Thứ năm tuần thánh - Năm A
BÀI TIỆC HUYNH ĐỆ THÁNH THIÊNG
Lm. Jude Siciliano, OP

Tôi không nhớ mình đã được uống rượu từ khi nào. Hồi ấy tôi còn quá non dại. Nhưng tôi có thể xác định rõ ràng mình đã uống ra sao. Bởi lẽ sau này, khi đã lớn, tôi có thể quan sát một ai đó trong gia đình tập cho con cháu nhỏ, lẫm chẫm biết đi, uống rượu lần đầu tiên.

Ông hay bà ta chấm một miếng bánh mì vào ly rượu của mình, cho chúng mút dần rồi sau đó cho ăn cả miếng. Ðiều đó thường xảy ra vào những dịp lễ lớn hoặc cơ hội vui vẻ đặc biệt của gia đình, do quá cưng chiều con cháu. Trường hợp của tôi cũng vậy thôi. Khi đến mươi, mười hai tuổi, trẻ con chúng tôi được uống một muỗng canh rượu mạnh "whisky" đổ vào chén nhỏ bằng hạt mít để sưởi ấm về ban đêm. Lúc đến độ tuổi “teen" mỗi bữa chúng tôi được rót cho một ly rượu đầy. Tôi nghĩ có lẽ trẻ con chúng tôi được đưa dần hội nhập vào thế giới người lớn tuỳ vào lượng rượu chúng tôi được phép uống. Ðiều đó cũng là dấu hiệu chúng tôi đã bước vào tuổi tập ăn, tập nghĩ và dĩ nhiên tập làm nữa. Ly rượu đầy nói với chúng tôi rằng chúng tôi phải chịu trách nhiệm về hành vi hạnh kiểm của mình trong gia đình, hàng xóm, láng giềng. Không thể sống tự do vô trách nhiệm mãi được.

Lúc đến độ tuổi "teen" mỗi bữa chúng tôi được rót cho một ly rượu đầy. Tôi nghĩ có lẽ trẻ con chúng tôi được đưa dần hội nhập vào thế giới người lớn tuỳ vào lượng rượu chúng tôi được phép uống. Ðiều đó cũng là dấu hiệu chúng tôi đã bước vào tuổi tập ăn, tập nghĩ và dĩ nhiên tập làm nữa. Ly rượu đầy nói với chúng tôi rằng chúng tôi phải chịu trách nhiệm về hành vi hạnh kiểm của mình trong gia đình, hàng xóm, láng giềng. Không thể sống tự do vô trách nhiệm mãi được.

Bữa ăn Thánh Thể hôm nay cũng vậy, nguyên thuỷ nó là lễ bánh không men của Cựu ước. Tôi thiết nghĩ chúng ta cũng là những đứa trẻ, quây quần quanh bàn ăn thiêng liêng, cố gắng trở nên các tâm hồn trưởng thành, tức là phần tử đúng nghĩa của một gia đình mới, gia đình Chúa Giêsu, anh chị em thực sự với nhau trong tình yêu bác ái. Chúng ta đã từng ăn bánh, uống rượu thiêng từ bao nhiêu năm qua, đã từng cố gắng nên hình nên dạng con cái Chúa chung quanh bàn tiệc này. Tuy nhiên con đường hoàn thiện còn dài và chúng ta hy vọng từng chút, từng chút một, rượu bánh thiêng sẽ biến đổi mình ngày một nên tốt lành hơn. Hy vọng đó đúng hướng, rất đáng trân trọng, khích lệ. Xin hãy can đảm gạt bỏ khỏi nhân cách những chi không xứng hợp với phẩm chất một thành viên trong đại gia đình thánh thiện. Ðúng thật, bữa ăn hôm nay ám chỉ lời hứa sẽ được hoàn thành. Bởi vì ngày nào đó, con cái Thiên Chúa sẽ cùng nhau dự tiệc với Ðức Ki-tô trong nền viên mãn của triều đại Ngài. Hiện nay, Nước Ngài đang hiện diện, nhưng chưa đạt tới mức tròn đầy. Bổn phận chúng ta phải thúc đẩy cho công việc này hoàn thành nhanh chóng bằng cách năng lãnh nhận Bí tích tình yêu.

Trước khi dự tiệc Bánh rượu, chúng ta nghe đọc Tin mừng và Chúa Giêsu nói với mỗi người hiện diện: đây là Máu giao ước mới, sẽ đổ ra cho muôn người. Thực ra, Chúa lập giao ước này hai lần, một lần trên bánh vào lúc khởi đầu bữa ăn, và một lần trên rượu vào cuối bữa ăn (1Cor 11, 25). Ðó cũng là nghi lễ phụng vụ Thánh Thể của các giáo đoàn tiên khởi, nghi thức còn nhiều chi tiết cảm động, nhưng các thánh sử chỉ ghi lại các điều căn bản, bắt đầu từ thánh Phaolô. Ngày nay trong kinh nguyện Thánh Thể, các linh mục đọc: "Này là chén Máu Ta, máu giao ước mới, giao ước vĩnh cửu sẽ đổ ra cho các con và mọi người được tha tội". Vậy khi phán những lời này Chúa Giêsu muốn nhắm tới ai? Nhiều người hay tất cả? Ðối với các môn đệ người Do thái ngồi quanh bàn Tiệc ly thì có lẽ "nhiều người" ở đây có nghĩa là các dân ngoại, không được phép hiện diện tại bàn ăn này. Tức là, Chúa muốn nói đến những người mà các nhà lãnh đạo đền thờ gạt bỏ ra ngoài kẻo làm nhơ bẩn sự thanh khiết của Ðạo. Nghi lễ tiệc ly chỉ dành cho người Do thái chính hiệu mà thôi. Như thế, lúc này Chúa muốn bao gồm luôn cả các thứ người khác nữa.

Phần chúng ta, khi tham dự Thánh lễ, "nhiều người" hay "những người khác" là ai? Nghĩa là những kẻ không được dự tiệc với chúng ta? Trong các giáo xứ quy củ "nhiều người" có thể là những gia đình thiếu thốn về tiền bạc, nói trắng ra, đó là những kẻ nghèo khó, không đủ cơm ăn áo mặc, không có lấy một bộ đồ lành lặn để đi dự Thánh lễ, những người không cùng giai cấp, địa vị với chúng ta, các khách ngoại kiều đến trú ngụ, không cùng ngôn ngữ, tập quán, giáo dục như chúng ta. Ở trong xóm đạo da trắng nghèo "nhiều người" có thể là những kẻ di dân mới đến đe doạ công ăn việc làm của mình. Ở các cộng đồng da đen, "người khác" có thể là những dân châu Mỹ La tinh. Ðối với dân da vàng Á Châu, "họ" không ai khác là những người Mỹ gốc Mễ bên cạnh... Cứ thế danh sách những kẻ bị loại trừ kéo dài dễ thường đến vô tận.

Cho nên Chúa Giêsu không thể hiện diện để chúc lành cho các cộng đồng giáo xứ, khi còn mãi não trạng như vậy. Nếu như chúng ta thực sự lắng nghe lời Ngài trong các bài đọc của Thánh lễ. Thì bữa ăn thiêng liêng kế tiếp phải trở nên thách đố để bao gồm luôn kẻ "ngoài lề", đón chào họ vào các buổi phụng vụ, vào sở làm và xã hội của mình. Trên thánh giá Chúa Giêsu giang rộng hai tay, đổ hết máu mình, để ôm ấp, tẩy sạch mọi người, thì không lẽ gì chúng ta loại trừ ai? Ðúng lý, khi nâng chén rượu lên môi uống, chúng ta phải nhìn qua miệng chén, để nhìn thấy mọi người đang hiện diện với mình, gồm cả các linh hồn chúng ta đang muốn tránh né. Lúc này không phải là lúc hiềm tỵ nữa mà là Agape hoàn hảo. Chúng ta còn phải tưởng nghĩ đến cả những linh hồn khốn khổ vì tội lỗi, đang cầu khẩn xin ơn Thiên Chúa tha thứ và lớn lên về đàng thiêng liêng. Cánh tay giang rộng của Chúa Giêsu cũng nhắc nhớ chúng ta cầu nguyện cho các linh hồn đã bỏ đạo, không bao giờ bước vào thánh đường nữa. Ngài đã đổ máu ra cho những kẻ lành, thì Ngài cũng dâng mình Ngài cho những kẻ dữ nữa. Chúng ta chớ để xót một ai trong khi tham dự bàn tiệc thánh. Ðó là điều thánh Marcô nhắc nhở trong Tin mừng hôm nay. Chúng ta phải có cái nhìn của Chúa Giêsu. Ngày nào đó Ngài sẽ trở lại cùng chúng ta uống: "sản phẩm mới của cây nho này trong Nước Thiên Chúa". Chúa Giêsu, thực tế, đã trông thấy trước những ai cùng tham dự bàn tiệc Thiên Quốc với Ngài. Chúng ta phải tiến triển mỗi khi ăn bánh uống rượu thánh để có được cái nhìn của Ngài.

Nói như thế không có nghĩa mọi sự sẽ đồng nhất trong bữa tiệc thánh thể. Nếu đúng phải như vậy, thì buồn chán biết bao! Khi tham dự thánh lễ, chúng ta mở lòng ra đón nhận Thiên Chúa và đồng loại. Chúng ta rước Mình Máu Chúa để lớn lên trong tình yêu. Mình Máu Chúa lôi kéo chúng ta đến với Chúa Phục Sinh và anh em ruột thịt. Nhưng giáo xứ vẫn là cộng đồng nhiều thành phần. Nhóm này ưa thích bầu khí yên tĩnh, trầm lặng và nhiều kính trọng. Nhóm khác thích ồn ào, hoạt động xã hội, hoà đồng. Nhóm thích xây nhà thờ, nhóm khác lại thích trường học, nhà thương. Người thì bảo toà giảng không phải là nơi tuyên truyền chính trị, phe nhóm. Kẻ khác nói phải tích cực chống xì ke, ma tuý, tham nhũng, hối lộ. Người đi lễ Thứ bảy cho được ngắn gọn, tránh bài giảng dài. Người khác lễ chính tiệc 8 giờ, nghiêm trang sốt sắng hơn, ca đoàn hát hay... Như vậy chúng ta đến nhà thờ với nhiều tâm trạng khác nhau, nhiều khuynh hướng xã hội, chính trị, văn hoá, thần học, phụng vụ khác nhau. Không thể đồng nhất được. Ðòi hỏi đồng nhất là vô lý. Chúa biết chúng ta cần ơn trợ giúp để hoà hợp với nhau. Nhưng dù thế nào đi nữa thì khi tham dự bàn tiệc Mình Máu Thánh, chúng ta phải nên một với Chúa và với anh em. Bởi lẽ như thơ Do thái nói: "Chúng ta chỉ có một Ðấng trung gian của giao ước mới giữa Thiên Chúa và loài người là Ðức Giêsu Kitô" (13,24). Ngài đã chết để giao hoà mọi mối bất đồng.

Khi ăn bánh và uống chén thánh, chúng ta hy vọng sẽ vượt qua hết mọi khó khăn, chia rẽ, để kết hiệp nên một thân thể mầu nhiệm Chúa. Thực sự thân thể này đã hiện hữu và đang trở nên hoàn thiện. Mọi cố gắng hằng ngày, hàng tuần, hàng tháng, hàng năm của cộng đoàn phải nhằm đến mục tiêu đó. Chúng ta hy vọng sẽ lớn lên để trở nên các tín hữu trưởng thành trong Nước Thiên Chúa. Không tự kiêu, tự đắc, tự mãn chúng ta tiến lên bàn tiệc Mình Máu Chúa, nhận biết mình còn bất toàn, còn nhiều thiếu sót và cần đến ơn Chúa thay đổi. Chúng ta cũng muốn đổi thay cuộc đời mình và bữa ăn thiêng bảo đảm điều ấy. Lời Chúa trong thánh lễ hôm nay khai mở cho nhân loại một viễn tượng hạnh phúc vĩ đại là Nước Thiên Chúa. Nó được thể hiện trong Bí tích Thánh thể, một thực tại, một triều đại đang đến, nhưng chưa hoàn thành đầy đủ. Xin mời mọi người đến tham dự, bởi lẽ mọi người đều đói khát. Một Ngày cùng nhau ăn bánh, uống chén trong một triều đại hoàn toàn mới, hoàn toàn viên mãn.

Hôm nay khi trao Mình Thánh Chúa cho các tín hữu, linh mục thừa tác đọc: "Mình Thánh Chúa Kitô, Máu Thánh Chúa Kitô". Phần tôi, tôi có thói quen nhìn thẳng vào người lãnh nhận và nhủ thầm trong lòng rằng chính họ là máu thịt Ðức Ki-tô, họ đến nhận sức sống của mình để ngày càng được trở nên, đồng hoá, biến đổi theo hình dạng Ðức Ki-tô Giêsu. Như thế cũng có nghĩa các linh mục nói với họ: "Quí vị là thân thể Ðức Ki-tô, lương thực này giúp quí vị dần dà trở nên một Ðức Ki-tô mới trong thế giới". Ngày đại lễ hôm nay cũng có những cuộc rước kiệu lớn, có khi khắp chung quanh làng xóm. Nhiều giáo xứ trên đất nước Hoa Kỳ còn giữ được thói quen tốt lành này. Nhưng cũng có nhiều giáo xứ đã bỏ. Dầu có hay không, thì ở cuối thánh lễ, mỗi người tín hữu cũng được sai đi vào thế giới để trở nên Mình và Máu Ðức Ki-tô. Như vậy, hôm nay chúng ta cử hành lễ trọng kính Mình thánh Máu thánh Chúa, là cử hành chính thực tại của mình trong thế gian. Amen.

Danh ngôn Trung Hoa: Muốn vui một ngày thì uống rượu. Một tuần: Nuôi chim. Một tháng: Cưới vợ. Trọn đời: Đi tu.

Vậy thì rước lễ sẽ được vui muôn thuở.

 

                   trang suy niệm hằng tuần