Thứ năm tuần thánh - Năm A |
MẦU NHIỆM THÁNH THỂ |
Lm Toma Túy op |
Thưa quý vị, nhân kỷ niệm ngày Chúa lập bí tích Thánh thể, xin gởi đến quý vị vài tư tưởng nhỏ để tuỳ nghi sử dụng. Trước hết về ý nghĩa bữa ăn. Bữa ăn là nhu cầu căn bản của loài người. Ai ai cũng phải ăn uống để sống. Tuy nhiên ăn uống cũng mang lại nhiều vui thích. Trong các thành phố, làng mạc, đâu đâu cũng thấy quán ăn mọc lên như nấm, vậy mà vẫn chưa đủ. Nhà nào cũng có bếp nấu ăn. Tôi không nhớ từ tấm bé đã có lần nào chê ghét ăn uống chưa ? Người ta sáng kiến ra đủ mọi loại lương thực, thực phẩm. Đơn giản như gói mì tôm, thịnh soạn như các cao lương mỹ vị. Những biến cố của cá nhân, gia đình, xã hội đều có bữa tiệc để khoản đãi người thân, bạn bè, khách khứa. Trong đó các món ăn giữ phần quan trọng nhất. Sinh nhật, cưới hỏi, giỗ chạp, thăng quan, tiến chức, đỗ đạt, hội hè, ngoại giao, quốc khánh, nhóm họp lớn bé đều có các bữa tiệc ghi dấu. Cho nên ăn uống là sinh hoạt quan trọng nhất của con người. Không những nó nuôi sống chúng ta, nhưng còn thắt chặt tình đoàn kết nhân loại. Nó gắn bó ông bà, cha mẹ, con cái trong gia đình. Nó chia sẻ tình làng nghĩa xóm, thân nhân, bạn bè. Nó hàn gắn mối bất hoà giữa các quốc gia, quốc tế. Trong các tôn giáo bữa ăn còn giữ vai trò quan trọng hơn. Từ ý nghĩa vật chất chuyển sang ý nghĩa tinh thần. Thí dụ bữa ăn Vượt Qua của dân Do thái hoặc bữa Agapê thánh thể của chúng ta hôm nay. Chúng mang chiều kích thiêng liêng tối quan trọng cho tâm linh mỗi người. Dân Istael kỉ niệm Thiên Chúa giải thoát họ khỏi ách nô lệ Ai Cập, dẫn đưa họ tới tự do của quê cha đất tổ. Người tín hữu qua bữa ăn Thánh Thể kính nhớ Chúa Giêsu đã chịu khổ nạn, chịu chết và sống lại ban ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại. Cho nên Chúa Giêsu đã đánh giá cao các bữa ăn, dù là các bữa Mẹ Ngài nấu ở Najaret, bạn bè thiết đãi trên đường truyền giáo hay bữa ăn thân mật với các tông đồ, môn đệ. Liệu quý vị đã đếm các bữa ăn Ngài dùng trong Phúc âm chưa ? Tôi nghĩ lên đến hàng trăm, hàng chục đến nỗi mấy thầy biệt phái chê Ngài là hay ăn uống (Lc 7,34). Ngài còn là đầu bếp nữa đấy. Hai lần nhân bánh lên nhiều trong sa mạc. Một lần nuôi 5 ngàn, lần khác nuôi 4 ngàn (Mc 6,30; 8,1). Sau khi sống lại Ngài vẫn ăn uống với các môn đệ và còn dọn bữa cho các ông gồm cá nướng và bánh ở bờ hồ Tibêria (Ga 6,29). Ngoài ra trong giáo lý của mình Ngài thường so sánh Nước Trời với bữa tiệc thịnh soạn. Phép lạ đầu tiên Ngài làm là biến nước thành rượu tại tiệc cưới Cana (Ga 2,1). Vậy thì việc ăn uống không chỉ là sinh hoạt thể lí mà còn mà còn là biểu tượng của lương thực tâm linh. Chúng ta không những nhai, nuốt, tiêu hoá thức ăn mà còn chia sẻ mồ hôi nước mắt, nhọc nhằn, tình cảm với nhau. Sau khi rời khỏi bàn ăn, không những chúng ta được lại sức khoẻ thể xác mà còn tăng trưởng tâm linh, thêm phần đoàn kết, liên đới, hoà thuận xã hội. Cho nên người ta chọn bữa ăn để quy tụ, hội họp, vui mừng. Chúa Giêsu cũng đã chọn bữa ăn để trở nên một với tín hữu. Có điều khác biệt là khi chúng ta ăn uống với chủ nhân bữa tiệc. Chúng ta không liên kết nên một với ông ta, mặc dù ông cung cấp lương thực, thực phẩm cho chúng ta. Giỏi lắm thì chúng ta hợp nhất về tinh thần, lòng yêu mến quý trọng nhau. Trường hợp của Chúa Giêsu lại khác. Ngài ban chính thịt máu mình cho chúng ta ăn uống. Ngài nuôi dưỡng nhân loại bằng chính máu thịt mình làm cho linh hồn mỗi người thêm vững mạnh về phần thiêng liêng. Ngài kết hợp với họ trong đời sống siêu nhiên, ban cho họ khả năng bất tử, trường sinh muôn thuở. Điều này không chủ nhân thế gian nào làm được. Ngài kết hợp với khách ăn một cách toàn vẹn đến nỗi thức ăn thể xác chỉ là tượng trưng. Chúng ta có thể nhai, nuốt, nếm, tiêu hoá ông chủ Giêsu mà không gặp trở ngại nào! Ngược lại hoàn toàn ngọt ngào và vui thoả. Lúc Chúa Giêsu tuyên bố chân lý này, thì nhiều người không hiểu. Họ bỏ đi, cho là nghịch nhĩ, khó nghe. Thánh Gioan kể: người Do thái liền tranh luận với nhau sôi nổi, họ nói: “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt của ông ta được?” Đức Giêsu nói với họ: “Thật tôi bảo thật các ông; nếu các ông không ăn thịt và uống máu con người, các ông không có sự sống nơi mình. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời…” Nhiều môn đệ liền nói: “Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi.” (Ga 6,52) Họ ngạc nhiên cũng phải, xưa nay bánh là bánh, rượu là rượu, không hề có chuyện bánh rượu trở nên máu thịt. Tuy nhiên loài người chỉ có khả năng nhìn xem bề ngoài bằng con mắt xác thịt. Ngươc lại, muốn xem thấy Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh thể, nuôi sống đời đời, thì phải chiêm ngưỡng bằng con mắt đức tin. Sau khi truyền phép, chúng ta nhìn ngắm bánh thánh đã là xác thịt và linh hồn của Chúa Giêsu thực sự, thì lời Amen chúng ta thưa lại linh mục để nhận lãnh Thánh thể, biểu lộ đức tin của Hội thánh và của mỗi linh hồn vào chân lý vĩnh cửu Chúa mạc khải cho nhân loại. Qua dòng lịch sử, các tác giả đạo đức đã viết nhiều về chân lý này. Hôm nay chúng tôi chỉ góp lời về ba khía cạnh quan trọng để kỉ niệm ngày Chúa lập bí tích Thánh thể và nâng đỡ các linh hồn còn yếu kém. Thứ nhất, Thánh thể là Bí tích Thiên Chúa hiện diện giữa nhân loại một cách bền vững. Thứ hai, nó là Bí tích tình yêu Thiên Chúa yêu loài người một cách vô điều kiện. Thứ ba, nó là Bí tích qua đó Thiên Chúa truyền lệnh chúng ta hết lòng phục vu tha nhân. Xin khai triển từng điểm một. Thứ nhất: trong Thánh thể Chúa hiện diện bền vững với loài người. Kinh thánh cho hay Thiên Chúa luôn ao ước ở với nhân loại. Ngài đi dạo trong địa đàng với ông Ađam và bà Evà: nghe thấy tiếng Đức Chúa là Thiên Chúa đi dạo trong vườn lúc gió thổi trong ngày. Con người và vợ mình trốn vào giữa cây cối trong vườn, để khỏi giáp mặt với Đức Chúa là Thiên Chúa. Đức Chúa là Thiên Chúa gọi con người và hỏi: “Ngươi ở đâu ?” Con người thưa: “Con thấy tiếng Ngài trong vườn, con sợ hãi vì con trần truồng, nên con trốn.” (St 3,8). Ngài gởi các ngôn sứ đến để hướng dẫn Israel đi theo đường lối Ngài. Ngài ban 10 giới răn trên núi Sinai như luật pháp để chúng ta noi theo, nhờ thế tránh được những sai lầm luân lý đạo đức. Chưa đủ, Ngài sai con một để nên đồng hình đồng dạng với chúng ta, dạy bảo và cứu vớt chúng ta. Đức Giêsu chính là Thiên Chúa sống giữa nhân loại. Thánh Phaolô nói: “Mặc dù Ngài là Thiên Chúa nhưng đã ở trong hình thể loài người như chúng ta và vâng lời chịu chết trên thập tự”. Tuy nhiên để có thể ở lại với con cái sau cái chết, Ngài thiết lập Bí tích Thánh thể. Một sáng kiến nhiệm mầu đầy yêu thương không tìm thấy trong tôn giáo nào khác. Như vậy một đàng Ngài chu toàn thánh ý Đức Chúa Cha, chết đi để trả giá cho tội lỗi nhân loại và đền bù phép công thẳng của vị quan toà Thượng đế. Mặt khác vẫn hiện diện bền vững với loài người. Do đó Bí tích Thánh thể là phương tiện độc đáo Chúa Giêsu có mặt liên tục giữa chúng ta. Chân thật và lạ lùng, ở bữa cuối cùng (lại bữa ăn) với các môn đệ. Chúa Giêsu tuyên bố: “Một ít nữa thế gian sẽ không thấy Thầy, nhưng chúng con sẽ thấy Thầy. Bởi vì Thầy sống và các con cũng được sống” (Ga 16,16). Bằng những lời ấy Ngài hứa sẽ luôn ở với các môn đệ mãi mãi, không những khi mặt trời còn toả sáng mà ngay cả khi đêm tối âm u, khi bình an cũng như khi bão táp hãi hùng. Ngài ở trên thuyền với chúng ta giữa đại dương cuộc đời như xưa Ngài ở trên thuyền với các môn đệ tại biển hồ Tibêria, nhắc nhở các ông: “Ta đây đừng sợ,” trái lại hãy vững tin vào quyền năng Ngài. Các môn đệ đã làm đúng như vậy và sóng gió yên lặng. Các ông trung thành cử hành lễ bẻ bánh và Bí tích Thánh thể để tưởng nhớ đến Chúa, đúng như Ngài truyền dạy. Như thế họ tin vững vàng vào Chúa Giêsu, Ngài sẽ chẳng bao giờ lìa xa mình. Ngày nay chúng ta cũng tin kính y hệt, không có chi sai biệt, và đức tin ấy được gọi là tông truyền, tức truyền lại nguyên vẹn từ các thánh Tông đồ. Trước khi chịu chết Chúa Giêsu khẳng định: “Ta chẳng bỏ các con mồ côi”. Đây không phải là lời nói dối của một tên lừa đảo. Nhưng là chân lý của Ngôi Lời Thiên Chúa, xuống thế gian làm bạn với nhân loại. Một người bạn quý báu chân thật và trung thành. Hơn nữa Ngài là hiện thân của tình yêu Đức Chúa Trời dành cho loài người. Ngài yêu mến chúng ta bằng cách thí mạng sống mình để mưu cầu hạnh phúc đời đời cho từng linh hồn. Xin suy nghĩ kỹ lưỡng hơn về điều này, các bạn sẽ xem thấy một thế giới lạ lùng, đầy yêu thương và hạnh phúc, không thể tìm được ở nơi đâu khác trên thế gian này. Chỉ trong nhiệm mầu Thánh thể mà chúng ta thấy ấm áp, sum vầy mà chẳng bao giờ cảm thấy mình bị bỏ rơi, sống trong cô đơn lạnh lẽo. Các bạn luôn được vững tâm ngay khi thiên hạ tẩy chay hoặc nghĩ mình không xứng đáng được yêu vì có tội. Chúng ta luôn được nghe Chúa lập lại lời phúc âm. Ta sẽ chẳng để các con mồ côi (Ga 14,18). Lời này chính là ý nghĩa của Bí tích Thánh thể. Bởi vì Ngài cam đoan với nhân loại qua Bí tích, Ngài ở với chúng ta luôn mãi. Thứ hai: Thánh thể là Bí tích tình yêu thần linh. Chúng ta định nghĩa tình yêu thế nào? Đúng ra thì không định nghĩa được vì Thiên Chúa là tình yêu. Không định nghĩa được Thiên Chúa thì cũng không định nghĩa được tình yêu. Nó mênh mông bao la, siêu việt vô cùng, ôm ấp cả vũ trụ càn khôn. Nhưng xét về phần nhân loại thì là trái tim, là cảm xúc cho tha nhân. Đôi khi đúng, nhưng cảm xúc không kéo dài mà là từng cơn, từng lúc. Tình yêu phải bền bỉ, một lòng tận tụy với kẻ khác, tự hy sinh bản thân cho tha nhân. Như thế tình yêu kéo dài, nghiêm khắc với chính mình. Chỉ Thiên Chúa mới có thứ tình yêu tinh ròng này, khi Ngài hy sinh trên thập giá. Nhìn lên hình ảnh Giêsu treo trên thập giá, chúng ta cảm nghiệm thế nào là tình yêu đích thực, tình yêu Thiên Chúa nhập thể, còn tình yêu nhân loại nhuốm màu vị kỷ, dục vọng, tham lam, vụ lợi. Tình yêu đích thực đòi hỏi tận tụy, hy sinh như bà mẹ với đứa con thơ. Bí tích Thánh thể là tình yêu vượt xa hơn thế nữa, loài người không thực hiện được. Nó vượt xa khả năng và quyền thế nhân loại. Chẳng người trần nào có thể ban thân mình cho người khác cách tuyệt hảo như Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh thể. Ngài đến với nhân loại bằng mình máu Ngài, linh hồn và thân xác gồm luôn bản tính Thiên Chúa. Ngài trao ban cho chúng ta trái tim yêu thương của Ngài, không tính toán, so đo. Chúng ta được hưởng trọn vẹn Ngôi Lời nhập thể, nguồn mạch khôn ngoan, thánh thiện, thượng trí, hạnh phúc, thiên đàng, quyền năng, sự sống vĩnh cửu,… Đức Giáo hoàng Pio XII đã nói về Thánh thể như sau: “Chúa Giêsu ước ao chuyện vãn với chúng ta thật thân tình, đặc biệt sau khi chúng ta rước lễ”. Như vậy sau rước lễ chúng ta thực sự nên một với Thiên Chúa, sống hạnh phúc thiên triều. Đó là những giây phút quý báu nhất trong cuộc đời người tín hữu. Chúng ta tan biến trong đại dương yêu thương nhưng vẫn còn hiện diện sống động giữa trần gian để làm chứng cho Ngài. Thứ ba: Cuối cùng Chúa Giêsu Thánh thể sai phái chúng ta đi ra phục vụ tha nhân, phục vụ thế giới. Thánh thề không đóng khung trong nhà thờ. Thánh thể vươn tới gia đình, xã hội, trường học, chợ búa, nơi làm việc, công xưởng, bất cứ nơi nào có con người hiện diện, để thánh hóa họ, mang đến cho họ hạnh phúc và bình an. Trái tim chúa Giêsu không chỉ thu hẹp ở một nhóm người, nhóm tu sĩ, linh mục, giáo dân. Ngài ôm cả hoàn cầu, thánh hoá cả vũ trụ, mọi nơi và mọi thời. Nếu nhớ Ngài rửa chân cho các Tông đồ (kẻ được sai đi) trong bữa ăn, ngay trước lúc lập Bí tích Thánh thể? Để làm chi? Làm gương cho chúng ta phục vụ người khác. Vì thế mới có lệnh truyền: “Hãy làm việc này để tưởng nhớ đến Thầy”. Lệnh truyền này không những về việc ăn uống thịt máu Ngài, nhưng còn bắt chước Ngài phục vụ những nhu cầu của tha nhân như Ngài đã làm. Đúng, khi lãnh nhận Bí tích Thánh thể, chúng ta trở nên giống Chúa Kitô, xả thân cứu vớt người khác, làm cho họ nên thánh, nên con Thiên Chúa, anh em với Ngài, đồng thừa tự Nước Trời. Tác giả Gerard Manley Hopkins thú nhận: khi rước Mình Thánh Chúa tôi trở nên Đức Kitô khi xưa. Ông viết thành thơ, nhịp điệu rất cảm động. Chúng ta phải thêm, bởi lẽ đó chúng ta phải tích cực tiếp tục sứ vụ của Ngài, trở nên chân tay, miệng lưỡi, trái tim của Ngài đến với tha nhân, những chi Ngài đã khởi sự làm, chúng ta hãy tiếp tục. Tóm lại, mầu nhiệm Thánh thể là Bí tích Ngài hiện diện vững bền giữa nhân loại. Qua đó Ngài bày tỏ tình yêu thần linh cho chúng ta và sai phái các tín hữu ra đi phục vụ thế giới, qui tụ các linh hồn về với Thiên Chúa. Các Bí tích khác mời gọi nhân loại bằng ơn thánh (grace). Nhưng Thánh thể ban cho chúng ta chính nguồn mạch của ơn thánh đó. Khi chúng ta lãnh nhận Mình Máu Thánh Chúa, chúng ta lãnh nhận toàn bộ Chúa Kitô, nhân tính và thần tính, tình yêu và sự sống, ơn thánh và hạnh phúc trường sinh. Cho nên phải sửa soạn trước và cám ơn sau rước lễ thật nghiêm chỉnh. Chúng ta phải tôn thờ Thánh thể với hết linh hồn, hết sức lực và trí khôn mình. Ngoài Thánh thể chúng ta không có khả năng nên trọn hảo. Các thánh đều là những linh hồn tôn sùng Thánh thể nhiệt thành. Các hoạt động khác không thể so sánh với việc phụng thờ Thánh thể. Nó là chóp đỉnh của phụng vụ, của đời sống Kitô giáo. Nó mang lại cho linh hồn lành thánh niềm tin, sức mạnh, hối cải, chữa lành, hạnh phúc và nhiều ân huệ khác. Vì vậy chúng ta không nên lãnh nhận Mình Thánh Chúa một cách ơ hờ, trễ nãi hay giả hình. Giả sử một ông chủ nhà mời khách sang đến thăm gia đình mình. Tới giờ khách đến ông lại vắng mặt, thử hỏi ông gây thất vọng cho khách biết bao? Cũng vậy, chúng ta mời Chúa đến thăm linh hồn mình, thì phải đón rước Ngài nồng hậu bằng đời sống thánh thiện. Nếu thấy mình còn mắc tội, thì Bí tích Hoà giải là phương tiện hữu hiệu để chuẩn bị linh hồn. Người ta kể chuyện, có một ông vua đến thăm một gia đình thần dân nghèo khó. Ông tàng hình nói với đứa bé con ông chủ nhà: “Con muốn xem lâu đài của ta chăng ? Nó to lớn, lộng lẫy nhất nước. Nó đẹp lắm, khi con ở đó, con sẽ làm vua”. Đứa bé trố mắt nhìn nhà vua và trả lời: “Con chẳng cần, nhà con tuy nhỏ bé, nhưng khi đức vua ở trong đó, nhà con lớn nhất nước và con cũng được làm tể tướng với đức vua”. Chúng ta có thể kể chuyện đó về mình, khi rước lễ. Bởi lẽ Đức Giêsu chính là vua, vua vũ trụ, vua nhân loại. Khi Ngài ngự vào mái nhà linh hồn mình, chúng ta cũng là vua. Amen. |