Lễ Thánh Gia : Chúa Giêsu, Đức Maria, Thánh Giuse - Năm A
 THÁNH GIA THẤT LÀ GIA ĐÌNH CỦA THIÊN CHÚA
Giêrônimô Nguyễn Văn Nội

I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ

Thánh Gia Thất là mô hình mẫu của các gia đình. Điều đó thì ai cũng biết. Nhưng Thánh Gia thất còn là mô hình mẫu của Hội Thánh của Thiên Chúa ở trung ương cũng như ở các địa phương, vì Thánh Gia thất là cộng đoàn hiệp thông và yêu thương trong đó các thành viên đều sống vì/cho kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa và sống vì/cho nhau. Chính vì thế mà Đại hội Dân Chúa 2010 muốn xây dựng Hội Thánh Việt Nam như một gia đình (1).

 
II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH

2.1 Lắng nghe Lời Chúa trong bài đọc 1 (Hc 3,2-6.12-14): Ai kính sợ Đức Chúa thì hiếu thảo với cha mẹ

2 Đức Chúa làm cho người cha được vẻ vang vì con cái, cho người mẹ thêm uy quyền đối với các con.

3 Ai thờ cha thì bù đắp lỗi lầm,

4 ai kính mẹ thì tích trữ kho báu.

5 Ai thờ cha sẽ được vui mừng vì con cái,

khi cầu nguyện, họ sẽ được lắng nghe.

6 Ai tôn vinh cha sẽ được trường thọ,

ai vâng lệnh Đức Chúa sẽ làm cho mẹ an lòng.

12Con ơi, hãy săn sóc cha con, khi người đến tuổi già;

Bao lâu người còn sống, chớ làm người buồn tủi.

13 Người có lú lẫn, con cũng phải cảm thong,

chớ cậy mình sung sức mà khinh dể người.

14 Vì lòng hiếu nghĩa đối với cha sẽ không bị quên lãng,

và sẽ đền bù tội lỗi cho con.. 

2.2 Lắng nghe Lời Chúa trong bài đọc 2 (Cl 3,12-21): Đời sống gia đình theo tinh thần của Chúa.

 12 Thưa anh em, anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương. Vì thế, anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại. 13 Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau. 14 Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo. 15 Ước gì ơn bình an của Đức Ki-tô điều khiển tâm hồn anh em, vì trong một thân thể duy nhất, anh em đã được kêu gọi đến hưởng ơn bình an đó. Bởi vậy, anh em hãy hết dạ tri ân.

16Ước chi lời Đức Ki-tô ngự giữa anh em thật dồi dào phong phú. Anh em hãy dạy dỗ khuyên bảo nhau với tất cả sự khôn ngoan. Để tỏ lòng biết ơn, anh em hãy đem cả tâm hồn mà hát dâng Thiên Chúa những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca, do Thần Khí linh hứng. 17 Anh em có làm gì, nói gì, thì hãy làm hãy nói nhân danh Chúa Giê-su và nhờ Người mà cảm tạ Thiên Chúa Cha.

18 Người làm vợ hãy phục tùng chồng, như thế mới xứng đáng là người thuộc về Chúa. 19 Người làm chồng hãy yêu thương chứ đừng cay nghiệt với vợ. 20 Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là điều đẹp lòng Chúa. 21 Những bậc làm cha mẹ đừng làm cho con cái bực tức, kẻo chúng ngã lòng. 

2.3 Lắng nghe Lời Chúa trong bài Tin Mừng (Mt 2,13-15.19-23): Hãy đem Hài Nhi và Mẹ Người trốn sang Ai-cập.

13 Khi các nhà chiêm tinh đã ra về, thì sứ thần Chúa hiện ra báo mộng cho ông Giu-se rằng: "Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại, vì vua Hê-rô-đê sắp tìm giết Hài Nhi đấy " 14 Ông Giu-se liền trỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập. 15 Ông ở đó cho đến khi vua Hê-rô-đê băng hà, để ứng nghiệm lời Chúa phán xưa qua miệng ngôn sứ: Ta đã gọi con Ta ra khỏi Ai-cập.

19 Sau khi vua Hê-rô-đê băng hà, sứ thần Chúa lại hiện ra với ông Giu-se bên Ai-cập, 20 báo mộng cho ông rằng: "Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người về đất Ít-ra-en, vì những kẻ tìm giết Hài Nhi đã chết rồi." 21 Ông liền trỗi dậy đưa Hài Nhi và mẹ Người về đất Ít-ra-en. 22 Nhưng vì nghe biết Ác-khê-lao đã kế vị vua cha là Hê-rô-đê, cai trị miền Giu-đê, nên ông sợ không dám về đó. Rồi sau khi được báo mộng, ông lui về miền Ga-li-lê, 23 và đến ở tại một thành kia gọi là Na-da-rét, để ứng nghiệm lời đã phán qua miệng các ngôn sứ rằng:  Người sẽ được gọi là người Na-da-rét. 

III. KHÁM PHÁ CHÂN DUNG VÀ SỨ ĐIỆP LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH

3.1 Chân Dung của Thiên Chúa (Chúa là ai?)

Trong ba bài Sách Thánh hôm nay chúng ta khám phá Thiên Chúa là:

- Đấng đã soi sáng hướng dẫn tác giả sách Huấn Ca ghi chép lại những kinh nghiệm nhân sinh quý báu làm nên truyền thống Do-thái giáo là nền tảng cho đời sống luân lý Ki-tô giáo, vì qua những kinh nghiệm sống ấy, dân Ít-ra-en khám phá sự khôn ngoan và mối tương quan tốt đẹp với Thiên Chúa.

- Đấng đã dùng lời nói và ngòi bút của Thánh Phao-lô mà giảng dậy cho các Ki-tô hữu nói chung và các Ki-tô hữu làm vợ làm chồng nói riêng, biết cách sống phù hợp với niềm tin Ki-tô giáo của mình.

- Là Chúa Giê-su Hài Nhi bị lùng kiếm như một mối hiểm họa cho sự an toàn của cả một triều vua Hê-rô-đê. Vì vậy mà Người phải chạy trốn sang đất Ai-cập và chỉ trở về quê hương bản quán ở Ga-li-lê khi mối họa đã không còn.

- Là Chúa Giê-su, Con Thiên Chúa trở thành cư dân của làng Na-da-rét vô danh tiểu tốt. Ở đó Người sống vâng phục Thiên Chúa Cha và cha mẹ trần gian là Thánh Giu-se và Mẹ Ma-ri-a như một người con hiếu thảo nhất của truyền thống Híp-ri.  

3.2 Sứ điệp hay Giáo Huấn của Lời Chúa (Chúa dậy gì hay Chúa muốn chúng ta làm gì?)

Qua ba bài Sách Thánh hôm nay, giáo huấn hay sứ điệp của Lời Chúa là: Vì anh (chị) em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương, nên hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà, nhẫn nại, chịu đựng và tha thứ cho nhau, trước nhất là trong gia đình, rồi đến ngoài cộng đồng xã hội.  

IV. SỐNG VỚI CHÚA VÀ THỰC THI SỨ ĐIỆP CỦA NGƯỜI

4.1 Sống với Thiên Chúa là Chúa Cha quyền năng và yêu thương trong kế hoạch quan phòng khôn ngoan của Người; là Đấng mời gọi chúng ta có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà, nhẫn nại, chịu đựng và tha thứ cho nhau.

Sống với Thiên Chúa là Chúa Giê-su Hài Nhi bị lùng bắt và phải chạy trốn ra nước ngoài và là Chúa Giêsu Thiếu Niên và Thanh Niên đã sống ẩn dật và vâng phục cha mẹ nơi làng Na-da-rét xứ Ga-li-lê.

Sống với Thiên Chúa Cha như một người con thảo; Sống với Chúa Giê-su như một người em và một người môn đệ. 

4.2 Thực thi Ý Chúa hay Giáo Huấn của Chúa là có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà, nhẫn nại, chịu đựng và tha thứ như Chúa Giê-su và Thiên Chúa!

Cụ thể là:

(a) Trong gia đình tôi có cố gắng để có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà, nhẫn nại, chịu đựng và tha thứ với vợ/chồng, cha mẹ/con cái, anh/chị em không?

(b) Trong cộng đồng giáo xứ, trường học, bệnh viện, sở làm…. tôi có cố gắng để có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà, nhẫn nại, chịu đựng và tha thứ đối với những người đồng đạo, đồng nghiệp, học sinh, sinh viên, bệnh nhân không?

(c) Ngoài xã hội tôi có cố gắng để có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà, nhẫn nại, chịu đựng và tha thứ đối với những người mà tôi gặp hay tiếp xúc, nhất là những người cần đến tôi giúp đỡ, chia sẻ, ủi an không? 

Mỗi người nhìn lại xem mình đã và đang sống như thế nào với giáo huấn hay thánh ý trên của Thiên Chúa? 

V. CẦU NGUYỆN CHO THẾ GIỚI VÀ HỘI THÁNH

[Ghi chú: Lời cầu nguyện giáo dân thường có 4 ý:  ý thứ nhất cầu cho thế giới, ý thứ hai cầu cho Hội Thánh toàn cầu, ý thứ ba cầu cho giáo dân của giáo xứ, ý thứ bốn cầu cho một hạng người đặc biệt nào đó] 

5.1 «Người sẽ được gọi là người Na-da-rét.» Cùng với Đức Mẹ và các Thánh Nam Nữ, chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho những người đang sống trọng thời đại này sớm nhìn nhận Đức Giê-su Na-da-rét là Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể làm người để cứu độ nhân loại.

Xướng: Chúng con cầu xin Chúa!

Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!   

5.2 «Thưa anh em, anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương.» Cùng với Đức Mẹ và các Thánh Nam Nữ, chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho Đức Giáo Hoàng Bê-nê-đíc-tô XVI, cho các Hồng Y, Giám Mục, Linh Mục, Phó Tế, Tu Sĩ Nam Nữ và Giáo Dân để mọi thành phần Dân Chúa cảm nghiệm cách sâu sắc những ân huệ Thiên Chúa đã ban cho mình mà sống cho tương xứng với tư cách cao trọng của mình.

Xướng: Chúng con cầu xin Chúa!

Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!   

5.3 «Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau.» Cùng với Đức Mẹ và các Thánh Nam Nữ, chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho các gia đình thuộc cộng đoàn giáo xứ chúng ta, để mọi người biết tha thứ cho nhau hầu mọi gia đình được ấm êm hạnh phúc.

Xướng: Chúng con cầu xin Chúa!

Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!   

5.4 «Ai thờ cha thì bù đắp lỗi lầm, ai kính mẹ thì tích trữ kho báu. Ai thờ cha sẽ được vui mừng vì con cái, khi cầu nguyện, họ sẽ được lắng nghe.» Cùng với Đức Mẹ và các Thánh Nam Nữ, chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho những người làm con trong các gia đình, để họ biết sống thảo hiếu và trọng kính các bậc sinh thành để được Thiên Chúa chúc phúc.

Xướng: Chúng con cầu xin Chúa!

Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!                        

 Chú thích

(1) “Hội Thánh tại Việt Nam còn phải canh tân chính mình qua nỗ lực xây dựng Hội Thánh như một gia đình, trong đó mọi người hiệp thông với nhau như anh chị em một nhà, bình đẳng với nhau trên nền tảng ơn gọi làm người và làm con Chúa, chia sẻ cùng một sứ mạng và trách nhiệm dù được thể hiện trong những bậc sống và nhiệm vụ khác nhau.

Sự hiệp thông này vừa là đòi hỏi vừa là lời chứng cần thiết mà Hội Thánh phải bày tỏ trước mặt mọi người như Chúa Giê-su đã thiết tha cầu nguyện:

«Xin cho họ nên một như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha để họ cũng ở trong Chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai Con» (Ga 17,21)…..

Để bày tỏ khuôn mặt Hội Thánh như một gia đình, đại hội kêu gọi mọi thành phần Dân Chúa hợp tác chặt chẽ với nhau trong tình hiệp nhất yêu thương.

Xin anh chị em giáo dân tích cực tham gia vào đời sống và sứ mạng của Hội Thánh bằng những khả năng chuyên môn Chúa ban cho mình.

Các gia đình công giáo được mời gọi giữ vững và củng cố ơn gọi hôn nhân Kitô giáo, xây dựng gia đình như Hội Thánh tại gia, cái nôi của sự sống, mái ấm của tình thương và ngôi trường đầu tiên đào tạo con người toàn diện.

Đối với các bạn trẻ, xin các bạn nhiệt thành tham gia vào những sinh hoạt của Hội Thánh để đem sức sống và sự tươi trẻ cho đời sống Hội Thánh.

Gia đình và giáo xứ phải quan tâm đặc biệt đến việc giáo dục các đức tính nhân bản cho thiếu nhi, để sau này trở nên những con người hữu ích cho xã hội và Hội Thánh. Ước mong các tu sĩ thực sự trở nên dấu chỉ và chứng nhân sống động của tình yêu vô điều kiện mà Thiên Chúa dành cho con người, nhất là những người bé mọn trong xã hội.

Đại hội nhấn mạnh vai trò của các giám mục và linh mục trong Hội Thánh.

Công cuộc canh tân Hội Thánh cần được bắt đầu từ hàng linh mục, vì thế ước mong các giám mục và linh mục Việt Nam không chỉ là người quản trị giỏi nhưng trước hết là người của Chúa và là những mục tử nhân lành, biết gắn bó với Chúa Giê-su trong cầu nguyện để có thể phục vụ cộng đoàn theo gương Thầy chí thánh, biết tôn trọng và phát huy vai trò người giáo dân trong tinh thần đối thoại và cộng tác”

(Sứ điệp Đại hội Dân Chúa 2010, số 5)

                   trang suy niệm hằng tuần