Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa - Năm A
VINH HIỂN CỦA NGƯỜI CON...
ĐM. Cao Tấn Tĩnh, BVL

"Vinh hiển của Người Con duy nhất đến từ Cha, đầy ân sủng và chân lý".

Đây là chủ đề thích hợp cho riêng Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa, một lễ mở màn cho Mùa Phụng Vụ Hậu Giáng Sinh. Bởi vì, bộ ba Phúc Âm Nhất Lãm đều thuật lại sự kiện về "vinh hiển của Người Con duy nhất đến từ Cha" này, tức "về Giêsu Nazarét, Người bắt đầu từ Galilêa chịu phép rửa mà Gioan rao giảng' và về cách thức Thiên Chúa lấy Thánh Linh và quyền năng mà xức dầu cho Người" (bài đọc 2).

Theo Phúc Âm thánh Mathêu, "Chúa Giêsu từ Galilêa đến với Gioan ở sông Dược-Đăng để chịu phép rửa của ông", và "sau khi chịu phép rửa xong" thì Người được "Thiên Chúa lấy Thánh Linh và quyền năng mà xức dầu cho Người" (bài đọc 2). Ở chỗ, "Thần Linh Thiên Chúa như một chim câu đậu xuống trên Người". Thêm vào đó, Thiên Chúa còn chính thức giới thiệu "Người Con duy nhất" của mình này với loài người, mà đại diện bấy giờ là Gioan, con người tiêu biểu nhất của loài người (xem Luca 7:28), bằng "tiếng từ các tầng trời vang lên: 'Đây là Con yêu dấu của Ta. Ta ái mộ Người'".

Nếu trong Phúc Âm thánh Mathêu, "Người Con duy nhất" này của Thiên Chúa đã được Ngài giới thiệu với loài người, thì trong Phúc Âm của hai thánh Matcô và Luca, "Người Con duy nhất" này lại được chính Thiên Chúa trực tiếp tỏ lòng thương mến đặc biệt, bằng lời thú nhận: "Con là Con yêu dấu của Cha. Cha hài lòng vì Con (hay) Cha sủng ái Con".

Ở đây, mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi đã được mạc khải cho loài người biết qua trình thuật của Phúc Âm Nhất Lãm, trong trường hợp Đức Kitô lãnh nhận Phép Rửa ở sông Dược-Đăng. Thiên Chúa Ngôi Cha được biểu hiệu qua "tiếng phán từ các tầng trời" (Phúc Âm cả 3 năm), Thiên Chúa Ngôi Con được sống động nơi hình ảnh của con người Đức Kitô, và Thiên Chúa Ngôi Ba là "Thần Linh" (Phúc Âm năm A và B) hay "Thánh Linh" (Phúc Âm năm C) được biểu hiệu qua "hình chim câu đậu xuống trên Người" (Phúc Âm năm C).

Thật ra, theo thần tính của mình, là "Lời ở nơi Thiên Chúa" (Phúc Âm lễ Ban Ngày Giáng Sinh) đã được Thiên Chúa "phán từ các tầng trời" khi "Ngài nói với (con người) chúng ta qua Con của Ngài" (bài đọc 2 Lễ Ban Ngày Giáng Sinh), thì trong mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi được mạc khải ở đây, Thiên Chúa Ngôi Con chính là "tiếng phán từ các tầng trời", tức là "tất cả sự thật" (Jn.16:13) nơi Thiên Chúa được tỏ ra cho loài người, nơi con người của Đức Giêsu Kitô. Như thế, được ngôi hiệp với thần tính, nhân tính của Đức Giêsu Kitô chính là "đường lối" (Jn.14:6) mạc khải của Thiên Chúa.

Thế nhưng, Thiên Chúa muốn mạc khải những gì, nếu không phải là tình yêu của Ngài đối với loài người, một thân phận tạo vật được hiện thân nơi con người của Đức Giêsu Kitô, một tình yêu được mạc khải qua nội dung của "tiếng phán từ các tầng trời", đó là "Ta ái mộ Người" (Phúc Âm năm A), hay "Cha sủng ái Con" (Phúc Âm năm B) hoặc "Cha hài lòng vì Con" (Phúc Âm năm C).

Do đó, "vinh hiển của Người Con duy nhất đến từ Cha" đây không là gì khác ngoài tình trạng "đầy ân sủng và chân lý" ở nơi Người. "Ân sủng" ở đây là gì, nếu không phải là việc "Thiên Chúa yêu thương..." (Jn.3:16) hay "Thiên Chúa chứng tỏ/mạc khải tình yêu của Ngài..." (Rm.5:8' 1Jn.4:9). Và "chân lý" ở đây là gì, nếu không phải là "Thiên Chúa là tình yêu" (1Jn.4:8,16).

Chính thứ tự của câu "ân sủng và chân lý", trong đó, "ân sủng" được đặt trước "chân lý", đã nói lên động lực và thực tại nơi mạc khải của Thiên Chúa: vì yêu thương (ân sủng) Thiên Chúa đã mạc khải tình yêu là bản tính của Ngài ra (chân lý).

Vì việc mạc khải của Thiên Chúa là do "ân sủng", tức là phát xuất từ việc Thiên Chúa yêu thương nhân loại, và cũng vì cả mạc khải của Thiên Chúa còn là chính Tình Yêu của Ngài, một thực tại nói lên "tất cả chân lý" của mạc khải, mà "Thánh Linh", "Đấng An Ủi, là Thần Chân Lý" (Jn.15:26), mới nhập cuộc, xuất hiện bằng hình ảnh của "chim câu", biểu hiệu cho tâm tình "hiền lành" (Mt.11:29), liên quan đến "ân sủng", và cũng biểu hiệu cho đức tính "đơn thành" (Mt.10:16), liên quan đến "chân lý".

Như thế, nếu nhân tính của Đức Kitô, "Người Con duy nhất đến từ Cha, đầy ân sủng và chân lý" này, như vừa nhận thức, là "đường lối" mạc khải của Thiên Chúa, thì "Thần Linh (hay) Thánh Linh lấy hình chim câu đậu xuống trên Người" đây chính là nguyên lý, là tác nhân mạc khải của Thiên Chúa.

Do đó, "vinh hiển của Người Con duy nhất đến từ Cha, đầy ân sủng và chân lý" đây còn là "Thánh Linh" mà "Thiên Chúa xức dầu cho Người" (bài đọc 2), đồng thời cũng là "Thần Linh" mà Thiên Chúa "đã đặt trên Người" (bài đọc 1). Bởi đó, dưới tác động hay ảnh hưởng "quyền năng từ trên cao" (Lk.24:49) là "Thần Linh" hay "Thánh Linh" này, mà Đức Kitô, "Giêsu Nazarét... đi khắp nơi thực hiện những việc lành và chữa trị cho tất cả những ai bị ma qủi cầm buộc, và Thiên Chúa ở với Người" (bài đọc 2).

Về việc Chúa Giêsu vô tội mà lại lãnh nhận phép rửa của Gioan Tiền Hô: tại sao Người chịu phép rửa hay Người chịu phép rửa để làm gì?

- …
Để có thể trả lời một cách chính xác cho vấn đề tại sao Chúa Kitô vô tội mà còn lãnh nhận phép rửa của Gioan Tiền Hô, trước hết, về nguyên tắc, chúng ta cần phải lưu ý đến yếu tố cốt lõi là Chúa Kitô có hai bản tính, bản tính Thiên Chúa và bản tính nhân loại. Tuy nhiên, trong hai bản tính được ngôi hiệp nơi Đấng Thiên Sai này, bản tính Thiên Chúa là chính và bản tính nhân loại là phụ, bởi thế mới nói Người là Thiên Chúa Nhập Thể hơn là Con Người Thần Linh. Đó là lý do Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo số 466 mới xác tín: “Nhân tính của Đức Kitô không có một chủ thể nào khác ngoài ngôi vị thần linh Con Thiên Chúa, Đấng đã mặc lấy nhân tính ấy và biến nhân tính ấy thành nhân tính của mình”, và số 515 còn giải thích rõ hơn nữa như sau: “Nhân tính của Người như là ‘một bí tích’, tức như là một dấu hiệu và là một dụng cụ, của thần tính Người cũng như của ơn cứu độ Người mang đến, ở chỗ, những gì hữu hình nơi đời sống trần gian của Người đều dẫn đến mầu nhiệm vô hình của vai trò thiên tử và sứ vụ cứu chuộc của Người”. Số Giáo Lý 516 tóm lại thế này: “Toàn thể đời sống trần gian của Chúa Kitô – lời Người nói, việc Người làm, Người thinh lặng và Người khổ đau, cung cách Người sống động và nói năng thực sự – là Mạc Khải của Chúa Cha”.

Đó là lý do tại sao khi nói về việc Chúa Giêsu chịu phép rữa của Tiền Hô Gioan, Giáo Lý số 536 đã cảm nhận một cách hết sức sâu xa và xác đáng như sau: “Việc Chúa Giêsu chịu phép rửa, về phần Người, đó là việc Người chấp nhận và mở màn cho sứ vụ của Người như là một Người Tôi Tớ khổ đau của Thiên Chúa. Người tự cho mình thuộc vào số các tội nhân; Người là ‘Chiên của Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian’ (Jn 1:29; x. Is 53:12). Người hướng vọng tới ‘phép rửa’ là cái chết đẫm máu của Người (x Mk 10:38; Lk 12:50). Người đến để ‘làm trọn tất cả sự chính trực’, tức là, Người bắt mình hoàn toàn thuận phục ý muốn của Chúa Cha, ở chỗ, vì yêu thương Người đồng ý chấp nhận phép rửa tử nạn để xóa bỏ tội lỗi của chúng ta (Mt 3:15, x. 26:39)… Chúa Giêsu sẽ là nguồn mạch Thần Linh đổ xuống cho tất cả nhân loại. Trong lúc Người lãnh nhận phép rửa, ‘các tầng trời mở ra’ (Mt 3:16) – các tầng trời bị tội lỗi Adong đóng lại – và các giòng nước được thánh hóa bởi việc Chúa Giêsu dìm mình xuống cũng như bởi Thần Linh, đó là một dạo khúc mở màn cho cuộc tân tạo”.

Đối với tôi, việc Chúa Kitô lãnh nhận phép rửa không phải là vì nhân tính của Người có tội như bản tính hư hoại của loài người chúng ta, mà là để nhân tính ấy được tràn đầy Thần Linh. Cũng giống như việc Người ăn chay và chịu cám dỗ trong hoang địa 40 đêm ngày không phải là vì nhân tính của Người đầy đam mê nhục dục cần phải khổ chế và đền tội như loài người tội nhân chúng ta, mà là để nhân tính đầy Thần Linh của Người trở thành phương tiện cho Thiên Chúa sử dụng trong việc chế ngự sự dữ và cứu độ thế gian. Thật ra, nhân tính của Người đã được tràn đầy Thần Linh ngay từ giây phút nhập thể trong lòng Trinh Nữ Đầy Ơn Phúc Maria. Thế nhưng, vì Người cần phải thông ban mức độ tràn đầy Thần Linh của mình ra cho chung nhân loại cũng như cho riêng Giáo Hội của Người nữa, điển hình sau khi phục sinh từ trong kẻ chết, tức lúc nhân tính của Người hoàn toàn hiển linh, Người đã hiện ra với các tông đồ và thở hơi trên các vị để các vị “nhận lấy Thánh Linh” (Jn 20:22), mà Người cần phải tỏ mình ra Người thực sự là Đức Kitô, tức là một Đấng được xức dầu, một Đấng đầy Thần Linh, tức là một Đấng Thiên Sai. Và tác động thích hợp nhất và ý nghĩa nhất để tỏ mình đầy Thần Linh cho phần rỗi của loài người chính là việc Người lãnh nhận phép rửa của Gioan Tiền Hô tại sông Dược Đăng khi bắt đầu xuất thân cứu nhân độ thế.

Lạy Cha chúng con ở trên trời, Cha đã sai "Người Con duy nhất đến từ Cha, đầy ân sủng và chân lý", để "Người mang công chính đến cho các dân tộc... làm giao ước của dân, làm ánh sáng cho các dân tộc..." (bài đọc 1) - xin Cha "chúc phúc cho (chúng con) trong cảnh thái bình" (đáp ca), thành phần "người mù... tù nhân... sống trong tăm tối" (bài đọc 1), đã được Người, qua Bí Tích Rửa Tội, "mở mắt (lương tri) cho... giải tỏa tình trạng (ma qủi) cầm buộc cho... và đưa ra khỏi ngục (thế gian)" (bài đọc 1).

Thực Hành Sống Đạo:

Luôn là nơi để Thiên Chúa có thể tỏ mình Ngài ra qua việc chúng ta chu toàn những gì Ngài muốn.

Bài Phúc Âm hôm nay cho chúng ta thấy những điều sau đây. Thứ nhất, mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi: Thần Linh qua hình ảnh chim câu, Ngôi Con qua hình ảnh một con người, và Thiên Chúa qua tiếng nói phát ra từ trời. Thứ hai, Thiên Chúa Ba Ngôi lần đầu tiên tỏ mình ra (được biểu hiệu qua hình ảnh “mở ra” của “các tầng trời”) chỉ sau khi Chúa Giêsu chịu phép rửa (ở chỗ khi “Chúa Giêsu lên khỏi nước”). Thứ ba, con người Giêsu muốn Gioan làm phép rửa cho mình để Người có thể tỏ mình ra Người là Con Thiên Chúa; và Thiên Chúa đã chứng nhận con người Giêsu này thực sự là Con Thiên Chúa qua Thần Linh của Ngài “ngự xuống… đậu trên Người”. Thư bốn, trong số những người Do Thái bấy giờ đến xin Thánh Gioan Tẩy Giả làm phép rửa cho có Chúa Giêsu, nhưng mọi người không biết Người cho đến khi Gioan nhận ra Người, nhất là cho đến khi Người được Thiên Chúa chứng nhận. Vậy, giờ đây chúng ta hãy cùng nhau sinh hoạt Lời Chúa bằng trò chơi “Này là Con Ta yêu dấu”.

 

                   trang suy niệm hằng tuần