Chúa Nhật II Mùa Chay - Năm A |
HÃY VÂNG NGHE LỜI NGƯỜI |
Suy niệm của JKN |
Câu hỏi gợi ý: 1. Ý nghĩa của những chi tiết trong cuộc hiển dung là gì? Mục đích của cuộc hiển dung là gì? 2. Lời Chúa Cha giới thiệu về Đức Giêsu: «Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người!». Nội dung của lời giới thiệu này có mấy điểm? Là những điểm nào? 3. Vâng nghe lời Đức Giêsu như Chúa Cha khuyên ta thì được lợi ích gì? Suy tư gợi ý: 1. Ý nghĩa thị kiến hiển dung của Đức Giêsu Đây là một thị kiến mà ba môn đệ thân tín nhất của Đức Giêsu nhìn thấy. Thị kiến này mạc khải cho ba môn đệ thấy thần tính của Đức Giêsu. Những gì thấy trong thị kiến đều có một ý nghĩa thần bí: – ngọn núi cao: biểu tượng sự siêu việt, thánh thiện, cao cả, thanh thoát, xa rời thế tục – chỉ có bốn thầy trò với nhau: sự mạc khải chỉ biểu lộ cho những người thân thiết nhất, mang tính riêng tư. – sự biến hình đổi dạng: cho thấy một bản chất sâu xa bên trong, một cái gì sẽ được tỏ hiện trong tương lai. Người thường không thấy được điều ấy, họ chỉ thấy được cái gì hiện ra bên ngoài trong hiện tại. – dung nhan chói lọi như mặt trời: biểu tượng của thần tính, hay thiên tính, đầy vinh quang, quyền lực. – y phục trắng tinh như ánh sáng: biểu tượng sự trong sáng, sự quang minh chính đại cực độ, hoàn toàn không lầm lỗi, không khiếm khuyết. – Mô-sê và Ê-li-a hiện ra đàm đạo: đây là hai nhân vật lớn nhất tiêu biểu cho Cựu Ước, hay Giao Ước cũ. Mô-sê, nhà làm luật, tượng trưng cho luật pháp, Ê-li-a, ngôn sứ lớn nhất trong Cựu Ước, đại diện các ngôn sứ. Luật pháp và các ngôn sứ là cốt tủy, là những thứ biểu trưng và thiêng liêng nhất trong Cựu Ước. Hai ông còn là hai người có thế giá nhất đã báo trước sự ra đời của Đức Giêsu. Mô-sê là tác giả của bộ Ngũ Kinh (5 cuốn đầu của Cựu Ước) đã tiên báo một đại ngôn sứ sẽ đến (x. Đnl 18,15-19). Còn Ê-li-a là nhân vật mà Thiên Chúa sai đến như một dấu chứng báo trước ngày mà chính Thiên Chúa đến trần gian (x. Ml 3,23). Trong thị kiến này, hai ông biểu tượng cho hai chứng từ sống động nhất làm chứng cho thiên tính của Đức Giêsu. – Đám mây sáng ngời bao phủ cả ba người: tượng trưng cả ba người đều đến từ Thiên Chúa, và đang sống trong vinh quang của Thiên Chúa. Trong Kinh Thánh (cũng như trong các kinh điển của các tôn giáo), đám mây tượng trưng cho mầu nhiệm Thiên Chúa đang hiện diện: chẳng hạn cột mây dẫn đường dân Do Thái qua biển đỏ (Xh 13,21-24), cột mây trước Lều Tạm (Xh 33,9-10; 40,34-38), hay Gia-Vê thường hiện ra với Mô-sê trong đám mây (Xh 16,10; 19,9; 20,21; 24,15-16). – Tiếng phán ra từ đám mây: «Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người!»: Đây là dấu chứng mạnh nhất, vĩ đại nhất mang tính dứt khoát cho biết Đức Giêsu chính là Con Thiên Chúa, mà mọi người có thể tin tưởng và vâng phục. Chính Chúa Cha trực tiếp giới thiệu «Con Yêu Dấu» của mình. Còn lời chứng nào giá trị hơn nữa? 2. Hãy vững tin vào thiên tính của Đức Giêsu Qua thị kiến hiển dung này, Thiên Chúa đã trực tiếp củng cố niềm tin cho ba môn đệ thân tín nhất của Đức Giêsu vào Ngài, và cũng gián tiếp củng cố niềm tin của các môn đệ khác, và cả chúng ta nữa. Thị kiến này các ông đã mang theo trong tâm trí suốt cuộc đời như một hành trang quý báu giúp các ông tin vững chắc vào Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, là Đấng Thiên Sai, Đấng Cứu Thế mà mọi người đều trông mong. Nhờ niềm tin vững chắc này, các ông rao giảng về Đức Giêsu một cách xác tín, và vượt qua được mọi gian lao thử thách do việc rao giảng ấy. Thánh Phê-rô đã nhắc lại biến cố này như một dấu chứng chắc chắn để mọi người tin vào lời chứng của mình: «Thật vậy, khi chúng tôi nói cho anh em biết quyền năng và cuộc quang lâm của Đức Giêsu Ki-tô, Chúa chúng ta, thì không phải chúng tôi dựa theo những chuyện hoang đường thêu dệt khéo léo, nhưng là vì chúng tôi đã được thấy tận mắt vẻ uy phong lẫm liệt của Người. Quả thế, Người đã được Thiên Chúa là Cha ban cho vinh quang và danh dự, khi có tiếng từ Đấng tuyệt vời vinh hiển phán với Người: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hết lòng quý mến”. Tiếng đó, chính chúng tôi đã nghe thấy từ trời phán ra, khi chúng tôi ở trên núi thánh với Người» (2Pr 1,16-18). Nếu mục đích của sự hiển dung này là để củng cố niềm tin các tông đồ vào thiên tính của Đức Giêsu, thì nó cũng có mục đích củng cố niềm tin mỗi người chúng ta. Đức tin được càng được xác tín mạnh mẽ từ trong thâm tâm, chứ không chỉ tuyên xưng ngoài miệng, sẽ làm cho đời sống Ki-tô hữu càng thêm sâu sắc và phong phú, càng làm tình yêu và nội lực ta thêm dồi dào. 3. «Hãy vâng nghe lời Người!» Qua biến cố hiển dung, Đức Giêsu chẳng những được giới thiệu cho chúng ta. Sự giới thiệu có giá trị hay không, và giá trị đến mức nào tùy thuộc vào thế giá của người giới thiệu. Còn ai có thế giá trong tôn giáo cho bằng Mô-sê và Ê-li-a, và nhất là còn ai thế giá trong toàn vũ trụ bằng Chúa Cha, Đấng tạo dựng nên cả vũ trụ bao la này. Chúa Cha đã giới thiệu Ngài: «Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người!». Lời giới thiệu ấy tuy ngắn ngủi nhưng nội dung rất quan trọng, gồm 3 điểm sau đây: a) Đức Giêsu là Con Thiên Chúa: Đó là một chức vị duy nhất và cao nhất sau Chúa Cha trong toàn vũ trụ. Ngài là Con duy nhất của một Thiên Chúa độc nhất. Và Ngài cũng là Thiên Chúa, đồng bản tính với Chúa Cha. Ngài đầy uy tín và rất đáng tin tưởng do bản chất Thiên Chúa của Ngài. b) Đức Giêsu rất đẹp lòng Chúa Cha: Một người đẹp lòng Chúa Cha tất nhiên hết sức hoàn hảo, không một khiếm khuyết nào. Vì thế, Ngài đầy uy tín và rất đáng tin tưởng do phẩm chất hết sức cao quí của Ngài. c) Vì thế, Chúa Cha khuyên chúng ta «hãy vâng nghe lời Người!». Lời khuyên của Thiên Chúa yêu thương chúng ta vô cùng lại đầy khôn ngoan và quyền năng ắt phải có một giá trị vô cùng lớn. Không một lời khuyên nào đối với ta có thể khôn ngoan và đem lại lợi ích cho ta như vậy. Vậy chúng ta hãy vâng nghe lời Đức Giêsu. Thánh Phê-rô, người đã chứng kiến việc hiển dung của Đức Giêsu và đã nghe được lời giới thiệu về Ngài của Chúa Cha, đã phải thốt lên tâm tình của mình: «Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời» (Ga 6,68). Chính Đức Giêsu cũng đã xác nhận: «Ai tuân giữ lời tôi, thì sẽ không bao giờ phải chết» (Ga 8,51). «Không bao giờ phải chết» ở đây nghĩa là có được sự sống đời đời. 4. Sự sống đời đời do vâng nghe lời Đức Giêsu Lợi ích lớn lao do việc vâng nghe lời Đức Giêsu chính là có được sự sống đời đời. Sự sống đời đời ấy không phải là một cái gì xa lạ mà phải qua thế giới bên kia mới cảm nghiệm được, mà là một cái gì thực tế và cụ thể, có thể cảm nghiệm được ngay ở đời này, thậm chí «tại đây và lúc này» (hic et nunc) một cách hết sức hiện sinh. Sự sống ấy đã được Đức Giêsu nói đến trong câu: «Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào» (Ga 10,10). Ở đời này, sự sống đời đời được thể hiện bằng sự sống dồi dào nội lực và sinh khí để có thể sống tràn đầy bình an và hạnh phúc, trong tinh thần vị tha, quên mình, biết yêu thương và hy sinh cho tha nhân không mệt mỏi. Đó là thứ hạnh phúc đích thực của thiên đàng là nơi chỉ có yêu thương, không còn ích kỷ hay thù hận. Đó là sự bình an và hạnh phúc vô biên trong nội tâm, thứ hạnh phúc không bị lệ thuộc vào hoàn cảnh hay những yếu tố bên ngoài, một thứ hạnh phúc không ai lấy mất được. Sự sống đời đời ấy ta có được là do vâng nghe lời Đức Giêsu, để chúng ta có thể nhìn cuộc đời, quan niệm mọi sự như Đức Giêsu đã nhìn và quan niệm, để ta có thể tư tưởng, nói năng và hành xử như Ngài đã từng tư tưởng, nói năng và hành xử. Ở đời này, sự sống ấy có thể ví như ở dạng hạt, và nó sẽ phát triển thành cây cổ thụ và sinh hoa kết trái ở đời sau. Chỉ khi ta có được «hạt giống sự sống đời đời» ở đời này do việc vâng nghe lời Đức Giêsu, ta mới có được «cây sự sống đời đời» ấy ở đời sau (x. Kh 22,2.14.19). Cầu nguyện Lạy Cha, Cha đã giới thiệu Đức Giêsu cho con, đã khuyên con hãy vâng nghe lời Ngài. Con biết: sự sống đời đời – là điều con ao ước nhất và có khả năng làm thỏa mãn con nhất – con có thể tìm được nhờ vâng nghe lời Ngài một cách triệt để và sâu xa. Xin Cha giúp con thực hiện được điều ấy. Amen. |