Chúa Nhật II Mùa Chay - Năm A |
BIẾN HÌNH |
Chú giải của Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt |
CÂU HỎI GỢI Ý 1) Đâu là mối liên lạc giữa cuộc Biến hình và những điều xảy ra trước? 2) Hãy tìm các chủ đề Kinh thánh Cựu ước tiềm ẩn trong đoạn văn này. 3) Vị trí của Chúa Giêsu thế nào so với Môisen, Êlia và Gio-an Tẩy giả? So sánh với cảnh Phép rửa (3, 13-17) để tìm ra những gì giống nhau cũng như những điểm mới trong đoạn văn này. 4) Đâu là ý nghĩa của cảnh này? Nó có ý nghĩa Kitô học không? 5) Đoạn văn lưu tâm đến ai, đến Chúa Giêsu hay Thiên Chúa? 6) Hãy ghi nhận việc hiện tại hóa cảnh này nhằm chủ đích hộ giáo trong 2Pr 1, 16-17 ******* 1) Chết và sống lại, nhục nhã và quang vinh, hai diện ấy của mầu nhiệm cứu rỗi, Chúa Giêsu chẳng hề tách biệt; các lời tiên báo của Người không phân rời hai biến cố sẽ xảy ra. Tuy nhiên, bao lâu chưa có Phục sinh và Hiện xuống, nghĩa là bao lâu Chúa Giêsu chưa sống cảnh ô nhục này và Thánh Thần chưa được trao ban, thì giáo huấn đó vẫn vô hiệu, và Chúa Giêsu lại không thể dẹp bỏ sự ô nhục được. Nhưng Chúa Cha có thể hé mở câu trả lời và, trước khi biến cố Vượt qua xảy đến, Ngài đã cho ba môn đồ ưu ái được chiêm ngưỡng, trong một khoảnh khắc thoáng qua, chính vinh quang của Con Ngài. Kinh nghiệm đó đã không được loan báo cách bí nhiệm trong câu chuyển mạch giữa giáo huấn về việc phải đồng chịu khổ nạn với Chúa Giêsu và giai thoại Biến hình đó sao? “Quả thật, Ta bảo các ngươi: trong những kẻ có mặt đây, có người sẽ không nếm biết cái chết trước khi thấy Con Người đến trong nước của Người. Và sáu ngày sau...” (Mt 16, 28-17, 1a). Đó là lời Chúa Giêsu hứa cho nếm trước phần thưởng được dành vào ngày sau hết, tiền nếm bằng việc chiêm bái trước vinh quang của Con Người. Và các tác giả Tin Mừng Nhất Lãm đều thấy trong câu nói bí nhiệm ấy lời tiên báo trực tiếp về cuộc Biến hình; đa số các giáo phụ cũng nghĩ như vậy. Cho dù xét về nguồn góc, câu văn có thể nhắm đến cuộc Quang lâm nó cũng liên hệ với giai thoại này bằng một vài điểm móc nối có tính cách văn chương. Đặc biệt, chữ “một số người” có thể ám chỉ ba môn đồ được biệt đãi; việc Quang lâm của Con Người mà thiên hạ sẽ thấy đến trong Vương quốc, cũng đã được thực hiện cách tượng trưng trong “thị kiến” (17,9) trên núi; câu chuyển mạch thời gian “sáu ngày sau”, rất hiếm trong trình thuật về cuộc đời công khai, xem ra được chủ ý thêm vào để làm nổi bật mối liên hệ giữa lời loan báo và việc thực hiện. Xét theo mạch văn, thì cuộc Biến hình có mục đích cho các môn đồ ưu ái thấy trước Vinh quang của ngày sau hết, vinh quang nay đang tập trung trong con người Giêsu đang sống thường ngày với họ. Thiên Chúa phán với các môn đồ đầy sợ hãi rằng họ có thể và phải nghe cùng vâng lời, tín thác cùng đi theo Chúa Giêsu trên đường đẫn tới Giêrusalem, tiến đến vinh quang bằng thập giá. 2) Các chủ đề Kinh thánh xuất hiện trong đoạn văn này có một ý nghĩa rộng lớn đến nỗi phải gắn liền chúng với cao điểm của trình thuật, nghĩa là, theo ý kiến chung của các nhà chú giải, với lời phán từ trời. Lời thần tính này, từ trời phán ra, nhắc lại lời Chúa Cha phán lúc Chúa Giêsu chịu phép rửa (3,17). Nhưng tiếng nói từ trời còn thêm vào lời công bố tử hệ thần linh của Chúa Giêsu một mệnh lệnh cho các môn đồ: “Hãy nghe Người”. Lời đó mặc khải ba khía cạnh của Chúa Giêsu: Con Thiên Chúa, Tôi tớ được Thiên Chúa sủng ái, Ngôn sứ tuyệt hảo. Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa. Thành ngữ “Con yêu dấu” có nghĩa là “Con duy nhất”. Đối với các nhà biên soạn Tin Mừng, thành ngữ đó không những chỉ Đấng Messia, Đấng được tuyển chọn, mà còn chỉ Chúa Con tiền hữu; dầu không có nội dung chính xác theo như định nghĩa của các công đồng, tước hiệu Con Thiên Chúa, phát xuất từ Tv 2,7, vẫn có một ý nghĩa mới như việc cộng đoàn sứ đồ giải thích lại Tv này. Dù các môn đồ, trong cuộc Biến hình, hiểu lời đó thế nào chăng nữa, thì đối với các tác giả Tin Mừng, hình như chắc chắn Lời này công bố sự tiền hữu của Chúa Giêsu. Chính Thiên Chúa đáp lại lời Chúa Giêsu vừa loan báo về cuộc khổ nạn của mình. Trong phép rửa, khi Chúa Giêsu đến với Gioan Tẩy giả dưới dáng vẻ một tội nhân như một người Israel đương thời, thì Thiên Chúa đã công bố rằng Người đích thực là Con yêu dấu. Trong cuộc Biến hình, Thiên Chúa đã xác quyết với các môn đồ vừa nghe Chúa Giêsu tự gán cho mình số phận người Tôi tớ đau khổ, rằng Người quả thực là con riêng của Ngài. Chúa Giêsu là Tôi tớ Thiên Chúa; Thiên Chúa hài lòng về người Con yêu dấu đó. Qua tiểu chú thứ hai này, Mt gợi lại cuộc thần hiển xảy ra lúc Chúa Giêsu chịu phép rửa, và cho thấy Thiên Chúa muốn giới thiệu Chúa Giêsu như là người Tôi tớ mà Isaia đã loan báo: “Này đây Tôi tđ của Ta mà Ta nâng đỡ; Tuyển nhân của Ta mà Ta sủng mộ” (Is 42,1). Khi gọi Chúa Giêsu như là “người được tuyển chọn”, người được sủng ái tiếng nói từ trời đã áp triện thần linh trên thái độ của Đấng Messia “hiền lành và khiêm nhượng trong lòng” này (11, 29), là Đấng không nỡ bẻ cây sậy bị dập” (Is 42,2 – được Matthêu áp dụng cho Chúa Giêsu trong 12, 18-21), là Đấng người ta có thể đến học đòi bắt chước mà chẳng chút sợ hãi lo âu. Chúa Giêsu là Ngôn sứ: Mệnh lệnh “Hãy nghe Người” đã làm nổi bật giai thoại so với trình thuật Phép rửa. Nó áp dụng vào Chúa Giêsu lời loan báo có tính cách sấm ngôn của Đệ Nhị Luật được trích dẫn trong Cv 3, 22: “Từ giữa các anh em ngươi Chúa của ngươi sẽ cho chỗi dậy một ngôn sứ như ta; các ngươi sẽ nghe Người trong tất cả mọi điều Người phán” (Đnl 18,15). Trong diễn từ cho dân chúng tại Giêrusalem, Phêrô cho thấy khi phục sinh Chúa Giêsu, Thiên Chúa đã bày tỏ Chúa Giêsu như một Môisen mới, như Vị Ngôn sứ thiên hạ đợi trông trong thời cánh chung (x.Cv 7,37; Ga 6,14; 7,40). Sự đảm bảo thần linh này, Thiên Chúa đã ban cho Chúa Giêsu lúc Người biến hình để tỏ cho các môn đồ thấy rằng hôm nay quả thực Người là Vị ngôn sứ tuyệt hảo và phải nghe Người, “nếu không sẽ bị loại ra khỏi lòng dân tộc? (x.Cv 3,23; Lv 23,29), rằng ơn cứu độ cũng như sự sống vĩnh cửu đều tùy thuộc về Người, sự sống vĩnh cửu mà Người vừa hứa ban cho ai vác thập giá đi theo. 3) Mỗi một dấu hiệu biểu trưng trong cuộc thần hiển - núi, vinh quang, các nhân vật Môisen và Êlia, lều trại, đám mây - đều được sáng tỏ dưới ánh sáng văn mạch và lời nói từ trời. Mệnh lệnh phán từ trời đã chỉ Chúa Giêsu như là vị Môisen mới. Thế mà trong Cựu ước, ngọn núi Thiên Chúa thường dùng để mặc khải, ngọn núi mà Môisen đến nhận lãnh các bảng Lề luật (Xh 31, 18) và Êlia có lần trèo lên (1V 19,8), là núi Sinai. Do đó ngọn núi nơi Thiên Chúa đến nói chuyện với Con của Ngài đang biến hình, là núi Sinai mới. Các yếu tố khác trong trình thuật thần hiển đều qui chiếu về lối giải thích đó đặc biệt là ánh vinh quang, các nhân vật Môisen và Êlia, đám mây sáng rực; và cũng có lẽ cả chi tiết “sáu ngày” trước khi xảy ra cuộc Biến hình của Chúa Giêsu và lời công bố của tiếng nói từ trời? Môisen đã chẳng phải chờ đợi, trong 6 ngày, lời của Giavê đó sao (Xh 24, 15-16)? CHÚ GIẢI CHI TIẾT “Chúa Giêsu đem theo mình Phêrô, Giacôbê và Gioan”: Khi lên núi Sinai, Môisen cũng đi với nhiều bạn hữu trong số đó có ba người được ghi đích danh ở một trong các bài trình thuật (Xh 24,9). Phêrô, Giacôbê và Gioan sẽ ở với Chúa Giêsu trong vườn Ghetsêmani (26.37); họ cũng sẽ bỡ ngỡ vì biến cố như ở đây. Đoạn cuối trình thuật (17,9) và 2Pr 1,16 giải thích cho biết sự hiện diện của các sứ đồ đó là cần vì sau Phục sinh, cần phải rao giảng, làm chướng cho Vinh quang của Chúa Giêsu trước mặt dân chúng. Thế mà “có miệng hai hay ba nhân chứng thì việc mới vững” (Đnl 19,15). “Trên một núi cao”: Thành ngữ này không gặp ở chỗ nào khác trong Matthêu ngoài trình thuật Cám dỗ (4,8.). Nó nói lên tương quan giữa cuộc Biến hình và Cám dỗ. Quả thực, Chúa Giêsu vừa mới đẩy lui cuộc cám dỗ quỷ quái của Phêrô (16, 23). Để đáp lại lòng tùng phục của Người, Chúa Cha đã biến đổi Người cách vinh quang và như vậy tiên hứa cho Người quyền năng trên toàn thế giới (“Mọi quyền năng trên trời dưới đất đã được ban cho Ta”: 28, 18), quyền năng này Người đã từ chối nhận lãnh cách quá sớm từ tay Satan (4.8) và chỉ sẽ nhận lãnh sau ngày Phục sinh. “Và Người đã biến hình trước mặt họ”: Biến hình (Hy ngữ: metamorphôthê: nghĩa tự nguyên: “thay đổi” hình dạng, vẻ mặt), có nghĩa là có một dung mạo khác với dung mạo thường ngày; cũng thế, Chúa Giêsu đã hiện ra với các môn đồ Emmau dưới một hình dạng khác, hình dạng người lữ hành (Mc 16,12). Việc Chúa Giêsu biến hình đã đáp ứng niềm hy vọng thấy trong văn chương Khải huyền Do thái. Vào thời sau hết, khuôn mặt của các người công chính sẽ biến đổi và trở nên sáng láng, rạng rỡ kiều diễm như mặt các thiên sứ, tràn ngập vinh quang (Khải huyền của Baruch 51, 3-10). Dựa trên một sự kiện của quá khứ - da mặt Môisen chiếu rọi vinh quang vì đã được trò chuyện với Giavê (Xh 24,39), niềm trông đợi cánh chung đó diễn tả sự vinh hiển tương lai của những kẻ được chọn như sau: các hiền nhân sẽ sáng chói như ánh quang vòm trời, và những kẻ đã giảng dạy sự công chính cho nhiều ngươi sẽ rạng rỡ như tinh sao muôn đời muôn kiếp” (Đn 12,3). Hôm nay, trên núi này, qua con người Chúa Giêsu, dưới mắt các môn đồ được biệt đãi, niềm hy vọng đã trở thành thực tại. Nếu lời thiên quốc giới thiệt Con Thiên Chúa tiền hữu, thì sự kiện biến hình mặc khải con người Chúa Giêsu trong ánh vinh quang sau cùng và dứt khoát của Người. “Mặt Người sáng láng như mặt trời, áo Người trắng phau như ánh sáng”: ánh sáng rực rỡ này biểu trong các thực tại thiên quốc (Đn 7,9; Mt 28,3; Cv 9,3) và cánh chung (Kh 1, 13- 14; 4, 4; 14,4; 19, 11, 20, 11). Vinh quang mà Chúa Giêsu loan báo cho thời sau hết, khi Con Người sẽ đến trong vinh quang của Cha Người với các thiên sứ” (16,27), vinh quang mà Giacôbê và Gioan mơ ước (20, 20-23), giờ đây xuất hiện trước mắt ba nhân chứng. Nó không phải là một phản ảnh đơn thuần của vinh quang Giavê (Môisen), nhưng là một ánh sáng chói lọi mặc khải hữu thể sâu xa của Chúa Giêsu: Người là chính Thiên Chúa. Sau này các sứ đồ sẽ minh xác điều đó: “Chúa Giêsu là sự tỏa chiếu vinh quang Thiên Chúa, là ấn tượng của bản tính Ngài” (Dt 1, 3); trên mặt Người là vinh quang Thiên Chúa (2 Cr 4, 6); Người là Chúa vinh quang” (1 Cr 2, 8). Anh vinh quang thiên quốc này đã sáng rực lên trong đêm Sinh nhật, bao trùm các mục đồng (Lc 2, 9-10), hôm nay vinh quang đó phủ lấy con người này, và mặc khải trước thời gian trạng thái tương lai người đó sẽ đạt đến, khi được đưa vào vinh quang” (1Tm 3, 16), khi được Thiên Chúa phục sinh và ban cho vinh quang (1Pr 1, 21), khi Thiên Chúa tôn vinh Tôi tớ của Ngài (Cv 3, 13). Têphanô sẽ thấy Người trong vinh quang của Người như thế (Cv 7, 55) và Saolê, trên đường đi Đamas, sẽ bị đui mù vì ánh sáng của Người (Cv 9,3). Vinh quang này của Chúa Kitô sau cùng sẽ bừng sáng trên chính tín hữu (2Cr 3, 18). Và trong khi chờ đợi ngày được tôn vinh, người Kitô hữu, vốn đang sống trong đêm tối mà không thuộc về đêm tối (1Tx 5,5-6), đã thấy trong cuộc Biến hình một nguồn sáng rực rỡ. “Và này có Môisen và Êlia hiện ra cho họ”: Không có giả thuyết nào về ý nghĩa hai nhân vật thiên quốc này làm ta xác tín thỏa mãn. Người ta thường xem Môisen như là biểu tượng của Lề luật, cùng Êlia như là người đại diện các ngôn sứ; nhưng thông phán từ trời (Hãy nghe Người) cho thấy tiền ảnh của Vị Ngôn sứ tương lai là Môisen chứ không phải Êlia: Vả lại dưới mắt Israel, Môisen chẳng những là nhà lập luật, mà còn là vị ngôn sứ nữa (Hs 12, 14) là là vị ngôn sứ mà sau này trong Israel sẽ chẳng có vị nào tương đương” (Đnl 34,10). Thỉnh thoảng người ta cũng xem Môisen và Êlia như là tiền ảnh của hai nhân chứng sách Khải huyền giối thiệu mà không nêu danh: Êlia là kẻ có quyền đóng cửa trời và Môisen là người có quyền gõ vào mặt đất (Kh 11, 3.6); một vài bản văn của các giáo sĩ Do thái: còn xem Êlia như là hình ảnh của Đấng Messia đau khổ: trong cuộc chuyện trò ngay sau giai thoại biến hình, Êlia được xem là hình ảnh của Gioan mà người ta đã ngược đãi (Mt 17, 12-13). Quả vậy, xét theo truyền thống (Mt 3, 23-24) mà Chúa Giêsu ám chỉ cho các môn đồ trong một 17, 10-11, có thể Êlia là tiền hô của Đấng Messia, và điều này đã được thực hiện trong con người Gio-an Tẩy giả. Vậy sở dĩ Êlia có mặt trên núi, đó là với tư cách tiền hô của Đấng Messia; có lẽ vì thế mà Mc đã ghi tên ông trước Môisen, dù sau đó ông ta ghi lại theo thứ tự ưu tiên của truyền thống (Mc 9,5). Có một bản văn của các giáo sĩ Do thái ghi chép thế này: “Johannan ben Zacchai đã nói. Thiên Chúa phán cùng Môisen: khi Ta sẽ sai ngôn sứ Êlia, cả hai ông phải cùng nhau đến “ (Dt rabba 3). Có lẽ toàn thể biểu tượng cựu truyền về hai nhân vật này đã liêm nhiễm quan niệm về Đấng Messia của các tác giả Tin Mừng: ngôn sứ Môisen đến chào Vị ngôn sứ đích thực; cùng đi với ông, còn có Êlia, vị tiền hô của Messia. Dù sao, hai nhân vật này của Cựu ước, ngày xưa đã từng trèo lên núi Sinai, tiên báo qua việc họ lên núi Sinai mới này rằng: với Chúa Giêsu, thời gian đã hoàn tất. “Tôi sẽ dựng ba lều”: Đối với truyền thống Do thái, nơi ở thiên quốc được biểu trưng bằng các nhà tạm đời đời” (Lc 16,9). Quả vậy, người ta biết rằng trong thời sau hết, Thiên Chúa sẽ ở giữa dân Ngài (Ed 37, 27; Hs 12, 10) trong lều của Vinh quang Ngài, rằng dân chúng sẽ cắm lều quanh Đấng Messia của họ (Ít nhất theo Hênoc 71,16; Ga 1,14: Người đã dựng lều Người giữa chúng tôi, và chúng tôi đã thấy vinh quang của Người”) và các dấu lạ của thời Xuất hành sẽ tái diễn. Phêrô tưởng thời sau hết đã tới và cho rằng đã đến lúc thiết lập thiên đàng ở trên trái đất, để cuộc hiện ra trong một ngày sẽ kéo dài mãi mãi. Khi đề nghị làm ba lều, ông muốn khai mào sự “nghỉ ngơi” cánh chung vậy. “Thì này một đám mây sáng ngời rợp bóng trên họ”: Đó là câu Thiên Chúa trả lời đề nghị của Phêrô. Lều có vai trò che chở, còn mây thì đến phủ bóng: lều được bàn tay loài người dệt nên, còn mây thì do trời; lều tìm ta trong bóng tối, còn mây lại chiếu sáng rạng ngời. Điểm tương phản mà văn mạch trực tiếp gợi lên ấy, đã được xác định và xác quyết qua hình ảnh đám mây của Kinh Thánh. Trong truyền thống Thánh Kinh, mây dấu chỉ thần hiện đi theo các cuộc xuất hiện khác nhau của người thiên giới. Ở đây không phải là đám mây chỉ theo một nhân vật như Con Người của thời cánh chung (Đn 7, 13; Mt 24.30), song là đánh mây rợp bóng và bảo vệ đám mây một cách nào đó dựng lều cho chính Thiên Chúa: Thiên Chúa đã lấy mây để làm lều trại cho mình (Tv 18, 12). Tuy nhiên hình như biến cố này thực hiện một sấm ngôn trong truyền thống Do thái, liên hệ đến thời sau hết: Và bấy giờ Chúa sẽ tỏ bày các điều ấy ra, và vinh quang Chúa cũng như đám mây sẽ xuất hiện, như đã hiển hiện dưới thời Môisen và khi Salomon cầu xin cho đền thờ được huy hoàng tác thánh” (2Mcb 2,8). Cũng như ngày xưa Lều Hội họp (Trướng Tao phùng) đã được đám mây bao phủ và nhà tạm được tràn ngập vinh quang Giavê (Xh 40,34-35), như đền thờ của Salomon được Đám mây và Vinh quang bao phủ (1V 8,10-12), thì trong thời cánh chung cũng như vậy: Vinh quang dã rời bỏ Đền thờ (Ed 10, 3-4) sẽ trở lại cùng với Đám mây. Trên núi Biến hình, được chiếu sáng bới vinh quang đang tỏ hiện nơi dung mạo Chúa Giêsu và nơi y phục Người, Mây đã ngự xuống làm dấu chỉ có Thiên Chúa hiện diện. Mây rợp bóng bao trùm các nhân vật cũng tương tự quyền năng của Đấng Tối cao đã “phủ bóng” trên trinh nữ Maria trong ngày Truyền tin (Lc 1,35): động từ episkiazô chỉ xuất hiện ở Tân ước trong hai trường hợp này để nói lên sự can thiệp đặc biệt của Thiên Chúa. Ý nghĩa biểu trưng của Mây còn có thể được xác định thêm. Nó không chỉ phủ bóng trên ba nhân vật, mà còn trên ba môn đồ nữa; chỉ Luca ghi nhận điểm ấy, nhưng văn mạch cũng nói lên điều đó trong Matthêu và Macco. Tiểu tiết này thật quan trọng: nó cho thấy rằng các môn đồ không chỉ làm khán giả, song còn nhập cuộc vào một biến cố dĩ nhiên là vượt tầm sức họ, nhưng cũng liên quan đến họ. Lời ngôn sứ vừa nhắc trên đây cho thấy Vinh quang và Mây xuất hiện trong hoàn cảnh nào: nơi cất dấu các đồ phụng tự “sẽ không được ai biết đến cho tới khi nào Thiên Chúa thâu họp dân lại và dủ lòng thương đoái” (2Mcb 2, 7). Nếu nhớ lại văn mạch tổng quát của giai thoại biến hình chúng ta đang nghiên cứu, tức là việc thành lập cộng đoàn môn đồ để tiên báo và thể hiện Giáo Hội, ta sẽ dễ dàng chấp nhận rằng Thiên Chúa đã bắt đầu thâu họp dân Ngài. Khi nối kết hai nhóm - trời và đất - cho đến lúc đó hãy còn tách biệt, đám mây đã công nhận việc thâu họp các môn đồ quanh lời Chúa Giêsu, việc thâu họp mà Người đã bắt đầu thực hiện. Không phải Chúa Giêsu biến hình cho riêng Người, nhưng còn cho các môn đồ: họ sẽ nhờ đó khám phá ra nguồn gốc thần linh của lời giáo huấn mà họ phải vâng nghe; một khi đã được vào trong đám mây thiên quốc, họ sẽ biết rằng từ đây họ đang lập thành một cộng đoàn với Chúa Giêsu và cả với thiên quốc, bao lâu họ còn lắng nghe lời Người. “Các môn đồ ngã sấp mặt xuống đất... Chúa Giêsu đụng đến họ”. Đối diện với Thiên Chúa đến viếng thăm, con người cảm thấy xâm nhập bởi một nỗi sợ hãi linh thánh. Không ai có thể nhìn thấy Thiên Chúa mà không chết (Xh 19, 21; 33, 20; Lc 16, 2; Ds 4, 20). Trong thị kiến đầu tiên, Isaia cảm thấy như muốn chết (Is 6, 5) vì đã tiếp xúc với Thiên Chúa. Ở đây, các môn đồ cũng cảm nghiệm cùng một nỗi sợ hãi như chết đó khi đứng trước vinh quang Chúa Giêsu. Vì thế Chúa Giê-su đã thực hiện một cuộc phục sinh tượng trưng. Người đụng đến họ, và cử chỉ chữa bệnh đã từng phục sinh con gái ông Giairô (9, 25) giờ đây cũng “phục sinh” các môn đồ. “Các con không được nói cho ai hay thị kiến ấy cho đến khi Con Người sống lại từ cõi chết”: Chắc hẳn Chúa Giêsu ban mệnh lệnh này để tránh mọi xáo động có tính cách chính trị thiên sai trong dân chúng; sau Phục sinh, mối quản ngại này không còn nữa, vì giữa cuộc Biến hình và Phục sinh, thập giá đã dẹp bỏ một lần thay cho tất cả các ước mơ về quyền lực thiên sai rồi. KẾT LUẬN Tất cả các yếu tố của đoạn miêu tả này đều cho thấy ràng niềm trông đợi của Israel đã được thực hiện, một cách bất ngờ nhưng chắc chắn. Môisen và Êlia đến chuẩn bị dân chúng và biến họ thành một cộng đoàn thánh thiện. Nhờ đám mây, cụộc tập họp vĩ đại được thực hiện (2 Mcb 2, 7); khuôn mặt sáng láng của Con Người mà Đaniel tiên báo (Đn 7 và 10) giờ đây đang đứng trước mặt các môn đồ; còn họ thì tượng trưng cho cộng đoàn cánh chung. Tất cả những gì Israel hy vọng nay đang thành thực tại. Điểm mới mẻ, chính là nhân vật biến hình. Người không đến từ trời, nhưng trời xuống trên trái đất. Người không nói, nhưng là tiếng nói từ trời vang lên. Sau cùng và đặc biệt, Đấng mà giờ đây ta phải vâng nghe, không còn chỉ là Giavê (“Hãy nghe hỡi Israel”: Đnl 6,4 - khởi đầu của kinh nguyện được gọi là Shema), nhưng là Chúa Giêsu đang đứng đó. Người là Đấng mặc khải, là chính Chúa của dân. Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG 1) Chúa Nhật I Mùa Chay đã dẫn chúng ta lên núi cám dỗ, là nơi mà Chúa Giêsu đã từ chối không chịu quỳ lạy dưới chân tên Cám dỗ để được nó ban cho một quyền lực mà chỉ mình Thiên Chúa mới có thể ban (Mt 4, 8-10). Để đáp lại lòng trung thành sơ khởi này đối với Thiên Chúa, hôm nay có tiếng nói từ trời được phán ra trên núi Biến hình, trong Chúa nhật II Mùa Chay này. Khi công bố Chúa Giêsu là Con Tiền hữu, tiếng nói từ trời làm cho ta tin vào giáo huấn mới về số phận mà Thiên Chúa đã đặt định cho Tôi tớ Ngài: không phải là đường uy quyền trần thế, mà là đường vinh quang thiên quốc đi qua nhục nhã khiêm hạ. Rồi quyền tối thượng trên trời duỗi đất mà Chúa Giêsu đã lãnh nhận từ Thiên Chúa, Người đã ủy thác lại cho các môn đồ quậy tụ trên núi Thăng thiên (28, 18-20). Cũng vậy, Giáo Hội sẽ có thể thực thi quyền đó nhân danh Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã hứa ở cùng Giáo Hội cho đến khi Người trở lại vinh quang, nếu Giáo Hội, theo gương Thầy chí thánh, không nghe lời Satan, mà bỏ con đường đưa đến vinh quang ngang qua thấp giá. 2) Việc biến hình của chúng ta hệ tại ở việc chúng ta trở nên giống Chúa Kitô bằng sự tiến bộ không những trong đường thiêng liêng (2 Cr 3, 18) và, sau cuộc vượt qua cái chết với Chúa Giêsu (Pl 3,10-11) bàng việc tôn vinh toàn hữu thể chúng ta, kể cả thân xác (Pl 3, 21). Việc Phục sinh của Chúa Kitô kéo theo việc phục sinh và biến hình toàn diện chúng ta như vậy đó. 3) Cũng như các sứ đồ trong cuộc sống âm thầm thường nhật, chúng ta phải biết gặp “một mình Chúa Giêsu” (c.8), Chúa Giêsu của mọi ngày, Chúa Giêsu nền tảng của cuộc sống nội tâm và tông đồ của chúng ta (Pl 1, 21), nhất là khi chúng ta mất hết mọi tình bằng hữu hoặc mọi nương tựa nơi người đời. 4) Đừng sợ hãi khi phải cùng với người và trong đám mây (c.5). Vì đây là một “đám mây sáng ngời” sẽ rợp bóng trên chúng ta. Đây là một sự hiện diện kín đáo trong đời sống cầu nguyện hay trong dời sống đức tin tinh ròng. 5) Chúng ta sẽ được chiêm ngưỡng Chúa Kitô trong vinh quang của Người trên trời, sẽ thấy Người trong vẻ đẹp kiều diễm sáng láng (Kh 1,13- 18), và sẽ được ở cùng với Người muôn đời (1Tx 4, 17). Trong khi chờ đợi ngày khải hoàn vinh phúc đó, ta hãy sống trong đức tin là tuân phục: ta hãy vâng nghe Người. 6) Việc Chúa biến hình trong phép Thánh Thể không nhằm tỏ hiển vinh quang người ra bên ngoài, nhưng nhằm che dấu vinh quang đó dưới các hình sắc bí tích. Tuy nhiên, nếu trung thành lắng nghe tiếng của Con yêu dấu, Đấng đã giáo huấn chúng ta về mầu nhiệm đó chúng ta sẽ nhận ra sự hiện diện của Người tiềm ẩn trong hình bánh hình rượu, và chúng ta sẽ kêu lên: Lạy Chúa, được ở đây thì tốt lắm”. Và rồi chúng ta sẽ có can đảm phục vụ người trong cuộc sống bình thường mọi ngày đời ta. |