Chúa Nhật VIII thường niên - Năm A
SỐNG TRONG SỰ CHĂM SÓC CỦA CHÚA
Lm. Carolô Hồ Bạc Xái
DẪN VÀO THÁNH LỄ

Anh chị em thân mến

Trong Thánh lễ hôm nay, Lời Chúa sẽ cho chúng ta biết rằng Ngài rất yêu thương chúng ta, Ngài biết rõ chúng ta cần gì ngay trước khi chúng ta mở miệng xin Ngài, Ngài hằng chăm sóc chúng ta từng phút từng giây, và ngay cả khi chúng ta quên Ngài thì Ngài vẫn không quên chúng ta.

Vậy chúng ta hãy dâng Thánh lễ trong tâm tình tạ ơn, và hãy cầu xin Chúa giúp chúng ta luôn sống phó thác trong sự chăm sóc của Ngài.

GỢI Ý SÁM HỐI

* Chúng ta quá lo lắng về những nhu cầu của cuộc sống vật chất đến nỗi quên phó thác vào Chúa.
* Chúng ta bỏ nhiều thời giờ và công sức để tìm kiếm của cải vật chất, mà không ưu tiên tìm biết để thi hành Thánh ý Chúa.
* Chúng ta hay xét đoán và lên án người khác.

LỜI CHÚA

Bài đọc I (Is 49,14-15) :

Vì phải sống kiếp lưu đày bên Babylon, chịu biết bao khổ cực, cay đắng, dân Israel nản lòng, đức tin yếu đi. Họ than "Chúa bỏ rơi tôi, Chúa đã quên tôi rồi".

Đoạn sách này là phần thứ hai của sách mang tên ngôn sứ Isaia, còn được gọi là "Sách an ủi". Tác giả, một đồ đệ của Isaia, khẳng định với dân : Thiên Chúa không bao giờ bỏ quên họ, bởi vì họ là con của Ngài. "Nào người mẹ có thể quên con mình sao ? Cho dù có người mẹ nào quên con thì Ta, Ta sẽ không quên con đâu".
Đáp ca (Tv 61) :

Tv này nối tiếp ý tưởng của Đệ nhị Isaia : Bởi vì Chúa không bao giờ quên chúng ta là con cái của Ngài, cho nên chúng ta hãy vững tin rằng lúc nào cũng có thể tìm được nơi Ngài sự nghỉ ngơi, ơn cứu độ và sự che chở : "Duy nơi Thiên Chúa mà thôi, linh hồn tôi mới nghỉ ngơi yên hàn".

Tin Mừng (Mt 6,24-34) :

Khởi đầu đoạn Tin Mừng này, Đức Giêsu bảo chúng ta hãy chọn lựa một là phụng sự Thiên Chúa, hai là phụng sự tiền của, bởi vì "không ai có thể làm tôi hai chủ được".

Phụng sự Thiên Chúa là ưu tiên tìm Nước Thiên Chúa – nghĩa là cố gắng sống theo Hiến chương Nước Trời – và tìm sự công chính của Ngài – nghĩa là tìm biết và thi hành thánh ý Chúa.

Ngài còn bảo đảm : tất cả mọi như cầu khác về cuộc sống vật chất, như của ăn, áo mặc, sức khoẻ v.v. Ngài sẽ lo hết cho chúng ta.
Bài đọc II (1 Cr 4,1-5) :

Tín hữu Côrintô có rất nhiều tính xấu. Chúng ta đã thấy một số tính xấu trong những đoạn thư được trích đọc trong các Chúa nhựt trước, như óc bè phái, tính hay tranh cãi, tính tự kiêu v.v. Hôm nay ta thấy thêm một tính xấu khác, đó là hay xét đoán.

Thánh Phaolô lưu ý họ một chân lý nền tảng : Chỉ có Thiên Chúa mới có quyền xét đoán, bởi vì duy có Ngài là biết rõ mọi sự trong đầu và trong tim mỗi người. Còn chúng ta là người phàm không biết rõ thì đừng bao giờ xét đoán ai.

GỢI Ý GIẢNG

Có người mẹ nào quên con mình được không ?"

Tại Dublin có một người mẹ hết sức đau khổ vì bà có một đứa con trai hư đốn. Nó không chịu học hành mà cũng chẳng chịu làm ăn. Suốt ngày chỉ biết ăn uống nhậu nhẹt và kết bạn với những tên lưu manh. Tiền bạc và đồ đạc gì có giá trị của bà hể hở ra thì bị nó ăn cắp. Nhiều lần Bà hết khuyên dạy đến năn nỉ nó sửa mình, nhưng chẳng bao giờ nó nghe theo. Cuối cùng nó bị bắt giam trong tù. Nhiều người nghĩ rằng bây giờ bà có thể nhẹ gánh khỏi phải lo cho nó nữa. Nhưng không, tuần nào bà cũng đều đặn vào tù thăm nó với một túi xách đầy những thứ nó cần.

Một hôm khi Bà đang trên đường vào tù thăm con thì gặp Cha Xứ. Cha nói :

- Thằng con của Bà đã phá hỏng tất cả hạnh phúc của đời Bà. Thôi từ này về sau đừng thèm nghĩ tới nó nữa.

Nhưng Cha rất đỗi ngạc nhiên khi Bà đáp lại :

- Dù nó đã gây biết bao tội lỗi và dù con không hề thích những tội lỗi của nó, nhưng dù sao nó vẫn luôn là con của con, con không thể bỏ nó được.

Lời bà mẹ này nói cũng chính là lời Chúa nói qua miệng ngôn sứ Isaia trong bài đọc I hôm nay : "Có người mẹ nào quên con mình được chăng ? Và cho dù có người mẹ nào như thế, thì Ta, Ta sẽ chẳng bao giờ quên ngươi đâu".

Quả thật không có tình yêu nào bao la và bền vững như tình mẹ,ï tình cha, và trên cả tình mẹ cha là tình yêu Thiên Chúa.

Chính vì Thiên Chúa yêu thương chúng ta với một tình yêu bao là bền vững như thế cho nên trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu mới khuyên chúng ta hãy phó thác tất cả nơi tình yêu của Ngài : Đừng lo chi đến cái ăn, cái mặc, cũng đừng lo đến mạng sống và tuổi thọ. Hãy chỉ lo một điều duy nhất mà thôi là lo tím kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài.
Hãy xem chim trời và cỏ hoa đồng nội

Những người lớn quá bận rộn nên không còn thời giờ làm một việc mà hồi nhỏ rất thường làm, đó là ngắm nhìn thiên nhiên. Hôm nay, chúng ta hãy tạm gác qua một bên mọi bận rộn của người lớn để tìm lại thú vui thời con nít.

Hãy ngắm chim trời : mặt trời mọc lên, chim thức giấc với những tiếng hót líu lo, bắt đầu một ngày cách rất lạc quan. Rồi chim mẹ đi kiếm ăn. Xem ra ngay cả việc kiếm ăn này dù cực khổ nhưng cũng rất lạc quan : chim bay đi bay lại trong bầu trời cao rộng, lượn lờ trên những khóm cây, vừa bay lượn vừa tíu tít ca hót. Tìm được một chút thức ăn, chim vui mừng mang về tổ cho con, chim còn vui mừng hơn nữa khi thấy đám con vui sướng với những miếng mồi nhỏ xíu mình mang về… Cứ thế cho đến khi mặt trời sắp gác bóng, chim tìm về tổ ấm, cả gia đình chim cùng nhau đi vào giấc ngủ thảnh thơi, không cần lo lắng gì cho ngày mai…

Hãy ngắm hoa cỏ ngoài đồng : chúng đẹp rực rỡ, "ngay cả Salomon trong tất cả vinh hoa của ông cũng không trang phục được bằng một trong những đóa hoa đó". Có đóa màu vàng tươi sáng, có đóa màu hồng êm dịu, có đóa màu trắng khiết trinh, rồi màu tím, màu đỏ, màu xanh… Thật là muôn màu muôn sắc. Nhưng thử hỏi hoa làm gì để có những màu sắc tuyệt vời ấy ? Ta có hỏi hoa thì hoa cũng chẳng biết trả lời. Hoa chỉ nói : "Em chỉ biết sống trong thiên nhiên thôi, em hứng lấy sương trời, em tiếp nhận nhựa sống từ thân cây, em vui đùa trong ánh nắng. Em không biết tại sao từ một chiếc búp rồi tới ngày em hé nhụy, cánh em nở ra, sắc màu em tươi thắm". Nếu hoa biết suy nghĩ thì hoa sẽ nói thêm : "Chúa làm đó !"

Chim và hoa chỉ biết làm theo những gì mà thiên nhiên hướng dẫn chúng làm. Ngoài ra, chúng chẳng lo lắng gì cả. Mọi kết quả tốt đẹp rực rỡ đều là thiên nhiên làm cho chúng. Mà "thiên nhiên" là gì ? Thưa là Tạo Hoá, là Thiên Chúa. "Tiên vàn các con hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Người. Còn tất cả những điều khác Người sẽ ban thêm cho các con".
Suy nghĩ về sự lo lắng

Theo kết quả thống kê, người Mỹ thường lo lắng về những điều sau đây :

* Lo về tiền bạc : 45 %
* Lo về người khác : 39 %
* Lo về sức khoẻ bản thân : 32 %
* Lo về học hành thi cử : 20 %
* Lo mất công ăn việc làm : 15 %

Thực ra biết lo không phải là vô ích, vì nhờ biết lo xa nên người ta mới thoát khỏi những tình trạng bối rối (như chuyện ngụ ngôn Con Ve và Con Kiến của Lafontaine). Nhưng sự lo lắng thái quá rất có hại.

Chính vì thế, Đức Giêsu không bảo ta đừng lo gì hết. Ngài dạy chúng ta cách giảm bớt sự lo lắng : một mặt là tin tưởng và phó thác vào tình yêu của Thiên Chúa là Cha, mặt khác là hãy tập trung lo điều chủ yếu quan trọng nhất mà thôi, tức là lo làm theo ý Chúa (ý nghĩa của kiểu nói "Tìm Nước Thiên Chúa và Sự công chính của Ngài").

Thánh Augustinô chia xẻ cho chúng ta một cách sống hồn nhiên và vô tư như sau : "Phó thác quá khứ cho lòng Thương xót của Chúa, hiện tại cho Tình yêu của Ngài, và tương lai cho sự Quan phòng của Ngài".
Làm tôi tiền của

"Làm tôi tiền của", một câu nói quá nặng ! Chắc không ai chịu nhận rằng mình đang làm tôi mọi cho tiền của. Tuy nhiên, ta hãy bình tĩnh để làm hai bảng trắc nghiệm.

A/ Bảng trắc nghiệm thứ nhất :

* Tôi vừa khai trương quán ăn. Mấy bữa trước khách đến lưa thưa. Hôm nay Chúa nhựt chắc chắn sẽ đông từ sáng tới chiều. Tiếc quá, tôi phải đến nhà thờ dự lễ. Không có tôi thì ai đón khách ? ai coi chừng tủ tiền ? rủi có chuyện gì xảy đến thì ai có thể xử lý ? Tôi nên bỏ lễ không ?
* Con của thằng em tôi bệnh nặng phải đưa vào bệnh viện. Nó túng quá đến mượn tiền tôi. Mà tôi thì đang để dành tiền để sắm một chiếc Wave. Tôi sẽ từ chối nó ?
* Khi trả tiền mua một món hàng, cô bán hàng thối lại cho tôi dư một số. Tôi biết cô này thường bán mắc lắm, tôi nghĩ bấy lâu này cô đã lời của tôi hơn số tiền này nhiều. Vậy tôi sẽ làm như không biết gì cả, coi như hôm nay mình hên vậy chăng ?

Đặt mình vào 3 tình huống trên, nếu bạn đều trả lời "Phải" hay "Có" thì bạn đã làm tôi cho tiền của rồi, vì rõ ràng bạn đã coi tiền của trọng hơn Chúa, trọng hơn anh em ruột của mình, thậm chí còn trọng hơn danh dự và lương tâm của mình nữa.

B/ Bảng trắc nghiệm thứ hai :

* Nhà tôi bị trộm, vợ tôi tiếc nên cứ than vắn thở dài mãi. Phần tôi thì nghĩ "Có tiếc thì cũng mất rồi. Thôi từ từ sẽ làm lại".
* Đồng bào nhiều nơi đang bị lũ lụt. Nhiều tổ chức từ thiện đi quyên góp. Gia đình tôi thì không dư dả gì, nhưng cũng hy sinh góp một ít tiền, vì tôi nghĩ "Mình nhịn ăn nhịn xài một chút, để giúp cho những người đang thiếu thốn những nhu cầu tối thiểu cho cuộc sống".
* Tôi đang thất nghiệp. Có người bạn chỉ tôi đi buôn lậu, vốn rất ít mà lời rất nhiều. Tôi thà nghèo chứ không thèm đến những đồng tiền bất chính.

Nếu tôi đồng ý với cách những giải quyết trên thì chứng tỏ tôi quả thực không bị nô lệ cho đồng tiền.
Đừng xét đoán

Một thực tế rất rõ ràng là người ta hay xét đoán nhau, chính chúng ta cũng hay xét đoán người khác : Anh đó sai, Cô đó làm vậy là xấu, mấy người ấy thật đáng trách… Thử nhớ lại những cuộc trò chuyện của chúng ta. Có bao nhiêu cuộc trò chuyện mà trong đó không có những lời xét đoán người khác ?

Giả như ai đó vì tín nhiệm chúng ta nên đem một vụ việc đến nhờ chúng ta xét đoán. Muốn xét đoán cho nghiêm túc, chúng ta phải làm gì ? Trước tiên là tìm hiểu vụ việc, không chỉ tìm hiểu một phía mà cả hai, có khi nhiều phía. Rồi tìm bằng chứng hay lý chứng. Rồi suy nghĩ thật kỹ. Sau cùng mới đưa ra kết luận.

Có khi nào chúng ta làm đúng và đủ những việc cần thiết đó không ? Ngay cả các quan tòa làm việc rất nghiêm túc mà cũng có khi đưa ra những xét đoán sai lầm.

Bởi vậy, Thánh Giacôbê hỏi : "Bạn là ai mà dám xét đoán người khác ?"

Còn thánh Phaolô trong bài Thánh thư hôm nay nhắc : "Anh em đừng đoán xét ; Đấng đoán xét chính là Thiên Chúa".
Chuyện minh họa

Dân chúng ở một thành phố nọ có quá nhiều điều phải lo lắng. Vì thế họ họp nhau bàn cách giải quyết vấn đề này.

Một người đề nghị phải lập một công viên để người ta đến đó giải khuây. Người thứ hai đề nghị làm một sân chơi golf. Người thứ ba đề nghị xây một rạp xinê. Người thứ tư có một đề nghị độc đáo :

- Chúng ta hãy hùn tiền mướn một người gánh hết mọi nỗi lo của chúng ta.
- Nhưng người đó là ai ?
- Là anh thợ vá giày David đó.
- Mướn bao nhiêu ?
- Mỗi tuần 1000 bảng anh.

Tất cả mọi người đồng ý. Họ hỏi David người thợ vá giày :
- Anh có đồng ý với việc làm mới này không ?

David cười rạng rỡ :
- Tại sao không !

Tưởng là mọi việc đã thu xếp ổn thỏa. Nhưng bỗng một người đặt vấn đề :
- Chúng ta mướn David gánh hết mọi nỗi lo. Nhưng mỗi tuần hắn có 1000 bảng anh thì hắn còn gì phải lo nữa ? (Flor McCarthy)

LỜI NGUYỆN CHO MỌI NGƯỜI

CT : Anh chị em thân mến

Thiên Chúa quan phòng muốn chúng ta ưu tiên tìm biết để thi hành thánh ý của Người, còn mọi sự khác hãy phó thác để Người lo cho chúng ta. Chúng ta hãy cảm tạ tình thương của Chúa và dâng lên Người những lời cầu xin tha thiết.

1- Sứ mạng của Hội Thánh là hướng dẫn cho mọi người biết thánh ý Chúa / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các tín hữu biết làm theo những hướng dẫn của Hội Thánh.

2- Chúa trao cho những vị lãnh đạo các nước trách nhiệm lo cho dân mình được ấm no hạnh phúc / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho những người cầm quyền / xin Chúa cho các vị biết hết lòng thương dân và lo cho dân.

3- Có nhiều người khổ sở vì thiếu thốn vật chất / nhưng lại có nhiều người khác khổ sở hơn / vì tuy dư thừa về vật chất nhưng lại túng thiếu về tinh thần / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho những người ấy / biết quan tâm đến những giá trị tinh thần và đạo đức.

4- Ngay cả nhiều người tuy là kitô hữu mà cũng chưa dám phó thác trọn vẹn vào Chúa quan phòng / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho cộng đoàn xứ đạo chúng ta / xác tín tình thương bao bọc của Chúa / để có thể an tâm ưu tiên tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài.

CT : Lạy Thiên Chúa là Cha chúng con. Cha đã hứa rằng dù có người mẹ nào quên con mình thì Cha cũng không bao giờ quên chúng con. Chúng con thành thật xin lỗi vì biết bao lần không tin tưởng phó thác vào tình thương của Cha. Từ nay chúng con sẽ cố gắng ưu tiên làm theo ý Cha và phó thác mọi sự khác trong tay Cha. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô là Chúa chúng con.

                   trang suy niệm hằng tuần