Chúa Nhật III Phục Sinh
XIN NGÀI Ở LẠI
                                        Lm Gioan M. Nguyễn Thiên Khải, CMC

Thưa anh chị em,

Bài Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe, kể lại câu chuyện hai môn đệ đi về làng Emmaus trong tâm trạng buồn rầu chán nản. Tại sao thế?. Thưa, bởi vì các ông đã đặt hết niềm tin của mình vào Thầy Giêsu. Các ông nghĩ rằng, khi Chúa Giêsu đến sẽ đánh đuổi quân Rôma ra khỏi đất nước, giành lại độc lập cho dân tộc mình, và tham vọng của các ông sẽ được chức tước gì đó, nhưng không ngờ các ông đã chứng kiến thấy Thầy Giêsu đã bị các thượng tế và luật sĩ lên án bất công, rồi trao nộp cho quan Philatô xét xử và cuối cùng giết chết trên thập giá cách ô nhục. Và như thế thì mộng ước của các ông đã tan tành mây khói, giờ chỉ còn là những thất vọng ê chề, buông xuôi, bỏ cuộc, trở về quê cũ, để chôn vùi niềm đau xót của mình.

Trong khi đang trò chuyện với nhau trên đường, thì Đức Giêsu phục sinh hiện đến đồng hành với hai ông, mặc dù hai ông chưa nhận ra Ngài, nhưng họ vẫn thổ lộ nỗi niềm thất vọng của mình. Thế rồi Chúa Giêsu giải thích Kinh thánh cho hai ông nghe. Ngài mở trí cho hai ông thấy con đường Chúa đi là con đường thập giá, con đường trải qua đau khổ rồi mới được vinh quang.

 Trong lúc Chúa đồng hành và trao đổi với họ, Lời Chúa trở thành Tin Mừng ngọt ngào, làm cho nỗi buồn của họ vơi đi, lòng họ như được ấm lên. Và khi trời đã về chiều, họ cố nài ép Chúa ở lại dùng bữa. Ngay  lúc Chúa cầm lấy bánh bẻ ra trao cho họ, thì họ nhận ra vị khách đồng hành chính là Thầy Giêsu. Lúc bấy giờ tâm hồn hai ông phấn khởi, lập tức trở lại Giêrusalem loan tin vui cho các tông đồ khác, họ đã gặp được Chúa phục sinh.

Anh chị em thân mến,

Câu chuyện hai môn đệ đi về làng Emmaus cũng là kinh nghiệm sống đạo của chúng ta. Chúng ta đã từng đi theo Chúa, đặt tin tưởng vào Ngài, nhưng thử hỏi thật với lòng mình, mình tin theo Chúa, chúng ta có thực tâm tìm kiếm thánh ý Chúa, tìm kiếm Nước Trời, hay là mộng ước một lợi lộc trần thế nào đó, rồi chúng ta trông mong, chúng ta cầu xin, có khi đã hơn ba ngày, ba tuần, ba tháng, hay ba năm mà vẫn không thấy gì, thì sinh ra thất vọng, chán nản, buông xuôi, bỏ cuộc, thậm chí có người bỏ Chúa chạy đi coi thầy coi bói…

Giống như tâm trạng hai môn đệ đi làng Emmau nói: “Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Ngài sẽ cứu Issael, nhưng việc ấy xảy ra đến nay là ngày thứ ba rồi”(Lc 24,21). Hai ông đợi đến ngày thứ ba mà không thấy gì thì đâm ra thất vọng, chán nản bỏ về quê cũ.

Nhưng thưa anh chị em, mặc dù hăèng ngày Chúa vẫn đến với chúng ta qua từng Thánh lễ, khi chúng ta nghe giảng Tin Mừng và tham dự bàn tiệc Thánh Thể. Nhưng tại sao lòng chúng ta không "sốt sắng lên", và rất nhiều lần chúng ta tham dự bàn tiệc Thánh Thể, mắt chúng ta chưa"mở ra" và nhận ra Chúa như hai môn đệ năm xưa?.

Có lẽ, vì chúng ta đọc Lời Chúa như đọc về  Đức Giêsu chứ không phải đọc với Chúa Giêsu. Và chúng ta dâng Thánh Lễ như dâng lên cho Ngài, chứ không phải cùng dâng lễ với Ngài.

Như vậy, chúng ta hãy làm mọi việc với Ngài, bởi vì Đức Giêsu phục sinh luôn hiện diện bên cạnh và luôn đồng hành với chúng ta trên mọi nẻo đường. Ngày xưa, Chúa Phục sinh đồng hành hai môn đệ Emmau thế nào, thì ngày nay Ngài vẫn đồng hành thiêng liêng với chúng ta như vậy.

Có thể nói, khi Chúa Giêsu chịu nạn chịu chết, thì nhóm 12 và các môn đệ dường như tan rã. Giuđa thì đi thắt cổ, các môn đệ thì khủng hoảng đức tin, người thì trở về quê cũ, những người còn lại thì co cụm với nhau trong căn phòng đóng kín cửa, lòng họ đầy sợ hãi, buồn phiền và thất vọng.

Nhưng sau khi Chúa phục sinh, Ngài hiện ra dưới nhiều hình thức khác nhau, rồi qui tụ họ lại: Ngài chủ động đến với họ chứ không chờ họ đi tìm Ngài. Ngài không nói một lời trách móc nhưng lại chúc bình an. Ngài ăn uống với họ để họ tin rằng Ngài vẫn sống. Ngài mở trí cho các ông hiểu Thánh Kinh, lại còn sai họ ra đi rao giảng và làm chứng cho Ngài.

 Tất cả những việc làm tế nhị và yêu thương ấy đã giúp cho các môn đệ: không còn sợ hãi và nghi ngờ. Không còn buồn phiền và thất vọng. Nhờ vậy, các ông như được mặc lấy con người mới, sẵn sàng ra đi làm chứng cho Tin Mừng phục sinh chẳng những bằng lời, nhưng còn bằng cả mạng sống của mình nữa.

Hai môn đệ đi làng Emmaus, sau khi nghe Lời Chúa họ “mời Chúa ở lại” dùng bữa và khi đồng bàn, họ nhận ra Chúa khi bẻ bánh trao cho họ.

Ước gì, mỗi lần chúng ta đi tham dự thánh lễ, khi nghe Lời Chúa, lòng chúng ta được thêm sốt sắng lên và chúng ta hãy tha thiết “mời Chúa ở lại”, cùng tham dự bàn tiệc Thánh Thể, chúng ta nhận ra Chúa phục sinh đang hiện diện nơi đây. Để sau khi đón nhận Chúa qua Bí tích Thánh Thể, tâm hồn chúng ta được phấn khởi ra đi làm chứng cho Chúa như hai môn đệ đi làng Emmaus năm xưa. Amen.