Chúa Nhật XXVIII thường niên - Năm A
VINH DỰ CỦA KẺ ĐƯỢC MỜI
DỰ TIỆC CỦA THIÊN CHÚA
Lm. Jude Siciliano, OP.
Thưa quí vị,

Hôm nay tôi thử tưởng tượng một đám cưới hoàn chỉnh cho hoàng tử nhà vua, chứ không nửa vời như Phúc âm kể. Đám cưới Chúa Giê-su kể rõ ràng là một thất bại thê thảm và ông vua bị khách mời hạ nhục không thể tưởng tượng nổi. Vậy chúng ta giả tưởng như nhà vua thành công. Trước hết, việc sửa soạn và đặt chương trình đòi hỏi cả tháng. Các món ăn, rượu mùi, bàn ghế, phòng ốc, danh sách khách mời phải tính toán chu đáo. Đầu bếp thành thạo nhất được thuê từ khách sạn danh tiếng trong thành phố, nếu cần trong cả nước hay từ nước ngoài. Thực đơn xuất bản rộng rãi trên báo chí cả tuần trứơc. Những người chọn rượu lành nghề được thuê từ khắp năm châu. Rượu phải ngon nhất: đỏ, trắng, khai vị, đi theo món ăn, tráng miệng đủ loại. Bát đĩa, đồ gốm, vàng bạc, đồng phải thuộc thương hiệu sang nhất thế giới và cẩn thận sắp xếp đúng kiểu cách trên các khăn bàn đẹp đẽ, ủi phẳng, mới cáo cạnh. Điều này không hiếm, vì đã từng được tổ chức. Đám cưới Hoàng gia Anh, Nhật Bản, Thái lan, Thuỵ điển là ví dụ. Thợ chụp ảnh và quay phim cũng phải là những tay lành nghề nhất, đẹp và rõ, bởi khi các quan khách ra khỏi xe thì phải mau mắn lấy ảnh ngay và không được để sót một cặp sang trọng nào. Thiệp mời mạ vàng, ba lần phong bì, giấy thơm thuộc loại đắt tiền nhất.

Coi này danh sách các khách mời: Vua chúa, tổng thống, nguyên thủ các quuốc gia, đồng minh chính trị, quân sự, chủ ngân hàng, doanh nghiệp lớn, ca sĩ, nghệ sĩ tài ba nổi tiếng, các ngôi sao điện ảnh thế giới và ban nhạc Rốc, Swing, Blue, Jazz. Phần văn nghệ góp vui thì khỏi phải bình luận, tuyệt hảo đến chi tiết cuối cùng. Anh sáng, âm thanh không chê chỗ nào được, bởi chúng được điều khiển bởi các chuyên gia thượng hạng. Cuối cùng thì ngày quan trọng đã tới. Khách hạng sang lần lượt đi xe Limousines xuất hiện. Máy ảnh chụp lia lịa, gia đình hoàng tộc chạy tới chạy lui tấp nập. Vua chúa và hoàng hậu tươi cười chào đón khách từng người một. Quà cáp chất thành đống, nào vòng cổ, vòng tay, nhẫn cưới toàn bằng vàng ròng và kim cương lấp lánh muôn hồng nghìn tía dưới các ngọn đèn pha lê sáng rực. Mỗi khách được đưa vào đúng chỗ. Giờ tiệc khởi sự, cao lương mĩ vị được các tiếp tân lịch sự đưa ra. Cả phòng cứ như là thiên đàng. Ăn uống chúc tụng tới khuya. Nhưng rồi cũng đến lúc tàn: cha mẹ cô dâu chú rể tập trung tiễn khách ra về. Khi người khách cuối cùng đã lên xe an toàn, vua cha và hoàng hậu nhìn nhau mỉm cười, thoả mãn, thở dài và trở về hoàng cung, trong lòng vui mừng vì đám cưới thành công mĩ mãn. Mọi chương trình tiến hành thông suốt, không một trục trặc nhỏ. Có đúng dụ ngôn hôm nay tốt đẹp như vậy không? Hoặc là tôi đã tường thuật đám cưới hoàng gia theo ý mình, nếu tôi được phép xây dựng câu chuyện?

Điều chắc chắn nó không do Chúa Giê-su kể, câu truyện của Ngài khác hẳn! Có đúng chăng chỉ được phần đầu, lên chương trình, sửa soạn, đồ ăn thức uống, danh sách khách mời, phòng ăn, chén đĩa, rượu ngon…Nó đúng cho đến điểm vua sai các đầy tớ đi mời các quan khách. Còn thì sai hết. Theo phong tục thời bấy giờ, các khách nhận được thiệp mời sẵn sàng đến dự khi có lệnh vua ban ra. Nhưng dụ ngôn lấy bước ngoặt bất ngờ: khách không đến. Người thì vì lý do này, kẻ thì lý do khác, thậm chí có những kẻ độc ác bắt giữ các đầy tớ nhà vua hành hạ và giết đi. Nguyên văn thánh Mattheo tường thuật như sau: “Nhưng quan khách không hề đếm xỉa tới, lại bỏ đi, kẻ thì đi thăm nông trại, người thì đi buôn, còn những kẻ khác lại bắt các đầy tớ của nhà vua mà hành hạ và giết chết.” Đúng là một xã hội kỳ quái, hành xử như những kẻ điên. Hoàng gia bị sỉ nhục ghê gớm nghe như truyện hoang đường. Nhưng thực tế lại đúng với tình hình tôn giáo thời bấy giờ và hiện trạng ngày nay của nhiều Giáo hội địa phương. Chúng ta nên khiêm nhường xét mình để nhận rõ sự thật. Nhiều người xưng mình là đạo đức, nhưng thực chất độc ác hơn các kinh sư, thượng tế Israel. Vậy nhà vua nổi giận ban bố án lệnh trên những kẻ hỗn xược đó. Thánh Mattheo viết: “Nhà vua liền nổi cơn thịnh nộ, sai quân đi tru diệt bọn sát nhân ấy và thiêu huỷ thành phố của chúng.” Tự mình bọn sát nhân chứng tỏ không xứng đáng với tiệc cưới nhà vua. Nếu chúng ta liên tưởng tới “tiệc cưới” mà Chúa Giê-su ám chỉ Nước Trời thì những kinh sư, thượng tế bị loại. Những ai giả hình thời nay cũng không tránh được số phận.

Diễn biến tiếp theo là vua sai các đầy tớ ra khắp các phố chợ, nẻo đường mời đủ mọi hạng người vào dự tiệc. Các người được mời hết sức ngạc nhiên, họ không ngờ được cầm những giấy mời sang trọng, nằm mơ cũng không thấy được hạnh phúc ấy. Họ là những người lao động thường nhật: “tốt xấu bất luận”. Nhà vua nói rõ: “Các ngươi đi ra các ngả đường, gặp ai cũng mời hết vào tiệc cưới”. Thế thì chuyện chi sẽ xẩy ra cho những đồ dùng sang trọng trong tiệc cưới, muỗm dĩa, vàng bạc, chén đĩa thuỷ tinh, khăn bàn đẹp đẽ liệu có bị ăn cắp, làm hư hỏng không? Chẳng lẽ quay phim chụp ảnh bọn phàm phu, tục tử không tư cách? Ai coi những tấm hình như vậy? Còn bao nhiêu công sức bỏ ra để lên chương trình, sắp đặt, sửa soạn? Tất cả đều phí uổng khi đón tiếp số khách mời hổ lốn? Coi chừng các đồ đạc trong phòng cưới, chiếc thì bể vỡ, cái thì không cánh mà bay. Thật là một thảm hoạ cho hoàng gia. Chưa hết các thực khách đường phố ấy chưa bao giờ học lịch sự, họ sẽ chen lấn nhau, ồn ào tìm thức ăn đồ uống sang trọng: rượu ngon thịt béo, ăn uống vô độ chẳng để ý đến nhà vua hoàng hậu cùng đôi hoàng tử công chúa đến tiếp khách. Lời chúc tụng của họ thật thô lỗ, tục tằn.

Cuối tuần trước tôi tham dự hội thảo về đề tài: Tin mừng hôm nay với một nhóm học hỏi Kinh thánh. Chúng tôi phá lên cười khi có người đặt câu hỏi: Liệu ai trong nhóm họ có thể kể ra “thành tích” để được mời dự đám tiệc? Thân quen nhà vua? Thành công trong đường đời? Lãnh tụ kinh tế, chính trị, quân sự? Thực tế chẳng kể ra được một khuân mặt nào vì tất cả đều đến từ đường phố, chợ búa. Họ không có “tiêu chuẩn” nào hết, không có địa vị, không có đặc quyền đặc lợi để được nhận vào hoàng cung, y như chúng ta ngày nay, được tham dư Thánh lễ, Phụng vụ, được làm thành phần của Giáo hội. Lạy Chúa, Ngài thực tế vô cùng, nhìn xa trông rộng, thông suốt cả tình trạng chúng con ngày nay, đoán trước được số phận con cái Chúa cho đến muôn đời. Những người có “quyền lợi”, có chức vị, có danh nghĩa, để được nhận vào thì lại từ chối và bị loại ra ngoài. Nhóm chúng tôi lại đặt câu hỏi: Vậy ai chấp nhận lời mời? Câu trả lời không mấy khó khăn: Đó là những kẻ bần cùng, khố rách áo ôm, những người nghèo đói bệnh tật, những kẻ bị loại khỏi xã hội, những người ăn xin, đĩ điếm, những người cả đời không dám mơ mộng tiến đến cổng nhà vua, đừng nói được mời vào dự tiệc cưới thịnh soạn của hoàng tử! Những kẻ chẳng có số phận nào trong xã hội trong Giáo hội. Nhưng họ đã được mời và đã vào lâu đài nhà vua, như chúng ta vào Thánh đường ngày nay. Họ sẽ kiếm một chỗ vừa ý và ngồi xuống dự tiệc. Ôi hoàng thượng tốt bụng biết bao. Vì nhớ lại quá khứ, họ đã chẳng làm được chi xứng đáng và thấy mình sửng sốt trong chỗ sang trọng này. Họ không dám lưu lại lâu hơn nếu nhà vua không khuyến khích. Điều chi đã khiến nhà vua mời mình? Trước đây ít phút, họ thuộc hạng “đường phố”. Bây giờ lại là “khách mời” của hoàng cung. Một sự đổi ngôi, không ai trong họ dám nghĩ tới. Đó là sự thật của họ và của mỗi người chúng ta ngày nay. Thiên Chúa rộng lượng và từ bi, yêu thương những ai hèn yếu. Ngài hành động bất ngờ, ngoài sức tưởng tượng của loài người. Phúc âm để suy gẫm và suy gẫm khôn cùng, chỉ những ai vô tâm lắm mới không thấy bài học cho mình trong Tìn mừng hôm nay. Bàn tiệc mà Thiên Chúa dọn ra thì hằng hà sa số thức ăn, đồ uống ngon lành. Ngày này nhiều nơi cũng bắt chước dọn bữa cho người nghèo, nhưng bàn tiệc này thì khác hẳn. Những người phục vụ biết rõ người ta có nhu cầu nhiều hơn lương thực trứơc mắt. Họ cần thực đơn, ánh sáng, khăn bàn sang trọng, đèn nến và kẻ hầu người hạ. Họ tụ tập bên ngoài hoàng cung chờ đợi. Có lẽ chỉ ít người quen biết nhau, đa phần là không, họ nói chuyện từng nhóm đùa vui chờ đợi được mời vào. Cuối cùng thì người phục vụ xuất hiện, hô lớn: xin mời vào, bàn cho ba người, bàn bốn người, bàn năm người, lần lượt “khách” ngồi vào vị trí. Tai sao chưa dọn đồ ăn, thức uống? Hãy cho họ dùng bữa đi, những người đói khát, nghèo khổ đang cần thực phẩm? Không, nơi đây phục vụ những thứ khác căn bản hơn cho “khách” của mình, tức phẩm giá, lòng tôn trọng, tín nhiệm, không khinh bỉ, không chèn ép. Đúng như Phúc âm không nào? Những kẻ đầu đường xó chợ chẳng mấy khi được ai mời mọc, chẳng mấy khi được ăn cao lương mỹ vị. Bây giờ được mời, được đối xử tốt, được chọn món từ thực đơn phong phú. Quả là hậu hĩ đến độ phung phí. Thế đấy, thật giống như được mời vào dự tiệc cưới hoàng gia, những “khách” của Chúa Giê-su trong bàn tiệc “Nước Trời”.

Tác giả Dorothy Day, người tôi tớ lớn của các kẻ nghèo hèn trên đất nước Hoa Kỳ, bạn hữu của bà đã thành lập nhiều bệnh viện phục vụ những người bần cùng, một lần nói: “Những người nghèo khổ phải tha thứ cho chúng tôi vì kiểu cách bác ái chúng tôi làm.” Qúy vị chắc chắn hiểu ra ý nghĩa của câu nói. Chúng ta thi hành bác ái trong phong cách và thái độ đáng trách, cần họ cảm thông và tha thứ. Gần đây ở cửa nhà thờ, một bà già dúi vào tay tôi 5 đô la và nói: “Xin cha làm phúc cho kẻ xứng đáng.” Tôi muốn chạy theo và trả lại tiền cho bà. Nhưng bà đã biến mất vào đám đông. Làm sao tôi biết phân định ai là người nghèo xứng đáng? Có phải họ coi bộ khiêm tốn đủ? Biết ơn đủ? Giá cả đủ? Thế còn người vừa được thả ra khỏi khám đường? Người ăn nói thô kệch? Người nghèo phải tha lỗi cho chúng tôi vì kiểu cách thi hành bác ái. Đúng. Và muốn nhận định rõ ý nghĩa của dụ ngôn, chúng ta nên kể nó như chuyện riêng của mình. Chúng ta phải ý thức mình đón nhận biết bao ơn lành của Thiên Chúa, không phải vì có “quyền” (droit) như dân Do thái mà hoàn toàn do lòng rộng rãi, tốt bụng của Ngài. Về căn bản chúng ta chỉ là kẻ đường phố, lang thang phiêu bạt mà được nhận vào. Không những hưởng lời hứa cùng các tổ phụ đức tin, mà còn được dự bàn tiệc Thánh thể và Nước Trời. Hôm nay chúng ta được an toạ trong thánh đường cũng là nhờ lòng rộng rãi của Thiên Chúa, chứ không do công nghiệp của riêng mình. Chúng ta chẳng thể cậy vào quyền nào mà được hưởng đặc ân thấy mình ngồi tại bàn tiệc vĩnh cửu. Tạ ơn Thiên Chúa. Ngài đã không để chúng ta phải chịu số phận đầu đường, xó chợ nữa, mà được mời làm “quan khách” của Ngài. Được yêu dấu và kính trọng.

Nhưng câu hỏi là: làm thế nào để bày tỏ địa vị mới? Chúng ta phải làm chi khác biệt trong cuộc sống để chứng minh mình là khách danh dự trong hoàng cung Thiên Quốc? Vẫn giữ nếp sống cũ ư? Điều đó vô lý. Trác táng rượu chè say sưa đĩ điếm không là tư cách xứng đáng nữa, phải có điều chi tiến bộ, thanh sạch, thánh thiện hơn. Một phương pháp hữu hiệu là tâm niệm phương châm nào đó, như người ta ghi trên bao thuốc lá: Coi chừng hút thuốc có hại cho sức khoẻ. Chuyển sang lĩnh vực thiêng liêng, chúng ta viết: Coi chừng, đến đây quí vị có thể mất cân bằng. Thế giới chúng ta quen cung cấp đủ thứ giá trị và tiêu chuẩn, cám dỗ và lừa đảo. Chúng ta phải coi chừng tiếng gọi của nó. Xin nhớ lời thánh Phaolô: “Tôi được phép làm mọi sự, nhưng không phải mọi sự đều xứng đáng.” Các dụ ngôn mấy tuần qua đảo lộn mọi tư tưởng người đời. Chúng ta thường gặp nhau nơi thánh đường, trường học, sở làm, tiệm ăn, chợ búa. Chúng ta nhận ra nhau và nhớ lại đều là quan khách được mời, những kẻ vua thu thập từ đường phố vào dự tiệc cưới. Chúng ta phải loại trừ hết những chi phân rẽ nhau. Ai là người tốt, kẻ xấu? Lấy tiêu chuẩn nào mà xét đoán? Giầu có, học lực, cấp bậc, giai tầng xã hội? Dụ ngôn hôm nay không nói đến những điều ấy. Bàn tiệc Thiên quốc thâu nhận tất cả, miễn là chúng ta đối xử với nhau công bằng, nhân phẩm. Như vậy chúng ta đã tìm thấy con đường phải đi: Vươn ra tới mọi người, đối xử với nhau như những “quan khách” Nước trời. Bởi lẽ đó cũng là đường lối Thiên Chúa đối xữ với chúng ta hôm nay vậy. Amen.

                   trang suy niệm hằng tuần