Chúa Nhật XX thường niên - Năm A
ƠN CỨU ĐỘ ĐẾN VỚI DÂN NGOẠI
Lm Trần Bình Trọng USA
Người Do Thái thời Chúa Giêsu coi tất cả những ai không có máu Do Thái là dân ngoại. Ngay cả những người có máu Do Thái, nhưng nếu bị tiêm nhiễm bởi những thói hư nết xấu của dân ngoại bang thì cũng bị coi là dân ngoại. Tuy nhiên người đàn bà xứ Canaan được coi là dân ngoại đã không sợ đến với Chúa để xin một ân huệ. Các môn đệ Chúa toan đuổi bà đi, vì bà có vẻ quấy rầy. Điều đó giúp ta hiểu cái cuộc đấu lý giữa Chúa Giêsu và người đàn bà xứ Canaan.

Có lẽ để thử đức tin của bà, ngay cả chính Chúa cũng toan đặt cản trở cho lòng tin của bà lúc ban đầu, khi bảo bà rằng sứ mệnh của Người là được sai đến với những chiên lạc nhà Israel mà thôi, nghĩa là sứ mệnh của Người không được sai đến với dân ngoại như bà.

Lúc đầu Chúa có vẻ lãnh đạm, lại còn nói những lời có vẻ chạm đến tự ái của bà như không nên lấy bánh của con cái mà cho chó con (Mt 15,26). Theo mạch văn, thì con cái đây được hiểu là dân được chọn, còn dân ngoại như bà được ví như chó con. Đó là cuộc đấu lý hay đúng hơn là cuộc chơi chữ. Và bà cũng tỏ ra tài khéo trong cách đối đáp: "Vâng. Lạy Ngài, vì chó con cũng được ăn những mảnh vụn từ bản chủ rơi xuống" (Mt 15,27). Lời đối đáp của bà có nghĩa là bà sẵn sàng nhận một ơn huệ nhỏ Chúa ban cũng được vậy.

Thấy bà có lòng tin vững mạnh, Chúa lên tiếng ca tụng đức tin của bà, và ban cho bà được toại nguyện, cho con gái bà được thoát khỏi quỉ ám. Chúa nói với người đàn bà ngoại giáo sứ mệnh của Người là trước hết giảng dạy và chữa lành dân riêng của Chúa. Dân Chúa có được cơ hội đầu tiên để nhận lãnh ơn cứu độ, sau đó đến lượt dân ngoại.

Bằng việc Chúa ban cho người đàn bà dân ngoại có lòng tin được hưởng ân huệ, cũng như Chúa đã mở rộng tâm hồn cho người đàn bà dân ngoại, cho viên sĩ quan dân ngoại, cho người phụ nữ dân ngoại ở giếng Gia-cóp, các môn đệ hiểu được cái sứ mệnh của Chúa bao quát hơn, rộng lớn hơn, không chỉ giới hạn về một dòng giống, một dân tộc mà thôi.

Trước những biến cố này, đức tin vào Đấng cứu độ chỉ giới hạn đến một dân tộc Chúa chọn. Cái thủ đô và trung tâm tôn giáo của họ là Jerusalem. Tuy nhiên Tiên tri Isaia nhìn thấy một Jerusalem mới, có tính cách thiêng liêng, là trung tâm của lòng xót thương của Chúa. Bài trích sách Tiên tri Isaia hôm nay ghi lại: Người ngoại bang nào muốn phụng sự Chúa và yêu mến Người, thì cũng trở nên tôi tớ của Người (Is 56,6).

Jerusalem là thành được chọn cho ơn cứu độ, nhưng ơn cứu độ không phải là độc quyền cho dân thành Jerusalem mà thôi. Cái vương quốc mà Chúa hứa cho dân riêng của Chúa bây giờ trở nên rộng lớn hơn vì Chúa Cứu Thế đã đến và bày tỏ mình ra, không những cho dân riêng mà còn cho cả dân ngoại nữa. Cái việc chuyển hướng từ cái nhìn có tính cách địa phương, cá biệt, đến cái nhìn có tính cách phổ quát nơi các tông đồ bắt đầu từ khi Thánh Phaolô rao giảng tin mừng cho dân ngoại.

Thánh Phaolô là người Do Thái, nhiệt thành theo đạo Do Thái đến độ cuồng tín. Chẳng thế mà ông đã xin trát của quan tòa để đi bách hại đạo mới là đạo Kitô giáo. Khi được ơn trở lại, Thánh Phaolô đã nhiệt thành rao giảng đạo Kitô giáo cho người Do Thái. Chỉ khi người Do Thái không chịu chấp nhận tin mừng Phúc Âm của đạo mới, thì Thánh Phaolô mới tìm đến rao giảng tin mừng Phúc Âm cho dân ngoại.

Người đàn bà xứ Canaan khẩn khoản nài xin Chúa ban cho con bà được khỏi bệnh quỉ ám. Những cử chỉ khó chịu của các tông đồ, cộng thêm thái độ hờ hững của Chúa lúc ban đầu cũng không làm nản lòng bà. Lời từ chối ban đầu của Chúa với người phụ nữ chỉ là hình thức thử thách đức tin và lòng kiên trung của bà.

Đối với đạo cũ, đạo Do Thái, ta cũng được coi là dân ngoại. Bằng việc chấp nhận đức tin vào Chúa Cứu Thế, ta được trở nên dân riêng, mới được chọn. Thiết tưởng câu chuyện Chúa thử thách đức tin của người đàn bà ngoại giáo phải dạy ta bài học về đức tin. Vậy đức tin của ta đang ở mức độ nào?

NS Dân Chúa Mỹ Châu
 

                   trang suy niệm hằng tuần