Chúa Nhật XXVIII thường niên - Năm A
MỘT TIN MỪNG CHO MUÔN DÂN
Lm Trần Thanh Sơn
Đoạn Tin mừng chúng ta vừa nghe là dụ ngôn thứ ba trong loạt ba dụ ngôn mà Đức Giêsu nói với các Thượng Tế và những người đứng đầu trong dân Do Thái tại Giêrusalem. Nếu như ở dụ ngôn hai người con (x. Mt 21, 28-32) tuần 26, Đức Giêsu cho thấy việc làm theo ý Thiên Chúa là điều quan trọng; và dụ ngôn: “Tá điền vườn nho” (x. Mt 21, 33-43), tuần 27 vừa qua là lời cảnh cáo: “Nước Thiên Chúa sẽ cất khỏi các ông và sẽ được ban cho một dân làm ra hoa quả” (Mt 21, 43), thì dụ ngôn “Tiệc cưới” hôm nay, Ngài cho thấy sự ứng nghiệm của lời cảnh báo đó. Những người khách được mời trước đã từ chối, thì bị tru diệt. Đồng thời, cũng từ giây phút này, một viễn tượng mới được mở ra với lệnh truyền của nhà vua: “Các ngươi hãy ra các ngã đường, gặp bất cứ ai, thì mời vào dự tiệc cưới”. Như thế, Tin mừng giờ đây không còn bị giới hạn trong dân tộc Do Thái nữa, nhưng sẽ được trao cho muôn dân, cho tất cả những tâm hồn thiện chí.

1. TỪ MỘT LỜI HỨA :

Một Tin mừng cho muôn dân. Điều này đã được ngôn sứ Isaia báo trước cách đó hơn 600 năm. Lúc bấy giờ, dân Do Thái đang phải lưu đày tại đế quốc Babilon. Đất nước bị mất vào tay dân ngoại, đền thờ bị tàn phá, dân Chúa tưởng chừng như không còn gì để hy vọng. Niềm tin vào Giavê Thiên Chúa bị lung lay. Họ không biết Thiên Chúa sẽ thực hiện lời hứa ban Đấng Messia như thế nào. Nhưng chính giữa cảnh lưu đày đau thương đó, ngôn sứ Isaia đã loan báo một tin vui, đem lại niềm hy vọng lớn lao cho họ: “Trên núi này, Người sẽ cất khăn tang bao trùm muôn dân, và tấm khăn liệm trải trên mọi nước. Người tiêu diệt sự chết đến muôn đời, Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt trên mọi khuôn mặt, và cất bỏ khỏi toàn mặt đất sự tủi hổ của dân Người” (Is 25, 7-8). Không chỉ giải thoát dân Do Thái trở về, đem lại tự do cho họ, nhưng Thiên Chúa còn làm cho họ trở nên một dân lớn, và muôn dân trên khắp thế giới sẽ nhận biết Ngài là Thiên Chúa. Lúc đó, “Chúa các đạo binh sẽ thết đãi tất cả các dân trên núi này một bữa tiệc đầy thịt rượu, thịt thì béo, rượu thì ngon” (Is 25, 6).

Như thế, Giavê Thiên Chúa không còn là Thiên Chúa của một dân tộc Do Thái, nhưng là Chúa của muôn dân; và thực khách trong bữa tiệc của Ngài không chỉ là dân Israel, nhưng là toàn thể các dân tộc. Mọi dân tộc sẽ được hưởng sự chăm sóc, yêu thương của Ngài như cảm nghiệm của thánh vương Đavít trong bài đáp ca: “Chúa chăn dắt tôi, nên tôi không thiếu gì; Người cho tôi nằm trong đồng cỏ xanh tươi. Người đưa tôi nghỉ ngơi nơi bờ suối nước; Chúa dọn bàn tiệc đãi tôi trước mắt quân thù tôi” (Tv 22, 1-2. 5a).

Dù vậy, đây cũng chỉ mới là một lời loan báo, một lời hứa. Năm 587, dân Do Thái đã được hồi hương. Thế nhưng, từ nơi lưu đày trở về họ vẫn tiếp tục bị các đế quốc Ba Tư, rồi Hy Lạp, và La Mã đô hộ. Do đó, dân Israel vẫn tiếp tục chờ mong bữa tiệc thịnh soạn mà ngôn sứ Isaia đã loan báo.

2. GIÁO HỘI, LỜI HỨA ĐƯỢC THỰC HIỆN :

Với sự xuất hiện của Đức Giêsu, lời hứa của ngôn sứ Isaia đã được thực hiện. Chính Ngài là Đấng qui tụ muôn dân để thết đãi họ một bữa tiệc. Điều này được Đức Giêsu diễn tả qua dụ ngôn tiệc cưới trong bài Tin mừng hôm nay. Thực khách của bữa tiệc này, trước hết là dân Do Thái, một dân tộc đã được tuyển chọn. Thế nhưng họ đã từ chối. Tin mừng ghi lại thái độ của họ như sau: “Nước Trời giống như vua kia làm tiệc cưới cho hoàng tử. Vua sai đầy tớ đi gọi những người đã được mời dự tiệc cưới, nhưng họ không chịu đến”. Thậm chí, họ còn “không đếm xỉa gì và bỏ đi”. Dân tộc Do Thái, một dân đã được vinh dự mời đến dự tiệc cưới của một vị hoàng tử, có tên gọi là Giêsu, nhưng họ đã không nhận ra hồng ân này. Họ đang còn bận rộn với những công việc thường ngày của họ: “Người thì đi thăm trại, người thì đi buôn bán”. Họ đã từ chối Người hảo ý của nhà vua. Thậm chí, họ còn “bắt các đầy tớ vua mà nhục mạ và giết đi”. Họ đã phải trả giá đắt cho hành vi vô ơn, bội nghĩa của mình, nhà vua đã “sai binh lính đi tru diệt bọn sát nhân đó”. Đúng là “rượu mừng không uống, lại muốn uống rượu phạt”.

Dân được chọn đã từ chối mà tiệc cưới thì không thể không có thực khách, nhà vua đã nói với các đầy tớ: “Các ngươi hãy ra các ngã đường, gặp bất cứ ai, thì mời vào dự tiệc cưới”. Như thế, thực khách của bữa tiệc này đã không còn bị giới hạn. Tất cả mọi người đều được mời vào để dự bữa tiệc đã được đã được dọn sẵn. Và “phòng cưới chật ních khách dự tiệc”. Một dân mới được thiết lập để thay cho dân cũ. Dân mới này chính là Giáo Hội. Giáo Hội là dân mới được Đức Giêsu thiết lập để thay thế cho dân cũ đã từ chối Ngài. Mọi người đều được mời gọi vào Giáo Hội “bất luận tốt xấu” để tham dự tiệc cưới của Con Chiên tinh tuyền là Đức Kitô (x. Kh 19, 7-9) nơi bàn tiệc Thánh Thể.

Tuy nhiên, để thực sự xứng đáng với bữa tiệc này, mỗi người cần có “y phục lễ cưới”.

3. ĐIỀU KIỆN ĐỂ THAM DỰ TIỆC CƯỚI :

“Y phục lễ cưới” chính là điều kiện duy nhất cho người tham dự bữa tiệc vui này, bất kể đó là nam hay nữ, giàu hay nghèo, bất kể màu da, ngôn ngữ, sắc tộc hay tuổi tác. Tất cả nếu muốn tham dự bàn tiệc này cần có “y phục lễ cưới”. Khi cho gọi tất cả đủ mọi hạng người vào dự tiệc cưới, nhà vua không đặt ra cho họ một điều kiện nào ngoài “y phục lễ cưới”.

Chiếc áo cưới này phải chăng là một đời sống công chính trong Đức Kitô. Mỗi người được mời gọi vào Giáo Hội nhờ phép Rửa, không đương nhiên là được cứu độ. Vào ngày lãnh nhận phép Rửa, chắc hẳn quý ông bà anh chị em còn nhớ lời căn dặn của thừa tác viên: “Con hãy nhận lấy chiếc áo trắng này và hãy mang lấy và gìn giữ nó tinh tuyền cho đến khi ra trước toà Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta”. Như thế, muốn xứng đáng là một thực khách trong bữa tiệc của Thiên Chúa, mỗi người chúng ta phải mặc lấy Đức Kitô, hay nói theo cách nói của thánh Phaolô, chúng ta phải “mặc lấy con người mới” (x. Ep 4, 24; Cl 3, 10). Giữ chiếc áo trắng ngày Rửa Tội cho thật tinh tuyền cho đến mãn đời, quả thật là điều khó, nếu không muốn nói là vượt quá khả năng tự nhiên của chúng ta. Nhưng nếu chúng ta biết trông cậy vào Thiên Chúa thì lại là chuyện khác, thánh Phaolô xác tín: “Tôi có thể làm được mọi sự trong Đấng ban sức mạnh cho tôi”.

Mỗi lần tham dự Thánh Lễ là mỗi lần, chúng ta được mời đến dự bàn tiệc của Thiên Chúa, bàn tiệc Thánh Thể. Thế nhưng chúng ta đã đáp lại lời mời này của Thiên Chúa như thế nào? Chúng ta có cảm thấy niềm vui và vinh dự khi được đến tham dự bàn tiệc Thánh Thể không? Hay là chúng ta cũng như những người Do Thái vẫn dửng dưng với lời mời gọi này. Chúng ta nghĩ rằng rước lễ cũng được mà không rước cũng chẳng sao. Số phận của những người từ chối hôm nay là một lời nhắc nhở cho từng người chúng ta. Mặt khác, để có thể rước lễ một cách xứng đáng, mỗi người chúng ta cũng cần có “y phục lễ cưới”, nghĩa là giữ tâm hồn sạch khỏi mọi tội trọng và dọn mình chu đáo.

Lắng nghe lời Chúa hôm nay, ước gì mỗi người chúng ta mau chóng đáp lời mời đến tham dự bàn tiệc Thánh Thể. Đồng thời cũng mặc lấy áo cưới là tâm hồn sạch tội. Nhờ đó, chúng ta sẽ hưởng được niềm vui sung mãn trong bữa tiệc của Thiên Chúa. Amen.

                   trang suy niệm hằng tuần