Chúa Nhật XIX thường niên - Năm A
HIỂN LINH TRÊN SÓNG BIỂN
G. Nguyễn Cao Luật op

Giải tán đám đông

Chúa nhật tuần trước, đám đông dân chúng được tham dự vào phép lạ hóa bánh ra nhiều trong khung cảnh êm đềm, yên tĩnh của sa mạc. Người ta cảm thấy thoải mái : họ ngồi quây quần bên Ðức Giêsu, trên đám cỏ. Và người ta ước mong tình trạng này được kéo dài mãi mãi.

Chúa nhật hôm nay, khung cảnh thay đỗi hoàn toàn. Tuy vậy, bài Tin Mừng hôm nay tiếp liền sau đoạn văn Tin Mừng tuần trước.

Tuần trước, đám đông ngồi quanh Ðức Giêsu, còn bây giờ họ giải tán. Thay vì mặt trời và bầu không khí yên lặng của sa mạc là đêm đen và những luồng gió thỗi ào ào trên mặt biển. Ðức Giêsu vẫn là trọng tâm của câu chuyện, nhưng Người không ở giữa đám đông, trái lại Người đang một mình cầu nguyện trên núi. Và khi Người trở lại, tiến đi trên mặt nước, các môn đệ đã không nhận ra Người.

Ðiều khó hiểu trong câu chuyện này là tại sao Ðức Giêsu lại bắt buộc các môn đệ phải lên thuyền sang bờ bên kia, còn Người thì giải tán dân chúng rồi lên núi cầu nguyện ?

Thật ra, Ðức Giêsu biết rõ tình cảm nông nỗi của đám đông dân chúng. Họ là những người thiếu suy nghĩ lại cứng lòng tin. Và Ðức Giêsu cũng biết rằng khi đám đông được chứng kiến một phép lạ lớn lao như thế, một phép lạ vượt hẳn điều đã xảy ra thời ông Mô-sê, họ sẽ bị khích động, sẽ chuyển từ thái độ cứng tin sang một trạng thái sôi nỗi. Họ sẽ tôn Người làm vua (Ga 6,15), nhưng không phải để cai trị cho bằng để tiếp tục thỏa mãn những nhu cầu vật chất, trần tục của họ. Và như thế, cả đám đông lẫn các môn đệ sẽ hiểu sai về sứ mạng của Người, không nhận ra Người là Ðấng Mê-si-a đến để giải thoát họ về phương diện thiêng liêng.

Chính vì vậy, Ðức Giêsu phải tách rời các môn đệ ra khỏi đám đông cuồng nhiệt, đồng thời giải tán cả đám đông, để rồi đêm nay, Người sẽ hiển linh cho họ khi đi trên nước và dẹp yên sóng biển. Lúc ấy các môn đệ sẽ hiểu Người là ai.

Ðàng khác, trước khi bước vào một giai đoạn mới là huấn luyện các môn đệ, đặc biệt là người sẽ thay quyền Người là ông Phêrô, Ðức Giêsu muốn khởi đầu bằng việc tiếp xúc thân mật với Chúa Cha, Ðấng đã sai Người. Có thể đoán chắc rằng, Ðức Giêsu cầu nguyện cho việc huấn luyện môn đệ được thành công. Ðồng thời qua đó, Người cũng muốn làm gương cho các môn đệ trước khi khởi sự một công việc.

Huấn luyện về lòng tin

Trong lúc đó, trên mặt biển, các môn đệ phải chèo chống vất vả chống lại trận cuồng phong. Trận cuồng phong này là biểu tượng cho tất cả những gì ngăn cản con người đạt tới tầm mức viên mãn thiêng liêng. Các môn đệ phải nỗ lực để băng qua mặt biển. Ðó cũng là cuộc vượt qua lớn lao mà Dân Thiên Chúa sẽ phải trải qua, một cuộc vượt qua luôn cần được sống lại. Cũng chỉ cuộc vượt qua này, nhờ đức tin, mới giúp cho đoàn dân vượt qua vực sâu đầy nguy hiểm để được sinh lại và được phục sinh.

Và Ðức Giêsu đi trên mặt biển mà đến với các môn đệ. Xưa kia, ông Mô-sê đã tách đôi dòng nước tại Biển Ðỏ và mở ra một lối đi cho dân chúng đi qua. Họ bước đi và thoát khỏi quyền lực sự dữ, lúc nào cũng rình rập để nuốt chửng lấy họ. Họ tiến bước vượt qua cái chết và sang bờ bên kia, họ là những người được phục sinh.

Các tông đồ ngở mình nhìn thấy ma. Thế nhưng chính là Ðức Giêsu đang lướt đi trên mặt nước. Người đến để cứu các ông khỏi tình trạng nguy hiểm, trong khi các ông vẫn nghĩ rằng Người còn đang ở trên núi.

Sự kiện này sẽ còn tái diễn sau biến cố Phục Sinh. Các tông đồ không nhận ra Ðức Giêsu khi Người đến với các ông. Ðặc biệt, hình ảnh Ðức Giêsu đi trên mặt nước còn muốn diễn tả về cuộc chiến thắng thiêng liêng, chiến thắng chung cuộc trên vực thẳm. Và điều này không phải là ảo tưởng.

Các môn đệ đã nghe được lời trấn an của Ðức Giêsu, và ông Phêrô cố gắng để tin điều đó : trong niềm phấn khởi, ông nghĩ rằng mình có thể bước đi như Thầy. Nhưng ông bị chìm xuống.

Ðức Giêsu khiển trách ông : "Người đâu mà kém tin thế !" Vấn đề là ở chỗ này. Nhiều khi con người không thực sự hướng nhìn về Ðức Kitô, người ta để mình bị những nguy hiểm làm mê hoặc. Con người đã quên rằng Thiên Chúa có thể làm tất cả. Xưa kia, chính Người đã tách đất ra khỏi nước, và cũng chính Người làm cho nhân loại được tái sinh nhờ nước và Thánh Thần.

Nhờ lời nói cũng như sự trợ giúp của Ðức Giêsu, Phêrô đã được cứu thoát khỏi sóng biển và sự chết, như là một phép rửa. Sau đó, cả ông cũng như các môn đệ khác trong thuyền đều bày tỏ lòng tin và tuyên xưng Ðức Giêsu là Con Thiên Chúa.

Biến cố hôm nay chuẩn bị các môn đệ sẵn sàng tin tưởng vào Ðức Giêsu. Chính lòng tin này sẽ được Phêrô tuyên xưng và trên đó, Ðức Giêsu sẽ xây dựng tòa nhà Hội Thánh. Lòng tin đó là một ơn ban chứ không phải do sức riêng của mỗi người. Lòng tin đó chân thành, đích thực, nhưng cần được thanh luyện để luôn vững vàng.

Dẹp tan nỗi sợ

Như thế, chúng ta hiểu rằng bài Tin Mừng hôm nay thực ra muốn diễn tả tình hình sau biến cố Phục Sinh.

Chiếc thuyền trên đó có ông Phêrô và các môn đệ khác là hình ảnh về một Hội Thánh đang bập bềnh trên sóng nước của trần gian. Và con thuyền ấy đang phải chống chọi lại những trận cuồng phong và quyền lực của sự dữ. Vị Thầy của các ông không có mặt trong khoang thuyền : các ông chờ đợi Người sẽ xuất hiện vào lúc đêm tàn.

Nỗi sợ hãi này các môn đệ cũng còn cảm thấy khi các ông quây quần bên nhau trong căn phòng đóng kín vào buỗi sáng ngày Phục Sinh. Các ông sợ vì Ðức Giêsu không có mặt. Và các ông cũng chẳng nhận ra Ðấng Phục Sinh, Ðấng đã từng đến với các ông trên mặt nước. Cho đến sau biến cố Phục Sinh, niềm tin của các môn đệ vẫn còn bị chao đảo : các ông vẫn nghi ngờ và "sợ hết hồn hết vía" khi Ðấng Phục Sinh hiện ra với các ông. Các ông tưởng là mình thấy ma (Lc 24,37).

Nỗi nghi ngờ của môn đệ Tô-ma cũng chính là nỗi hoài nghi đã từng xâm chiếm Phêrô. Và Ðức Kitô sử dụng cùng một câu nói giúp các môn đệ nhận ra Người : "Cứ bình tĩnh, Thầy đây mà, đừng sợ !"

Trong nhân vật Phêrô, với tính liều lĩnh cũng như những vấp ngã của ông, chúng ta gặp thấy hình ảnh mẫu cho niềm tin của chúng ta. Niềm tin này chỉ có thể thắng vượt được những sợ hãi, những vấn đề một khi biết hoàn toàn quy hướng về Ðức Kitô để nghe theo lời mời gọi của Người. Chỉ lúc ấy mọi nỗi sợ mới bị dẹp tan và chúng ta có thể sụp lạy dưới chân Người mà tuyên xưng thần tính của Người.

Do đó, khi đọc bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta sẽ không chê cười sự sợ hãi của các môn đệ. Trái lại, chúng ta sẽ phải kiểm điểm lại lòng tin của mình. Chúng ta có thực sự tin rằng Ðức Giêsu không bỏ chúng ta một mình, không bỏ rơi Hội Thánh của Người không ?

Và câu hỏi của Ðức Giêsu với ông Phêrô : "Sao lại hoài nghi ?" vẫn còn có ý nghĩa với chúng ta hôm nay. Người ta có thể họa lại một câu hỏi tương tự : "Tại sao anh lại muốn tỗ chức đời sống của anh, tỗ chức Hội Thánh và thế giới mà không có sự hiện diện của Ðức Kitô ?"

Lạy Chúa,
Chúa biết rõ chúng con như thế nào :
chúng con vẫn luôn quanh quẩn
với những ước vọng và những giấc mơ
mà chẳng tiến thêm được bước nào về với Chúa.
...
Xin giúp chúng con biết đáp trả lời mời gọi của Chúa
bằng tất cả cuộc sống của chúng con.
(một thanh niên công giáo Phi châu)

                   trang suy niệm hằng tuần