Các Thánh Tử Đạo Việt Nam
TIN TƯỞNG VỮNG VÀNG
An Phong op

* Vẻ đẹp của trần gian

Có người trầm trồ về vẻ đẹp và sự sang trọng của đền thờ. Nhân đó, Chúa Giêsu tiên báo về ngày đền thờ bị tàn phá như thể một dấu hiệu của việc thế giới này sẽ qua đi; vì với người Do thái, cũng như với các môn đệ, việc đền thờ bị tàn phá là một điều gì kinh khủng như tận thế vậy.
Như thế, trần gian này chưa phải là thiên đàng; vì thế, luôn có những dấu hiệu cho thấy có sự dở dang, đổ vỡ, trục trặc trong cuộc sống. Nhưng Chúa Giêsu không trả lời rõ khi nào là tận thế và cũng tỏ cho thấy rằng tận thế không đến ngay đâu.

* Qui luật sống của người môn đệ Chúa

Ngươi môn đệ bị ghét bỏ, điều đó là một qui luật của đời sống Kitô hữu. Nếu chúng ta chưa sống trọn vẹn vai trò ngôn sứ, chúng ta thích nghi rất giỏi với những thay đổi của thời thế và trong thời đại nào cũng thế, chúng ta có thể tìm thấy được những lợi lộc, những ưu đãi; nhưng điều đó lại làm giảm bớt mất tính vượt qua của sứ điệp Chúa Kitô đối với xã hội con người.

Chúng ta không muốn để cho cuộc đời động đến một sợi "lông chân" của mình nên cũng chẳng thể thấy được Chúa bảo vệ những "sợi tóc" trên đầu mình.

* Lòng tin

Môn đệ Chúa sẽ thấy những dấu hiệu của một sự đổ vỡ ngay trong trần gian, sự sụp đổ của đời sống hiện tại; nhưng những điều đó chẳng là gì đâu. Thế giới phải được trải qua một cuộc thay đổi trọn vẹn, một sự hoàn tất bằng một sự đổi mới hoàn toàn. Trần gian này chưa phải là "thiên đàng" nên đời sống con người còn phải được biến đổi trong "thử thách" để được thanh luyện và trở nên tinh tuyền.

Trong bất cứ lãnh vực nào cũng cần một sự vượt qua như thế. Tránh né không phải là cách tốt nhất để vượt qua. Chỉ có một lòng can đảm "dấn thân" mới cho ta biết mình và mới giúp ta vượt qua chính mình...

Với lòng tin vào Chúa Giêsu, người môn đệ Chúa sẽ được bình an trước những biến động của lịch sử, "các ngươi đừng sợ". Chính trong nhưng lúc khó khăn là những lúc chứng tỏ lòng trung tín rõ ràng hơn hết; và chính trong những khó khăn lớn, người Kitô hữu sẽ thấy rằng chỉ có Chúa mới có thể là chỗ tựa nương của đời mình mà thôi.

"Các con sẽ bị mọi người ghét bỏ vì danh Thầy, nhưng dù một sợi tóc trên đầu các con cũng sẽ chẳng hư mất"

Lời nguyện
Lạy Chúa Giêsu,
Lời Chúa cho con thấy thực chất của lòng con :
con bám víu vào cuộc đời và con lẩn tránh những khó khăn.

Lời Chúa cho con thấy
con đã muốn đầu hàng ngay cả trước khi vào vào cuộc chiến.

Xin ban thêm sức mạnh và lòng tin cho con.


An Phong op

Máu Các Thánh Tử Đạo Là Hạt Giống Đức Tin

Hôm nay, chúng ta cùng toàn thể Giáo hội Việt Nam nói riêng và Giáo hội Công giáo toàn cầu nói chung – mừng kính các Thánh Tử đạo tại Việt Nam, những người tôi tớ anh dũng của Thiên Chúa, những người con trung hiếu của Giáo hội và dân tộc. Các ngài đã lấy tình yêu và máu hồng để tuyên xưng đức tin, tuyên xưng sự hiện diện sung mãn của Thiên Chúa trên mảnh đất nhỏ bé châu Á này. Tôn phong lên Thánh là chuẩn y đời sống thánh thiện, đức tin mạnh mẽ, đức ái tuyệt hảo và đức mến nồng nhiệt của một người thuộc về Thiên Chúa. Tôn phong lên Thánh là chấp nhận một cung cách sống triệt để Tin mừng, đặt bàn chân mình vào vết chân Đức Giêsu đã đi qua, là tôn vinh một kiểu mẫu - không phải là cá nhân - sống phục vụ Thiên Chúa, phục vụ Giáo hội và phục vụ con người hết mình. Hơn nữa, đối với các Thánh Tử đạo, là đóng dấu ấn mạnh mẽ, quyết liệt lên lòng can đảm, chí can cường, sự hiên ngang, kiêu hùng, đầu ngẩng cao, mắt hướng về trời của những người con của Thiên Chúa. Đã dám sống cho Chúa thì cũng dám chết vì Chúa. Không phải là gông cùm, xiềng xích, tù đày; không phải là xương tan thịt nát, máu chảy đầu rơi cho bằng lòng hiếu nghĩa và tín trung với Thiên Chúa. Máu đã thấm vào lòng đất Mẹ Việt Nam để làm những hạt giống đức tin sinh sôi nảy nở.

Từ ngàn xưa ấy : "Phúc cho những ai bị bách hại vì sự công chính, vì Nước Trời là của họ".

Từ miền hoang vu đồi núi Galilê, lời Đức Giêsu nhắn nhủ còn vang vọng đến mút cùng bờ cõi trái đất. Lời từ miền đất Palestin xa xưa đó vượt qua các biên giới thiên nhiên, địa lý, qua toàn thể các lục địa châu Âu, Mỹ, Úc và đến đất châu Á này. Lời đã vượt qua muôn ngàn cách trở của lòng người, của ngôn ngữ, màu da và đã đến nơi đây – nước Việt của chúng ta. Theo vết chân của Vị truyền giáo đầu tiên vượt qua bao gian nguy, giông bão của biển cả mênh mông. Lời đã đậu lại trên đất Ninh Cường, Quần Anh, thuộc giáo phận Bùi Chu, Bắc Việt năm 1533.

Ngày ấy, sừng sững trên cửa bể Đà Nẵng, một Thập giá cao to, không biết đã được dựng từ khi nào và do ai. "Đất này rồi sẽ lắm đau thương". Lời tiên tri của vị thừa sai đã không sai. Nhưng lời "Phúc cho những ai bị bách hại vì sự công chính..." lại càng mạnh mẽ, thôi thúc hơn. Vang vọng từ thế kỷ thứ nhất qua các thời đại và đến năm 1883, năm bách hại đầu tiên dưới thời chúa Trịnh Doanh, Lời đã chan hòa khắp không gian đất Việt như một sự khích lệ, an ủi và hứa hẹn những tín hữu đương thời. Hạnh phúc của những người nghe lời Chúa phải trả bằng giá quá đắt : hơn một trăm ngàn chứng nhân anh dũng đã nằm xuống.

Nhưng hôm nay, đã hơn 400 năm tính từ ngày hạt giống đức tin được gieo xuống mảnh đất này, đã trổ sinh những bông lúa vàng tươi, đầy nhựa sống. Hào khí đau thương hiên ngang đến pháp trường "chết vì đạo" đã được thay thế bằng hào khí vui tươi "sống vì đạo". Hào khí đau thương "chết cho Chúa" được thay thế bằng niềm vui "sống cho Chúa".

Noi gương các ngài :

Những trang sử tuy đầy máu và nước mắt nhưng là những trang sử kiêu hùng anh dũng của một dòng giống hùng anh, chứng tỏ quyền năng phi thường phát xuất từ Thiên Chúa. Các ngài đã bị dồn ép tư bề, nhưng không bị đè bẹp; hoang mang nhưng không tuyệt vọng; bị ngược đãi nhưng không bị bỏ rơi; bị quật ngã nhưng không bị tiêu diệt. Các ngài luôn mang nơi thân mình cuộc khổ nạn của Đức Giêsu, để sự sống của Đức Giêsu cũng được biểu lộ nơi thân mình các ngài. Thật vậy, tuy sống, các ngài bị cái chết đe dọa vì Đức Giêsu, để sự sống của Đức Giêsu cũng được biểu lộ nơi thân xác phải chết của các ngài.

Trong mọi sự, các ngài luôn chứng tỏ mình là những người phục vụ Thiên Chúa, khi phải chịu đựng đòn vọt, tù tội, loạn lạc, lo âu, vất vả, nhọc nhằn. Các ngài chứng tỏ điều đó bằng đời sống trong trắng; bằng sự hiểu biết; bằng cách sống nhẫn nhục, nhân hậu; bằng một tinh thần thánh thiện, một tình thương không giả dối, bằng lời chân lý, bằng sức mạnh của Thiên Chúa. Các ngài lấy công chính làm vũ khí tấn công và tự vệ. Khi vinh cũng như khi nhục, lúc được tiếng tốt cũng như khi mang tiếng xấu. Bị coi là bịp bợm, nhưng kỳ thực, các ngài chân thành; bị coi là vô danh tiểu tốt, nhưng kỳ thực, các ngài được mọi người biết đến; bị coi là sắp chết, nhưng kỳ thực, các ngài vẫn sống; coi như phải ưu phiền, nhưng kỳ thực, các ngài luôn vui vẻ; coi như nghèo túng, nhưng kỳ thực, các ngài làm cho bao người trở nên giàu có; coi như không có gì, nhưng kỳ thực, các ngài có tất cả.

Lạy Chúa,

chúng con xin cảm tạ Chúa
đã ban cho Giáo hội Việt Nam chúng con
một món quà tuyệt vời : 117 vị tử đạo tại Việt Nam.

Các ngài đã theo Chúa trên con đường thập giá,
xin cho chúng con được vững chí bền lòng
khi gặp thử thách gian nan.

Các ngài đã vâng lời Thiên Chúa
hơn là vâng lời người phàm.

Xin cho chúng con biết noi gương các ngài
những khi phải lựa chọn.


An Phong op 

Sự sống nên trọn vẹn nhờ cái chết

Hội thánh của Đức Giêsu là Hội thánh hiệp thông (koinonia), hoán cải (métanoia) và chứng tá (martyria).

“Chứng ta” lại thường được đồng nhất với “tử đạo”; vì tử đạo là làm chứng bằng “máu”, bằng cả mạng sống. Do đó, tử đạo trở nên một chứng tá trọn vẹn nhất; đồng thời cũng là “hiệp thông trọn vẹn” với niềm Tin của Hội thánh là “hoán cải trọn vẹn” của một con người.

Như thế, tử đạo là hình ảnh rõ ràng nhất (chứng tá) về một Hội thánh vì niềm Tin và sống bằng niềm Tin. Đó là một niềm Tin không gì lay chuyển nổi; vì đời sống người kitô hữu, nếu không có niềm Tin, thì không còn ý nghĩa; ngược lại, với niềm Tin, người kitô hữu có thể chấp nhận những khó khăn khốc liệt nhất.

Tử đạo là sức mạnh lớn lao nhất để nối kết người kitô hữu với nhau trong gia đình Hội thánh (hiệp thông). Dù cái chết cũng không thể chia cắt sự hiệp thông của người ktiô hữu với nhau trong cùng một niềm Tin nơi Thiên Chúa cứu độ.

Tử đạo là sự từ bỏ con người cũ để sống đời sống mới trong Đức Kitô (hoán cải). Cái chết, cùng những “con cái” của sự chết, đã thống trị trên nhân loại khi tội lỗi đột nhập vào thế gian, nay bị khuất phục do sức mạnh của tình yêu. Quả thật, tình yêu mạnh hơn sự chết. Nơi đây, ta thấy lòng “mến Chúa trên hết mọi sự” và tình “yêu tha nhân như chính mình” được thể hiện trọn vẹn.

117 Vị thánh Tử đạo tại Việt Nam là bằng chứng về một nền tảng vững chắc, một sức mạnh lớn lao của niềm Tin nơi Giáo hội Việt Nam; 117 Vị thánh Tử đạo tại Việt Nam tạo nên một truyền thống hào hùng, để cho các kitô hữu Việt Nam biết noi gương kiên trung, biết trung tín với truyền thống hào hùng của cha ông; 117 Vị thánh Tử đạo tại Việt Nam là lễ dâng toàn thiêu của Hội thánh Việt Nam, tiến dâng lên Thiên Chúa là Cha yêu thương, là Thiên Chúa cứu độ.

Như thế, lễ các thánh Tử đạo tại Việt Nam là dịp để hun đúc đời sống đức Tin, đức Cậy, và đức Mến của người kitô hữu Việt Nam.

Đời sống quí gấp ngàn lần cái chết, nhưng cái chết vì Đức Tin lại làm cho đời sống đáng sống hơn !