Chúa Nhật III Mùa Chay - Năm A |
NHẬN RA ÂN HUỆ CHÚA BAN |
Lm, Gioan M. Nguyễn Thiên Khải, CMC |
Thưa anh chị em, Nước là một nhu cầu thiết yếu cho con người. Con người không thể sống nếu không có nước. Chính vì thế mà trong bài đọc I, kể lại khi dân Do thái đi trong sa mạc tiến về Đất Hứa đã khát nước. Họ khát độ thách thức rất quyết liệt với ông Môisen: “Tại sao ông dẫn dắt chúng tôi ra khỏi Ai-cập, để cho chúng tôi cùng con cái và đoàn súc vật chúng tôi phải chết khát như thế này?” (Xh 17,3). Nếu ông Môisen không tìm ra nước cho họ uống, thì họ sẽ bị ném đá ông. Và nếu Thiên Chúa mà không ban nước cho họ, thì họ cũng chẳng còn tin Ngài ở giữa họ nữa. Còn bài Tin mừng kể lại: Một hôm đi rao giảng Tin mừng đến trưa nắng thấm mệt, Chúa Giêsu khát nước đến ngồi nghỉ bên bờ giếng Giacóp. Thế thì, có một phụ nữ Samaria đến đó kín nước. Qua cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và người phụ nữ, chúng ta thấy chị có một nỗi khao khát sâu thẳm, đó là khao khát “yêu và được yêu”. Và đó cũng là nhu cầu tự nhiên của con người. Mặc dù chị đã trải qua sống với 6 người đàn ông, mà chẳng người nào đem lại hạnh phúc thực sự cho chị. Bởi vì ai cũng là người tình qua đường, ai cũng là người chồng hờ thôi. Đối với chị tiền tài có, nhan sắc có, tình cảm có, chị đâu thiếu thứ gì… ấy thế mà chị vẫn cảm thấy cô đơn trống vắng, nên khám phá ra một chân lý này: Người ta đến tỏ tình với mình, không phải là yêu con người của mình, nhưng là yêu nhan sắc, yêu tiền bạc thôi. Cho nên, khi nhan sắc đã tàn, tình yêu đã nhạt, thì lúc đó chị cảm thấy trong lòng mình có một nỗi khao khát miên man, mà không có gì trong cuộc đời này có thể lấp đầy cho thoả mãn được. Không phải vì cuộc sống luân lý không đàng hoàng mà người phụ nữ này không biết khao khát về mặt tâm linh. Ngược lại, càng tội lỗi bao nhiêu thì chị càng khao khát tâm linh bấy nhiêu. Lòng khao khát của chị được thoả mãn, khi chị nhận ra Chúa Giêsu chính là Đấng Mêsia. Đấng ban nước Hằng Sống. Càng trao đổi với Chúa Giêsu, chị càng khám phá ra nước vật chất rất cần thiết cho thể lý con người, nhưng nước Hằng Sống mang tên Giêsu sẽ đem lại sự sống cho linh hồn hơn gấp bội. Thật vậy, từ câu chuyện giếng nước vật chất mà Chúa Giêsu ghé vào xin nước uống, Ngài đã mặc khải cho người phụ nữ nhận biết chính bản thân Ngài là quà tặng của Thiên Chúa, Đấng quyền năng sẽ ban cho con người Nước hằng sống, là thứ nước làm no thoả mọi cơn khát, thứ nước sẽ tác dụng nơi người uống “Ai uống nước Ta ban sẽ không bao giờ còn khát nữa và nước này sẽ đem lại sự sống đời đời” (Ga 4, 13-14). Anh chị em thân mến, Bên bờ giếng Giacóp, Chúa Giêsu nói với người phụ nữ Samaria: “Nếu chị nhận ra ân huệ của Thiên Chúa ban...”(Ga 4,10). Ngày nay, Chúa cũng nói với mỗi người chúng ta như vậy “Nếu anh chị em nhận biết được ân huệ của Thiên Chúa ban”. Cái biết ở đây không phải là cái biết hời hợt của trí tuệ, mà là cái biết hiểu theo nghĩa Thánh Kinh đó là: nhận ra Thiên Chúa yêu thương mình. Hay nói cách khác, Chúa Giêsu giới thiệu Ngài là quà tặng của Thiên Chúa. Quà tặng đó là: "Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã tặng ban chính Con Một của Ngài cho chúng ta" (Ga 3,16). Quả thật, Chúa Giêsu chính là quà tặng cao cả nhất mà Thiên Chúa ban cho nhân loại. Và chính nơi quà tặng này, chúng ta nhận ra dung mạo của một Thiên Chúa là Cha nhân hậu giàu lòng xót thương. Thật vậy, chỉ có tình yêu Thiên Chúa mới làm thoả mãn cơn khát sâu xa trong lòng con người mà thôi. Thánh Âugustinô đã nói lên kinh nghiệm của mình “Lạy Chúa! Chúa đã dựng nên con tâm hồn con khao khát mãi cho tới khi nào con gặp được Chúa, tâm hồn con mới thỏa mãn mà thôi”. Đặt bài Tin mừng trong bối cảnh của Mùa chay, Giáo hội mời gọi chúng ta xác tín vào hồng ân mà chúng ta đã lãnh nhận từ nơi giếng nước rửa tội. Đây là hồng ân cao cả nhất là được làm con Chúa và nhận biết Chúa. Nơi bờ giếng Giacóp năm xưa, người phụ nữ Samaria sau khi đã nhận ra Chúa là Đấng Mêsia, tâm hồn chị trở nên thừa sai Tin mừng, là chị bỏ lại vò nước, mau mắn chạy về loan tin cho mọi người trong làng biết và mời mọi người đến gặp gỡ Đấng cứu độ trần gian. Ước gì, nhờ giếng nước rửa tội, chúng ta được tái sinh làm con Chúa và nhận biết Chúa, thì cũng có bổn phận làm chứng nhân Tin mừng, là giới thiệu Chúa như người phụ nữ Samaria năm xưa cho những người chưa nhận biết Chúa là Đấng hằng sống. Amen. |