Chúa Nhật III Phục Sinh
HAI NIỀM VUI CHAN HÒA
TRONG MỘT LẦN GẶP GỠ
Linh Mục Inhaxiô Trần Ngà

Sau khi Chúa Giê-su chịu khổ nạn và chịu chết tủi nhục đau thương, các môn đệ của Ngài bị lâm vào tình trạng khủng hoảng tinh thần nghiêm trọng. Đức Giê-su là Đấng mà họ tôn làm thần tượng, là "một ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân", Đấng mà họ  "hy vọng rằng chính Ngàii là Đấng sẽ cứu chuộc Ít-ra-en"… giờ đây đã trở thành người thiên cổ.  

Chán nản và thất vọng, hai môn đệ Chúa Giê-su lầm lũi lê gót về Em-mau, lòng nặng trĩu ưu phiền.

Niềm vui thứ nhất

Đang khi hai môn đệ đi đường trong tâm trạng rầu rĩ âu sầu như vậy thì lại có một người bộ hành khác tiến đến bắt chuyện với họ. Người nầy rất am tường kinh thánh, đã cặn kẽ giải thích cho họ biết rằng Vị Tôn Sư của họ phải chịu khổ hình như vậy rồi mới tiến vào vinh quang. Trong suốt cả quảng đường dài mười một cây số, được người bạn đường giảng giải Kinh thánh cho, đôi bạn quên cả mệt nhọc đường xa, tâm hồn trở nên  hỉ hoan phấn chấn, nỗi buồn vơi hẳn, niềm vui dâng trào. Những lời Kinh thánh phát ra từ môi miệng người bạn đồng hành đã làm cho “tâm hồn họ bừng cháy lên.” (Lc 24, 32)

Niềm vui thứ hai

Thế là hai môn đệ Em-mau không muốn rời xa người bạn đồng hành tinh thông Kinh thánh, đã nhen lên trong lòng họ niềm tin và hy vọng nên đã khẩn khoản mời người ấy vào quán trọ ăn tối và nghỉ đêm với mình: “Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn."

Khi ngồi vào bàn ăn, đôi bạn trố mắt kinh ngạc nhìn người kia “cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ.” Bấy giờ như người mơ bừng tỉnh, đôi bạn nhận ra đây chính thật là Thầy Giê-su! Nhưng chưa kịp reo mừng thì Chúa vụt biến mất!

Tuy biến đi nhưng Chúa Giê-su để lại niềm vui và  hạnh phúc chan hòa trong tâm hồn hai người môn đệ. Niềm vui lớn đến nỗi “ngay lúc ấy” (Lc 24,33) hai vị nầy tức tốc quay trở lại Giê-ru-sa-lem, không quản bụng đói cồn cào, cổ khô miệng khát vì vừa mới cuốc bộ lâu giờ, không ngại đêm đen đang dần dần buông xuống, không ngại mệt nhọc vì đường xa… Phải quay về Giê-ru-sa-lem gấp để chia sẻ cho các môn đệ khác niềm vui đang tràn ngập tâm hồn mình, vui vì được đồng bàn với Đấng phục sinh, dù chỉ trong giây lát.

Đối với hai môn đệ hôm ấy, đây quả là hai niềm vui tuyệt vời trong một lần gặp gỡ Đấng phục sinh. 

Hai niềm vui lớn lao hơn nơi Bàn Tiệc Thánh

Có lẽ nhiều lúc trong đời, nhất là khi gặp thất bại, sầu đau, chúng ta mong sao cho mình có được diễm phúc như hai môn đệ trên đường về Em-mau năm xưa. Niềm hoan lạc mừng vui của hai môn đệ đang khi thất vọng ê chề, lại được gặp Chúa Giê-su trong buổi chiều vàng hôm ấy, được Ngài hâm nóng tâm hồn bằng lời Kinh thánh, được Đấng phục sinh tỏ mình cho gặp ngay trong bữa ăn, là điều biết bao người đang mong chờ ao ước.

Vậy mà niềm vui đó, hạnh phúc đó đang nằm trong tầm tay chúng ta từ bấy lâu nay mà không mấy ai cảm nhận. Hôm nay, mỗi lần tham dự Thánh Lễ, tức dự Tiệc Thánh, chúng ta được diễm phúc còn hơn cả hai môn đệ Em-mau mà lắm khi chúng ta không lưu ý.

Thực vậy,

-Qua Bàn Tiệc Lời Chúa trong mỗi thánh lễ hằng ngày, Chúa Giê-su tiếp tục đồng hành với chúng ta như với hai môn đệ xưa, tiếp tục lấy Lời Chúa để sưởi ấm tâm hồn băng giá của chúng ta, để soi sáng tâm trí u tối của chúng ta, để lấp đầy những khát vọng trong tim ta.

-Và qua Bàn Tiệc Mình Máu thánh, Chúa Giê-su cho ta được “hiệp thông nên một với Ngài, cùng một thân mình, cùng một giòng máu” [1] với Ngài và nhờ đó, sự sống thần linh của Chúa Giê-su, một sự sống vô cùng cao quý và không bao giờ tàn lụi, được thông truyền cho chúng ta.

Vậy mà tiếc thay, vì không nhận thức cho đúng ơn huệ cao vời đó nên nhiều người trong chúng ta đã tỏ ra vô cảm, thờ ơ với hồng ân vô giá.  

Lạy Chúa Giê-su,

Hôm nay, Chúa vẫn tiếp tục cống hiến cho chúng con hai niềm vui vượt xa niềm vui của hai môn đệ Em-mau, ngay tại Bàn Tiệc Thánh và Ngài vẫn tha thiết mời gọi chúng con đến chung phần.

Xin cho “tâm hồn chúng con được bừng cháy lên” khi nghe Lời Chúa dạy như hai môn đệ xưa; và xin cho chúng con được hiệp thông nên một với Chúa, cùng một thân mình, cùng một giòng máu” khi lãnh nhận Mình Máu Chúa trong Bàn Tiệc yêu thương.


[1] Trích từ bài giáo huấn cho tân tòng tại Giê-ru-sa-lem, bài đọc Kinh Sách ngày thứ bảy tuần bát nhật phục sinh.