Chúa Nhật XIX thường niên - Năm A
AI SỐNG ĐỜI HOÀN HẢO
Lm Augustine, S.J.

Gợi ý để sống và chia sẻ Tin Mừng

Năm 1974, một nhà quí tộc Ba Lan - linh hoạt và có quan điểm thế giới chủ nghĩa - bước vào phòng làm việc của vị hồng y giáo chủ, tin tưởng rằng bà đã tìm được người có quan điểm gần gũi về mặt triết học. Tên bà là Thùy Minh Kha (Anna - Teresa Tymiennecka). Trong bốn năm tiếp theo đó, bà và hồng y giáo chủ đã lao vào một cuộc đối thoại triết học độc nhất vô nhị, đưa tới một ấn bản tiếng Anh rõ ràng và có sửa chữa của tác phẩm quan trọng nhất của hồng y giáo chủ, là cuốn Con Người và Hành Động.

Hãy triệu tập cho Ta những người trung hiếu (Tv 49,5)

Hồng y giáo chủ ấy, chính là Đức Gioan Phaolô II. Bà Thùy Minh Kha đánh giá như sau về Đức Giáo Hoàng đương kim: Sức mạnh lớn nhất ở Giáo Hoàng, sức hấp dẫn đặc biệt này, là giống như Chúa Giêsu. Nó bao hàm những gì? Ông gặp ai đó lần đầu tiên trong đời, ông cũng có thể mở ra cho người ấy cái kho báu được giấu kín của tình anh em. Bản thân Giêsu cũng không làm hơn thế được. Đó là vì sao mà người ta bị quyến rũ bởi ông. Với nụ cười của mình, thái độ tình cảm nồng ấm thật quyến rũ, Giáo Hoàng đã gởi gắm hết mình như thể người kia là anh em gần gũi nhất, người bà con thân thiết nhất. Đây không còn là vấn đề giả bộ hay thực tế nữa. Đó là bản chất.

Mọi người xung quanh ông thấy ở ông một con người nồng hậu nhất, khiêm nhường nhất. Họ không bao giờ thấy cái ý chí sắt đá ở đàng sau đó. Đó chính là Giáo Hoàng. Phong cách của ông hoàn toàn thoải mái. Những gì không thể tin nổi đang diễn ra trong đầu ông, người ta không nhìn thấy. Thái độ thông thường của ông với những người khác là mềm mỏng. Ý chí sắt đá của ông được tôi luyện với sự mềm mỏng này và sự thận trọng lớn lao. Nó không bộc lộ mình cách trực tiếp. Ở một mức độ nào đó, điều này là giả tạo. Nhưng đó là bản chất thứ hai, hoàn toàn không phải là giả tạo. Có thể là ông đã luôn luôn như thế này. Người ta nhìn những tấm ảnh của ông thời niên thiếu: Một cậu bé rất đáng yêu, rất suy tư, thậm chí hơi đa cảm.

(-) Sự kiên trì là một đặc tính chủ yếu khác. Ông không bao giờ thấy một trở ngại. Không có gì là một trở ngại cả. (Đức Giáo Hoàng John Paul II và lịch sử bị che đậy trong thời đại chúng ta, Nhà Xuất Bản Công An Nhân Dân Hà Nội 1997 trg 254-255)

Trên đây là lời mô tả về sức hấp dẫn đặc biệt của Đức Gioan Phaolô II. Bà Thùy Minh Kha muốn tóm tắt bằng cách nói rằng Đức Giáo Hoàng như vậy đã nên giống Chúa Giêsu. Nhưng để nhấn mạnh hơn nữa sức hấp dẫn đó, bà nói rằng gặp ai, dẫu là lần đầu tiên trong đời, Giáo Hoàng cũng có thể tỏ ra gần gũi nhất, thân thiết nhất dựa vào tình huynh đệ có sẵn nơi Giáo Hoàng, điều ấy theo bà, bản thân Giêsu cũng không làm hơn thế được

Lời khẳng định của bà Thùy Minh Kha liên quan tới Đức Giêsu đòi ta, một cách gián tiếp, phải định hướng đúng về ý nghĩa của bài Tin Mừng hôm nay. Đức Giêsu tỏ ra sức hấp dẫn phi thường nhưng Người không qui hướng mọi người và mọi sự xung quanh về với Người như đích điểm. Người luôn qui hướng tất cả về Thiên Chúa là Cha. Đó chính là hướng huấn luyện Đức Giêsu áp dụng với các môn đệ.

Trước đây (Mt 4,12) khi Đức Giêsu nghe tin ông Gioan Tẩy Giả bị bắt, Người lánh đi... Nay nghe biết ông bị giết, Người rút lui vào hoang địa (Mt 14,3-12). Chính nơi hoang địa, Đức Giêsu tỏ ra là Môsê mới của dân Thiên Chúa. Hơn nữa, Người là hiện thân của Giavê Thiên Chúa thân hành tới chăm sóc đoàn chiên như ngôn sứ Edêkien từng loan báo (chương 34)

Những người đã giao ước với Ta bằng hy lễ (Tv 49,5)

Song song với bài Tin Mừng này của Mátthêu, ta có Tin Mừng Máccô soi sáng cho thấy cách Đức Giêsu huấn luyện các môn đệ. Cả Mátthêu và Máccô đều cho thấy Đức Giêsu bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia trong lúc Người giải tán dân chúng (Mt 14,2; Mc 6,45). Tại sao lại có vụ cưỡng ép này? Ta thấy các môn đệ đã tỏ ra quan tâm về nhu cầu cơm bánh của dân nên Đức Giêsu mới làm phép lạ hóa bánh ra nhiều cho hơn năm ngàn người ăn no. Chính các môn đệ đã dọn đồ ăn cho dân chúng. Vậy thì tại sao về cuối bữa ăn lại có sự can thiệp để chính Đức Giêsu lo việc giải tán dân chúng, còn các môn đệ buộc phải xuống thuyền sang bờ bên kia trước.

Lời rao giảng đầu tiên của Đức Giêsu cũng như trước đó của Gioan Tẩy Giả là Anh em hãy sám hối vì Nước Trời đã đến gần (Mt 3,2; 4,17). Nước Thiên Chúa chẳng phải là lãnh thổ nhưng chính là quyền uy Thiên Chúa được nhìn nhận nơi tạo thành và Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, được phái đến để thực hiện công trình đó. Giữa tạo thành, con người luôn được mời gọi tham gia Nước Thiên Chúa với tất cả tự do được ban cho mình. Theo cách đó bốn môn đệ đầu tiên đã được mời gọi, gồm hai anh em là Anrê và Simon tức Phêrô; và hai anh em nữa là Giacôbê và Gioan (Mt 4,18-22). Cả bốn người này đều từ bỏ mọi sự để theo Đức Giêsu.

Các môn đệ được huấn luyện kỹ lưỡng. Bài huấn luyện đầu tiên theo thánh Mátthêu dành ưu tiên cho các môn đệ. Đức Giêsu như Môsê mới lên núi và khi ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên. Người mở miệng dạy các ông về các mối phúc thật (Mt 5,1-12). Các ông được dạy để sống nghèo, hiền lành, nhận lấy những an ủi của Thiên Chúa ngang qua đau khổ, khao khát sống công chính, thương người, giữ tâm hồn trong suốt, xây dựng hoà bình, chịu bách hại vì sống đời công chính. Tất cả những lời Đức Giêsu dạy dân chúng, các môn đệ đều được nghe và được kèm thêm khi thầy trò sống tách biệt khỏi dân chúng.

Các môn đệ không những được Đức Giêsu dạy dỗ, họ còn được Người phái đi thực tập trong tác vụ rao giảng (Mt 10). Đề tài rao giảng sẽ là Nước Thiên Chúa đã đến. Sự hiện diện của Thiên Chúa là điều hiện thực tới mức sự dữ như bệnh tật hoặc quỉ ám đều được khắc phục. Tin tưởng vào Thiên Chúa, các môn đệ chẳng còn gì phải sợ. Chính các ông cần nhận lấy Nước của Thiên Chúa thay thế mọi sự khác: Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai giữ mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai liều mạng sống vì Thầy thì sẽ tìm thấy được. (Mt 11,38-39).

Trong bài Tin Mừng Máccô việc phái các môn đệ đi thực tập được đề cập ở chương 6(6-13) rồi được tiếp nối giữa hai trình thuật phép lạ hoá bánh ra nhiều (Mc 6,30-44) và phép lạ Đức Giêsu đi trên mặt nước (Mc 6,45-52). Ở đây, Đức Giêsu không những dạy các môn đệ, Người còn nêu gương sáng để các ông thấy rõ thế nào là đặt ưu tiên cho Nước của Thiên Chúa.

Rất sớm trong Tin Mừng Máccô, Đức Giêsu đã tỏ ra là một nhân vật hấp dẫn quần chúng. Người chữa lành bệnh nhân và trừ quỉ hữu hiệu đến nỗi, theo Máccô, cả thành như xúm lại trước cửa nơi Đức Giêsu tá túc (Mc 1,33). Thế mà sáng sớm hôm sau, lúc trời còn tối, Đức Giêsu đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó (Mc 1,35). Rồi khi được cho biết rằng mọi người tại Caphácnaum đang tìm Người, Đức Giêsu trả lời rằng: Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó (Mc 1,38).

Ai sống đời hoàn hảo, ta cho hưởng ơn cứu độ Chúa Trời (Tv 49,23)

Một sự dứt bỏ tương đương như vậy được thấy giữa hai trình thuật hoá bánh ra nhiều và đi trên mặt nước. Ta được cho biết: Đức Giêsu liền bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia trước, trong lúc Người giải tán đám đông. Sau khi giải tán đám đông, Người đi riêng lên núi mà cầu nguyện (Mt 14,22-23).

Các môn đệ cần phải dứt bỏ đám đông, dứt bỏ mọi ảo tưởng mà xã hội có thể tạo nên cho mình, nhờ đặt mình trước cảnh bao la của biển hồ Galilê sóng gió. Các ông cần phải noi gương Đức Giêsu là luôn tìm nơi thanh vắng để cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Chính từ bối cảnh cầu nguyện, Đức Giêsu đến với các ông, mang lại cho các ông ơn bình an. Tuỳ ở mức độ tin vào Đức Giêsu, ông Phêrô đi trên mặt nước để đến với Đức Giêsu. Ngược lại, giảm bới niềm tin đó, ông liền bắt đầu chìm. Chính nhờ quyền năng của Thiên Chúa được biểu lộ nơi Đức Giêsu, nên các môn đệ nhìn nhận Quả thật, Ngài là Con Thiên Chúa. Một lần nữa, ta thấy Đức Giêsu dùng quyền năng để qui người ta về Thiên Chúa thay vì qui về bản thân mình.

Một số câu hỏi gợi ý

1. Bạn thấy điều gì đáng kể về sức hấp dẫn của Đức Gioan Phaolô II như bà Thuỳ Minh Kha nhận xét: Mọi người xung quanh thấy Đức Giáo Hoàng là một con ngưòi nồng hậu nhất, khiêm nhường nhất? Thái độ thông thường của Đức Giáo Hoàng là mềm mỏng? Sự kiên trì là một đặc tính chủ yếu khác? Bạn có ý kiến khác?

2. Bạn nghĩ tại sao Đức Giêsu bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia trước (c22)?

3. Bạn nghĩ gì về lối so sánh sức hấp dẫn của Đức Giêsu với sức hấp dẫn của Đức Gioan Phaolô II theo bà Thuỳ Minh Kha?

                   trang suy niệm hằng tuần