Chúa Nhật IX thường niên - Năm A
KHI CẦU NGUYỆN ĐỪNG CÓ NHIỀU LỜI
Charles E. Miller

Người ta thường nói rằng “lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”, vì thế người ta dễ nói nhiều, nhưng để sống những lời ấy lại là chuyện khác. Lúc đám cưới, đôi tân hôn nói với nhau: “Anh xin nhận em… mọi điều tốt cũng như xấu, lúc giàu có hoặc lúc nghèo hèn, khi mạnh khỏe cũng như khi yếu đau cho đến chết”. Những lời này chỉ đọc có một lúc nhưng đòi hỏi sự tận tụy và trung thành trong cả đời sống.

Những lời chúng ta đã nói với Thiên Chúa, mà chúng ta gọi là cầu nguyện cũng đòi hỏi sự tận tụy và trung thành trong cả đời sống. Chúng ta sẽ không ngạc nhiên khi Chúa Giêsu nhấn mạnh đến việc cầu nguyện của chúng ta, theo nghi thức phụng vụ hay riêng tư đều phải dẫn chúng ta đến hành động. Quả thật, Người đã dạy chúng ta rằng mức xác thực của lời cầu nguyện có thể được đo lường bởi sự tận tụy thực thi ý Chúa của chúng ta.

Tất cả điều này không có nghĩa là chúng ta hạ phẩm giá quan trọng của những lời nói. Theo truyền thống đối với người Israel thì môt số từ sau đây có giá trị tuyệt đối: “Hãy nghe đây, hỡi Israel. Chúa là Thiên Chúa ngươi. Chúa duy nhất. Do đó các ngươi sẽ yêu mến Chúa Thiên Chúa các ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết sức lực ngươi”. Những lời này rất quan trọng khi Môisen dạy dân chúng: “Hãy ghi nhớ những lời của tôi vào trái tim và linh hồn các ngươi”. Tiếp đó, ông nói tiếp: “Hãy buộc chúng nơi cổ tay các ngươi như một dấu hiệu, hãy đeo chúng như đồ trang sức trên trán của các ngươi”. Những lời đó đã trở nên một tục lệ đối với những người Do Thái sốt sắng, họ viết điều luât cao cả này vào giấy da, đặt vào bên trong một hộp da nhỏ được gọi là hộp kín, có lúc được buộc nơi cổ tay, có lúc được buộc ngay trên trán.

Dĩ nhiên khi mang hộp kín bằng da đó diễn tả một sự sùng bái thật sự thì người mang nó phải thực hiện điều luật lớn lao đó. Mặc dầu những người Công Giáo chúng ta không mang hộp kín bằng da đó, một số người trong chúng ta có mang ảnh vảy hay thánh giá nhỏ, thường ở bên dưới quần áo. Khi ảnh vảy hoặc thánh giá được chúng ta đeo trên cổ với một sợi dây, nó nối kết với lòng chúng ta. Điều đó nhắc nhở chúng ta tôn giáo là một vấn đề, chứ không đơn thuần chỉ là từ ngữ nhưng là tấm lòng.

Nếu chúng ta viết ra những lời xác quyết rồi đặt vào trong một cái hộp giống như cái hộp của người Do Thái, chúng ta sẽ viết những lời nào. Cũng sẽ thích hợp thôi nếu chúng ta lấy điều luật cao cả trong Cựu Ước nhưng tôi giả thiết là sau một lúc suy nghĩ, chúng ta có thể dùng những lý tưởng để diễn tả đức tin Công Giáo của chúng ta. Tôi muốn đề nghị một số từ, đó là những lời của Chúa Giêsu đã phán trên bánh: “Đây là Thịt Ta” và Người cũng phán trên rượu: “Đây là Chén Máu Ta”. Sự dâng hiến, tâm điểm của lời cầu Thánh Thể làm hiện tại hóa và thật sự cho chúng ta hy lễ lớn lao của Đức Kitô. Bánh thật sự đã trở nên Thân Mình Người trao ban cho chúng ta. Rượu thật sự trở nên Máu Người đã đổ ra vì chúng ta. Thánh Thể làm viên mãn những lời của Chúa Giêsu: “Không có tình yêu nào lớn lao hơn người…”,

Luôn giữ tình yêu của Đức Kitô trong tâm trí sẽ là động cơ thúc đẩy chúng ta sống như là những người Công Giáo chính danh. Lưu ý đến những lời dâng hiến trên cổ tay chúng ta sẽ chuyển chúng ta tới hành động và chỉ làm theo ý muốn của Thiên Chúa mà thôi. Chúng ta sẽ không bao giờ do dự khi phải kêu lên: “Lạy Chúa, Lạy Chúa”. Nhưng chúng ta phải bảo đảm là những lời ấy dẫn đến sự tận tụy và trung thành trong trót cuộc sống chúng ta.

                   trang suy niệm hằng tuần