Chúa Nhật XXI thường niên - Năm A
SỐNG CHẾT BẰNG NIỀM TIN
VÀO CHÚA GIÊ-SU
Lm Jude Siciliano, OP 
Thưa qúi vị,

Trong bài đọc hai của các tuần lễ trước, trích thơ thánh Phaolo gởi tín hữu thành Rôma, chúng ta thấy thánh nhân rất lạc quan về ơn trở lại của dân tộc mình với Chúa Kitô. Thí dụ tuần vừa qua ông viết: “Quả thế khi Thiên Chúa đã ban ơn và kêu gọi, thì người không hề đổi ý”. Nghĩa là Thiên Chúa đã ban ơn và kêu gọi dân tộc thánh nhân thì nhất định sẽ có ngày dân tộc ông trở lại nhận biết Chúa Kitô. Lòng tin này xưa nay Hội thánh vẫn trân trọng và cầu nguyện cho mau chóng thành hiện thực. Những linh hồn đạo đức trên khắp thế giới hằng cảm thấy thôi thúc hiệp ý với Hội thánh. Sẽ có ngày chúng ta hoan hỷ được chiêm ngắm Giáo hội viên mãn của Thiên Chúa trong Đức Kitô gồm dân ngoại, do thái, cùng hết thảy loài người, dâng lời ngợi khen Thiên Chúa. Hai câu đầu bài đọc 2 bày tỏ tinh thần hớn hở đó: “ Thưa anh em, sự giầu có, khôn ngoan và thông suốt của Thiên Chúa sâu thẳm dường nào, quyết định của Ngài ai dò cho thấu! Đường lối của Ngài ai dõi cho được !” Các câu sau là câu hỏi, thánh nhân trích từ nguồn Thánh kinh khác, nhưng có thể đặt thành câu tán thán: “Thật vậy, ai đã biết tư tưởng của Thiên Chúa !” Vậy toàn bài có thể là câu hô hoán, thán phục. Vậy tại sao thánh nhân lại bị kích động mãnh liệt như vậy, khi giãi bày tâm tư của mình cho tín hữu thành Rôma?

Lần nữa chúng ta phải nhờ đến văn mạch của lá thơ. Từ những chương 9 đến 11, thánh nhân đang vật lộn với ý tưởng dân tộc Israel từ chối Chúa Giê-su. Họ đã tẩy chay giáo lý của Chúa, bắt bớ, hành hạ và cuối cùng giết chết Ngài. Rõ ràng dân Do thái đã từ chối ơn Thiên Chúa qua Đức Giêsu Kitô. Trong khi dân ngoại lại chấp nhận nhờ lời giảng của Phaolô và các tông đồ? Thánh nhân đi đến kết luận Thiên Chúa đã dùng sự chối từ của dân Do thái làm cái cớ cho dân ngoại trở lại, để rồi cuối cùng Israel cũng trở lại. Đó là lý do thánh nhân hớn hở viết những dòng chữ trên, vì tin tưởng ơn trở lại của dân ngoại sẽ là nguyên do thúc đẩy dân tộc ông (11, 25). Câu hỏi là thánh Phaolô có lầm không? Xin thưa là không lầm được, bởi lẽ lòng thương xót của Thiên Chúa sẵn sàng cho dân ngoại thì cũng đầy dư cho người Do thái. Ngài không thiên vị ai, cho nên thánh nhân kết luận: Thiên Chúa có thể sử dụng những trái tim nổi loạn để đưa đến kết thúc tốt lành, tức đồng bào ông cuối cùng sẽ nhận biết Chúa Kitô. Suy nghĩ đến đây lòng trí thánh nhân tràn đầy hy vọng và vì thế tâm thần bị kích động mạnh: “Quyết định của Người ai dò cho thấu; đường lối Người ai theo dõi được!” Chúng ta hãy hiệp lòng hy vọng với thánh nhân và cầu nguyện xin ơn trở lại cho dân tộc Do thái, những người anh cả trong niềm tin vào Thiên Chúa. Họ từ chối không phải Thiên Chúa, nhưng Đức Kitô Đấng cứu thế (Messia) mà họ hàng mong đợi. Đối với thánh Phaolô sự khước từ đó không phải vĩnh viễn. Nó là cơ hội Thiên Chúa với tới dân ngoại, sau dân ngoại đến lượt người Do thái, bởi lẽ Ngài vẫn tiếp tục trung tín với giao ươc, ôm ấp Israel trong vòng tay thương xót của mình: “ Thưa anh em, tôi không muốn anh em chẳng hay biết mầu nhiệm này, để anh em đừng tự cho mình là khôn, đó là một phần dân Israel đã ra cứng lòng, cho đến khi các dân ngoại gia nhập đông đủ, như vậy toàn thể Israel sẽ được cứu độ, như có lời chép rằng: “ Từ núi Sion, vị cứu tinh sẽ đến, Người sẽ loại bỏ những điều vô đạo khỏi nhà Giacop. Đó là giao ước của Ta với chúng, khi Ta xoá bỏ tội lỗi chúng” (11, 25-26). Thánh Phaolô hô lớn ngợi kken Thiên Chúa vì ngộ ra rằng Thiên Chúa có khả năng biến đổi sự bất tuân phục của dân Do thái thành cơ hội của ơn thánh. Nhiều tác giả đạo đức trích dẫn đoạn thánh kinh này để khích lệ tín hữu kiên nhẫn với chính mình và tha nhân, tức không nên ngã lòng về một ai, dầu tội lỗi đến đâu. Bất cứ người tín hữu nào cũng từng được chứng kiến nhiều trường hợp ăn năn thống hối sau thời gian dài bỏ Chúa. Có những tội nhân suốt đời xa lánh Chúa, nhưng cuối cùng vẫn được Chúa dẫn đưa về với Ngài. Thánh Phaolô tuyên bố: “Ở đâu càng nhiều tội lỗi thì ở đó càng nhiều ơn thánh.” Quả thực sự kiên trì của ơn thánh Chúa vượt xa sự ương ngạnh của các linh hồn bất hạnh. Chúng ta luôn luôn có hy vọng cho mỗi tội nhân, ngay cả cho chính mình. Vậy đừng nên tuyệt vọng về ai cả.

Chứng kiến tinh thần lạc quan của thánh Phaolô về dân tộc mình, chúng ta không có quyền hoặc lý do nào gán cho hoàn cảnh của ai là tuyệt vọng. Trái đất, ngay cả Giáo hội là hỗn hợp của ơn thánh và tội lỗi, sức mạnh và yếu đuối, hy vọng và thất vọng, nhiệt tâm và lạnh nhạt, dấn thân và ích kỷ. Không thể tách rời, chọn một bên và bỏ bên kia. Thánh Phaolô viết thơ gởi giáo đoàn Roma gồm người Do thái và dân ngoại, khi nghe đọc thơ, họ nhận ra bản thân là điểm đến của ơn Đức Chúa Trời, bất kể tình trạng, nguồn gốc, sắc tộc là thế nào! Như vậy không nhóm nào, cá nhân nào có ưu tiên hơn ai! Không ai được quyền đóng cửa trời đối với người khác. Mà nếu có liều gan đóng cửa thì Đức Chúa Trời vẫn mở ra để ban ơn cứu độ cho muôn dân. Nơi khác cũng trong lá thơ này, thánh nhân tuyên bố: “Đúng thế, tôi tin chắc rằng: cho dầu sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỉ lực, hiện tại hay tương lai, bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm, hay bất cứ một loại thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa, thể hiện nơi Đức Giê-su Kitô, Chúa chúng ta.” (8, 39). Đó là lý do thánh nhân có tinh thần hớn hở trong bài đọc 2 của Chúa Nhật hôm nay. Thánh nhân còn thẳng thắn xác quyết: “Quả thế, khi Thiên Chúa đã ban ơn và kêu gọi, thì Người không hề đổi ý” (11, 29). Liệu chúng ta có đức tin vững mạnh như ông mà xác nhận ơn thánh Chúa ban, ngõ hầu sống đúng nội dung của ơn thánh đó? Chẳng ai can đảm nhận mình thiếu xót, nhưng tôi xin đơn cử trường hợp chung của Giáo hội trước Công đồng Vaticanô II. Thời ấy chúng ta ít được đọc Thánh kính và trẻ con như chúng tôi lại càng không cần thuộc lòng những câu căn bản, có chăng chỉ một hai câu gọi là lấy lệ thí dụ: Phêrô con là đá…, Phêrô con có yêu mến Thầy không? Cũng dễ hiểu, là bởi vì thời ấy, Giáo hội đang trong tình trạng “tự vệ” chống lại anh em Tin lành lạc giáo, thuyết tân thời khoa học…Chúng ta cần học những câu có tính chất bảo vệ Hội thánh, bảo vệ ơn vô ngộ, tính đứng đầu của Ngai toà Phêrô ở Rôma. Đáng tiếc thái độ loại trừ ấy của phần đông giáo sĩ, giáo dân. Nhưng tạ ơn Chúa thời ấy đã qua. Chúng ta cầu nguyện để phong trào đại kết của Vatican II được ngày thêm rộng mở, không bị thu hẹp lại mặc dầu một số người vẫn mơ ước trở về thới xưa cũ.

Xin chuyển sang bài đọc 3 với lời xác nhận Chúa Giê-su ban cho Phêrô: “Con là đá tảng, trên tảng đá này Thày sẽ xây dựng hội thánh của thầy”. Thánh Mattheo viết bài Phúc Âm này phỏng gần 30 năm sau cái chết của Chúa Giê-su trên Thập giá. Người ta còn giả thiết cả sau khi Thánh Phêrô tử đạo vì đức tin. Chẳng có bằng cớ nào chứng minh thời gian chính xác. Một điều chắc chắn là thánh Mattheo đặt Phêrô làm phát ngôn viên cho các tín hữu tiên khởi: “Thầy là Đức Kitô con Chúa Trời hằng sống”. Và thánh nhân đã đổ máu ra làm chứng cho lời tuyên tín của mình! Theo văn mạch Phúc âm thì các tông đồ và Chúa Giê-su đang trên hành trình đi lên Giêrusalem. Dọc đường họ để lộ hết chân tướng “nhân loại” của mình: Nóng giận, tranh nhau địa vị, ham hố chức quyền. Riêng thánh Phêrô ở giai đoạn này chưa sẵn sàng chết vì thày, ông còn hăng hái lắm. Các ông chỉ sẵn lòng chịu thương khó khi kinh nghiệm Chúa sống lại. Lời tuyên xưng của Phêrô, như vậy, là một bước nhẩy vọt trước khi ông và các tín hữu tiên khởi gặp Chúa sống lại. Ở giai đoạn này, ông mới khởi sự theo Chúa thì quả là một điều lạ. Tuy nhiên, sự lạ vẫn có thể xẩy ra, cho nên để trả lời câu hỏi của Chúa: “Người ta bảo Thầy là ai?” Phêrô cần nguồn ơn soi sáng cực kỳ mạnh mẽ! Nguồn ơn ấy đến từ đâu và như thế nào? Câu hỏi là căn bản cho đời sống thiêng liêng các tín hữu, nhất là các tu sĩ nam nữ, ngõ hầu họ ăn ở xứng hợp với đức tin của mình. Chắc chắn Phêrô không trả lời theo suy nghĩ tự nhiên. Các bạn ông đã làm việc ấy: “ kẻ thì nói là Gioan Tẩy giả, kẻ thì bảo là ông Elia, người khác lại cho là Gieremia hay một trong những vị ngôn sứ.” Họ không thể đi xa hơn nhận thức nhân loại. Cho nên Chúa Giê-su tuyên bố đức tin của Phêrô là ơn bởi trời, có nguồn gốc từ Thiên Chúa, một mặc khải vĩ đại cho loài người. Nó sẽ là nền tảng vững chắc để Chúa xây dựng Hội thánh. Phêrô tuyên xưng thay cho nhân loại tin vào Đức Kitô Phục sinh! Đức tin ấy ngày nay vẫn tồn tại trong Giáo hội và mỗi linh hồn tín hữu. Chúng ta tuyên tín theo như lòng tin của Phêrô, một ơn soi sáng bởi trời. Xin đừng coi thường lòng tin này mà chỉ đọc ngoài môi miệng, thuộc lòng theo công thức mà không chút xác tín trong thâm tâm, ấy là chưa kể phải sống theo niềm tin.

Thánh Mattheo xác định rõ vị trí của biến cố hôm nay là Caesarea Philiphe, trước kia là Paneas, có chiếc hang động linh thiêng kính thần Pan. Theo Phêrô, Chúa Giê-su thay thế các thần dân ngoại. Chính trong miền đất ngoại giáo mà Chúa Giê-su hỏi các tông đồ về căn cước của mình, chứ không phải ở những nơi tràn ngập bầu khí tôn nghiêm. Điều này nhắc nhở chúng ta bổn phận tuyên xưng danh Chúa trong những môi trường thù nghịch hay ngoại giáo. Sự đáp trả của chúng ta không chỉ bằng lời nói, công thức, tín điều hay học thuyết mà còn bằng chính cuộc đời mình. Nghĩa là chúng ta sống chết bằng niềm tin vào Chúa Giê-su. Niềm tin của Phêrô ban cho ông sức mạnh kiên trì theo Chúa đến cùng. Truyện kể ông cũng bị đóng đanh như Chúa nhưng xin đóng đanh ngược, bởi không xứng đáng giống hệt như Đức Kitô, Chúa và Thầy của mình.

Tuy nhiên điểm quan trọng hơn là ông đã hoàn toàn sống theo gương Chúa trong cuộc đời hằng ngày, chết cho chính mình để có thể làm môn đệ Chúa đến cùng. Chúng ta không hồ nghi sự kiện, bởi nó là nếp sống chung của các tông đồ sau khi đã chứng kiến Chúa Phục sinh. Chính trong đức tin của nếp sống này mà Chúa Kitô thiết lập Hội thánh Ngài. Chúng ta nên coi lại mình sống làm sao trước tôn nhan Thiên Chúa? Có đúng xứng đáng để Chúa Giê-su xây dựng Giáo hội cho thế hệ hiện tại?

Ở giai đoạn này của câu truyện, các tông đồ đang được Chúa huấn luyện. Họ chưa thực sự “ra trường” nhưng còn đang được đào tạo, chưa đầy đủ tư cách làm môn đệ Chúa. Chỉ sau khi Chúa sống lại, được Thánh Thần biến đổi họ mới trở nến “xứng đáng” theo Thầy. Chúng ta gặp được nhiều lần trong Phúc âm họ bày tỏ những yếu kém của mình. Họ chẳng hiểu lời Thày nói, bối rối hay cứng lòng. Tuần tới chúng tôi sẽ khai triển rộng hơn về vấn đề này. Còn hiện thời chúng ta tập trung vào Phêrô. Ông thẳng thắn phát ngôn thay cho các bạn, nhiên hậu, cho toàn thể loài người. Khi Chúa Giê-su nói với các tông đồ Ngài phải đi Gierusalem và bị giết ở đó (16, 21) thì Phêrô phản ứng liền: “Xin Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy”. Ông đã bày tỏ não trạng nhân loại của mình, tức mặt trái của ý tưởng theo Chúa. Ông không hiểu chi hết về chương trình Thiên Chúa, mà chỉ theo chủ chương loài người, cho nên Chúa Giê-su khiển trách không tiếc lời: “ Quỉ sứ, lui lại đằng sau Thày, anh cản lối Thày.” Câu này chẳng ai dám cho trẻ con học thuộc lòng trong các lớp giáo lý! Sự thực thì chúng ta cùng với cộng đoàn tiên khởi và thánh Phêrô vui mừng cử hành nội dung “xác thịt và máu huyết” không cho biết được mà Cha Thày Đấng ngự trên Trời mạc khải”: Thày là Đức Kitô con Chúa Trời hàng sống, chúng ta nên suy nghĩ đức tin trong câu nói này và áp dụng vào cuộc sống mình, chống lại thế giới dung dưỡng xác thịt, thói xấu và cá nhân chủ nghĩa. Họ đang lập thành lực lượng hoả ngục kháng cự Hội thánh của Thiên Chúa.

Mạc khải đã mở trí, mở lòng cho Phêrô tuyên xưng “ Thày là Đức Kitô con Chúa Trời hàng sống” cũng là mạc khải của chúng ta, khi phải đương đầu với các cửa hoả ngục. Trên những cửa đó, người ta viết: Yếm thế, khi tiếp xúc với tha nhân; Tuyệt vọng, khi đối phó với các khó khăn lớn: nghèo đói, chiến tranh; Ham muốn vô độ, khi thu tích tài sản, bất chấp lương tâm và quyền lợi người khác; Vô cảm, trước những quằn quại, đau thương của nhân loại; Hèn nhát, khi đức tin gặp thử thách gian nan; A dua đồng thuận, khi cần đến tiếng nói ngôn sứ, chống lại lạm dụng và băng hoại luân lý; Nguội lạnh, phá hoại các sinh hoạt tôn giáo. Độc tài chuyên chính, áp bức bóc lột và vô số dòng chữ tương tự. Một đức tin vững như bàn thạch đã được ban tặng cho các tín hữu và lòng tín thác vào Đấng đã dạy bảo Phêrô: “Thày là Đức Kitô, con Thiên Chúa hằng sống”, cho phép chúng ta tin chắc dù cửa hoả ngục với tất cả các tàng hình của nó sẽ không thể nào đánh bại Giáo hội và những tâm hồn lành thánh. Amen.
 

                   trang suy niệm hằng tuần