Chúa Nhật VI Mùa Chay - Năm A
CHỮA LÀNH NGƯỜI MÙ TỪ THUỞ MỚI SINH
Chú giải của Alain Marchabour

Sau cuộc tranh luận dữ dội và sự nghiêm khắc của các chương 7 và 8 với các diễn tiến tập trung vào Chúa Kitô, thì đây là bài trần thuật đầy vẻ sống động, phân vân và đầy sinh lực. Tác giả khéo léo đan xen các bi kịch đầy đạo lý, với một vài trần thuật giàu tưởng tượng và kể chuyện nhiều hơn, làm nên một câu chuyện về Chúa Giêsu, người mù từ thuở mới sinh và nhiều nhân vật đối thoại khác. Trong số các bài trần thuật của Gioan thì bài này trổi vượt vì giọng điệu linh hoạt, ít khai triển thần học và vì bề dày của nhân thân người mù.

Phần dẫn (cc. 1-5)

Cách dẫn nhập vào bài trần thuật này (“đi ngang qua”) thường thấy trong sách Nhất Lãm (Mc 1,16; Mt 9,27) lại bất thường nơi Gioan. Cảnh tượng được trình thuật, có thể diễn ra bất cứ lúc nào vào một trong những ngày Chúa Giêsu ở Giêrusalem. Tuy nhiên bài trần thuật này nối khớp chặt chẽ với bài trần thuật trước đó: sự chống đối Chúa Giêsu được khai triển trong các chương 7 và 8 được tập trung ở đây trên một con người, bởi vì người này đang trở thành môn đệ của Chúa Giêsu. Nước ở hồ Silôê quan trọng đối với lễ Lều lại đón nhận ở đây con người mù lòa. Chúa Giêsu, “ánh sáng thế gian” trong 8, 12, phải đối đầu với sự đui mù của người Do Thái đang khép kín trước ánh sáng này. Ở đây, Đấng là “ánh sáng thế gian” (c.5) mở mắt cho người mù và, qua dấu lạ này, vạch trần cách minh bạch hơn sự đui mù của các lãnh tụ Do Thái.

Năm câu đầu tiên dẫn nhập các nhân vật và các chủ đề của bài trần thuật. Chúa Giêsu là nhân vật trung tâm, Đấng nhìn thấy người mù, đoán giải trước cảnh huống (dấu lạ như biểu hiện vinh quang), kết hợp các môn đệ (tái xuất hiện lần đầu tiên kể từ chương 6) vào công việc của Người (chúng ta phải làm việc) qua lời mặc khải mầu nhiệm (cc. 3-5). Vấn nạn mà các môn đệ nêu lên, phù hợp với lòng tin khá phổ biến trong đạo lý Do Thái theo đó đứa bé có thể phạm tội ngay trong bụng mẹ! Năm câu đầu tiên này tập trung vào Chúa Giêsu và lời mặc khải của Người sau đó nhường chỗ lại cho một bài trần thuật bóng bẩy, linh hoạt, đầy biến động.

Việc chữa lành (c. 6-7)

Phép lạ chỉ chiếm có hai câu: người kể chuyện chú trọng được cuộc tranh luận do dấu lạ gây nên và các hậu quả người mù phải chịu: Chúa Giêsu không thoa ngay nước miếng vào mắt người mù, mà trộn thành bùn và xức vào mắt người mù. Cảnh tượng này nhấn mạnh rằng Chúa Giêsu đã khởi sự một công việc mà hiệu quả tượng trưng chỉ xuất hiện sau khi người mù đi đến hồ Silôê. Thánh Âutinh nói: “Người mù đến rửa ở hồ và đã chịu phép rửa trong Chúa Kitô”. Nguyên ngữ Silôê có nghĩa là “người được sai phái”, biến người mù thành một sứ giả vâng phục và chuẩn bị làm chứng tá sau này. Khác với Naaman (2V 5,10), người mù đã tin vào hiệu quả lời nói của Chúa Giêsu. Phần tiếp theo của bài trần thuật xác định sự thông hiểu kỳ lạ, sự sốt sắng với điều mới mẻ và khả năng tranh biện của anh ta. Người bại liệt ở chương 5 và người mù từ thuở mới sinh được chữa lành trong những hoàn cảnh khá giống nhau. Thế nhưng, bởi tính hồn nhiên, sự cởi mở, sự thông hiểu và tính dũng cảm của mình, người mù để lại đằng sau mình sự bại liệt không thể nhận ra được và cuối cùng càng thụ động hơn.

Trong các cảnh tiếp theo, Chúa Giêsu biến mất về thể chất. Thế nhưng Người vẫn chiếm vị trí tgm trong các câu tiếp sau các câu hỏi đáp giữa những người đối thoại và người mù.

Người mù và các người láng giềng (cc. 8-12)

Người mù được lành bệnh trở thành đối tượng của ba vấn nạn mà hai vấn nạn đầu thuộc về việc đã xảy ra trước: Có phải hắn không? Và làm sao mắt anh lại mở ra được như thế? Anh ta trả lời: Anh ta thuật lại từng chi tiết của dấu lạ bằng những từ ngữ gần như lặp lại từng chữ các câu 6 và 7. Chỉ có vấn nạn thứ ba khiến anh ta không thể trả lời: anh ta không biết Chúa Giêsu ở đâu. Anh ta còn cần phải trải qua một con đường dài trước khi xác định đức tin của mình vào Chúa Giêsu, trước khi đi từ dấu lạ đón tiếp nhận Chúa Giêsu, ánh sáng thế gian. Trong lúc này đây, Chúa Giêsu đối với anh ta là người chữa bệnh đơn thuần. Đấng mà người ta gọi là ông Giêsu mà anh ta đến ánh sáng đức tin. Thế nhưng việc Chúa Giêsu đi vào trong đời sống của người mù và ở giữa loài người bắt đầu làm phát sinh hậu quả công hiệu, có thể phân chia loài người thành những kẻ đón nhận dấu lạ và những kẻ từ khước Chúa Giêsu.

Người mù và những người Pharisêu (c. 13-17)

Việc tra hỏi của các lãnh tụ tôn giáo khiến người kể chuyện đưa vào một đề tài mới mẻ mang tính cách tôn giáo: dấu lạ được thực hiện vào ngày Sabat. Từ đó việc làm của Chúa Giêsu vào ngày lễ nghỉ khiến Người đối nghịch với Lề Luật và những đòi buộc của Lề Luật. Cả hai bài đều đối nghịch ở đây, để lộ hai cách giải thích về con người của Chúa Giêsu: có người cho rằng việc chữa lành bệnh tật vào ngày Sabat là vi phạm Lề Luật và như vậy là có tội. Đối với một số người khác thì hoàn thành một dấu lạ không thể là có tội được. Sự chia rẽ giữa các nhóm người về vấn đề Chúa Giêsu càng trở nên sâu xa. Sự đối lập giữa việc vi phạm ngày Sabat (công trình của Thiên Chúa) và việc chữa lành người mù không thể giải quyết được trong lúc này. Thế nhưng một cuộc tranh luận trở nên rõ ràng giữa luật pháp (đối nghịch với Chúa Giêsu) và sự việc chữa lành người mù (là ân huệ của Chúa). Không thể không khôi hài, người mù trở nên như vị trọng tài và hơn nữa tỏ rõ lập trường của mình: “Đó là một vị ngôn sứ”. Chắc chắn điều người mù quả quyết căn cứ vào Kinh Thánh, theo đó Đấng Mêsia được giao cho sứ mạng nên như ánh sáng thiên hạ và mở mắt người mù (Is 42,6-7; xem thêm Is 29,18; 32,3; 35,5).

Người Do Thái và cha mẹ người mù (cc. 18-23)

Cho đến lúc này đây, cha mẹ người mù chỉ mới được nhắc đến như những người chịu trách nhiệm về việc mù lòa của anh ta (c. 2). Bây giờ đây họ được mời đến. Các người Pharisêu ở đây được gọi thành “người Do Thái”: ghi nhận này cho thấy tác giả cũng như độc giả đều giữ một khoảng cách với đạo lý Do Thái. Câu trả lời của cha mẹ người mù dựa vào hai điều biết và hai điều không biết:

Chúng tôi biết nó là con chúng tôi,

và nó bị mù từ khi mới sinh.

Chúng tôi không biết làm sao nó thấy được

Chúng tôi cũng chẳng hay ai đã mở mắt cho nó.

Hai điều biết đối nhau. Một điều theo xác thịt; một điều theo Thần Khí. Điều này thuộc về mầu nhiệm của Chúa Kitô mà họ không thể hiểu được. Việc họ từ chối có thể hiểu được theo sự hợp lý của bài trần thuật. Người kể chuyện giải thích việc này như sợ bị trục xuất khỏi hội đường. Có thể thánh sử ghi nhận ở đây những nguy cơ dành cho những ai tin vào Chúa Giêsu bị phạt vạ tuyệt thông vào cuối thế kỷ I, điều chưa được biết đến vào thời Chúa Giêsu. Tuy nhiên trên bình diện bài trần thuật, việc người mù bị cô lập nhấn mạnh rằng tin vào Chúa Giêsu luôn luôn là một sự tự nguyện dấn thân mà cha mẹ không thể quyết định thay thế cho người môn đệ. Việc chọn lựa này không thể không nguy hiểm bởi vì nó có thể dẫn đến sự đoạn giao với tôn giáo của mình.

Hỏi cung người mù lần thứ hai (c. 24-34)

Sự can dự của cha mẹ người mù kết thúc bằng: “Nó khôn lớn rồi: Xin các ông cứ hỏi nó”. Từ nay người mù rơi vào tình trạng cô đơn, một mình dũng cảm đối diện với những người xét xử mình. Bài trần thuật hình như đối chiếu hai điều hiểu biết mà những người trong cuộc đang hiện diện không thể hiểu nổi: đối lại với lời “chúng ta biết” của nhóm người Pharisêu (c. 24), là lời “chúng ta biết” (c. 31) của người mù và của Giáo Hội mà anh ta đại diện nơi đây. Quả vậy đó là hai dạng hiểu biết đối kháng ở đây: điều hiểu biết thứ nhất (của người Pharisêu, từ nay đồng hóa với người Do Thái), cho rằng quá khứ vẫn còn có giá trị để hiểu được biến cố Giêsu (“chúng ta biết rằng Thiên Chúa đã nói với ông Môsê”). Họ đem niềm xác tín này đối lại với sự không hiểu biết về nguồn gốc của Chúa Giêsu: “Còn ông ấy, chúng ta không biết ông ấy bởi đâu mà đến”. Dấu lạ được sử dụng cho hai cách giải thích: nhóm người Pharisêu chỉ chú ý đến việc vi phạm luật pháp (ông ấy là người tội lỗi bởi vì đã làm việc vào ngày Sabat) và tiếp tục cố chấp trước sự kiện kỳ lạ (một người mù nhìn thấy được).

Điều hiểu biết thứ hai cũng quả quyết như điều hiểu biết thứ nhất: người mù và qua anh ta Giáo Hội sơ khai tuyên bố: Chúng ta biết. Điều hiểu biết này ăn rễ sâu trong sự kiện: “trước đây tôi bị mù mà nay tôi nhìn thấy được”. Ở đây các tiêu chuẩn thuộc về quá khứ đều vô hiệu: bởi vì điều đang diễn ra, nơi Chúa Giêsu, là chưa từng nghe thấy theo nghĩa đen của từ: “Xưa nay chưa hề nghe nói” –Sự hiểu biết của Giáo Hội dành ưu thế cho điều mới lạ tỏ hiện nơi Chúa Giêsu.

Hành trình của người mù kết thúc: anh ta đã đạt được cùng đích và đã đối chiếu hiểu biết của những kẻ đón nhận dấu lạ Thiên Chúa trao ban nơi Chúa Giêsu với điều hiểu biết của những kẻ đã dùng ông Môsê chống lại Thiên Chúa. Lời phát biểu của người Do Thái trong cách nói bóng gió riêng biệt của Gioan lặp lại phán quyết của các môn đệ về người mù từ thuở mới sinh: “một người tội lỗi”. Như vậy, bởi sự bao hàm này, người Do Thái chứng tỏ rằng họ đã không thay đổi ngay từ đầu. Họ đã không “thấy” dấu lạ có khả năng phá tan sự đui mù của họ.

Việc trục xuất người mù ra khỏi hội đường kết thúc bài trần thuật. Xem ra có sự liên lạc mật thiết giữa sự trục xuất này với thân phận của Chúa Giêsu trong mặc khải. Đối với người này người nọ, Chúa Giêsu là người tội lỗi, kẻ vi phạm Lề Luật. Đối với người mù, Người lại là vị ngôn sứ đặc biệt của Thiên Chúa. cho đến lúc ấy, người mù vẫn còn trong phạm vi đức tin theo Do Thái giáo; việc anh bị trục xuất ra khỏi hội đường khiến anh trở thành người bị khai trừ, nhưng chưa phải là một người tin vào Chúa Giêsu. Để tin theo Chúa, nhất thiết Người phải tái xuất hiện để giúp anh ta thực hiện bước tiến này.

Gia nhập cộng đoàn (c. 35-38)

Chúa Giêsu trở lại đón nhận con người bị trục xuất. Để làm điều đó, Người đã khiến có một bước chuyển biến quyết định từ “Chúa Giêsu ngôn sứ” đến “Chúa Giêsu Con Người”. Đấng Cứu Độ dẫn đưa vào trong cộng đoàn của thời cuối cùng. Trong cuộc tranh luận khiến anh ta đối đầu với các lãnh tụ Do Thái giáo và sau cùng “với người Do Thái”, người mù từ thuở mới sinh được lành bệnh đã chứng tỏ sự thông hiểu, sự sáng suốt để giải thích biến cố Giêsu. Ở đây Chúa Giêsu tỏ cho anh ta thấy sự xuất hiện của một di chuyển mới mẻ dưới sự dìu dắt của “Con Người”. Người mù sấp mình xuống trước mặt “Con Người”, nhận biết thiên tính của Người, bởi vì trong Tin Mừng Gioan, việc thờ phượng chỉ dành cho Thiên Chúa (Ga 4,20-24; 12-20), và tước hiệu “Chúa” là dấu chỉ căn tính thần linh của Chúa Giêsu. Thờ phượng Chúa Giêsu, nhận biết Người như Đấng mặc khải sau cùng của Thiên Chúa, là chóp đỉnh cuộc hành trình của người mù.

Chú giải (cc. 39-41).

Các người Pharisêu trở nên đối lập với người mù. Chúa Giêsu tự đặt mình vào tâm điểm của ngày Sabat, xác định sự đoạn giao giữa người Do Thái và các Kitô hữu trước hết và trên hết là một sự đoạn giao có liên quan đến Chúa Kitô. việc xét xử mà Người khơi dậy là sự chia cách. Tùy vào thái độ với Ngôi Lời nhập thể mà loài người hoặc ở trong bóng tối, hoặc ở trong ánh sáng.