Chúa Nhật XXVI thường niên - Năm A
SÁM HỐI LÀ KHỞI ĐIỂM
CỦA CON ĐƯỜNG NÊN THÁNH
Học viện Đa minh

Một hôm, Đức Giêsu đang giảng dạy tại Đền Thờ, các kinh sư và kỳ mục tiến lại và hỏi xem Người đã lấy quyền nào mà giảng dạy như Đấng Mêsia (Mt 21,23-27). Sau một hồi tranh luận gay gắt, Đức Giêsu kể cho họ dụ ngôn “Hai người con”. Đó là bài Tin Mừng hôm nay.

Ý nghĩa dụ ngôn

Bài Tin Mừng trình bày cho chúng ta hai thái độ trái ngược nhau của hai người con. Đứa thứ nhất nói không đi làm, nhưng sau đó hối hận lại đi làm. Đứa thứ hai nói đi làm nhưng lại làm biếng không đi. Cả hai đứa, đứa nào cũng đã làm cho người cha buồn. Tuy nhiên, nếu so sánh hai đứa, đứa con cả vẫn tốt hơn, vì nó đã biết ăn năn hối cả.

Khi đưa ra dụ ngôn này, Đức Giêsu muốn ám chỉ đến hai hạng người: hạng thứ nhất là những phường thu thuế và gái điếm, là những người ăn cướp của dân, là những kẻ nhận hối lộ, là những kẻ bán thân nuôi miệng. Họ bị coi là những hạng người xấu xa và là quân tội lỗi gớm ghê. Nhưng khi nghe lời Chúa, họ đã ăn năn sám hối, đã thay đổi đời sống. Còn đứa con thứ hai, ám chỉ nhóm các thượng tế và kỳ mục. Họ là thành viên của Thượng hội đồng, là các thượng tế, các kinh sư và Pharisêu. Họ tự coi mình là người giữ luật, nhưng lại không chấp nhận lời Chúa giảng dạy, không ăn năn sám hối. Không những thế, họ còn tìm cách phá hoại công trình cứu độ của Chúa.

Chúng ta thuộc hạng đứa con thứ nhất hay thứ hai?

Thật khó để trả lời cho câu hỏi này. Bởi vì dường như có lúc trong cuộc đời chúng ta đã thuộc cả hai hạng người này. Nếu xét về hình thức, chúng ta thuộc hạng người thứ nhất, vì chúng ta đã lãnh nhận bí tích Rửa tội, chúng ta đã thuộc về Chúa, cũng đã giữ luật Chúa. Tuy nhiên, đã nhiều lần chúng ta lại không giữ điều đạo Chúa dạy. Chúng ta vẫn còn bê tha rượu chè, cờ bạc, vẫn còn theo đuổi những đam mê bất chính như ham hố tiền bạc bất chính, đam mê nhục dục bất chính, vẫn còn đó những mối hiềm khích với những người làm chúng ta mất lòng, vẫn còn đó những xầm xì với những người chúng ta không ưa… Tôi sợ rằng chúng ta đã nhiều lần thuộc hạng người thứ hai, hơn là hạng người thứ nhất.

Sám hối là khởi đầu để trở nên thánh thiện

Qua dụ ngôn này, Đức Giêsu cho thấy Người không đề cao những hình thức mang tính pháp lý, mà nhấn mạnh đến vấn đề việc làm, cụ thể là lòng sám hối và chấp nhận giáo huấn của Người.

Quả vậy, đã là con người ai cũng có lúc sai lầm, vì nhân vô thập toàn. Việc sám hối là cần thiết bởi vì nó là khởi điểm của việc con người trở về với Thiên Chúa, trở về với đường lối của Chúa. Chúa không đòi hỏi chúng ta phải hoàn hảo tuyệt đối, nhưng Chúa cần chúng ta phải biết sám hối mỗi khi lỗi lầm.

Thiên Chúa là Đấng vô cùng yêu thương và hay tha thứ. Người không chấp nhất tâm hồn tội lỗi trở về, trái lại Người còn giang rộng cánh tay ôm ấp tội nhân vào lòng khi họ quay về. Một Mátthêu thu thuế, một Maria Mađalêna gái điếm, một Phêrô chối Chúa ba lần và nhiều nhiều những tâm hồn tội lỗi tầy trời khác đã được Thiên Chúa thứ tha và đón nhận khi biết sám hối trở về với tình thương của Chúa.

Chẳng phải Thiên Chúa đã bỏ chín mươi chín con chiên đang trong đàn mà đi tìm một con chiên lạc đó sao! Khi đã tìm được, Người đã âu yếm nó, cõng nó trên vai như người cha cõng con thơ yêu quý của mình. Người cha đã chẳng giết bê béo ăn mừng khi đứa con hoang đàng trở về đó sao? … Điều đó nói lên rằng Thiên Chúa luôn khoan dung tha thứ và chờ đợi tội nhân trở về. Bởi vì Người biết rằng chỉ có sám hối ăn năn là con đường cộng tác duy nhất của con người vào công trình cứu chuộc của Thiên Chúa. Không sám hối cũng có nghĩa là từ chối lòng nhân từ của Thiên Chúa, từ chối công trình cứu chuộc của Người, từ chối chính Thánh Thần của Thiên Chúa. Kẻ nào không sám hối, Nước Thiên Chúa chẳng bao giờ dành cho họ.

Như vậy, điều Thiên Chúa muốn ở đây không phải là chúng ta xuất thân từ dòng dõi nào, từ người ngoại mới trở lại, từ những kẻ tội lỗi tầy đình, hay là những tín hữu đã theo đạo truyền thống, mà điều Thiên Chúa muốn là chúng ta phải luôn luôn sám hối khi lầm lỗi.

Lạy Chúa, xin giục lòng chúng con luôn sám hối và chừa cải những tội lỗi của mình. Xin Chúa thứ tha những lầm lỗi chúng con đã trót phạm. Amen.

Câu hỏi suy niệm

1. Anh chị em có thường xét mình trước khi đi ngủ không? 2. Anh chị em đã thể hiện lòng sám hối của mình một cách cụ thể như thế nào?

                   trang suy niệm hằng tuần