Chúa Nhật III Phục Sinh |
ĐỒNG HÀNH VỚI CHÚA PHỤC SINH |
Lm Giuse Đinh lập Liễm |
A. DẪN NHẬP.
Không ai được chứng kiến việc Đức Giêsu sống lại, vậy sao lại có thể khẳng định được rằng Đức Giêsu đã chỗi dậy từ kẻ chết, tức là Ngài đã Phục sinh ? Theo lẽ tự nhiên, không ai có thể khẳng định được điều đó nếu chỉ dựa vào lời Ngài đã báo trước khi còn sinh thời như “Người phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và luật sĩ gây ra, rồi bị giết chết và ngày thứ ba sẽ sống lại”(Mt 16,21). Nhưng những lần Đức Giêsu hiện ra với nhiều người như Maria Mađalena, với Phêrô và Gioan, với 11 tông đồ, với 500 môn đệ cùng một lúc, nhất là với hai môn đệ đi làng Emmau, đều chứng thực Ngài đã Phục sinh.
Hôm nay thánh Luca thuật lại việc Đức Giêsu hiện ra với hai môn đệ đi đến làng Emmau một cách sinh động với nhiều chi tiết rõ rệt. Đức Giêsu với tư cách là một khách bộ hành, đã trò truyện và giải thích Thánh Kinh cho hai ông để mở mắt các ông để các ông tin vào Chúa Phục sinh :”Nào Đấng Kitô lại chẳng phải chịu đau khổ như thế rồi mới được hưởng vinh quang dành cho Người sao” Lc 24,26 ? Đặc biệt khi ngồi trò truyện trong nhà, các ông mới thấy rõ Đức Giêsu đang nói, đang cùng ăn với các ông. Không chịu nổi, các ông phải tức tốc trở về Giêrusalem để báo tin và chia sẻ với các Tông đồ về sự kiện hy hữu này.
Ngày nay, Đức Kitô Phục sinh vẫn ở bên cạnh chúng ta mà chúng ta không nhận ra Ngài như trường hợp hai môn đệ đi làng Emmau. Nhưng chúng ta chỉ nhận ra Ngài bằng con mắt đức tin. Ngài hiện diện khắp nơi trong mọi hòan cảnh, mọi biến cố, nhất là nơi những người anh chị em chúng ta. Trong cuộc sống Kitô hữu, khi nào cũng có Chúa đồng hành. Một khi đã có Chúa hiện diện ngay bên, chúng ta còn sợ gì ? Thánh Phêrô lặp lại lời Đức Giêsu đã khuyên để trấn an các tín hữu :”Đừng sợ những kẻ làm hại anh em và đừng xao xuyến”(1Pr 3,14; Kh 1,17; 2,10). Hãy sống xứng đáng với danh hiệu là con cái Chúa Phục sinh.
B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA.
+ Bài đọc 1 : Cv 2,14-22b-33.
Trong ngày lễ Ngũ tuần, khi những người Do thái qui tụ chung quanh nhà Tiệc ly chứùng kiến sự lạ xẩy ra, thánh Phêrô thuyết pháp cho họ bài kéryma đầu tiên. Theo đó, người Do thái phải biết rằng Đức Giêsu là người mà Thiên Chúa đã sai đến với họ, đã làm nhiều phép mầu, dấu lạ và những việc phi thường để chứng minh sứ mạng cứu thế của Ngài. Ngài đã bị giết chết. Tất cả những điều này, người Do thái đã biết, nay chỉ cần nhắc lại là họ nhớ.
Nay Thiên Chúa đã cho Ngài sống lại. Chính trong cái chết của mình, Chúa Giêsu đã thực hiện công trình cứu độ nhân loại. Thiên Chúa đã cho Ngài phục sinh và ban tặng vinh quang cho Ngài. Người Do thái chắc chắn không hiểu nổi mầu nhiệm nơi Chúa Giêsu phục sinh, nên thánh Phêrô đã nhắc lại thánh vịnh 15 để chứng minh rằng Đức Giêsu chính là Đấng Messia.
+ Bài đọc 2 : 1Pr 1,17-21.
Trong lá thư thứ nhất, thánh Phêrô tông đồ kêu gọi mọi người hãy tin cậy vào Thiên Chúa và Đức Giêsu phục sinh, vì đã được trả bằng giá máu của Chúa Kitô. Có hai điểm chính : a) Nhờ cái chết của Chúa Kitô, mọi người đã được cứu thoát khỏi ách của ma qủi, tội lỗi và sự chết. Việc cứu thoát ấy không được thực hiện bằng vàng bạc như các nô lệ dùng để mua lại sự tựï do, nhưng được giải phóng bằng chính máu của Đức Kitô. b) Từ nay, các tín hữu hãy đặt trọn niềm tin cậy phó thác vào Thiên Chúa và Đức Giêsu phục sinh. Hãy kính sợ Chúa. Sợ đây không có nghĩa là sợ hãi, sợ hình phạt mà là lo làm sao đừng bao giờ làm mất tình nghĩa với Thiên Chúa.
+ Bài Tin Mừng : Lc 24,13-35.
Bài Tin Mừng cho thấy sau cái chết của Chúa Giêsu, các môn đệ tỏ ra bàng hoàng lo lắng, thất vọng. Đã có hai môn đệ rời bỏ cộng đoàn để về quê cũ là Emmau. Chúa Giêsu muốn lấy lại niềm tin cho các ông còn non kém, yên ủi, khích lệ các ông để các ông mạnh dạn đi rao giảng Tin mừng phục sinh.
Đức Giêsu đồng hành với hai môn đệ dưới hình thức khách bộ hành, giải thích cho các ông hiểu những đoạn Thánh kinh nói về Chúa Kitô để các ông hiểu rằng Đức Kitô phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Ngài. Và sau cùng Đức Kitô phục sinh tỏ lộ cho hai ông thấy con người thật phục sinh của Ngài trong lúc bẻ bánh. Ngày này Chúa Kitô phục sinh vẫn còn hiện diện trong Giáo hội và nơi chúng ta với cách thức mới : Ngài hiện diện nơi Lời của Ngài và nơi bí tích Thánh Thể.
C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA.
Có Chúa con còn sợ chi ai ?
I. TRÊN ĐƯỜNG ĐI LÀNG EMMAU.
Khi Đức Giêsu Phục sinh, không ai được chứng kiến việc Ngài sống lại, nhưng có một số người được thấy Ngài khi Ngài hiện ra với họ. Ngài đã hiện ra với Maria Mađalena, với Phêrô và Gioan, với mười người, rồi với 500 môn đệ cùng một lúc. Nhưng trong các lần hiện ra, không có lần nào được các thánh sử ghi lại một cách sống động và nhiều chi tiết rõ ràng như khi thánh Luca ghi lại câu chuyện Đức Giêsu đi với hai môn đệ đến làng Emmau.
1. Vị trí làng Emmau.
Emmau là quê hương của hai môn đệ mà hôm nay hai ông trở về sau cái chết của Đức Giêsu. Ngày nay chúng ta khó mà đặt được vị trí cho làng nhỏ này. Các bản văn không hợp nhau về dậm đường xa. Có bản viết Emmau nằm về phia tây bắc Giêrusalem và cách đó 60 dậm, có bản viết cách 160 dậm. Mỗi dậm đường là 185 mét. Nếu nhận Emmau cách Giêrusalem 160 dậm thì khỏang cách là 29 cây số, như vậy thì làm sao hai môn đệ có thể trở về ngay trong một ngày được. Như vậy, bản văn viết 60 dậm có vẻ hợp lý hơn vì Emmau chỉ cách Giêrusalem có 11 cây số.
2. Cuộc hành trình đi Emmau.
a) Tâm trạng của hai môn đệ.
Đây là hai môn đệ trong số 70 mà Chúa sai đi giảng đạo. Họ đến Giêrusalem dự lễ Vượt Qua, nay lễ tất, các ông trở về. Một người tên là Cléopas, còn người kia không được nêu tên (có người cho là chính Luca). Hai ông này vừa đi vừa trò chuyện với nhau với vẻ u buồn và thất vọng. Tại sao họ lại có cái tâm trạng u buồn như thế ? Chúng ta có thể nêu ra ba lý do :
* Đức Giêsu, người mà bấy lâu nay họ tin tưởng như “một vị tiên tri có quyền lực trước mặt Thiên Chúa và tòan thể dân chúng” mà sao đã bị xử tử và đóng đinh trên thập giá (Lc 24,20-21).
* Sự nghiệp và chương trình của Đức Giêsu là Cứu thế đã vỡ tan tành vì “Chúng tôi hy vọng Ngài sẽ cứu Israel” mà các sự việc ấy đã xẩy ra đến nay là ngày thứ ba rồi (Lc 24,21).
* Lý do riêng của các ông : Tin theo Đức Giêsu để hy vọng có một tương lai tươi sáng mà này chỉ thấy mây mù che phủ. Thất vọng !.
b) Đức Giêsu giải thích và khích lệ.
Với tư cách là khách bộ hành, Ngài đã nhập cuộc đi với họ. Với bao tế nhị, Ngài khai mào câu chuyện để cho họ thổ lộ tâm can, cởi mở tâm hồn. Càng bị dầy vò khắc khỏai, người ta muốn được kẻ khác lắng nghe chia sẻ. Ngài cùng đi với họ trên đọan đường dài.
Sau một thóang im lặng, Ngài bắt đầu chậm rải nói chuyện. Ngài “giải thích cho hai ông tất cả lời Thánh Kinh chỉ về Người, về “vụ ông Giêsu”, người lạ lắng nghe quan điểm trình bầy về vụ án, cuộc tử nạn, việc treo trên cây thập giá làm cho các ông xao xuyến.
Chúng ta có thể tóm tắt lời giải thích và yên ủi hai ông trong hai điểm :
- Trước hết, Ngài cho các ông biết sự đau khổ và cái chết của Đấng Cứu thế đã được trù liệu trước, nên đó không phải là thất bại :”Nào Đấng Kitô chẳng phải chịu đau khổ rồi mới được vinh quang sao”?(Lc 24,26)
- Sau cùng, Ngài đã tới Emmau về nhà các ông cùng nói năng, dạy dỗ, cùng ăn cùng uống với các ông. Điều đó chứng tỏ Ngài đã sống lại thật và sống lại vinh quang.
3. Kết quả cuộc hành trình.
Chúng ta có thể khẳng định : cuộc hiện ra trên đường đi Emmau là làm cho các môn đệ tin thật Ngài đã sống lại. Họ không thể ngồi yên, lật đật trở về Giêrusalem để thuật lại cho mọi người sự vui mừng mà họ vừa nhận được. Gặp 11 tông đồ đang hội họp với những người khác, hai bên như tranh nhau làm chứng : họ muốn nói cho các tông đồ, nhưng các tông đồ đã nói trước :”Chúa thật đã sống lại và hiện ra với Simon”. Thiết tưởng là một cuộc họp vui không thể tả, nhất là liền sau đó Chúa lại hiện ra với họ.
II. ĐÃ CÓ CHÚA TRONG ĐỜI.
1. Chúa củng cố niềm tin cho các môn đệ.
Người ta thường nói : chết là hết. Chết là chấm dứt mọi sự, kể cả những công việc vĩ đại con người đã thực hiện được. Khi theo Chúa Giêsu trên đường truyền giáo, các môn đệ cũng đã có niềm tin vào Ngài nhưng niềm tin ấy còn hời hợt. Niềm tin ấy bị tan vỡ khi bị thử thách. Bằng chứng là, sau khi Đức Giêsu chịu chết và chịu táng trong mồ, các môn đệ tỏ ra hoảng sợ, lo lắng, thất vọng, thậm chí ngay ngày Chúa phục sinh đã có hai môn đệ bỏ cộng đoàn để về quê cũ là Emmau, ở cách Giêrusalem quãng 11 cây số. Ta chỉ biết có một ông tên là Cléopas và một người nữa bất kỳ ai. Hai ông chán nản lê bước trên đường, lòng dười dượi buồn, nói chuyện với nhau về sự việc mới xẩy ra và tương lai bấp bênh của mình. Tâm trí các ông còn bị che phủ bởi các ông chưa hiểu lời Kinh thánh nói về Đức Kitô,
Rất may, hai ông được khách bộ hành cùng song hành nói chuyện. Lúc này khách bộ hành mới cắt nghĩa cho hai ông những đoạn Kinh thánh nói về Đức Kitô từ Maisen đến các tiên tri và hánh vịnh : Người phải chịu chết rồi mới sống lại. Những lời giải thích Thánh kinh chỉ là câu chuyện trao đổi với nhau chưa làm cho hai ông tin được rằng Chúa đã sống lại, vì tâm trí các ông còn mù tối. Đến khi hai ông cùng với khác bộ hành dùng cơm chiều, trong lúc bẻ bánh, người khách bộ hành mới tỏ nguyên dạng là Đức Giêsu phục sinh. Lúc này mắt các ông sáng ra, lòng đầy vui mừng tin tưởng, các ông tức tốc trở về báo tin cho các môn đệ khác còn ở tại Giêrusalem.
Ngày nay Chúa Giêsu vẫn còn ở bên cạnh chúng ta . Người không hiện diện rõ ràng như khi hiện ra với hai môn đệ. Người hiện diện dưới muôn hình muôn vẻ, con mắt thịt không thể nhìn thấy mà chỉ con mắt đức tin mới thấy Nguời. Khi Saulô đến Đamas tìm bắt các tín hữu Chúa, tại sao Chúa lại hỏi Saulô :”Tại sao Người tìm bắt Ta “. Chữ Ta đây không phải là chính Chúa mà là các Kitô hữu. Vậy khi bắt các Kitô hữu là bắt chính Chúa Giêsu vì Người đã đồng hóa các tín hữu với Người.
2. Chúa củng cố niềm tin cho ta.
a) Chúa hiện diện bên cạnh ta.
Trong cuộc sống của ta, Chúa hằng hiện diện khắp nơi, trong mọi sinh hoạt thường ngày của ta.. Nhưng làm sao ta thấy Người được ? Câu trả lời là mắt trần hoàn toàn vô dụng. Sự hiện diện của Đấng phục sinh khác hẳn với sự hiện diện của Đức Giêsu Nazareth. Đây là một sự hiện diện mới mẻ, chỉ tỏ hiện với con mắt đức tin được nuôi bằng Kinh thánh và việc chia sẻ bữa ăn với Đức Giêsu. Nếu muốn thấy và sống sự hiện diện của Đấng phục sinh, các tín hữu phải trang bị cho mình hai điều kiện ấy vì họ luôn có sẵn trong tay Thánh kinh và Thánh lễ.
(M. Sevin, trích dịch bởi Fiches dominicales, năm A, tr 135).
Ngày nay Đức Giêsu phục sinh vẫn hiện diện ngay bên cạnh ta, nhưng theo một cách mới. Chúng ta không thể nhận ra cách hiện diện mới ấy vì cặp mắt thể xác của ta như “bị ngăn cản” bởi một bức màn. Chỉ khi nào Người muốn và cho những ai Người muốn thì Người mới cất bức màn ấy đi và khi đó mắt chúng ta mới “mở ra” và thấy được Người.
Truyện : Chúa đến nơi tha nhân.
Một tác giả kể câu truyện ngụ ngôn sau đây : Vào buổi sáng nọ, người thợ giầy thức giấc rất sớm. Anh quyết định chuẩn bị chiếc xưởng nhỏ của anh cho tươm tất rồi vào phòng khách chờ đợi cho bằng được người khách quí. Và người khách đó không ai khác hơn là chính Chúa, bởi vì tối qua trong giấc mơ, Ngài đã hiện ra và báo cho anh biết Ngài sẽ đến thăm anh trong ngày hôm sau.
Người thợ giầy ngồi chờ đợi, tâm hồn tràn ngập hân hoan. Khi những tia nắng sớm vừa rọi qua khung cửa, anh đã nghe được tiếng gõ cửa. Lòng anh hồi hộp, sung sướng, hẳn là Chúa đến. Anh ra mở cửa. Thế nhưng kẻ đang đứng trước mặt anh không phải là Chúa, mà là người phát thư.
Sáng hôm đó là một ngày cuối đông, cái lạnh đã khiến mặt mũi, tay chân người phát thư đỏ như gấc. Người thợ giầy không nỡ để nhân viên bưu điện phải run lẩy bẩy ngòai cửa. Anh mời ông ta vào nhà và pha trà mời khách. Sau khi đã được sưởi ấm, người phát thư đứng dậy cám ơn và tiếp tục công việc.
Người thợ giầy lại vào phòng khách chờ Chúa. Nhìn qua cửa sổ, anh thấy một em bé đang khóc sướt mướt trước cửa nhà. Anh gọi nó lại, hỏi cớ sự. Nó mếu máo cho biết đã lạc mất mẹ và không biết đường về nhà. Người thợ giầy lấy bút viết vài chữ để lại trên bàn báo cho người khách quí biết mình phải đi ra ngòai. Nhưng tìm đường dẫn bé về nhà đâu phải là chuyện đơn giản và nhanh chóng. Mãi chiều tối anh mới tìm ra được nhà đứa bé, và khi anh về lại nhà thì phố xá đã lên đèn.
Vừa bước vào nhà, anh đã thấy có người đang đợi anh, nhưng đó không phải là Chúa, mà là một người đàn bà với dáng vẻ tiều tụy. Bà cho biết đứa con của bà đang ốm nặng và bà đã không thể chớp mắt suốt đêm qua. Nghe thế, người thợ giầy lại hối hả đến săn sóc đứa bé. Nửa đêm anh mới về đến nhà, anh để nguyên quần áo và lên giường ngủ.
Thế là một ngày đã qua mà Chúa chưa đến thăm anh. Nhưng đột nhiên trong giấc ngủ, người thợ giầy nghe thấy tiếng Chúa nói với anh :”Cảm ơn con đã dọn trà nóng cha Ta uống. Cám ơn con đã dẫn đường cho Ta về nhà. Cám ơn con đã săn sóc ủi an Ta. Cám ơn con đã tiếp đón Ta ngày hôm nay”.
b) Người yên ủi nâng đỡ ta.
Trong cuộc sống hằng ngày, nhiều khi chúng ta cũng gặp những lúc hoang mang, lo sợ như hai môn đệ về làng Emmau. Theo tính tự nhiên, ai cũng phải lo sợ. Có thể lo sợ vu vơ, không có lý do chính đáng, hoặc nhút nhát sợ sệt không dám hành động vì thiếu động lực thúc đẩy. Nhưng cũng có những lo sợ khôn ngoan, có tính toán, đề phòng những bất trắc xẩy ra, nhằm tránh thiệt hại cho tương lai :
Thấy anh em cũng muốn theo, Em sợ anh nghèo, anh bán em đi. Lấy anh em biết ăn gì ? Lộc sắn thì chát, lộc si thì già. (Ca dao)
Khi đã tìm được lý do đánh tan sự sợ hãi thì con người bắt đầu hành động một cách vững mạnh, đầy tin tưởng. Trong Thánh kinh, câu “Đừng sợ” được nói tới 365 lần. Tức là đủ để nhắc chúng ta mỗi ngày suốt một năm. Đã có Chúa ta còn sợ hãi chi ?
Truyện : Đức Giáo hoàng Piô XI
Được thăng giáo hoàng là một việc rất trọng đại. Khi Đức Piô XI đăng quang, Ngài đã can đảm qua hết các lễ nghi rồi, nhưng đến khi các nghi thức xong xuôi, ngài về phòng riêng, ngồi vào chiếc bàn viết của Đức tiên Giáng hoàng, tức Đức Bênêdictô XV, thì tự nhiên một mối lo âu bao trùm lấy Ngài. Thực sự lúc ấy có biết bao lo lắng đổ trên đầu vị Giáo hoàng vì Giáo hội bị tấn công mọi mặt. Cuộc đệ nhất thế chiến vừa chấm dứt và cuộc đệ nhị thế chiến đang âm ỉ, Giáo hội phải trải qua một giai đoạn thử thách gắt gao.
Nghĩ đến tất cả những chuyện ấy, Đức Piô tràn ngập lo âu. Lúc ấy Ngài làm công việc duy nhất mà một người lo sợ có thể làm đó là Ngài qùi xuống, cầu nguyện. Trong khi Ngài cầu nguyện như thế, tay Ngài đưa ra, chạm phải một chiếc ảnh còn lại trên bàn giấy của Đức Bênêdictô XV,. Ngài cầm mẫu ảnh lên xem và tự nhiên nỗi lo sợ tan dần. Tâm hồn Ngài tràn ngập bình an. Đó là bức ảnh Chúa Giêsu đang truyền cho sóng gió yên lặng. Những làn sóng lo âu, sợ sệt trong tâm hồn Đức Piô XI êm lặng lại. Ngài giữ bức ảnh ấy trên bàn giấy của Ngài luôn. Từ đó về sau, mỗi lần lo âu gì, Ngài chỉ việc nhìn vào bức ảnh để trên bàn đó và nhớ rằng Chúa Giêsu sẵn sàng phán một lời truyền cho sóng gió phải yên lặng. (W.J. Diamond, Đồng cỏ non, tr 36-37).
c) Niềm tin được thử thách.
Đi theo Chúa thì dễ. Các môn đệ đã theo Chúa Giêsu ba năm, nghe những lời Ngài dạy, chứng kiến những phép lạ Ngài làm, các ông đã tin tưởng vào Ngài, ít ra coi Ngài là một tiên tri có quyền phép. Nhưng sau khi Đức Giêsu chịu chết và táng trong mồ, niềm tin của các ông như thế nào ? Hoàn cảnh của chúng ta cũng giống như các môn đệ xưa, ta vẫn tin theo Chúa, hứa trung thành với Người, nhưng khi gặp đau khổ, gian nan thử thách, chúng ta có thái độ nào ? Có lẽ chúng ta cũng giống như ông Simon Phêrô. Khi Chúa hỏi các ông là các ông cũng muốn bỏ Ngài như nhữõng người Do thái chăng, thì ông đã nhanh miệng trả lời :”Bỏ Ngài chúng con biết theo ai, vì chỉ Ngài mới có lời ban sự sống đời đời” (Ga 6,68) , nhưng rồi ông đã chối Chúa.. Sau đó ông lại hối hận và đi theo Chúa.
Trong cuộc sống trên biển trần gian này, thỉnh thoảng biển cũng nổi sóng gió, có khi bão táp như biển hồ Tibêria. Các tông đồ phải khó nhọc chèo chống trong cảnh thất vọng, nhưng Chúa Giêsu đã kịp thời hiện đến bảo các ông “Đừng sợ”, tức thì sóng gió phải ngưng ngay, biển trở lại yên lặng như tờ (x. Ga 6,16-21).
Truyện : Tại sao thất vọng sợ hãi ?
Một sĩ quan công giáo, người Anh được sai đến phục vụ tại một nơi xa xôi hẻo lánh. Ông cùng với gia đình xuống tầu đến một nơi được chỉ định. Tầu rời bến được vài ngày thì biển động dữ dôi. Một cơn bão ập đến làm tầu có nguy cơ bị đắm. Mọi người trên tầu hết sức sợ hãi. Bà vợ của vị sĩ quan là người mất bình tĩnh hơn cả vì bà đã không tiếc lời trách móc chồng đã đưa cả gia đình vào mối nguy hiểm, nhất là khi thấy chồng vô tư chẳng mấy quan tâm. Chính thái độ bình tâm này của chồng mà bà vợ xem như là một biểu hiệu thiếu lo lắng, thông cảm, yêu thương đối với vợ con nên bà càng tức giận xỉ vả hơn. Trước tình thế khó xử đó, khi đã có đôi lời giãi bầy vắn tắt, viên sĩ quan rời căn phòng một lát rồi quay trở lại với thanh kiếm tuốt trần trên tay. Bằng ánh mắt đau khổ ông tiến lại bên vợ và dí mũi kiếm vào ngực bà. Mới đầu bà ta tái xanh mặt mày, nhưng sau đó bà bỗng cười lớn tiếng không chút gì nao núng cả. Viên sĩ quan hỏi : - Làm sao mình có thể cười khi nhận thấy mũi kiếm sắp đâm vào ngực? Bà vợ trả lời : - Làm sao em lại phải sợ khi biết lưỡi kiếm ấy nằm trong tay một người thương yêu em. Bấy giờ viên sĩ quan nghiêm giọng nói : - Vậy tại sao em lại muốn anh sợ hãi cơn bão tố này khi anh biết rằng nó ở trong tay của Chúa là Đấng luôn luôn yêu thương anh ? (Quê Ngọc, Dấu ấn tình yêu, năm A, tr 46).
Cuộc đời chúng ta cũng giống như hai môn đệ đi đế làng Emmau. Chúa luôn đồng hành với chúng ta trong cuộc sống. Trong mọi hành động Chúa vẫn chia sẻ với ta : lo âu, tin tưởng, đau khổ cũng như vui sướng, thành công cũng như thất bại. Chỉ khi nào chúng ta dùng con mắt đức tin thì mới nhìn ra sự hiện diện ấy.
Không có câu chuyện nào cảm kích hơn có thể cho ta thấy thực sự Chúa phục sinh luôn đi bên cạnh trong cuộc lữ hành trần gian. Điều đáng buồn là vì thiếu lòng tin nên con mắt chúng ta thường bị mờ không nhận biết sự hiện diện của Ngài. Chúng ta bước đi rầu rĩ, trong khi đáng lẽ ra ta phải hớn hở vì được đồng hành với Ngài. Có thể là đang khi Ngài cắt nghĩa Kinh thánh cho chúng ta, hay khi chúng ta tham dự nghi lễ bẻ bánh, sự đui mù được cất đi, để rồi cuộc hành trình chấm dứt khi ta về đến nhà, ta sẽ thấy Ngài đối diện với ta, không phải phai mờ trong màn đêm âm phủ, nhưng rực rỡ trong ánh sáng vinh quang đời đời. Để được thế, ngay lúc này ta phải tập luôn sống trong sự hiện diện của Ngài :
Đi mãi đâu cho thoát thần trí Ngài, Lẩn nơi nào cho thoát được Thánh Nhan ? Dù chắp cánh bay từ phía hừng đông xuất hiện, Đến ở nơi chân trời góc biển phương tây, Tại đó cũng tay Ngài đưa dẫn, Cánh tay hùng mạnh giữ lấy con. (Tv 138)
Phải sống mãi trong Chúa Cứu thế, đừng bao giờ xa Ngài. Hãy duy trì mối giao hảo hạnh phúc với Chúa, để khi Ngài đến, các con đầy lòng tin tưởng, không phải hổ thẹn lúc gặp Ngài ... Chúng ta sẽ giống như Ngài vì chúng ta sẽ thấy chính Ngài. |