Chúa Nhật XXVIII thường niên - Năm A
THIÊN CHÚA VÀ NHÀ NƯỚC
SƯU TẦM

Thật là sai lạc khi nghĩ rằng Giáo hội Công giáo thì chống đối lại nhà nước. Với chúng ta thật rõ ràng và minh bạch, khi chúng ta trả lại cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa, nhưng chúng ta cũng không quên trả lại cho quê hương đất nước những gì thuộc về quê hương đất nước. Thế nhưng, trong trường hợp có những nhà nước chủ trương một chính sách bài trừ tôn giáo, xoá bỏ địa vị của Thiên Chúa, thì chúng ta phải phản ứng như thế nào?

Tôi nghĩ rằng chúng ta phải đấu tranh, phải phản kháng nhưng không phải với bạo lực và sức mạnh, bởi vì đối với chúng ta chống lại chính quyền hợp pháp là một tội, lỗi điều răn thứ tư. Chúa Giêsu cũng đã không giảng dạy sự bạo động nhưng đã giảng dạy đức vâng lời, cho dù là vâng lời một chính quyền ngoại đạo.

Thánh Phaolô cũng chủ trương như thế khi ngài viết cho các tín hữu Rôma: Ai chống đối lại quyền bính thì cũng chống đối lại Thiên Chúa. Các tín hữu đầu tiên đã không dùng gươm giáo để chống lại những sự bắt bớ cấm cách, nhưng đã chấp nhận tù đày và chết chóc. Cuộc chiến đấu của chúng ta là một cuộc chiến đấu cân não, là một cuộc chiến đấu siêu nhiên. Bằng những đường lối hợp pháp, chúng ta thành thực bày tỏ những nguyện vọng chính đáng của chúng ta. Trong trường hợp có những luật lệ đi ngược với đường lối của Thiên Chúa, thì chúng ta không buộc phải tuân giữ, bởi vì chúng ta hãy nhớ tới lời thánh Phaolô: Thà vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người đời.

Đức thánh Cha Léo XIII đã cho biết một kinh nghiệm quí giá: trong thời bình cũng như trong thời chiến, những Kitô hữu nhiệt thành bao giờ cũng là những người công dân tốt. Họ sẵn sàng chấp nhận mọi khổ đau, và ngay cả cái chết để không chối bỏ Thiên Chúa và Giáo Hội, bởi vì nhà nước không phải là Thiên Chúa, chỉ có Thiên Chúa mới là Đấng tối cao và quyền năng mà thôi.

Hẳn chúng ta còn nhớ trước toà án Philatô, Chúa Giêsu đã trả lời: Nếu từ trên không ban cho ông thì ông chẳng có quyền hành gì đối với tôi. Hay như thánh Phaolô cũng đã viết: Mọi quyền bính đều xuất phát bởi Thiên Chúa để phụng sự cho Thiên Chúa. Còn trong trường hợp nhà nước tôn trọng tự do tín ngưỡng, đảm bảo cho người công dân được thi hành niềm tin tưởng của mình, thì chúng ta có bổn phận phải cộng tác. Mặc dù có sự phân biệt giữa đạo và đời, nhưng chúng ta vẫn có thể tạo được một sự hợp nhất chân thành để cùng nhau làm tốt đời đẹp đạo. Bởi vì của César phải trả cho César và của Thiên Chúa phải trả cho Thiên Chúa.

Chúng ta mong muốn, chúng ta nguyện ước cho nhà nước luôn được như thế. Có người cho rằng nhà nước và Giáo Hội là hai cơ chế riêng biệt, như hai đường thẳng song song, mà sự hợp nhất chỉ đem đến những lạm dụng tai hại. Dĩ nhiên chúng ta không chối cãi giữa nhà nước và Giáo Hội có nhiều điểm khác biệt, thế nhưng cả hai cùng theo đuổi cái lợi ích, cái tốt lành cho dân chúng. Chính ở khởi điểm này mà có thể hợp nhất với nhau. Nếu nhà nước và Giáo Hội cùng cộng tác và nếu mỗi người chúng ta cùng nỗ lực làm tốt đời đẹp đạo, thì chắc chắn đất nước này sẽ mỗi ngày một phát triển và quê hương này sẽ mỗi ngày một tốt đẹp hơn lên.

                   trang suy niệm hằng tuần