Chúa Nhật IV Mùa Chay - Năm A
DỊP LỄ ÁNH SÁNG
Chú giải của Fiches Dominicales

Cũng như cuộc gặp gỡ của Đức Giêsu với người đàn bà xứ Samaria gần giếng Giacob, Tin Mừng về người mù từ lúc mới sinh là một trong những bản văn lớn của Gioan mà Giáo Hội ở thế kỷ đầu dành cho việc nhập môn của các tân tòng.

Nếu sự việc xảy ra trong một ngày Sabbat ở cửa ra vào Đền thờ, sự việc ấy diễn ra trong khung cảnh lễ Lều. Trong lễ này, ngoài nghi lễ rảy nước từ chính giếng Siloê còn nghi lễ ánh sáng buổi chiều tối, với cuộc rước đuốc, diễn tả sự chờ đợi ánh sáng tràn đầy đã hứa cho Israel trong ngày của Đấng Messia. Cũng trong khung cảnh này, Đức Giêsu tuyên bố: "Ta là ánh sáng thế gian".

Chúng ta ở trung tâm cuộc luận chiến. Suốt hai chương trên, Đức Giêsu luôn là mục tiêu cho đối phương quấy rầy. Ở đây sự chống đối của người Pharisêu tập trung trên việc kẻ mù được lành và đang trở thành môn đệ của Đức Giêsu.

1. Hành trình để nhận biết.

Cũng như Chúa nhật vừa rồi, nay Gioan đang đưa ta đến sự nhận biết.

Sự ra vào của các nhân vật ăn nhịp với các giai đoạn và kết cấu của câu chuyện.

Lúc đầu có mặt, sau đó Đức Giêsu vắng mặt ở sân khấu cho đến lúc tìm thấy lại người mù, Ngài đặt cho anh ta một câu hỏi căn bản: "Anh có tin Con Người không".

Giữa khởi đầu và kết thúc của câu chuyện, người mù được lành chỉ trơ trọi một mình, mặc cho các người "thân cận" và "người quen" tự đặt câu hỏi về anh, người Pharisêu thì quấy rầy anh ta bằng những câu hỏi, với cha mẹ ruột đang tìm cách tránh né vì sợ bị liên luỵ, người Pharisêu đòi anh ta đến lần thứ hai, và sau một cuộc đối thoại gay gắt, họ "tống anh ra ngoài".

Sự thay đổi danh xưng của Đức Giêsu, một sự tiến bộ trong sự nhận biết: trước hết Chúa được chỉ như là "người mà người ta gọi là Giêsu, sau đó một "tiên tri" và như kẻ từ Thiên Chúa mà đến, cuối cùng anh mù tuyên xưng Ngài như là "Con Người”.

Những từ chính (mots clés) được dùng nơi đây với ý nghĩa sâu xa trong vai trò của chúng:

Trong suốt hành trình, từ "bị mù" (cụm từ được lặp lại 15 lần) đối lại với "thấy" (13 lần).

Ở mỗi một giai đoạn, cùng một công thức được lặp lại “Ngài đã mở mắt cho tôi". Tất cả đến 7 lần, con số ấy là hoàn hảo, chỉ ý nghĩa tượng trưng rằng người được lành hoàn toàn.

Đúng vậy cuộc gặp gỡ lần thứ hai với Đức Giêsu cho ta thấy rõ sự chữa lành thể xác chỉ là một dấu chỉ một sự chữa lành sâu xa hơn, cho phép từ nay anh “thấy” trong việc "tin". Anh hỏi: "Ai là Con Người để tôi tin?”. Chúa Giêsu trả lời: “Anh đang thấy đấy, chính Ngài đang nói với anh".

2. Dồn về một tuyên xưng đức tin.

Tất cả bắt đầu bằng cái nhìn của Đức Giêsu khi Ngài ra khỏi đền thờ. Ngài "thấy trên đường đi một người mù từ thuở mới sinh". Theo niềm tin dân gian, bệnh hoạn là kết quả của tội lỗi, vì thế các môn đệ liền hỏi Ngài: "Thưa Thầy, tại sao người này mù từ lúc mới sinh? Tại tội lỗi của anh ta hay tội lỗi của cha mẹ của anh?” "Không phải do tội lỗi của anh ta, cũng không do của cha mẹ anh", Đức Giêsu trả lời, nhưng nhờ sự dữ mà con người khốn khổ này đang chịu, "hành động của Thiên Chúa" được biểu lộ, và việc anh ta được tỏ ra như dấu chỉ “ánh sáng trần gian" nhờ dấu lạ buộc mỗi người phải có thái độ đối với anh ta.

Đức Giêsu lấy bùn trộn với nước miếng. Từ thế kỷ thứ II thánh Irênê de Lyon đã thấy trong cử chỉ của Đức Giêsu đắp mắt người mù, chính là sự hoàn thiện cử chỉ của Thiên Chúa đắp nên thân xác của Adam. Bôi bùn lên mắt người tàn tật, Đức Giêsu ra lệnh cho anh ta đứng dậy đi rửa mắt tại giếng Siloê" (Siloê có nghĩa là được sai đi). "người mù liền đi và rửa mắt, khi anh trở lại anh thấy được". Phép lạ này được kể lại cách đơn sơ vỏn vẹn trong hai câu, vì thánh sử có ý dẫn ta từ dấu chỉ đến Đấng mà dấu chỉ mặc khải! Đấng được sai đến ".

Anh đã được lành. Đức Giêsu đã bỏ đi khỏi nơi xảy ra sự kiện. Từ nay anh chỉ một mình ở giữa cuộc tranh luận về việc anh đã được lành và về lai lịch của người đã chữa anh lành.

Trước hết là những "kẻ lân cận" và những người "quen" anh ta. Cái nhìn của họ chỉ ở trên bề mặt của biến cố. Họ sinh ra chia rẽ trên chính thực tế của việc được chữa lành (Người thì nói: phải chăng chính là người thường đứng ăn mày ở đó? Kẻ khác nói: chính anh ta, kẻ khác nữa lại bảo không phải anh ta, đó là kẻ giống anh ta thôi). Họ tỏ ra lưu ý đặc biệt đến việc "tại sao" được lành, và đến tung tích của người đã thực hiện: "và ông ta, ông ta đâu rồi?”.

Câu hỏi cuối cùng làm cho anh mù ngày xưa không biết trả lời sao: "Tôi không biết. A. Marchadour quảng diễn: Anh phải trải qua một hành trình dài trước khi khẳng định đức tin mình vào Đức Giêsu, đi từ dấu chỉ đến việc tiếp nhận Đức Giêsu, ánh sáng thế gian... Nhưng việc Đức Kitô đi qua trong đời của anh mù và giữa mọi người đã có một hậu quả chắc chắn là chia người ta ra làm hai phe: "những người chấp nhận dấu chỉ và những người từ chối Đức Giêsu" (Tin Mừng thánh Gioan, Centurin, 1992, trang 135).

Sau là những người "Pharisêu” với ánh mắt đầy vẻ nghi ngờ, vì việc làm trên diễn ra trong ngày Sabbat. Họ cũng hỏi. Họ cũng chia rẽ. Và người Pharisêu nói.: "Ông này không từ Thiên Chúa mà đến vì không giữ luật nghỉ ngày Sabbat”, kẻ khác đáp lại: “Làm sao người tội lỗi lại làm được những phép lạ như thế?”

Nực cười là chính anh mù lại trở thành một trọng tài: “Còn anh, anh nói gì về người đã mở mắt cho anh?” Anh trả lời: “Là một tiên tri”.

Sau cùng là "cha mẹ ruột anh mù". Người Do Thái đòi họ đến, họ xác nhận anh ta là con của họ thật, và mù từ thuở mới sinh. Nhưng né tránh để khỏi liên luỵ cuộc tranh cãi, họ đề nghị một cách giễu cợt: "Các ông hãy hỏi nó, nó đã đủ khôn lớn để trả lời”.

Đề cập đến nguy hiểm bị người Do Thái trục xuất khỏi hội đường, A. Marchadour viết: "Có lẽ thánh sử diễn dịch ra đây những nguy hiểm bị dứt phép thông công ở cuối thế kỷ thứ nhất đối với những ai tin vào Đức Giêsu. Thời Đức Giêsu chưa có chuyện này. Nhưng trên bình diện câu chuyện, sự tách biệt đối với người mù nói lên rằng, tin vào Đức Giêsu luôn luôn là một hành động cá nhân, trong đó cha mẹ đâu có thể định đoạt thay cho người môn đệ được. Sự chọn lựa này không phải không nguy hiểm vì có thể dẫn tới sự gẫy đổ với tôn giáo của anh ta? (O.C. trang 137).

Từ đó sự căng thẳng giữa người mừ xưa và người Pharisêu bị mù mắt bởi đam mê của họ lên đến tột độ. Họ đòi anh đến lần thứ hai và yêu cầu anh một lần nữa phải nói Đức Giêsu đã làm thế nào để mở mắt anh, anh bạo dạn đáp lại cách mỉa mai: “Sao các ông lại muốn nghe tôi nói lần nữa? Hay các ông cũng muốn làm Môn đệ của Ngài?”. Và việc hỏi cung thành dịp nguyền rủa. Anh tuyên bố với họ: “Nếu người này không từ Thiên Chúa mà đến thì không làm được chuyện gì đâu. Quá quắt lắm rồi, người Pharisêu đuổi anh ra ngoài và đứt phép thông công anh.

Đức Giêsu tái xuất hiện với một sáng kiến mới: "Biết họ đã trục xuất anh, Ngài liền giúp anh". Và cuộc đối thoại với anh mù đã được lành, dẫn anh tới việc tuyên xưng đức tin và Đức Giêsu là "Con Người": "Lạy Thầy con tin" anh tuyên xưng và "sấp mình xuống trước mặt Ngài ".

A. Marchadour giải thích: Đức Giêsu đã đưa anh qua một giai đoạn quyết định, từ một "Giêsu tiên tri" đến một Giêsu là Con Người", Đấng Cứu Thế đưa anh vào cộng đồng của thời kỳ cuối cùng. Người mù sấp mình xuống trước con Người", nhận ra thiên tính của Ngài, bởi vì theo thánh Gioan, sự thờ lạy chỉ dành riêng cho một mình Thiên Chúa; và danh xưng Chúa (Seigneur) nói lên căn tính thần linh của Đức Giêsu. Nhận ra Đức Giêsu như là Đấng mặc khải cuối cùng của Thiên Chúa việc thờ lạy Ngài là đỉnh cao của cuộc hành trình của anh mù" (O.C. trang 139).

Giai thoại được kết thúc với một lời tuyên bố của Đức Giêsu dưới hình thức một lời phán xét. Nó bộc lộ những gì diễn ra trong thầm kín của tâm hồn: "Tôi đến thế gian này để đặt lại vấn đề: cho những ai không thấy được thấy và ai thấy lại không được thấy". Từ "để cho", cha Guillet cắt nghĩa, ở đây không chỉ mục đích, nhưng là hậu quả.

Đối với mọi người, anh mù trước Đền thờ không có của cải: anh ăn xin, một người không quyền thế: anh mất hút trong đám người cùng khổ đến chung quanh nơi thánh, một người không hiểu biết: sinh ra mù, không không đọc được sách luật, người ta cho anh là suốt đời tội lỗi.

Nhưng thật ra con người này đã trải qua một hành trình tuyệt diệu, con đường từ tối tăm đến nhận ra “Đấng là ánh sáng”.

Về phần người Pharisêu, họ theo một hành trình ngược lại. Họ là những con người danh giá, những con người được coi như là điểm tựa của xã hội thời đó, họ cho họ "biết" và tưởng mình "thấy", nhưng họ lại đi sâu vào trong sự mù tối (câu 15-18; 29,34). Họ tố cáo Đức Giêsu là "người tội lỗi và người mù thì trầm mình trong tội lổi từ lúc mới sinh", họ "ở trong tội lỗi của mình. Lời tố cáo họ định gán cho Đức Giêsu, quay trở lại gán người đi kiện trở thành người bị cáo.

J. Potin kết luận; “Trong lúc người mù được thấy, người Do thái lại lao mình vào sự mù tối. Những dấu lạ Đức Giêsu làm cho họ thêm cứng lòng: Họ tưởng mình biết vì cho rằng mình biết Môsê và lúc Luật cấm chữa bệnh vào ngày Sabbat. Thật ra họ từ chối ánh sáng thật. Với Đức Giêsu, thảm trạng này làm thành một trường hợp phải đặt thành "vấn đề" trong tiến trình ý định của Thiên Chúa, bởi lẽ những người không tin, người ngoại tìm thấy ánh sáng cho đức tin vào "Con Người”, trong lúc đó, những kẻ "thấy”, những người Do Thái lại trở nên mù tối, bị loá mắt vì những sự thật giả dối của họ. Đức Giêsu nói: "Vì thế họ ở trong tội lỗi của họ ("Jésus, l’histoire vraie" Cent. 1994, trang 364)

BÀI ĐỌC THÊM:

Hành trình của người mù từ lúc mới sinh, đường dẫn tới Phép Rửa của chúng ta. (H. Denis, trong "100 mots pour dire la foi" Déchée Brouwer, trang 123-124).

Dĩ nhiên người ta nói nhiều về Phép Rửa trong khi hướng về Phục Sinh. Đó là chuyện bình thường. Chính vì thế mà chúng ta gợi chuyện anh mù từ thuở mới sinh, nhờ vào câu chuyện rất sống động ấy, mà thánh Gioan đã viết cho chúng ta. Tại sao lại người mù từ thuở mới sinh? Vì đó là bước di của một tân tòng, là đường nhập môn của Phép Rửa. Trước hết phép Rửa là một sự toả sáng. Điều đó không có nghĩa là mọi người chịu phép rửa đều chìm trong trạng thái thiên cảm (illuminisme), cũng không phải là một hành động ma thuật, bởi vì người mù phải đi tới giếng Siloê. Nhưng điều đó có nghĩa là có một bước đường mầu nhiệm, từ tối tăm đến ánh sáng, từ một nhân loại còn đóng kín trong vô nghĩa và trong lầm lạc, tới một nhân loại mở ra đón ánh sáng Đức Giêsu, một nhân loại được đánh thức trước một sự sống viên mãn.

Nhưng chúng ta biết anh mù được chữa lành phải đối đầu vôi biết bao nhiêu là cản trở, cũng vì anh được lành. Người tín hữu mới cũng phải trải qua thử thách, nhất là khi so sánh đức tin mình với sự không tin hay dửng dưng của gia đình (đức tin không di truyền), hơn nữa còn phải đụng chạm với những thế lực khác biệt về chính kiến hay về tôn giáo, coi người chịu phép rửa là kẻ phải loại trừ hay đáng nghi ngờ (Phép rửa không lẫn lộn với sự thừa nhận của xã hội, quốc gia, chính trị hay tôn giáo).

sau hết, đến ngày người mù được lành sẽ thừa nhận Đấng Cứu chuộc mình chứ không phải chỉ được lành mà thôi. Mọi Kitô hữu, mọi người chịu phép ngày nào đó cũng được mời gọi, rất sớm hay muộn màng hơn, sống một cuộc gặp gỡ có tính quyết định, bởi vì Đức Giêsu đã không tìm thấy họ đó sao? Ngày ấy các bạn sẽ hỏi: Ai là "Con Người". Và Ngài sẽ trả lời bạn: "Chính tôi, người đang nói với anh đây. Lúc ấy sấp mình xuống, bạn sẽ nói: "Lạy Chúa, con tin”. Đó là ngày phục sinh của bạn.

Hãy chỗi dậy từ cõi chết,

Ngày đã bừng sáng,

Hãy thức dậy đi từ cõi chết.

Hãy toả sáng (cf. Eph 5,14).