Chúa Nhật VI thường niên - Năm A
HÃY YÊU MẾN CHÚA ĐI
Sưu tầm

Đây là lời xác nhận làm ngạc nhiên nhất của Chúa Giêsu trong cả Bài Giảng Trên Núi, trong đó Ngài đã trình bày tính cách vĩnh cửu của Luật Pháp, Nhiều lần Chúa Giêsu đã bác bỏ điều người Do thái cho là Luật pháp: Ngài đã không giữ lễ rửa tay mà luật pháp Do thái đặt ra, Ngài chữa lành người đau trong ngày Sabbat dù luật ngăn cấm. Thật thế, Ngài bị đóng đinh trên thập giá như kẻ bị phạm pháp. Tuy nhiên dường như ở đây Chúa nói về Luật Pháp với tất cả sự tôn kính, mà không một rabi hay luật sĩ nào hơn được. Chữ "nhỏ nhất" (một chấm, một nét) trong nguyên ngữ Hêbơrơ là iodh, theo hình thức nó giống như dấu phẩy (,), dù chữ đó không lớn hơn một dấu chấm, cũng không thể bỏ qua được. Phần nhỏ nhất của một chữ, nét nhỏ, serif, là đường gạch ngang ở dưới nét sổ ở chân của một chữ. Chúa Giêsu dường như cho rằng Luật Pháp là thánh đến nỗi dầu một chi tiết nhỏ hơn hết cũng sẽ không bao giờ qua đi.

Câu này làm nhiều người bối rối đến nỗi kết luận rằng Chúa Giêsu đã không phán lời đó. Họ gợi ý rằng Matthêu chép đặc biệt cho người Do thái, để thuyết phục người Do thái tin Chúa Giêsu , nên đây là câu Matthêu gán cho Chúa Giêsu, chứ không phải thật lời Chúa Giêsu phán. Nhưng lập luận đó không vững vì đây không phải là một lời người ta có thể đặt ra mà chắc chắn là điều Chúa Giêsu  đã phán. Khi xét xem câu đó có ý nghĩa gì, chúng ta thấy quả thật đó là điều Chúa Giêsu đã phán. Người Do thái dùng từ ngữ Luật Pháp theo bốn ý nghĩa khác nhau:

1. Họ dùng để chỉ Mười Điều Răn.

2. Chỉ năm sách đầu của Kinh Thánh: Ngũ Kinh Moise: năm cuốn sách đầu của Kinh Thánh được người Do thái gọi là Luật Pháp ưu tú, tuyệt hảo và là tầm quan trọng nhất của Kinh Thánh.

3. Họ cũng dùng "Luật Pháp và lời tiên tri" để chỉ cả Kinh Thánh, là phần Kinh Cựu Ước  của chúng ta đang có.

4. Họ dùng từ ngữ đó để chỉ Luật Pháp truyền khẩu hoặc Luật Pháp của các luật sĩ.

Trong thời Chúa Giêsu , nghĩa thứ bốn thông dụng nhất. Cả Chúa Giêsu và Phaolô đều lên án Luật Pháp của các thầy luật sĩ. Vậy luật pháp của các thầy luật sĩ là gì?

Trong chính Cựu  Ước chúng ta thấy rất ít luật lệ, chỉ có các nguyên tắc bao quát, mỗi người phải biết và giải thích dưới sự soi dẫn của Thánh Thần để áp dụng cho những hoàn cảnh cá nhân. Chúng ta không thấy luật lệ trong Mười Điều Răn. Vì mỗi điều răn đều hàm chứa một nguyên tắc lớn, từ đó mỗi người phải tìm ra luật lệ riêng cho đời sống. Đối với những người Do thái về sau những nguyên tắc lớn này dường như không đủ. Họ xem Luật Pháp là thiêng liêng trong đó Chúa Giavê phán những lời chung quyết, bởi vậy mọi sự phải gồm tóm trong đó. Nếu một sự việc không được nói tỏ tường trong Luật Pháp thì cũng phải hàm ngụ ở bên trong. Bởi vậy họ tranh luận rằng từ Luật Pháp có thể suy diễn ra luật lệ cho mỗi người trong mỗi hoàn cảnh của cuộc đời. Do đó nảy sinh ra hạng người gọi là rabi: luật sĩ, suốt đời chuyên suy luận những nguyên tắc lớn lao của Luật Pháp để lập ra hàng ngàn, hàng vạn luật lệ khác. Chúng ta hãy xem họ làm. Luật Pháp dạy rằng hãy giữ ngày Sabbat để làm nên ngày thánh và trong ngày đó không được làm công việc gì. Đó là nguyên tắc lớn. Những người duy luật Do thái rất say mê định nghĩa, nên họ hỏi rằng: công việc là gì? Tất cả mọi thứ sự việc đều có thể định nghĩa là công việc. Thí dụ: mang một gánh nặng trong ngày Sabbat là làm việc, nhưng kế đó phải định nghĩa gánh nặng. Vậy luật pháp của các thầy luật sĩ qui định rằng: gánh nặng là lượng thức ăn bằng sức nặng của một trái vả khô, rược đủ để pha trong một ly, sữa đủ cho một ngụm, dầu đủ để xức trên một chi thể nhỏ, giấy đủ để viết một báo cáo của thương chánh, mực đủ để viết hai chữ trong bảng mẫu tự, sậy đủ để làm một cây viết... và cứ như thế không bao giờ hết. Họ để hàng giờ để biện luận: không biết người ta có thể dời cây đèn từ chỗ này qua chỗ khác trong ngày Sabbat không? Không biết người thợ may đi ra đường với một cây kim đính trên áo có phạm tội không? Không biết người đàn bà có thể cài trâm hoặc đội tóc giả không?... Đối với họ những điều này là yếu tính của tôn giáo, tôn giáo của họ là chú tâm đến những luật lệ tỷ mỉ, chi li, vụn vặt.

Chữa bệnh cũng là làm việc trong ngày Sabbat, rõ ràng điều này cũng phải định nghĩa. Chữa bệnh chỉ được phép khi nguy hiểm đến tính mạng và nhất là khi đau tai, mũi, họng. Dầu với những trường hợp này đi nữa thì cũng chỉ làm những việc cần thiết để cơn bệnh không trầm trọng hơn nhưng không được chữa cho bớt bệnh. Như vậy được phép băng vết thương nhưng không được xức thuốc, nhét bông vào lỗ tai đau thì được nhưng bông không được tẩm thuốc...

Những luật sĩ là người làm ra những luật lệ này. Biệt phái nghĩa là những kẻ ly khai, là những kẻ từ biệt mình ra khỏi mọi hoạt động bình thường của đời sống để giữ tất cả những luật lệ này.

Từ những sự kiện nêu trên, chúng ta thấy việc này dẫn theo hậu quả nào. Trải qua nhiều thế hệ, luật lệ của các luật sĩ không được chép ra, nó chỉ là luật truyền khẩu được truyền lại trong ký ức của nhiều thế hệ giới luật sĩ. Đối với người Do thái chính thống trong thời Chúa Giêsu thì phục vụ Thiên Chúa chính là giữ tất cả hàng ngàn các luật lệ này, họ coi đó là những vấn đề sống chết với số phận đời đời. Rõ ràng là Chúa Giêsu không có ý nói không một điểm nào trong thứ luật này phải qua đi, vì Ngài đã nhiều lần phá vỡ, nhiều lần lên án chúng, và chắc chắn đó không phải là Luật Pháp Chúa muốn ám chỉ bằng từ ngữ "Luật Pháp" vì chính Ngài lẫn Phaolô đều lên án.

Vậy, Luật Pháp Chúa muốn nói đến là gì? Chúa phán Ngài đến không phải để phá nhưng để làm cho trọn luật pháp. Ngài đến để nói lên ý nghĩa chân chính của Luật Pháp. Ý nghĩa chân chính của Luật Pháp là gì? Đằng sau Luật Pháp truyền khẩu có một nguyên tắc lớn mà các thầy luật sĩ và biệt phái không hoàn toàn nắm vững nên bị sai lạc. Nguyên tắc trọng đại đó là trong mọi sự phải tìm kiếm ý của Chúa và khi đã biết ý Chúa thì phải dâng hiến cả đời mình để tuân thủ. Luật sĩ và biệt phái rất đúng trong việc tìm kiếm ý Chúa, rất phải trong sự hiến dâng cả đời để tuân thủ, nhưng lại sai lầm khi tìm kiếm ý Chúa trong vô số luật lệ do con người đặt ra. Vậy, nguyên tắc đích thực ở đằng sau toàn bộ Luật Pháp là gì? Nguyên tắc mà Chúa Giêsu đến để làm trọn, nguyên tắc mà ý nghĩa chân chính Chúa Giêsu đến để bày tỏ là gì? Khi chúng ta nhìn vào Mười Điều Răn là cốt tủy và nền tảng của toàn bộ Luật Pháp, chúng ta thấy tất cả ý nghĩa có thể tóm tắt trong một lời: kính sợ Thiên Chúa, tôn kính danh Chúa, tôn trọng ngày của Chúa, hiếu kính cha mẹ, tôn trọng sự sống, tôn trọng tài sản, tôn trọng nhân vị, tôn trọng lẽ thật, tôn trọng danh giá người khác, tôn trọng chính mình để những ham muốn sai lầm không quản trị mình. Đó là nguyên tắc căn bản sau Mười Điều Răn. Những nguyên tắc căn bản của Mười Điều Răn là tôn kính Thiên Chúa, kính trọng đồng loại và chính mình. Không có sự tôn trọng và kính mến đó thì không thể có Luật Pháp.

Chính Chúa Giêsu đến để làm tròn sự sùng kính và tôn trọng đó. Chúa Giêsu đến để chỉ cho người ta thấy thế nào là kính mến Chúa, thế nào là tôn trọng con người trong cuộc sống. Người Hi lạp nói:"Công bình là trả cho Chúa và cho người khác điều ta mắc nợ". Chúa Giêsu vạch rõ: điều phải trả cho Thiên Chúa là lòng sùng kính và điều phải trả cho con người là lòng tôn trọng xứng đáng với họ. Sự sùng kính và tôn trọng đó không phải nằm ở chỗ tuân thủ vô số những luật lệ chi li nhỏ nhặt, nó không nằm trong việc dâng lễ vật nhưng ở lòng nhân từ, nó không cốt ở lề luật bề ngoài nhưng ở tình yêu thương, không ở những điều cấm kỵ buộc người ta không được làm điều này điều kia, mà ở những điều răn truyền họ phải uốn đời sống mình theo mệnh lệnh tích cực của tình yêu thương. Sự sùng kính và tôn trọng đó là căn bản của Mười Điều Răn sẽ chẳng bao giờ qua đi, phải là chất liệu vĩnh viễn trong mối quan hệ của con người với Thiên Chúa và đồng loại.

Nhưng Chúa Giêsu không dừng lại ở Luật Pháp, điều Ngài dẫn đưa nhân loại đi tới là Tin Mừng, từ Luật Pháp dẫn tới Tin Mừng (Phúc Âm), như vậy Ngài đã hàm ý thiết lập một số nguyên tắc tổng quát:

1. Ngài phán rằng có một sự nối tiếp rõ ràng giữa quá khứ và hiện tại. Không bao giờ chúng ta được phép nhìn cuộc đời là cuộc chiến giữa quá khứ và hiện tại. Hiện tại xuất hiện từ quá khứ. Sau trận Dunkirk trong thế chiến thứ hai mọi người có khuynh hướng tìm một nhân vật để qui trách nhiệm làm sụp đổ quân lực Anh quốc. Rất nhiều người cay đắng phản kháng những kẻ đã hướng dẫn các biến cố trong quá khứ. Lúc đó, ông Churchill đã phát biểu rất khôn ngoan:"Nếu mở cuộc đấu khẩu giữa quá khứ và hiện tại, chúng ta sẽ thấy mình mất tương lai".

Phải có Luật Pháp trước khi Phúc Âm đến. Loài người phải học phân biệt điều phải và điều quấy, phải học biết khả năng của chính họ không thể nào đạt nổi những đòi hỏi của Luật Pháp và đáp ứng được những mệnh lệnh của Thiên Chúa , phải học biết ý nghĩa của tội lỗi, sự bất xứng và thiếu kém của mình. Người đời hay trách cứ quá khứ, và phần nhiều đúng, nhưng cũng cần thừa nhận rằng ta cũng mắc nợ quá khứ rất nhiều. Chúa Giêsu thấy rõ bổn phận con người không phải là quên, hoặc thử phá hủy quá khứ, nhưng phải xây dựng trên nền móng của quá khứ. Chúng ta đã nhận lấy công lao của những người khác, chúng ta phải lao tác làm sao cho những người khác nữa sẽ thừa hưởng công lao của chúng ta.

2. Trong lời tuyên bố này, Chúa Giêsu cương quyết cảnh cáo con người rằng đừng cho Kitô giáo là dễ. Có thể có người nói:"Chúa Cứu Thế Giêsu là sự cáo chung của Luật Pháp, bây giờ tôi có thể làm điều tôi thích". Có thể có người cho rằng mọi nghĩa vụ, mọi trách nhiệm, mọi đòi hỏi đều chấm dứt. Nhưng Chúa Giêsu cảnh cáo rằng sự công chính của kitô hữu phải vượt hẳn sự công  của giới luật sĩ và biệt phái. Ngài muốn nói gì? Động cơ thôi thúc các luật sĩ và biệt phái là Luật Pháp. Mục tiêu mong muốn của họ là thỏa mãn đòi hỏi của Luật Pháp. Bây giờ, về phương diện lý thuyết có thể thỏa mãn những đòi hỏi đó, và trong ý nghĩa đó, sẽ có lúc một người có thể nói:"Tôi đã làm mọi điều Luật Pháp đòi hỏi, phận sự tôi đã xong, Luật Pháp không còn quyền gì trên tôi nữa". Nhưng động cơ mà người kitô hữu sống là động cơ yêu thương, sự ước ao duy nhất là chứng tỏ lòng biết ơn về sự yêu thương Thiên Chúa đã dành cho cho mình trong Chúa Giêsu . Bây giờ, ngay cả trên lý thuyết cũng không thể thỏa mãn những đòi hỏi của yêu thương. Nếu ta hết lòng thương yêu ai, thì chúng ta chắc sẽ cảm biết rằng dù hiến dâng cả đời mình phụng sự người ấy, chúng ta vẫn thấy chưa đủ. Đối với tình thương yêu thì dâng hiến cả cõi thiên nhiên cũng vẫn là quá nhỏ.

Người Do thái cũng muốn làm thỏa mãn Luật Pháp của Thiên Chúa và sự đòi hỏi của Luật Pháp bao giờ cũng có giới hạn. Người kitô hữu nhắm mục đích bày tỏ lòng biết ơn cảm tạ tình yêu thương của Thiên Chúa . Đối với đòi hỏi của tình yêu thương thì trong đời này hay trong cõi đời đời cũng không có giới hạn nào. Chúa Giêsu đã đặt trước con người không phải là Luật của Thiên Chúa mà là Tình Yêu của Thiên Chúa. Từ xưa , thánh Augustinô đã nói:” Hãy yêu mến Chúa rồi làm điều bạn muốn” (Ama et fac quod vis). Nhưng khi đã nhận biết cách nào Thiên Chúa đã yêu chúng ta thì ước muốn của đời ta là đáp lại tình yêu này. Đó là công tác lớn nhất trong thế gian và người nào chỉ suy nghĩ theo lối Luật Pháp sẽ không bao giờ tưởng nghĩ đến nổi. Đó cũng là nhiệm vụ cao cả và bó buộc hơn tấc cả đối với mỗi người chúng ta.

                   trang suy niệm hằng tuần