Thứ năm tuần thánh - Năm A
THỨ NĂM TUẦN THÁNH
Hương Vĩnh

Nếu ai có dịp hành hương Thánh Địa và thăm viếng căn phòng Tiệc Ly, có thể sẽ rất ngạc nhiên, ngay cả sửng sốt nữa, khi thấy căn phòng đó đơn giản làm sao! Không có gì ở trong căn phòng đó gợi lên chút xíu về điều đã xảy ra ở giữa bốn bức tường khép kín vào tối Thứ Năm Tuần Thánh thứ nhất đó. Không có gì cho thấy điều đã xảy ra hôm đó có thể tồn tại mãi mãi về sau và khiến cho thế giới xưa kia không còn bao giờ như thế nữa. Tôi không tin bất cứ căn phòng nào - vì ý nghĩa lịch sử của nó - đã có thể tầm thường và đơn giản như thế. Tuy nhiên tính chất rất tầm thường và đơn giản đó đã làm vang vọng điều mà Chúa Giêsu đã nói và đã làm vào tối hôm đó và sẽ không bao giờ bị lãng quên được.

 

Chúa Giêsu và các môn đệ Ngài qui tụ ở đó để mầng lễ Vượt Qua hằng năm. Đó cũng là bữa cơm tối cuối cùng của họ khi tất cả mọi người họp mặt đông đủ. Quang cảnh rõ thật là một tấn đại bi kịch. Không ngạc nhiên chút nào, Chúa Giêsu đã mở miệng ra và nói từ con tim của mình về những điều mà Ngài ấp ủ trong lòng: thật đúng là một bài diễn văn giả biệt! Ngài nói về tình yêu và những hoài vọng của Ngài đối với họ, về những ưu tư của Ngài là họ sẽ bị tan rã khi Ngài ra đi. Chúa Giêsu tiếp tục nói lâu dài, nói từ trong con tim của mình. Giữa khi Ngài bộc lộ tâm tình như thế thì một sự cải vã nho nhỏ xảy ra giữa họ, cơ hồ làm hỏng hết ý nghĩa của buổi họp mặt hôm đó. Họ muốn biết ai trong đám họ là người lớn nhất. Đó là một cuộc tranh chấp quyền bính. Họ tranh giành địa vị. Họ muốn biết ai là người ở trên chóp bu. Thật là một điều không thích hợp và không thích đáng chút nào. Chẳng khác nào Chúa Giêsu không có mặt ở đó. Chẳng khác nào Ngài đã bị mất họ hết rồi. Họ ở trong một căn phòng với Chúa Giêsu nhưng họ đã xa cách nhau vạn dặm. Họ không cố nghe Chúa Giêsu nói. Họ đã ở trên sàn nhà đó nhiều lần trước kia rồi nhưng vẫn còn một vấn đề nghiêm trọng xảy ra. Họ đang cải nhau ầm ĩ vào giờ nầy đây và khiến Chúa Giêsu bị rơi vào tình trạng sửng sốt bàng hoàng. Tôi không biết Chúa Giêsu có chớp mắt, ngước nhìn lên trời và lắc đầu lia lịa hay không? Hoặc Ngài cảm thấy dở khóc dở cười khi phải chứng kiến cảnh huống lố bịch đó không? Ngài đang đối diện với tử thần và các môn đệ của Ngài đang đấm đá nhau như trẻ con vậy.

 

Những điều chúng ta phỏng đoán trên đây không thành vấn đề nhưng điều hệ trọng là việc Chúa Giêsu đã làm để kéo lôi họ ra khỏi chính con người của họ hầu trở lại với đường đi nước bước của Ngài. Họ cần một quả đấm ngàn cân, một sự chữa trị bằng một cú điện giựt thật mạnh để đem họ trở về lại trên mặt đất. Vì vậy Ngài đã lấy một bình nước, rót đầy nước vào chậu, quấn một chiếc khăn ngang hông và yêu cầu tất cả họ ngồi xuống. Giờ đây Ngài đã làm cho họ phải chú ý. Khi đến lượt Ngài bắt đầu rửa chân cho họ, họ đã kinh hoàng rúng động cùng tột. Chúa Giêsu là Chúa, là Thầy của họ, là vị cứu tinh, người lãnh đạo và là tất cả của họ nhưng nầy đây Ngài đã tự hạ mình xuống làm người thấp hèn nhất, bằng cách làm một công việc thuộc về hạng tôi đòi hèn hạ nhất. Khi Ngài đến với Phêrô, ông đã phản đối vì thấy rõ những điều ẩn ý bên trong. Có lẽ Phêrô là người khôn lanh nhất trong nhóm họ. Ông là một người lãnh đạo, là cánh tay mặt của Chúa. Ông đã là người lãnh đạo của nhóm lâu rồi trước khi Chúa Giêsu xuất hiện. Chúa đã nhận ra những đức tính lãnh đạo của Phêrô nên đã chỉ định ông làm người kế vị Ngài. Nhưng điều mà Chúa Giêsu đang làm không nằm trong ý hướng lãnh đạo của ông. Ông đã bàng hoàng. Đó là điều bất xứng. Đó là điều làm hạ phẩm giá của Ngài. Phêrô đã hiểu điều mà một người lãnh đạo phải làm. Ông đã khơi mào và làm chủ tình thế. Chúa Giêsu đang bỏ rơi quyền lực. Phêrô đã mất tự chủ và không biết thế nào là phục vụ, nhưng Chúa Giêsu cố thuyêt phục ông. Chúa đã làm đảo lộn toàn bộ hệ thống giá trị và tốt hơn hết là Phêrô nên tin tưởng điều đó. Chúa Giêsu thẳng thắn nói với Phêrô là trừ khi ông để Ngài rửa chân ông - tức là ông phải quan niệm lại vấn đề lãnh đạo - nếu không ông sẽ không thể nào thông phần với Ngài. Đến lúc đó Phêrô bị ngã gục. Phêrô đành đầu hàng, thua trận.

 

Cuối cùng khi Chúa Giêsu đã rửa chân xong, Ngài đứng thẳng dậy và hỏi: "Các con có hiểu điều Thầy đã làm không? Các con gọi Ta bằng Thầy bằng Chúa và đúng Ta là thế đó. Vậy nếu Ta là Thầy là Chúa mà đã rửa chân cho các con, các con nên rửa chân cho nhau. Ta đã làm gương cho các con để các con mô phỏng điều Ta đã làm." Đó là điều chấm dứt ở đoạn Phúc Am Thứ Năm Tuần Thánh. Tại sao điều chấm dứt đó đã làm tôi bàng hoàng, bởi vì câu kế tiếp đã cắt nghĩa toàn bộ ý thức hệ lãnh đạo của Chúa Giêsu: "Ta long trọng nói cho các con biết: không tôi tớ nào lớn hơn chủ mình, không sứ giả nào lớn hơn người sai đi."

 

Điều xảy ra trong tối Thứ Năm đó đã tóm gọn toàn bộ sứ mệnh của Chúa Giêsu. Ngài đã đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ. Ở trong Nước Trời, phục vụ là cai trị.

 

Các môn đệ thực ra lúc bấy giờ đã không thấu hiểu ý nghĩa của việc rửa chân. Phải có thời gian để sứ điệp và gương lành của Chúa Giêsu ngấm xuống. Cuối cùng họ sẽ nhận thấy rằng họ được kêu gọi để sống, không phải cho chính họ mà cho kẻ khác. Sau hết khi họ hiểu được sứ điệp và gương lành của Chúa Giêsu lúc bấy giờ họ mới quấn khăn ngang hông, đổ đầy những chậu nước và rửa chân người khác nhằm mục đích phục vụ Tin Mừng , ở trong tiến trình thay đổi thế giới.

 

Giờ đây đến lượt chúng ta phải bắt tay vào việc và đóng góp vào câu chuyện được kể lại trong Phúc Am. Có thể chúng ta chưa nắm bắt được ý nghĩa của việc rửa chân nhưng hy vọng chúng ta sẽ tham gia mỗi lúc một chút. Cách chắc chắn nhất, chúng ta nên phác họa lại bức tranh đó bằng cách bắt đầu sử dụng bất cứ nền tảng quyền lực nào mà chúng ta có, bất cứ địa vị được tín nhiệm nào mà chúng ta nắm giữ, bất cứ năng khiếu nào mà chúng ta được thiên phú và chúng ta sẽ tổng hợp các thứ đó lại để phục vụ kẻ khác. Rồi thì chúng ta bắt đầu rửa chân một cách can đảm và duyên dáng theo cung cách của Chúa Giêsu.

 

Đừng hiểu lầm, sứ mệnh rửa chân không bao giở dễ dàng cả. Hãy hỏi Chúa Giêsu đi. Hãy hỏi Phêrô đi. Hãy hỏi bất cứ ai đã cố gắng sống nhãn quan đó đi. Nếu chúng ta khôn khéo như Phêrô, chúng ta sẽ hiểu rõ những điều quan hệ và những điểm nối kết từ đó mà ra. Đặt để nhu cầu người khác trước tiên không bao giờ dễ dàng cả. Điều đó đi ngược lại bản năng tự nhiên của chúng ta. Bản năng tự nhiên chúng ta nhắc nhở chúng ta rằng: "Chính tôi, chính tôi mà thôi, luôn luôn là tôi và không ai khác hết." Nhãn quan đối với đời sống rửa chân đã khiến cho quan niệm về cuộc sống đảo lộn khi nhắc nhở chúng ta điều ngược lại: "Không, không phải tôi mà là chính bạn, chỉ bạn thôi, luôn luôn là bạn và không ai hết."

 

Cách thức mà quí bạn rửa chân và cách thức mà tôi rửa chân có thể sẽ khác nhau và thay đổi tùy theo hoàn cảnh cuộc sống. Mỗi người trong chúng ta phải hành động thế nào để chúng ta rửa chân theo cung cách phù hợp với những năng khiếu tự nhiên và ân sủng mà Thiên Chúa ban cho chúng ta.

 

Sau cùng, vấn đề không phải là dễ dàng hay khó khăn, mà là có đáng để chúng ta quàng khăn ngang hông, đổ đầy những chậu nước và rửa chân không? Câu trả lời cũng tương tự như câu trả lời cho hết mọi vấn đề quan trọng khác, tất cả đều phải đến từ bên trong chúng ta mà thôi.

 

 

Phỏng theo bài suy niệm " WASHING FEET" (Rửa chân) của Lm. Vincent Travers O.P. trong sách "IN STEP WITH GOD" (Đồng Hành Với Chúa).

 

 

                   trang suy niệm hằng tuần