Chúa Nhật I Mùa Chay - Năm A
DỨT KHOÁT CHỌN LẦY SỰ VÂNG PHỤC
Chú giải của Fiches Dominicales

Chịu ma quỷ cám dỗ, Đức Giêsu đã có lựa chọn của một Người Con, phó thác trọn vẹn thân phận trong tay Cha. Câu chuyện được xem như điển hình cho tất cả những thử thách Người phải chịu cho đến hơi thở sau cùng.

VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI:

1. Trung thành với phép rửa đã nhận, một chọn lựa trước sau như một của Đức Kitô.

Cả ba Tin Mừng Nhất lãm đều thuật lại câu chuyện Đức Giêsu chịu ma quỷ cám dỗ trong hoang địa, và cả ba đều nối kết chặt chẽ câu chuyện này với phép rửa Người đã nhận trong dòng sông Giođan. Thánh sử Máccô viết: "Thần Khí liền đẩy Người vào hoang địa. Người ở đó bốn mươi ngày, chịu Satan cám dỗ" (Mc l,12). Thánh Luca kể: "Đức Giêsu được đầy Thánh Thần, từ sông Giođan trở về, và được Thánh Thần dẫn đi trong hoang địa bốn mươi ngày, chịu quỷ cám dỗ” (Lc 4,1). Còn thánh sử Matthêu cũng nhấn mạnh rằng nếu Chúa Giêsu, sau khi đã chịu phép rửa, chịu quỷ cám dỗ, là vì Người được Thần Khí đưa dẫn. Cũng chính Thần Khí ấy đá đáp xuống và ngự trên Người, bên bờ sông Giođan, trong lúc có tiếng từ trời phán rằng: "Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người”.

Câu chuyện Đức Giêsu chịu cám dỗ J.Guillet nhận định theo cả ba Tin Mừng Nhất lãm, gắn liền với câu chuyện Chúa chịu phép rửa. Matthêu viết rõ: "Ngay sau khi ngự trên Đức Giêsu, Thần Khí dẫn Người vào hoang địa chịu quỷ cám dỗ (Mt 4,1). Bài tường thuật về cơn cám dỗ và phép rửa của Chúa làm thành một tập hợp riêng, liên can đến quãng thời gian Đức Giêsu chưa thực sự bắt đầu sứ vụ công khai của Người. Không hoàn toàn lặng lẽ ẩn mình như trong thời thơ ấu, nhưng Chúa có vẻ như để mình bị động từ bên ngoài: Từ Thiên Chúa là Đấng đã lên tiếng phán, từ Thần Khí dẫn Người vào hoang địa, và điều lạ lùng là ngay cả từ ma quỉ, cho nó lân la lại gần, dụ dỗ Người, và hình như có thể điều khiển được cả thân xác Người. Người ta có thể xem lúc này chỉ giai đoạn chuẩn bị. Thực ra đây là một luồng sáng chiếu rọi trước vào suốt lịch sử đang đến: lịch sử của Con Thiên Chúa và lịch sử của cả nhân loại. Toàn thể cuộc đời của Đức Giêsu, diễn ra trong ánh sáng của tiếng Chúa Cha xác nhận: đây là Con yêu dấu của Ta, dù bên cám dỗ cứ tha hồ rên rỉ: "Nếu ông là Con Thiên Chúa".

Trong lúc bài tường thuật của Máccô rất ngắn gọn vỏn vẹn chỉ có một câu, thì Matthêu và Luca không ngần ngại dàn dựng cả một câu chuyện đầy tính biểu tượng. Đây là một hình thức văn chương khá quen thuộc đối với những độc giả của các ông, là những người đã thấm nhuần văn hóa Do Thái. Xung quanh ba cơn cám dỗ con số tượng trưng cho sự viên mãn đầy đủ. Câu chuyện muốn tổng hợp tất cả cơn cám dỗ liên lỉ mà Chúa Giêsu phải chịu cho đến giây phút cuối cuộc đời.

Và để cho thấy rõ ràng, Đức Giêsu với tư cách là Môsê mới, đang thực hiện lại cuộc hành trình của Dân Thiên Chúa tiến về Đất hứa, Matthêu và Luca đã cố ý lựa chọn mặc dù khác nhau đôi chút về thứ tự "ba nơi chốn có tính cách biểu tượng của lịch sử Israel, đó là: Hoang địa, là nơi Dân Chúa chịu thử thách đầu tiên; Đền Thờ, là chỗ Dân Chúa tụ họp để tôn thờ sự hiện diện của Thiên Chúa, Núi Cao là nơi Môsê sẽ nhận lệnh Lề luật của Chúa, và núi Nê-bô là địa điểm từ đó ông đã nhìn về Đất Hứa" (J.Potin, Jésus, l'histoire vraie, Centurion, 1994 trang 114).

2. Giữa hoang địa - Niềm cậy trông tuyệt đối vào Thiên Chúa.

Cơn cám dỗ đầu tiên có khung cảnh là "hoang địa". Đối với dân tộc Do Thái, đây là nơi chốn tượng trưng cho sự gần gũi Thiên Chúa, đồng thời cho sự thử thách làm sáng tỏ đáy lòng con người (chay tịnh, nhịn đói là nhằm thử lòng mình đối với Thiên Chúa); Hoang địa còn là nơi có tính cách biểu tượng cho mọi khởi đầu: Đức Giêsu ăn chay ở đây suốt bốn mươi đêm ngày, cũng như Môsê ngày xưa trên núi Sinai, trước khi đón nhận luật Giao ước. J.Guillet viết: đối với cư dân miền Palestine, hoang địa vừa là một phong cảnh cụ thể, nhìn thấy được từ đỉnh của dãy núi chính, vừa là một kỷ vật gợi nhớ lại thời các tổ phụ, đồng thời cũng là hình ảnh đầy ý nghĩa về những cách Thiên Chúa đã xử sự với dân Người. Có khi là những tai họa khổ đau Người để dân phải chịu, có khi là niềm an ủi, vỗ về Người dành cho họ. Trong ký ức của người Do thái, hành trình đi qua hoang địa vừa là quãng thời gian thiêng liêng của biến cố núi Sinai, cũng như của việc ban bố Lề luật, vừa là giai đoạn đen tối của thói kêu ca lẩm bẩm và những hành động chống đối của dân chúng, thời gian của Thiên Chúa và cũng là thời gian của ma quỉ, chính Đức Giêsu đã tự ý bước vào đó" (sđd, trang 44-45).

- Trong hoang địa, khi chịu cái đói thử thách "để cho biết lòng dạ chúng ra sao" (Nhị Luật 8,2), con cái Israel đã nghi ngờ Thiên Chúa. Họ đã tỏ ra không dám cậy dựa vào một mình Lời Chúa, không dám tin tưởng vào các lời hứa của Người. Họ lẩm bẩm kêu ca: "Thà rằng chúng ta chết bởi tay Thiên Chúa ở đất Ai Cập thời ấy được ăn uống no nê" (Xh 16,3). Và Người đã ban mana xuống cho họ.

- Trong hoang địa, Đức Giêsu cũng phải trải qua cơn cám dỗ như thế: cơn cám dỗ về sự dễ dãi tiện nghi, muốn ‘có tất cả, có liền’. Hãy truyền cho những hòn đá này hóa bánh đi, tên cám dỗ đã dụ Người.

- J.Radermakers giải thích: "Tiếng nói đã mời mọc Đức Giêsu biến đá sỏi sa mạc thành mâm đồ ăn ngon, thành tiếng nói của bản năng và xác thịt loài người luôn có xu hướng bóp nghẹt sự sống của Thiên Chúa" (Au fil de l'Evangile selon saint Matthieu”, trang 67). Nhưng Đức Giêsu đã có lựa chọn của "Người Con"; Người đáp lại bằng cách trích dẫn sách Đệ Nhị Luật, chương 8 câu 3, liên hệ đến câu chuyện về bánh manna; "Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra". Trái với dân Israel trong hoang địa xưa, Đức Giêsu hoàn toàn phó thác nơi Chúa Cha, Người chỉ cậy dựa vào một mình Lời của Thiên Chúa. Rồi đây trong suốt cuộc đời hoạt động của Người, Đức Giêsu sẽ trở thành mục tiêu công kích của những, đối thủ. Họ đòi Chúa phải cho họ thấy những dấu chỉ tỏ tường, để minh chứng điều Người tự xưng về mình. "Bấy giờ, có những người thuộc phái Pharisêu là phái Xa-đốc lại gần Đức Giêsu”, Matthêu dùng lại từ ngữ của bài tường thuật Cám Dỗ, và để thử Người, thì xin Người cho thấy một dấu lạ từ trời" (Mt 16,1). Nhưng cho đến giây phút cuối, Đức Giêsu vẫn muốn là một Đấng Cứu Thế nghèo, nhận lãnh tất cả từ Chúa Cha.

3. Trên nóc Đền Thờ - Chấp nhận con đường đau khổ.

Cơn cám dỗ thứ hai có khung cảnh là nóc "Đền Thờ", nơi là dấu chỉ Thiên Chúa hiện diện và che chở Dân của Người.

- Trong hoang địa, khi chịu cái khát thử thách, con cái Israel đã phải trải qua đêm tối của đức tin, khiến họ nghi ngờ và chống đối. Thiên Chúa đã dẫn họ vào hoang địa phải chăng để bỏ rơi họ trong cảnh tuyệt vọng "Có thực Thiên Chúa ở với chúng ta hay không? (Xh 17), họ lẩm bẩm với nhau như thế. Họ đã đi đến chỗ "thách thức" Thiên Chúa xem Người: có thể cung cấp nước uống cho họ trong hoang địa, họ "thử thách Người".

- Đức Giêsu cũng phải trải qua cơn cám dỗ như thế: cơn cám dỗ về quyền lực. "Gieo mình xuống đi!", tên cám dỗ xúi Người bằng cách xuyên tạc một câu của thánh vịnh 90: "Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ lo cho bạn, và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá”.

Một lần nữa, Đức Giêsu đã có chọn lựa của "Người Con"; Người đáp lại bằng cách trích dẫn sách Nhị Luật, chương 6, câu 16, liên hệ đến chuyện dân Do Thái kêu ca, và Thiên Chúa đã ban cho họ mạch nước tràn trề từ tảng đá: "Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi”. Khác với Israel trong hoang địa xưa, Đức Giêsu không bao giờ tìm cách thử xem Thiên Chúa có hiện diện trong cuộc đời mình hay không. Người bước đi mà không cho dấu chỉ nào, không yêu cầu bằng chứng nào, trong suốt sứ vụ, và nhất là trên thánh giá, vào giờ phút đen tối nhất, khi chính Chúa Cha cũng lặng thinh, Đức Giêsu đã chịu cơn cám dỗ: "Nếu ông là Con Thiên Chúa, hãy tự cứu lấy mình và xuống khỏi thập giá đi”, những đối thủ của Chúa đã buông lời thách thức, lập lại lời của tên cám dỗ trước kia. Nhưng Đức Giêsu, cho đến cùng vẫn trung thành với chọn lựa là một vị Cứu Thế khiêm cung, hoàn toàn phó thác mình cho Chúa Cha.

4. Trên núi cao - chọn lựa một đường lối cứu thế, bằng phục vụ.

Cơn cám dỗ thứ ba, theo Tin Mừng Matthêu, có khung cảnh "một ngọn núi rất cao". Nghe nói đến địa điểm này, người Do Thái chắc chắn sẽ liên tưởng đến ngọn núi Nê-bô ông Môsê đã lên để nhìn từ biệt Đất Hứa. Trên đó, Thiên Chúa đã chỉ cho ông xem thấy toàn bộ miền đất (Đnl 34,1), và thêm: "Miền đất này, ngươi sẽ chẳng được vào” (Đnl 34,4). Ở đây, Đức Giêsu là Môsê mới, đang chuẩn bị dẫn dắt đoàn dân của Người đến Đất Hứa Nước Trời, Người được tên cám dỗ chỉ cho thấy tất cả các nước thế giới và vinh hoa lợi lộc của các nước ấy.

- Trong hoang địa, con cái Israel bị hoang mang trước tương lai bất định, đã chịu thua cơn cám dỗ. Họ đã bỏ quên Thiên Chúa độc nhất, Đấng đã cứu họ khỏi đất Ai Cập, để chạy theo các thần ngoại khác dễ dãi, dễ sai khiến, dễ chiều theo ý muốn của họ, sẵn sàng bảo đảm cho họ giấc mơ quyền lực và mộng bá chủ: "Hãy làm cho chúng tôi những vị thần để đi trước chúng tôi", họ yêu cầu ông Aaron (Xh 32,33); và Aaron đã làm cho họ một con bò vàng.

- Chính Đức Giêsu cũng đã phải trải qua cơn cám dỗ như thế: cơn cám dỗ về sức mạnh trần thế, dụ dỗ Người theo đuổi một đường lối cứu thế kiểu trần gian, chiều theo những mong đợi và tham vọng loài người. "Tôi sẽ cho ông tất cả những thứ đó, nếu ông sấp mình bái lạy tôi", tên cám dỗ hứa hẹn với Chúa như thế. Lần thứ ba, Đức Giêsu lại có chọn lựa của "Người Con". Người đáp lại bằng cách trích dẫn Sách Nhị Luật, chương 8, câu 17-18, hiển nhiên có liên can với câu chuyện bò vàng: "Satan kia, xéo đi! Vì có lời chép rằng: ngươi phải bái lạy Đức Giêsu là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi. Khác xa dân Israel xưa trong hoang địa, Đức Giêsu khước từ mọi thỏa hiệp: Người dứt khoát đi theo con đường cứu thế bằng phục vụ chứ không phải bằng sức mạnh thống trị.

- Trong suốt sứ vụ, Đức Giêsu phải thường xuyên đương đầu với cơn cám dỗ ấy. Cơn cám dỗ đến không chỉ từ phía những đối thủ hay đám đông dân chúng đi theo mà thôi, nhưng còn ngay từ những bạn hữu của Người, những kẻ Người sẽ giao trách nhiệm kế tục sứ mạng của Người. "Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy”, Phêrô đã lên tiếng can ngăn, thay mặt cho cả nhóm không muốn thấy Đức Giêsu, Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống, mà phải rơi vào số phận bi đát như thế. Đức Giêsu Kitô bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết Người phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ bởi các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại". Và Đức Giêsu đã nghiêm khắc đáp lại, tương tự lời Người đã nói với tên dỗ: "Satan, lui lại đằng sau Thầy! Anh cản lối Thầy vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người (Mt 16,16-23). Cho đến cùng, Đức Giêsu vẫn chọn làm một vị Cứu Thế tôi tớ đau khổ mà các ngôn sứ đã loan báo.

J. Potin kết luận: "Nếu Đấng được Thiên Chúa chọn đã vẻ vang vượt qua được cơn cám dỗ lần này, thì thử thách thực sự vẫn còn trước mắt. Như thánh sử Luca kết ở cuối câu chuyện: "Sau khi đã xoay hết cách để cám Người, quỷ bỏ đi, chờ đợi thời cơ (Lc 4,13). Đâu là khuôn mặt cứu thế mà Đức Giêsu phải đảm nhận. Phải chăng là khuôn mặt của Đavit, người của Thiên Chúa, và cũng là người của những cuộc chinh chiến chống lại quân thù. Phải chăng là khuôn mặt của Người Tôi Tớ Thiên Chúa mà chúng ta sẽ thấy được khắc họa ngày càng rõ nét. Matthêu và Luca có ý cho thấy ngay trước bắt đầu sứ vụ, vừa lãnh phép rửa xong, Đức Giêsu đã chọn lựa. Đấng được Thiên Chúa chọn, là Con Thiên Chúa, đã dứt khoát chọn lấy sự vâng phục trọn vẹn Lời của Thiên Chúa" (Sđd, trang 117).

BÀI ĐỌC THÊM

1. Mối liên lạc thâm sâu giữa Phép Rửa và cám dỗ: (“J.Guillet, "Jésus la foi des premiers disciples" Desclée de Brouwer, 1995, trang 46-47).

"Mối liên lạc thâm sâu giữa Phép Rửa và cám dỗ chính là mối liên lạc của đức tin, nơi Đức Giêsu và nơi chúng ta. Cơn cám dỗ rõ ràng là một trong những chỗ mà người ta không thể nào hiểu được Đức Giêsu nếu không nói đến niềm tin của Người. Sống nhờ những gì Thiên Chúa ban cho, hoàn toàn vâng phục Thiên Chúa, một mình đối diện trước hư không, trước một tương lai vô định, dưới nhiều dạng khác nhau, đó chính là kinh nghiệm của đức tin. Và nếu, theo các sách Tin Mừng, kinh nghiệm ấy đi liền với biến cố Phép Rửa, là bởi vì trong biến cố ấy, nó đóng một trai trò rất quan trọng. Và bằng chứng đây là vấn đề của đức tin, đó là những cám dỗ của Đức Giêsu cũng chính là những cám dỗ của Dân Chúa trong hoang địa. Khi thắng những cám dỗ ấy, Chúa muốn đồng thời chỉ cho họ thấy họ đang thiếu cái gì và hôm nay Người mang đến cho họ cái gì. Bây giờ nếu trung thành với những chỉ dẫn của các sách Tin Mừng, đối chiếu hai biến cố phép rửa và cám dỗ của Đức Giêsu, người ta sẽ có thể nhận ra được chỗ đứng đặc biệt của đức tin nơi cả hai đoạn. Kết quả đối chiếu bề ngoài có vẻ mâu thuẫn: phép Rửa là nơi tràn ngập sự hiện diện của Thiên Chúa, là nơi vang rền tiếng phán từ trời cao, trái lại, cám dỗ là chỗ của sự xa vắng, của đói khát, của trống trải hư không. Phải nói rằng Đức Giêsu đã lần lượt nếm qua cả hai kinh nghiệm chính yếu trên.

Đối lại với lối giải thích nông cạn đó, chúng ta phải để ý đến cách suy luận rất rõ của các Tin Mừng, đến sự nhấn mạnh của các sách ấy vào mối liên lạc thâm sâu giữa hai khoảng khắc. Không phải chỉ đơn giản là sự tương phản ở hiện tượng bên ngoài, nhưng là một sợi dây nối hết sâu bên trong. Trong câu chuyện này hay câu chuyện kia, nội dung vẫn là Chúa Con trong tương quan với Thiên Chúa. Là Con Thiên Chúa, điều đó mang đến một lúc hai ý nghĩa không thể tách rời nhau: là lắng nghe tiếng nói yêu thương của Chúa Cha, và trọn vẹn vâng phục thánh ý Người. Cả hai làm thành đức tin, đức tin của Con Thiên Chúa.

Đúng là người tín hữu thường phải sống đức tin trong tâm trạng xa vắng và đêm tối tâm hồn. Không có sự xa vắng đó, đức tin sẽ biến chất và tiêu tan thành một thứ thị kiến ảo ảnh. Nhưng ngay trong tâm trạng xa vắng đó người tín hữu kinh nghiệm một sự gặp gỡ, một sự hiện diện. Thánh Gioan Thánh Giá đã xây dựng toàn bộ học thuyết của mình trên lời dạy này: nhận biết Thiên Chúa qua đức tin chính là đã đạt được Người trong chân lý của Người, ngay từ cuộc đời này. Cuộc gặp gỡ trong đêm tối này, niềm xác tín thường chỉ là vô thức này, chính là trung tâm, cốt lõi của đức tin chân thực, chỉ với một đức tin như vậy chúng ta mới nhận biết một vị Thiên Chúa thật. Đức tin một trật vừa là ánh sáng rực rỡ, Vừa là bóng tối thẳm sâu. Cũng thế, một cách bất khá phân ly, ánh sáng của Phép Rửa cùng với đêm tối của Cám Dỗ, làm nên đức tin của Đức Giêsu Kitô, mầm mống của đức tin chúng ta.

2. “Những cám dỗ của Đức Giêsu cũng là của chúng ta hôm nay”.

"Chúng ta thấy: những cám dỗ của Đức Giêsu cũng là của chúng ta hôm nay. Chẳng có gì phải ngạc nhiên. Chúng ta biết rằng nơi Đấng là Đầu, toàn Thân Mình đã chiến thắng cám dỗ. Chính nhờ cậy dựa vào Người mà đến lượt mình chúng ta có thể thoát được cạm bẫy của tên cám dỗ. Đức Giêsu dạy chúng ta phải đương đầu như thế nào: bằng cách chạy đến với Lời Chúa. Lời Chúa soi đường chỉ lối cho chúng ta đi. Lời Chúa chở che, bảo đảm cho chúng khỏi bị lầm lạc. Thật là nguy hiểm nếu chúng ta để mình buông theo xu hướng tự nhiên của loài người? ma quỉ cũng không mong gì hơn chúng ta đồng lõa với chúng như thế. Khi ấy Lời Chúa sẽ là thành lũy bảo vệ chúng ta.