Chúa Nhật III Phục Sinh
EMMANUEL
Suy niệm của JNK

Câu hỏi gợi ý:

1. Có bao giờ bạn nghĩ: rất có thể mình cũng sẽ gặp trường hợp tương tự như hai môn đệ làng Emmau: một người nào đó nói chuyện với mình, yêu cầu mình giúp đỡ, lại chính là Đức Giêsu không? Có thể rút ra bài học gì từ bài Tin Mừng hôm nay về sự đồng hóa giữa Đức Giêsu và tha nhân (tha nhân là Đức Giêsu, Đức Giêsu là tha nhân của ta)?

2. Có người chủ trương: yêu người chính là yêu Thiên Chúa. Chủ trương ấy có nền tảng trong Kinh Thánh không? Hãy trưng dẫn một vài câu tiêu biểu.

Suy tư gợi ý:

1. Hai tông đồ ở Emmau không nhận ra Đức Giêsu nơi người bộ hành cùng đi với mình

Một điều khá kỳ thú trong bài Tin Mừng hôm nay, đó là các tông đồ đã sống với Đức Giêsu suốt ba năm, đã từng nghe Ngài nói, giảng dạy, thế mà nay, khi Ngài sống lại, cùng đi với các ông, giảng dạy cho các ông, các ông lại không nhận ra Ngài. Có lẽ Ngài đã mang một bộ mặt xa lạ, đã đội lốt một người bộ hành như bao bộ hành khác. Điều các ông không ngờ được là người mà các ông tưởng là một bộ hành xa lạ ấy lại chính là Đức Giêsu, Thầy mình. Các ông chỉ nhận ra Ngài khi Ngài đồng bàn với họ, chính xác là khi Ngài cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ. Nghĩa là khi các ông thấy có sự giống nhau giữa người bộ hành này với Thầy mình. Rất may là các ông đã đối xử với người bộ hành ấy rất tốt: chăm chú nghe người ấy nói, mời ở lại dùng bữa… Nếu không thì thật đáng tiếc.

2. Coi chừng kẻo chính chúng ta cũng không nhận ra Đức Giêsu nơi những người chung quanh ta

Điều kỳ thú đó cũng xảy ra một cách tương tự biết bao lần trong đời sống chúng ta. Chúng ta sống với những người chung quanh mình, mà không bao giờ hoặc rất ít khi ta nhận ra Thiên Chúa hay Đức Giêsu ở nơi họ. Dường như đối với ta, Thiên Chúa hay Đức Giêsu là người ở đâu đâu, ở trên trời, ở trong nhà tạm của nhà thờ, hoặc ở khắp nơi một cách thiêng liêng. Ngài có vẻ là một thực tại rất trừu tượng, nếu có cụ thể thì chỉ là những ảnh vẽ, những bức tượng bất động, vô hồn. Và tình yêu của chúng ta đối với Ngài cũng rất trừu tượng, rất bí tích, chỉ được thể hiện bằng sự hướng thiện, bằng việc năng cầu nguyện, năng tham dự và lãnh nhận các bí tích.

Nhưng bài Tin Mừng hôm nay nhắc lại cho chúng ta một chân lý hết sức quan trọng. Thiên Chúa hay Đức Giêsu có thể chính là người bộ hành mà mình ngỡ là rất xa lạ. Nghĩa là Ngài có thể mặc lấy những bộ mặt khác nhau, hình dáng khác nhau, với những tính tình khác nhau, tư cách điệu bộ khác nhau nơi những người ta gặp trên đời, nơi những người sống chung quanh ta. Và tình yêu của chúng ta - nếu có - đối với Ngài thì phải được thể hiện cụ thể nơi những con người cụ thể ấy, chứ không phải một cách trừu tượng. Có thể nói: muốn yêu Đức Giêsu, thì cách tốt nhất, cụ thể nhất và chắc chắn nhất là yêu những người chung quanh ta, và bất kỳ người nào ta gặp trong cuộc đời. Và cũng có thể nói một cách chắc chắn: nếu ta không yêu những người ấy, thì ta không thật sự yêu Đức Giêsu hay yêu Thiên Chúa. Nếu ta tưởng rằng mình yêu Thiên Chúa, yêu Đức Giêsu bằng cách này hay cách khác, nhưng ta không hề yêu Ngài nơi những con người cụ thể chung quanh ta, thì tình yêu ấy chắc chắn chỉ là một ảo tưởng. Rất có thể ta đang yêu chính bản thân mình một cách ích kỷ, nhưng sự ích kỷ ấy lại mặc lấy một hình thức khôn khéo là yêu Thiên Chúa hay Đức Giêsu một cách trừu tượng.

3. Đức Giêsu đồng hóa chính Ngài với tha nhân của ta

Có thể nói những người chung quanh ta là những Đức Giêsu rất sống động, rất cụ thể. Hay nói một cách khác, trong một mức độ nào đó, họ chính là hiện thân của Thiên Chúa hay Đức Giêsu. Chân lý này có một nền tảng rất vững chắc trong Kinh Thánh.

a. Tha nhân là hình ảnh của Thiên Chúa (x. St 1,26.27; 9,6): Chúng ta không thể yêu Thiên Chúa hay Đức Giêsu mà không yêu hình ảnh hay hiện thân của Ngài. Khi hai người yêu thương nhau, họ rất quí hình ảnh của nhau, và hình ảnh đó là một biểu trưng có tính đại diện cho chính người trong ảnh. Coi thường hay xúc phạm đến hình ảnh của một người luôn luôn được coi là xúc phạm đến chính con người ấy. Hai môn đệ làng Emmau nhận ra người bộ hành là Đức Giêsu khi người ấy bẻ bánh giống như Đức Giêsu. Con người được tạo dựng "giống như" Thiên Chúa (St 1,26; 5,1), điều ấy có làm ta nhận ra Ngài nơi họ không?

b. Tha nhân là con cái Thiên Chúa (x. Lc 20,36; Ga 11,52; Rm 8,14.16.21; Gl 3,26; 1Ga 3,1.2.10;): Tất cả chúng ta đều là con cái Thiên Chúa, đều gọi Thiên Chúa là Cha, và cùng là anh em với nhau. Con cái một cách nào đó là hiện thân của cha mẹ. Kinh nghiệm đời sống cho ta thấy: ai yêu cha mẹ tất nhiên cũng yêu thương anh chị em mình. Và ai không yêu thương anh chị em mình, chắc chắn tình yêu đối với cha mẹ cũng rất nhạt nhẽo hoặc giả tạo.

c. Từ những căn bản trên, Đức Giêsu đồng hóa chính Ngài với tha nhân của ta (x. Mt 10.40; 18,5; 25,40.45; Lc 10,16): Ta làm gì cho tha nhân của ta, trước tiên là những người gần gũi ta nhất, rồi đến những người sống chung quanh ta, những người ta thường gặp, và tất cả mọi người, chính là làm cho Ngài. Ta yêu họ chính là ta yêu Ngài, ta ghét họ chính là ta ghét Ngài, hy sinh cho họ là hy sinh cho Ngài, làm hại họ là làm hại chính Ngài.

4. Yêu tha nhân là yêu Thiên Chúa, và là chu toàn luật Chúa

Trong Cựu Ước, khi trình độ con người còn thấp, có sự phân biệt rõ rệt giữa Thiên Chúa và tha nhân. Vì thế, có hai điều răn quan trọng nhất là: "Hãy yêu mến ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ, hết sức anh em" (Đnl 6,5) và "hãy yêu người khác như chính mình" (Lv 19,18). Đức Giêsu đã nhắc lại hai điều răn ấy như hai điều luật căn bản của Lề Luật cũ. Nhưng qua thời Tân Ước, khi trình độ của con người cao hơn, hai điều răn ấy được tóm lại thành một: hễ yêu Chúa tất nhiên phải yêu tha nhân, và hễ yêu tha nhân thật tình tất nhiên là đã yêu Chúa rồi. Thánh Gio-an viết: "Nếu ai nói: "Tôi yêu mến Thiên Chúa" mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy" (1Ga 4,20). Vì thế, thánh Phao-lô viết: "Ai yêu người, thì đã chu toàn Lề Luật" (Rm 13,8.10), "Anh em hãy mang gánh nặng cho nhau, như vậy là anh em chu toàn luật Đức Kitô" (Gl 6,2). Thánh Gia-cô-bê cũng nói: "Anh em làm điều tốt nếu anh em chu toàn luật Kinh Thánh được đưa lên hàng đầu là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình" (Gc 2,8).

Tóm lại, bài Tin Mừng hôm nay nhắc nhở chúng ta chân lý quan trọng này: tha nhân chính là hình ảnh, hay một cách nào đó, là hiện thân của Thiên Chúa hay Đức Giêsu. Vì thế, chúng ta hãy tập nhìn họ là "Em-ma-nu-el" (Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta). Thiên Chúa hay Đức Giêsu đang ở giữa chúng ta, ở với chúng ta qua những người chung quanh ta.

CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, bài Tin Mừng hôm nay thật là tuyệt vời, nó cho con thấy và nhắc lại cho con một chân lý kỳ diệu: Những người gần gũi với con, sống chung quanh con một cách nào đó là hiện thân của Cha, của Đức Giêsu. Vì thế, yêu Cha, yêu Đức Giêsu tất nhiên phải yêu những người ấy. Và chỉ khi con yêu họ, con mới chứng tỏ được rằng con thật sự yêu Cha và yêu Đức Giêsu. Xin giúp con yêu họ thật sự bằng hành động cụ thể.