Chúa Nhật V thường niên - Năm A
SẮNG VÀ TỐI
Suy Niệm của Lm Đinh Ngọc Lễ

            Sáng và tối là hai thực tại đối nghịch nhau, không thể đội trời chung: ở đâu có Ánh sáng thì ở đó bóng tối tăm tan biến và ngược lại. Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dạy: "Anh em là ánh sáng thế gian..." (Mt 5:14). Điều đó có nghĩa là, cũng như bản thân Ngài, người môn đệ Kitô, không được toa rập và đồng lõa với bóng tối, tinh thần cũng như thể chất, trái lại họ phải là ánh sáng soi trong bóng tối, để sự thực và lẽ phải được nhìn nhận và tôn trọng. Không nhận ra sự thực thì gọi là dốt, không trông thấy ánh sáng thì gọi là mù. Dốt và mù, tuy thuộc hai lãnh vực khác nhau, nhưng có chung một ý nghĩa.

Có ba loại mù : mù mắt, mù chữ và mù tin.

·      Mù mắt, hay mù thể lý, nghĩa là có mắt mà không thấy. Không trông thấy vì không có ánh sáng, hoặc có ánh sáng đấy nhưng mắt bị đui. Cả hai trường hợp trên làm cho người có mắt mà không thấy, thế có nghĩa là có mắt cũng như không. Trên thế giới ngày nay, vẫn còn có những người mù, họ rất đông, cả trăm triệu người. Họ thật đáng thương, và cần được giúp đỡ cách này cách khác. Nhiều cá nhân cũng như tập thể, hay xã hội hoặc tôn giáo, đã có nhiều sáng kiến để giúp đỡ những người mù nầy, để họ có thể tìm thấy ánh sáng cho đôi mắt. Chúng ta phải trân trọng những nỗ lực đáng quí này, và cố gắng đóng góp phần mình cách này cách khác, để giảm thiểu tối đa tình trạng bi đát này. Và đừng gây mù lòa cho người khác, vì "Mù dắt mù cả hai rơi xuống hố".

·      Mù tinh thần hay mù văn hoá, chính là sự dốt nát; hay nói nôm na là mù chữ. Mù chữ vì thiếu trường lớp, thiếu thầy dạy, hay vì thiếu phương tiện hoặc vì lười biết không chịu học. Dù do nguyên nhân nào, mù chữ và dốt nát vẫn là điều đáng tiếc, tệ hại và không thể chấp nhận được trong một xã hội đang vươn mình lên như xã hội chúng ta ngày nay. Số người mù chữ ngày nay thật đông, theo thống kê của Liên Hiệp Quốc, người mù chữ lên tới con số hàng trăm triệu người, tập trung ở Phi Châu, Á Châu và Châu Mỹ Latinh, nghĩa là ở những nước nghèo đói chưa mỡ mang. Ngay tại Việt Nam chúng ta, số người mù chữ cũng không phải là ít. Số trẻ em bỏ học, càng ngày càng đông, khiến cho "đạo quân mù chữ" có vẻ như càng ngày càng tăng. Càng mù chữ, càng thất học, thì những hiện tượng tiêu cực càng nhiều, khiến cho xã hội mất an ninh trật tự. Vì không được quan tâm, dạy dỗ, và chăm sóc đầy đủ, nên các trẻ em thất học hoặc mù chữ thường hay lêu lổng, quậy phá, và dễ dàng bị lôi cuốn vào đường tội lỗi như trộm cắp, cờ bạc, có khi ma túy, cướp của giết người. Với tư cách là Kitô hữu, được Chúa coi như ánh sáng thế gian, ta phải làm gì trước tình trạng này? Ai là người có trách nhiệm? Tình trạng bi đát này có thể giảm thiểu hay triệt tiêu, nếu các bậc làm cha mẹ biết quan tâm lo lắng đến vấn đề giáo dục con cái, nếu sự nghiệp giáo dục được tất cả mọi người quan tâm, và nhiệt tình tham gia đóng góp; vì sự nghiệp giáo dục là sự nghiệp của toàn dân.; nói cách khác, nền giáo dục quốc gia càng phải được mở rộng, để đón nhận thiện chí và khả năng của mọi cá nhân cũng như tậpthể, của mọi tổ chức xã hội cũng như tôn giáo. Tóm lại, muốn cải thiện và thăng tiến nền giáo dục quốc dân, cần thiết phải huy động sự đầu tư, đóng góp và tham gia tích cực của toàn dân, không kỳ thị, không phân biệt đối xử, dưới bất cứ hình thức nào. Không ai được phép tự nhận cho mình độc quyền giáo dục. Ngay từ bây giờ hãy dồn hết nỗ lực xóa bỏ mù chữ, hãy mở những lớp học tình thương, những lớp bổ túc văn hoá, hãy nâng đỡ những học sinh, sinh viên nghèo hiếu học. Hãy chống lại giặc dốt vì mù chữ và dốt nát là một tai họa cho xã hội: Đói học vẫn còn tệ hại và nguy hiểm hơn đói cơm bánh, vì dốt nát là mẹ sinh ra nghèo đói, chiến tranh, bệnh tật, mê tín dị đoan....

·      Cuối cùng, là cái mù đức tin. Nghĩa là không có khả năng nhận ra sự thực, nói cách khác, không thể đánh giá hết được ý nghĩa sự vật, đúng như nó là. Còn về phía mình, cái mù đức tin làm cho con người không biết gì về nguyên nhân à cùng đích của cuộc sống, cũng không biết mình đang sống để làm gì, sau nầy mình sẽ ra sao, cái mù này mới là cái mù tệ hại nhất, vì nó liên can tới định mệnh đời đời của mỗi người trong chúng ta. Với tư cách là Kitô hữu, người môn đệ của Đấng đã tự xưng mình là ánh sáng thế gian, ta phải củng cố niềm tin cho trong sáng và vững bền để, trong nhận thức cũng như trong hành động, ta trở nên đuốc sáng soi cho mọi người, về những giá trị siêu nhiêu cũng như tự nhiên của cuộc sống. Trong thực hành, cần tránh xa những hành động mang mầu sắc mê tín dị đoan, hoặc lối sống đạo không hợp thời, vụ hình thức, mà thiếu chiều sâu. Hãy cố gắng học hỏi Lời Chúa, và đem Lời Chúa ra thực hành trong cuộc sống, để lời nói việc làm phù hợp với những giá trị Tin Mừng, hầu có thể ứng nghiệm Lời Chúa Giêsu đã dạy: "Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi ra trước mắt người đời, để họ xem thấy việc tốt lành của anh em mà ngợi ca Cha anh em ở trên trời". (Mt 5:16)

                   trang suy niệm hằng tuần