Chúa Nhật IX thường niên - Năm A
Ý MUỐN CỦA CHA THẦY
Chú giải của Noel Quesson

Sau đây là kết luận của Bài Giảng Trên Núi nổi tiếng. Như trong mọi bài thuyết giáo soạn thảo kỹ lưỡng, nhà thuyết giáo, sau khi đã mang lại cho cử tọa những yếu tố để suy nghĩ, Người mời gọi chúng ta hành động và gợi ra những điểm hoán cải cụ thể trọn đời sống? Matthêu khi soạn bài giảng này đã dùng nhiều bài giảng khác của Đức Giêsu như muốn đưa chúng ta đến một quy luật của mọi đời sống tâm linh: đức tin không hành động có phải là đức tin chân thành không? Thánh Phaolô cũng đã chấm dứt các bức thư và các bài thuyết giáo của ngài bằng những lời kêu gọi hành động, trên những điểm rất xác thực về đạo đức, về những thái độ của con người.

“Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: ‘Lạy Chúa! Lạy Chúa!’ là được vào Nước Trời cả đâu”

Một lần nữa, nơi miệng Đức Giêsu, một yêu sách rất hiện đại được đưa ra: giới trẻ ngày hôm nay đòi hỏi sự chính thống... nhất là trong lãnh vực của đức tin, những bài diễn văn dài không qua nổi... "Chúng con không quan tâm đến điều mà chúng con phải tin, theo như lời cha nói, nhưng xin cha hãy nói với chúng con về điều mà cha tin, và kinh nghiệm thật sự của cha về Thiên Chúa là gì?" Đi trước thế giới hiện đại, Đức Giêsu đã từ khước việc giả bộ đọc kinh, thói đạo đức giả của việc thờ phượng không tác động đến đời sống hàng ngày, cớ làm vấp ngã của những người sùng đạo miệng lúc nào cũng kêu Chúa nhưng mà hành động không tương ứng với những lời tuyên bố đẹp đẽ.

Đức Giêsu đòi hỏi mạnh mẽ sự liên kết giữa "nói" và "làm", giữa đức tin "tuyên xưng" ngày Chúa Nhật và đức tin “sống" trong suốt tuần lễ. Người ta có thể diễn tả câu nói của Đức Giêsu như sau: "Đi lễ ngày Chúa Nhật không đủ để vào Nước Thiên Đàng...". Thế thì phải làm gì?

“Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời mới được vào mà thôi".

Mọi chữ trong câu đều quan trọng. Câu duy nhất này bao gồm ba khẳng định:

* “Làm” hay “thi hành”. Động từ chủ động và quan trọng này trở lại mười một lần trong kết luận của Bài Giảng Trên Núi (Matthêu 7,12-26). Đây là lời mời gọi thể hiện thật sự đức tin trong đời sống hằng ngày, trong đời sống gia đình, lao động, giải trí, trong những dấn thân xã hội, công đoàn, chính trị, dấn thân của Giáo Hội, không có gì xa lạ với đức tin.

* “Ý muốn của Chúa Cha”. Đó là sự quy chiếu bền bỉ của Đức Giêsu. Người ta có cảm tưởng Đức Giêsu chỉ nghĩ về Chúa Cha và chỉ làm những gì vui lòng Chúa Cha, trong mọi giây phút của cuộc đời Người (Ga 4, 32-34; 5,30-39). "Nhưng xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha" (Mt 26,39). Vậy "Ý muốn của Chúa Cha" ấy là gì? Thiên Chúa là Tình Yêu đó là điều Người muốn, điều ấy không để cho Người... nhưng cho sự phát triển, và hạnh phúc chân thật của chúng ta, là điều mà Thiên Chúa muốn cho chúng ta. Nhưng Người không áp đặt chúng ta điều đó bởi vì Người là Tình Yêu. “Ý muốn của Thiên Chúa" chính là sự thành công của bản thân chúng ta, một đôi khi dưới những vẻ bề ngoài nghịch lý của sự thất bại. Đời sống của các thánh đều là những sự thành công: Thánh nữ Béc-na-đét ở Lộ Đức, thánh nữ Têrêxa thành Lidiơ, Mẹ Têrêxa ở Can-quýt-ta… Đấng ngự trên trời, phải, Thiên Chúa Cha siêu vượt con người và vượt trên con người! Người ở “trên trời”, "trên hết mọi sự". Và sống theo ý muốn của Người là một cách sống không thể "theo thế gian”: Ngày nay trong xã hội phương tây, vô thần sâu xa và bị nhiễm độc bởi hàng ngàn khẩu hiệu dễ dãi, thì một đời sống theo Thiên Chúa chỉ có thể là "lội ngược dòng". Người nào cố gắng thực thi ý muốn của Chúa Cha, Đấng ngự trên trời, không thể chấp nhận bất cứ ý tưởng nào mà dư luận truyền bá và chấp nhận, đôi khi rất rộng, về Thiên Chúa, về Đức Ki tô, về Giáo Hội và cả con người… về cách sống đời sống vợ chồng, đời sống làm cha mẹ, đời sống người công dân…

“Trong ngày ấy, nhiều người sẽ thưa với Thầy rằng: ‘Lạy Chúa, lạy Chúa, nào chúng tôi đã chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỷ, nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ đó sao?’. Và bấy giờ Thầy sẽ tuyên bố với họ: ‘Ta không hề biết các ngươi xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác!”

Trong đoạn văn trịnh trọng này, ít nhất có bốn công thức cho chúng ta thấy Đức Giêsu dám tự giới thiệu như Đại Thẩm Phán của thời Thế Mạt: "Trong ngày ấy… Lạy Chúa, Lạy Chúa... chúng tôi đã... Thầy sẽ tuyên bố với họ xéo đi cho khuất mắt...". Những công thức ấy được trình bày song song với những công thức mà người ta sẽ tìm thấy khung cảnh vĩ đại của ngày Phán Xét cuối cùng (Mt 5). Mỗi lần có vấn đề phán xét, chúng ta đứng trước những lời đáng sợ và chúng ta phải lấy đó làm nghiêm trọng.

Trong ngày ấy, Thiên Chúa sẽ tỏ hết quyền năng của Người. Người ta không còn chế giễu Người đã không trừng phạt tới cùng. Kẻ nào "làm điều xấu không thể khoe rằng mình sống đời đời với Thiên Chúa: "Xéo đi cho khuất mắt Ta!". Bản văn Hy Lạp thường dịch là: "Hãy xéo đi, quân làm điều bất chính!". Thật vậy, từ gian ác là do từ Hy Lạp "anomia" có nghĩa đen là "bất chính". Chúng ta biết rằng "luật của con người" chính là "luật của Thiên Chúa", bởi vì đó là tình yêu. Một con người “không tình yêu thương” không thể khoe rằng mình "sống với" Thiên Chúa! Sự phán xét sau cùng sẽ chỉ có thể là hình phạt, sự xác nhận một đời sống "không tình yêu”: Xéo đi cho khuất mắt Ta, là Đấng Yêu Thương, hỡi bọn không có tình yêu thương.

Nhưng ở đây điều kỳ lạ nhất và đáng sợ nhất là những kẻ bị "kết án" tranh luận với vị Thẩm Phán của họ và không đồng ý như trong chương 25 của sách Matthêu.

Tất cả đời sống của họ đã là một ảo tưởng, cho đến ngày trọng đại ấy, lúc mà chân lý bừng sáng. Đức Giêsu còn đi đến chỗ nói rằng người ta có thể hành động "nhân danh Người" nói tiên tri, trừ quỷ, làm phép lạ, nhưng những hành động ấy xấu xa, bất công và không tình yêu thương, và một cách sâu xa hoàn toàn trái ngược với Đức Giêsu Kitô. Và Đức Giêsu còn nói rằng những người như thế rất "nhiều” trong trường hợp này. Người làm chúng ta phải run sợ? Sự cảnh báo này rất quan trọng. Phải, Đức Giêsu nói: ‘nhiều', rất nhiều ông và nhiều bà đi tìm kiếm sự ly kỳ trong tôn giáo (các lời tiên tri, phép trừ quỷ, phép lạ) và không đem tình yêu thương ra thực hành một cách khiêm tốn trong cuộc sống đời thường mỗi ngày. Rất nhiều ông nhiều bà muốn "đóng vai trò ngôn sứ"! Rất nhiều những lời tuyên bố to lớn về lý thuyết, những lời phê phán xã hội hoặc Giáo Hội... (của những người khác)... thay vì chuyên cần hoán cải chính mình. Hỡi ôi, người ta có thể "chuyển dời những quả núi" và "làm những phép lạ" mà không có lòng yêu thương như Thánh Phaolô sẽ nói (1 Cô-rin-tô 18,1-2): và điều đó thật là vô ích.

Lạy Chúa, xin giúp đỡ chúng con sống đời sống Kitô hữu của chúng cón một cách khiêm nhường, không kèn trống, không hào quang, không tự mãn.

Vậy ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành....

Cũng một yêu sách về tính hiện thực được kéo dài ra: "nghe" và "thực hành"... ở đây, có cùng một động từ bằng tiếng Hy Lạp "poiein" như vừa rồi chúng ta đã gặp: Phải thi hành ý muốn của Cha Thầy". Động từ tiếng Do Thái “Shâma" vừa có nghĩa "lắng nghe" vừa' có nghĩa "vâng lời.

Thì ví được như người khôn xây nhà trên đá. Dù mưa sa, nước cuốn, hay bão táp ập vào nhà ấy cũng không sụp được vì đã xây trên nền đá...

Ở đây cũng là sự kéo dài của yêu sách về tính chất xác thực chính thống: Đức Giêsu mong ước con người dù nam hay nữ phải vững vàng, phải là những nhà xây dụng biết xây cất trên tảng đá của Lời Thiên Chúa "đã được họ lắng nghe và đem ra sống. Khi người ta xây dựng một ngôi nhà thực hiện nhiều sự kiểm tra là việc làm khôn ngoan. Những cặp vợ chồng trẻ ít biết điều đó. Nhiều sự gian lận có thể được che giấu: móng không đủ sâu, trên nền đất không chắc chắn, trộn vào xi măng hoặc vôi quá nhiều cát, gạch đá xây tường chất lượng xấu, thạch cao trét tường để lạnh, thời gian đủ để xi măng cứng không được tôn trọng, v.v... Ngày nay, Đức Giêsu cũng mời gọi chúng ta thực hiện một cuộc "kiểm tra chất lượng" trên bình diện đời đống đức tin: Chúng ta đang sống trong "ngôi nhà nào”? Những chọn lựa nhân bản của chúng ta phải chăng chỉ được quét một lớp vôi của Tin Mừng ở mặt ngoài còn thực chất ở nền tảng là ngoại giáo? Đức tin của chúng ta có phải là một sự dấn thân thực sự theo chân Đức Kitô hằng sống, hay chỉ là một lớp "son phấn", một thứ "mặt nạ”?

Một ví dụ chăng? Từ bỏ chủ nghĩa vô thần: Điều này đã khiến: nhà văn Solienitsine bị đưa đến trại cải tạo ở Xibêri và bị trục xuất khỏi quê hương ông. Còn tiếp tay cho chủ nghĩa vô thần: Điều này dẫn đến cái chết của hàng triệu người ở Campuchia và ở những nơi khác... Phần chúng ta thì sao? "Lắng nghe Đức Giêsu và đem Tin Mừng của Người ra thực hành".

“Còn ai nghe những lời Thầy nói đây mà chẳng đem ra thực hành thì ví được như người ngu dại xây nhà trên cát..."

Ngôi nhà trên đá… Ngôi nhà trên cát. Đúng là đời sống Kitô hữu vững chắc so với đời sống Kitô hữu mong manh. Thi hành ý muốn của Thiên Chúa không thể tùy tiện mà là một vấn đề sống hoặc chết. Kinh Thánh thường nhắc chúng ta có "Hai con đường" mở ra cho chúng ta tự do lựa chọn (Đnl 11, 26-28; 30, 15-20; Gr 21,8; Kn 5, 6-7; Tv 1,15; 118,29-30; 138,24).  Đó là một chủ đề của Kinh Thánh cũng thường gặp như chủ đề người "điên dại" và người "khôn ngoan": Người nào không theo ý muốn của Thiên Chúa thường được định nghĩa là "ngu dốt", "điên dại"; "ngốc nghếch"; "khờ khạo” (Tv 13,1; 91,7; Kn 3,2; Mt 25,2).

“Gặp mưa sa, nước cuốn hay bão táp ập vào nhà ấy sẽ sụp đổ, sụp đổ tan tành".

Dấu chỉ của đức tin vững chắc chính là khả năng làm cho ta "trụ vững" khi thử thách ập đến. Lạy Chúa, xin cho chúng con chống cự nổi những sức mạnh phá hoại đức tin.

                   trang suy niệm hằng tuần