Chúa Nhật XVII thường niên - Năm A
SẴN SÀNG ĐÁNH ĐỔI MỌI SỰ VÌ NƯỚC TRỜI
Lm Jude Siciliano, OP
Thưa quý vị,

Xin tưởng tượng vị vua trẻ Salomon được Thiên Chúa mời gọi: “Ngươi cứ xin đi, Ta sẽ ban cho”, thì lòng vua ngỡ ngàng và vui mừng biết mấy! Bạn có thể nói cơ hội bằng vàng, dịch vụ tuyệt vời! Truyện thần tiên đông tây đều có ba lời ước. Nhưng đây không phải là hoang đường mà có thật. Thiên Chúa cam kết với vị vua trẻ Do thái, ban cho ông bất cứ thứ gì ông xin. Ở địa vị Salomon bạn sẽ hành sử ra sao? Chắc chắn lòng tham sẽ xúi dục bạn tính toán ngày đêm để xin điều có lợi nhất: xe hơi, nhà lầu, gác tía, lầu hồng, vàng bạc, uy quyền như các nguyên thủ quốc gia hàng mơ ước. Người ta kể lầu đài của Hoàng gia Brunei toàn bằng vàng ròng. Phần bạn, bạn chọn điều gì ? Khởi sự thế nào? Bởi lẽ có nhiều điều phải xin lắm, và xin gì Thiên Chúa cũng ban tặng! Ngài đã hứa như vậy. Phần vua Salomon con Đavít, vừa mới lên ngôi, ông xin Thiên Chúa theo nhu cầu trước mắt của mình chứ không xin vàng bạc, quyền uy. Nhu cầu hiện thời của ông là khôn ngoan để điều khiển đất nước và cai trị tuyển dân theo đường lối của Thiên Chúa. Điều ông xin làm hài lòng Chúa, vì thế Ngài ban cho nhà vua cả những gì ông không xin ngõ hầu triều đình đầy đủ mọi thứ gọi là khôn ngoan: “Cả những điều ngươi không xin, Ta cũng ban cho ngươi: giầu có, vinh quang đến nỗi suốt đời ngươi, không có ai trong các vua được như ngươi”. Salomon nổi tịếng trong Kinh thánh và khắp thế giới cổ kim về đặc điểm này. Vụ phân xử hai đàn bà tranh nhau đứa con nhỏ là điển hình trong suốt chiều dài lịch sử nhân loại. Nhưng ở lúc này ông là vị lãnh đạo trẻ. Ông chưa thực sự cảm thấy mình khôn ngoan. Ông cần Chúa hướng dẫn, cần tài khéo, nhưng tự thân không có khả năng. Ông nói ra điều ấy trong giấc mơ: “Lạy Đức Chúa là Thiên Chúa chúng con, chính Chúa đã đặt tôi tớ Chúa đây lên ngôi kế vị Đavít, thân phụ con. Mặc dầu con còn trẻ người non dạ, không biết cầm quyền trị nước”. Ông xin Thiên Chúa khôn ngoan, chứ không phải phấn đấu để thủ đắc. Ông cũng không phải vất vả học hỏi nơi thầy dạy hay trong sách vở như xưa nay các hiền nhân thường làm. Sự khôn ngoan của Kinh thánh là để sống chứ không phải để dạy kẻ khác. Nó liên hệ đến những sinh hoạt thường nhật, phân định phải trái, tốt xấu, hướng dẫn người ta đi theo đường lối Thiên Chúa. Những người quen thuộc với Thánh kinh đều hiểu rằng đây là phẩm chất duy nhất của khôn ngoan mà Kinh thánh chỉ dạy. Nó không phải là tinh thông, cũng không phải là âm mưu mánh khoé, nhưng là đường ngay lẽ phải của Thần Khí Thiên Chúa. Khi người ta muốn dùng một hình ảnh khôn ngoan kiểu Kinh thánh, người ta nghĩ ngay đến Salomon. Nó tỏ lộ một con người sống mật thiết với Thiên Chúa. Nó cho người ta kiến thức cụ thể để sống cuộc đời ngay chính.

Salomon không xin Thiên Chúa ban những hiểu biết thần bí hay khoa học. Ông xin cho được khôn ngoan, phân định phải trái để cai trị tuyển dân. Một dân mà ông nói là “đông khôn xiết kể, không đếm nổi”. Ông ta muốn trở nên một nhà lãnh đạo tốt, một vị vua cai trị theo thánh ý Thiên Chúa. Bất hạnh thay về cuối đời ông đã phản bội, trở nên ích kỷ, sống trác táng theo sự thúc đẩy của dục vọng. Hậu quả là cả một dân tộc lầm đàng lạc lối, đất nước bị chia đôi, tôn giáo băng hoại. Đây là bài học đắt giá cho dân Do thái và chúng ta ngày nay. Xin đừng xa lìa đường lối Thiên Chúa, để chạy theo cám dỗ của thế gian xác thịt. Nhiều vị lãnh đạo tôn giáo hiện thời chỉ còn tước vị, giảng giải theo công thức, nội dung đời sống trái ngược, tìm kiếm đủ mọi thứ tiện nghi khoái lạc vật chất. Xin nhớ cuộc đời người tín hữu là một ân huệ Thiên Chúa ban. Chúng ta phải dùng nó để làm lợi cho linh hồn mình và tha nhân, phản ánh đời sống Chúa qua Bí Tích Rửa Tội, chứ không phải sống mập mờ, nửa theo Chúa nửa theo thế gian. Chúng ta nên mạnh mẽ chống lại những hành động, tư tưởng thiếu khôn ngoan ấy, bởi nó lôi kéo linh hồn lìa xa Chúa. Chuyện của Salomon phải là lời cảnh giác về nếp sống sa đọa. Cuộc đời chúng ta nên bày tỏ ơn thánh Chúa. Nó là truyện của ân huệ Chúa trên dương gian. Cho nên chúng ta phải hối cải về những sai phạm làm tổn thương cho người khác.

Hai tuần trước thánh Mathêu mô tả Chúa Giêsu ngồi trên thuyền kể dụ ngôn người gieo giống cho dân chúng nghe. Thánh nhân trình bày Chúa Giêsu như một tôn sư dạy khôn ngoan và như vậy gợi ý thiên hạ phải tìm kiếm khôn ngoan nơi Chúa. Thực tế Ngài là sự khôn ngoan nhập thể, tức sự khôn ngoan mang lấy xác thịt loài người. Ngôn ngữ và hành động của Ngài chính là đường hướng dẫn dắt nhân loại sống sao cho đẹp lòng Thiên Chúa. Cuộc đời của Ngài gìn giữ linh hồn chúng ta thân mật với Chúa. Chẳng có bảo đảm nào khác để chúng ta sống tương quan tốt với Đức Chúa Trời. Khi chúng ta cần biết phải sống và hành sử thế nào cho đẹp lòng Thiên Chúa, tức sống khôn ngoan, thì chính Chúa Giêsu là gương sáng. Ngài hướng dẫn nhân loại đến cùng Thiên Chúa.

Bài đọc Tin mừng hôm nay chứng tỏ Ngài là thầy dạy khôn ngoan, mời gọi chúng ta suy gẫm và học hỏi nơi Ngài. Bằng các dụ ngôn Ngài dạy chúng ta phải khôn ngoan ra sao? Bài đọc tương đối ngắn, nhưng lại được quyền chọn phần ngắn hơn. Tôi ưa công bố toàn bộ bản văn. Nhưng chỉ dùng một dụ ngôn cho phần rao giảng. Thực ra có rất nhiều khả năng thuyết giảng trong các dụ ngôn này, ôm đồm hết cả ba sợ quá dài. Quý vị có thể chọn tuỳ vào sở thích. Dụ ngôn nào cũng thâm thuý, đầy khôn ngoan. Mỗi dụ ngôn khởi sự giống nhau: “Nước trời giống như…( thánh Mathêu ưa dùng từ Nước Trời thay vì Nước Thiên Chúa như hai thánh Marco và Luca). Lý do vì Thánh nhân muốn tránh tên Đức Chúa Trời, là điều người Do thái cấm kỵ (nếu thấy tờ giấy viết tên Chúa thì phải nuốt đi). Xin lưu ý người ta thường lẫn lộn coi Nước Trời giống như một kho báu, hạt ngọc, mẻ lưới. Không phải vậy, cả câu chuyện là dụ ngôn về Nước Trời. Nó xẩy ra như người đi tìm kho báu, ngọc quý, mẻ luới. Thông điệp căn bản của Chúa Giêsu là triều đại Nước Thiên Chúa đã đến gần. Triều đại ấy hiện diện khi người ta cảm nghiệm Thiên Chúa đang có mặt, đang hành động và đang ngự trị. Những ai sống và hành sử theo thánh ý Chúa, sẽ có khả vào Nước Trời, lúc tới thời viên mãn.

Hiện giờ chúng ta sống ở thời đại mà văn hoá đòi hỏi mọi thứ phải được định nghĩa rõ ràng và chính xác. Thời Chúa Giêsu không vậy. Bạn không thể ép buộc Ngài chỉ định Nước Trời là cái này hay cái khác, ở nơi nọ nơi kia, ngày giờ nó xẩy tới. Chúng ta không thể dùng một tiêu chuẩn nào để đong đếm, không thể nói đây là Nước trời, kia không phải. Đòi hỏi như vậy là chúng ta muốn điều khiển triềun đại Thiên Chúa, chúng ta vô tình phạm lỗi lầm của Ađam Eva, muốn nâng mình bằng Thiên Chúa. Một tội kiêu ngạo không thể chấp nhận. Nếu đúng như vậy chúng ta đòi hỏi mọi biến cố, mọi người tuỳ thuộc vào mình. Hành động của Chúa trên thế gian, trong tâm hồn phải được chúng ta chuẩn nhận trước. Các dụ ngôn hôm nay minh chứng ngược lại. Nội dung của chúng cho chúng ta hay Nước Thiên Chúa có nhiều màu sắc, nhiều tầng lớp, không lệ thuộc vào ai. Chúng ta chỉ thấy một phần mà thôi. Xem ra vừa thấy ở đây, nó lại xuất hiện nơi khác…trong những lúc, những nơi bất ngờ nhất. Chúng ta không thể đóng khung hành động của Thiên Chúa. Câu chuyện 5 ông mù đi xem voi diễn tả một cách cụ thể, chúng ta cảm nghiệm về nước trời ra sao. Hay như thánh Gioan viết trong Phúc âm của Ngài: “Gió muốn thổi đâu thì thổi, ông nghe tiếng gió, nhưng không biết gió từ đâu đến và thổi đi đâu” (Ga 3, 8). Xin lấy dụ ngôn kho tàng cất giấu làm thí dụ. Các thính giả khi nghe dụ ngôn, tức khắc liên tưởng đến người đào bới không lương thiện. Đúng lý ông phải báo tin cho chủ ruộng. Đằng này ông ta ém nhẹm, rồi tìm cách mua thửa ruộng. Nhưng ở đây Chúa Giêsu không đề cập đến vấn đề lương thiện, trong nhiều dụ ngôn Ngài thường bỏ qua phần tối của câu truyện, để nhắm tới phần cốt yếu. Chúa dùng nhiều thí dụ dân gian để cho thấy hành động của Thiên Chúa giữa chúng ta. Ngài tập trung vào ý nghĩa tìm được kho tàng, nhận ra giá trị của nó, vui mừng và bán hết gia tài mà mua lấy nó. Xin lưu ý đến hoàn cảnh và thời gian của câu truyện. Nó phải là thời bình an và yên ổn. Thời chiến tranh loạn lạc không ai dại mà chôn giấu cố định. Bản thân chưa bảo đảm huống nữa kho tàng? Nó phải liền theo chủ. Vậy thì có lẽ người chủ đã qua đời, hay thửa ruộng lúc này thuộc quyền bính ngoại bang. Có rất nhiều giả thiết cho sự hiện diện của nó ở cánh đồng. Tốt hơn chúng ta bám sát dụ ngôn: Một người đào bới tìm được kho tàng, ông ta vui mừng bán hết mọi sự mà mua lấy thửa ruộng.

Không phải người đào bới không liều lĩnh. Ông ta dám bán hết gia tài để mua thửa ruộng. Chúa Giêsu muốn dùng câu truyện để giáo huấn các môn đệ. Họ phải vui lòng trút bỏ mọi sự mà đi theo Ngài. Đầu tư tiền tài, sức lực, tương lai vào Ngài. Chúa Giêsu chính là kho tàng cho các môn đệ? Và cho cả chúng ta nữa? Ơn gọi theo Chúa hoàn toàn nhưng không, không do công sức của ai cả! Chúng ta được mời gọi lãnh nhận của Trời cho này trong vui mừng, hoan hỷ với toàn thể lòng nhiệt thành. Xin nhớ đây là món quà quảng đại do lòng Chúa thương yêu ban tặng. Nhưng nó cũng đòi hỏi hy sinh, đòi hỏi bán hết mọi sự cách vui vẻ. Chúng ta cũng phải hành động tương tự để mua lấy Nứơc Trời. Tình cảm người đào bới chỉ còn là lòng biết ơn, niềm vui và may mắn tinh ròng. Trước bàn thờ Thánh Thể tại sao chúng ta không cảm thấy như vậy? Mình Thánh Chúa quả thật là một kho tàng vô giá, Thiên Chúa đã ban cho nhân loại trong Đức Giêsu Kitô! Chúa Thánh Linh luôn luôn đổi mới kho tàng này trong những linh hồn sốt sáng lãnh nhận. Tại sao chúng ta còn thờ ơ? Phải chăng Giáo hội đã ý thức được nội dung của các du ngôn hôm nay, nên tổ chức năm Thánh Thể đặc biệt, ngõ hầu khuyến khích tín hữu suy gẫm, học hỏi mà nhận ra kho tàng quý giá trong Bí tích Mình Máu Thánh Chúa!

Một ý nghĩa khác của dụ ngôn cũng phải viết ra cho đầy đủ. Nó giải thích câu nói cuối cùng của bài đọc. “ Vì thế, kinh sư nào biết về Nước Trời cũng giống như chủ nhà kia lấy ra từ trong kho nhà mình cái mới, cái cũ”. Phải chăng thánh Mathêu muốn ám chỉ các tín hữu ở cộng đoàn của Ngai? Họ là những người tin kính trở lại từ Do thái giáo hoặc dân ngoại. Họ đã tìm thấy kho tàng nơi sứ điệp của Chúa Giêsu. Họ phải thay đổi toàn bộ não trạng cũ để tiến vào học thuyết của Chúa Giêsu. Học thuyết hoàn toàn nhưng không và cao cả. Họ phải dấn thân một cách trọn vẹn và dứt khoát trong đời sống Kitô hữu qua Bí tích rửa tội, từ bỏ tính mê nết xấu và nếp sống thế tục. Kho tàng ở trong chính linh hồn và chỉ có thể khám phá bằng nếp sống khổ hạnh và chiêm niệm. Nói cách khác đó là nếp sống nội tâm.

Dụ ngôn thứ hai viên ngọc quý không khác về ý nghĩa với dụ ngôn thứ nhất. Một thương gia cất công đi tìm viên ngọc mà ông có ý định chiếm hữu. Chắc chắn ông có tư tưởng về viên ngọc, nhưng không biết phương hướng để xác định nó ở đâu. Vì thế trong cả hai dụ ngôn đều có yếu tố : Khám phá, hoan hỷ và quyết tâm theo đuổi mục tiêu bằng bất cứ giá nào! Đây là ý nghĩa cực kỳ quan trọng cho mỗi người chúng ta trên con đường thiêng liêng. Khi đã khám phá ra sự thiện hay bất cứ giá trị nào tốt trong một hoàn cảnh, một người, chúng ta bền lòng theo đuổi đến cùng, để danh Chúa được tỏ rạng. Thực tế chúng ta thường nản lòng thối chí nếu gặp trở ngại quá khó khăn. Chúng ta không đủ can đảm vượt qua. Nhưng xin nhớ nó là kho tàng, cần nỗ lực và hy sinh. Qua dụ ngôn Chúa Giêsu nói với mỗi người: Nước Đức Chúa Trời giống như thế đó. Nó là hạt ngọc. Bên dưới là ơn thánh, niềm vui và ngạc nhiên! Trong các dụ ngôn hôm nay, chúng ta đối diện với một quy luật của Thiên Chúa. Quy luật triều đại Thiên Chúa không làm cho nhân loại sợ hãi. Ngược lại, nó thăng tiến sức sống, tự do và thánh thiện. Nó cho chúng ta cảm giác hài lòng vì tìm thấy điều mình thực sự mong ước. Tuy nhiên đời sống phục vụ trong nước Chúa đòi hỏi nhiều hy sinh. Liệu chúng ta có dám liều lĩnh bán tất cả để đánh cược với may rủi không? Tôi không tin là chúng ta đầu tư vào sai lầm. Bởi lẽ Đức Kitô bảo đảm cho ván bài. Một người bạn, sau khi đã lao đầu xuống nước biển, trồi lên và nói với tôi: “Dưới đó tốt lắm, nước trong mát, hãy thử xem, bạn sẽ được thấy sự thật.” Tôi tin lời anh và đánh liều lặn xuống, bởi anh đã có kinh nghiệm. Người bạn tốt ấy là Đức Kitô, đấng kể dụ ngôn về Nước Trời. Amen.

                   trang suy niệm hằng tuần