đem lại một thứ hạnh phúc tự tại cho chúng ta, không tạo được một động lực đủ mạnh để thúc đẩy ta sống tốt đẹp hơn người ngoài, mà ta vẫn cứ mạnh miệng rao giảng như là một tôn giáo tốt nhất, hữu hiệu nhất, thì việc rao giảng của chúng ta đúng là một sự lừa dối có hệ thống. Nếu như thế chúng ta phải trả lẽ trước mặt Thiên Chúa về sự lừa dối ấy. Chúng ta tưởng mình có đức tin, nhưng trong thực tế, đức tin ấy đã chết hay mất đi từ lâu mà ta tưởng là ta vẫn còn đức tin. Vì đức tin không phải là một chấp nhận xuông, hay chỉ là hành động tuyên xưng ngoài miệng, mà là một cái gì tự nhiên ảnh hưởng rất sâu xa vào đời sống, khiến ta thay đổi cách suy nghĩ và hành động nên tốt đẹp hơn, và đời sống ta hạnh phúc hơn rất nhiều. Nếu không được như thế, "đức tin" mà ta tưởng rằng ta có, không phải là đức tin đích thực. CẦU NGUYỆN Lạy Cha, rất nhiều khi con chê trách Tôma là quá cứng tin, và tự hào mình dễ tin hơn nhiều. Nhưng trong thực tế, đức tin của con chẳng ảnh hưởng gì trên cuộc sống con bao nhiêu, nó chẳng làm con hạnh phúc hơn người không đức tin, chẳng làm con sống tốt đẹp và yêu thương hơn họ. Xin cho con nhận ra đức tin ấy chưa phải là đức tin đích thật. Xin Cha hãy ban cho con đức tin đích thực có khả năng thay đổi con người của con, làm con nên thật sự tốt đẹp và hạnh phúc hơn. Amen. |