Chúa Nhật IV Phục Sinh
ĐẤNG PHỤC SINH VẪN LÀ
ĐẤNG CHĂN CHIÊN LÀNH
Lm. Phêrô Lê văn Chính

Chúa nhật thứ 4 Phục sinh vẫn gọi là lễ Chúa chăn chiên lành và là ngày ơn gọi. Chúa Giêsu tự nhận cách long trọng Người là Cửa chuồng chiên, ai đi qua cửa mà vào sẽ được cứu, Người là Đấng chăn chiên biết tên từng con chiên và dẫn chiên đi đến chỗ nghỉ ngơi an bình. Mừng lễ này trong bối cảnh của Mùa Phục sinh giúp chúng ta khám phá ưu tư của Đấng Phục sinh cũng như lời mời gọi của Người đối với mỗi người chúng ta và thúc đẩy chúng ta nhận ra tiếng của Đấng Phục sinh và khôn ngoan tỉnh thức để theo người để được dẫn đến những nguồn sự sống sung mãn.

Hình ảnh Người chăn chiên đã được sách tiên tri Isaia (Is 40) dùng để nói về Thiên Chúa là Đấng chăn chiên, Người bồng chiên con và dẫn dắt chiên mẹ và dẫn đưa chúng tới những đồng cỏ xanh tươi. Vì thế phải khẳng định trước hết những hình ảnh Người chăn chiên được dùng để nói , mọi ý tưởng về tình yêu thương chăm sóc để dẫn đưa đến sự sống vĩnh cửu đều qui về Thiên Chúa và được thực hiện cách cụ thể trong lịch sử nhân loại bởi người Con một của Thiên Chúa. Trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu lại dùng chính hình ảnh cửa chuồng chiên để nói về chính mình nhắc nhở cho chúng ta người đến để thực hiện cách cụ thể sống động những gì đã được báo trước qua hình ảnh của tiên tri Isaia,  bằng cách khẳng định người là cửa chuồng chiên, hình ảnh gợi lên sự bảo vệ, sự an toàn, sự sống bình an và sung mãn đứng trước những hiểm nguy luôn rình rập.

Khi nói về cửa chuồng chiên, Chúa Giêsu đã tự nói về mình như là Người chăn chiên đích thực. Người chăn chiên qua cửa mà vào và gọi các con chiên của mình, và chiên nghe tiếng của người chăn. Người chăn chiên gọi tên từng con và dẫn chúng đi và chúng theo Người. Giữa người chăn chiên và các con chiên có một sự thân quen, gần gũi thân mật. Người chăn chiên bảo vệ và dẫn dắt đoàn chiên của mình, nuôi dưỡng đoàn chiên của mình bằng cách gọi tên chúng không ngừng, ngược lại các con chiên gắn bó thân mật với người chăn bằng cách không ngừng nghe tiếng của người chăn. Chúa Giêsu còn cảnh giác bằng cách nói tới dấu chỉ nhận ra những kẻ trộm. Kẻ trộm vào chuồng chiên không qua cửa nhưng trèo vào, kẻ trộm không biết tên của chiên và chiên không nhận tiếng của kẻ trộm và không theo kẻ trộm. Trong sự quan tâm phân biệt giữa Người là kẻ chăn chiên thật và những kẻ trộm, Chúa Giêsu như muốn ưu tư lôi kéo chúng ta về với Người, dành chúng ta cho Người, giúp chúng ta càng ngày càng nhận biết Người hơn nữa bằng cách lắng nghe tiếng của Người để gắn bó với Người để được sống và biết phân biệt những kẻ trộm để đừng đi theo họ.

 Người Chăn Chiên đích thực này cũng chính là Cửa chuồng chiên. Cửa chuồng chiên là hình ảnh nói lên tình yêu thương trìu mến của Người chăn chiên này đối với mỗi người. Cửa chuồng chiên nói lên nhiều điều về những tâm tình, những ưu tư của Chúa Giêsu Phục sinh đối với mỗi người chúng ta. Người luôn mời gọi, luôn ưu tư quan tâm chăm sóc mỗi người, người muốn bảo vệ và gìn giữ đoàn chiên. Cửa chuồng chiên còn muốn nói lên lời mời gọi chúng ta hãy đi vào, hãy đến để được sống trong sự bảo vệ của người chăn chiên đích thật này. Đây cũng chính là những tâm tình của Mùa Phục sinh, Chúa Giêsu, người chăn chiên là Đấng Phục sinh đầy tràn sự sống và Người vẫn luôn nhận biết từng con chiên của mình và vẫn hằng yêu thương chăm sóc cho mỗi người.  Người muốn ban tặng sự sống  sung mãn của Người cho các con chiên. Những hình ảnh người chăn chiên, cửa chuồng chiên, con chiên nhấn mạnh sự chọn lựa một thái độ khôn ngoan để được sống và tránh được những nguy hiểm của kẻ thù luôn rình rập làm hại mạng sống của mình. Con chiên phải luôn nhận biết tiếng của người chăn để đi theo, ngược lại con chiên phải luôn biết phân biệt kẻ trộm để đừng đi theo họ.

Trong tường thuật của Sách Công vụ, chúng ta hiểu thái độ của những con chiên biết nhận ra tiếng của người chăn chiên. Những người do thái, sau khi nghe thánh Phêrô cùng các tông đồ khác rao giảng đã mạnh mẽ và can đảm tuyên xưng long tin vào Đức Giêsu. Họ đã mau mắn tin vào Đức Giêsu, họ thực sự hối cải và họ đã đón nhận đức tin và chịu phép rửa.  Đó là những thái độ và chọn lựa của những con chiên biết nhận ra tiếng chủ chiên. Những người do thái này, sau khi nghe thánh Phêrô giải thích, họ đã nói: “chúng tôi phải làm gì?”. Sau đó họ đã đón nhận phép rửa và số người lên đến ba ngàn người. Những người này đã nghe tiếng người chăn chiên, họ sẽ hình thành cộng đoàn Kitô giáo đầu tiên được nói tới trong sách Công vụ tong đồ, và rồi chính họ sẽ là những người rao giảng Tin mừng để loan báo niềm tin cách hiệu quả, xây dựng Giáo hội của Chúa. Công cuộc rao giảng Tin mừng ban đầu hiệu quả do những cố gắng truyền giáo của những cộng đoàn kitô giáo nhiệt thành này.

Bức thư thứ nhất của thánh Phêrô cũng trình bày hình ảnh của Người chăn chiên hiến dâng mạng sống như thế nào và trở nên gương mẫu cho chúng ta trong đời sống hằng ngày. Thánh Phêrô nhấn mạnh gương mẫu của Đức Kitô, người chăn chiên đích thực: Đức Kitô chịu đau khổ vì anh em , để lại cho anh em  gương mẫu để anh em  theo bước chân người. Người bị phỉ báng, người đã không phỉ báng lại; bị hành hạ, người không ngăm đe. Người phó mình cho Đấng xét xử công minh. Chính Người đã gánh vác tội lỗi chúng ta nơi thân xác người trên khổ giá. Chính nhờ những vết thương của người mà chúng ta được chữa lành”. Sống mầu nhiệm Phục sinh đó là chúng ta cũng bắt đầu sống theo những tâm tình và tiếng gọi của Người chăn chiên và cửa chuồng chiên này. Chúng ta được mời gọi sống nhẫn nạn khi chịu đau khổ theo gương của Đức Giêsu đã chịu trong cuộc thương khó của Người, đó cũng là biết nghe theo tiếng của người chăn chiên đích thực. Nhiều khi chúng ta cảm nghiệm đang sống trong mùa Phục sinh mà hụt hẩng thế nào đó, cảm thấy buồn phiền chán nản, hay hoang mang vì thất bại trong công ăn việc làm, công danh sự nghiệp. Đó là vì chúng ta chưa nhận ra tiếng của người chăn chiên Giêsu. Sống mầu nhiệm Phục sinh cũng là học biết sống như Đức Giêsu, bị phỉ báng mà không phỉ báng lại, bị hành hạ mà không ngăm đe, bởi vì Người phó mình cho Đấng xét xử công minh. Mùa Phục sinh thức đẩy chúng ta đón nhận sự sống sung mãn của Đấng Phục sinh khi đi theo con đường mà Đấng Phục sinh đã là gương mẫu cho chúng ta.